Thị trường nhà ở Trung Quốc sụt giảm sâu thêm khi giá nhà và doanh số bán hàng ngày càng giảm
Thị trường nhà ở Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh vào đầu năm 2022. Mặc dù chính phủ đã dỡ bỏ một số chính sách hạn chế vào cuối năm ngoái, thị trường nhà ở cho đến nay vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng lao dốc.
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy vào giữa tháng Ba, giá trị nhà bán được trong hai tháng đầu năm 2022 đã giảm 22% so với năm ngoái. Dữ liệu riêng biệt từ nhà nghiên cứu Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc (CRIC) chỉ ra rằng doanh số bán hàng tại 100 công ty địa ốc hàng đầu của đất nước đã giảm 47% trong tháng Hai.
Ông Lâm Ba (Lin Bo), giám đốc nghiên cứu của CRIC cho biết: “Thị trường vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ ràng. Trên thị trường nhà ở, “cung, cầu, và giá cả đang đi xuống,” ông nói thêm.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới đã giảm 0.13% trong tháng Hai so với tháng trước, đánh dấu tháng giảm thứ sáu liên tiếp. Người mua do dự không muốn thế chấp khi nền kinh tế đang bị cản trở bởi đợt gia tăng khác của các ca nhiễm virus corona và các đợt phong tỏa tiếp sau đó, khiến tình hình việc làm trở nên không chắc chắn.
Nhà phân tích nghiên cứu của CRIC, ông Dương Khoa Vĩ (Yang Kewei), đã viết trong một ghi chú rằng, “Tâm lý chờ đợi của người mua vẫn đè nặng lên thị trường nhà ở,” đồng thời cho biết thêm “thị trường chưa chạm đáy.”
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các khoản vay trung và dài hạn mới cho các gia đình, hầu hết được cho là vay thế chấp mua nhà, đã đạt mức âm ròng trong tháng Hai. Đây là lần đầu tiên trong vòng ít nhất 15 năm, bất chấp nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm cắt giảm lãi suất đi vay, hoặc chính phủ địa phương giảm thuế suất và giảm yêu cầu đặt cọc.
Một báo cáo chính thức tiết lộ, trong hai tháng đầu năm 2022, diện tích đất mua của các chủ đầu tư cũng như diện tích nhà mới xây và nhà hoàn thiện, lần lượt giảm 42%, 12%, và 10% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã phải chịu áp lực kể từ khi chính phủ đặt ra các giới hạn về thói quen vay quá mức của họ vào mùa hè năm 2020. Các nhà đầu tư đã bán phá giá trái phiếu USD của nhà phát triển, đẩy lợi suất trung bình lên khoảng 30% trong những tháng gần đây, khiến hầu hết các nhà phát triển phải trả quá đắt khi huy động tiền trên thị trường nợ. Để tránh vỡ nợ, nhiều chủ đầu tư đang tranh giành để bán nhà với mức chiết khấu cao và nhanh chóng bảo đảm tiền mặt, điều này càng làm giá giảm.
Các quan chức Trung Quốc hôm 16/03 thông báo rằng họ sẽ thực hiện các biện pháp “mạnh mẽ và hiệu quả” để giảm thiểu rủi ro trong các công ty bất động sản, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang mô hình phát triển mới. Phát ngôn lạc quan này có thể đã mang lại cho các nhà đầu tư một số hy vọng, thúc đẩy một đợt tăng giá cổ phiếu, nhưng nội dung của các chính sách cuối cùng sẽ được đưa ra vẫn chưa rõ ràng.
Bà Kristy Hung, một nhà phân tích bất động sản Á Châu tại Bloomberg Intelligence, nói rằng bất kỳ biện pháp nới lỏng tích cực nào được khai triển vào thời điểm này có thể là “quá ít, quá muộn”.
Theo dữ liệu của Refinitiv, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có khoản nợ trị giá 117 tỷ USD đáo hạn vào năm 2022, với 36 tỷ USD trong số đó được tính bằng USD.
Fitch Ratings tuyên bố hồi đầu tháng Ba rằng, “Sẽ không có sự cải thiện đáng kể nào trên thị trường vốn (đối với lĩnh vực bất động sản) trong 3 đến 6 tháng tới,” vì các nguyên tắc căn bản của ngành và nhu cầu của nhà đầu tư vẫn còn yếu.
Một số nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng đà tăng của cổ phiếu bất động sản không bền vững, do thực tế là nó diễn ra trong bối cảnh các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề.
Tuần trước (14-20/03), Fitch Ratings đã hạ bậc Xếp hạng Vỡ nợ của Nhà phát hành (IDR) của Sunac China, nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba Trung Quốc theo doanh số, 3 bậc xuống “B-” khiến công ty khó vay tiền hơn. Nhà phát triển này có thể không thể trả được khoản nợ khổng lồ gần 4 tỷ USD đến hạn trong năm nay. Ba công ty xếp hạng đã giảm xếp hạng của công ty này trong tháng Một và tháng Hai, làm tăng rủi ro trả nợ.
Nhà phát triển mắc nợ Evergrande có khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đang chịu áp lực trả tiền cho các nhà cung cấp và người lao động di trú cũng như hoàn thành hàng triệu ngôi nhà chưa hoàn thiện. Công ty cùng với các chi nhánh của mình đã tạm ngừng giao dịch cổ phiếu tại Hồng Kông hôm 21/03, theo hồ sơ giao dịch.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc là một yếu tố đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, chiếm từ 17 đến 29% GDP tùy thuộc vào các ngành nó bao trùm, chẳng hạn như thép, xi măng, thủy tinh và thiết bị gia dụng, tất cả đều dễ bị tổn thương do nhu cầu nhà ở giảm.
Do Fran Wang thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: