Thế nào là giáo dục cổ điển?
Giáo dục cổ điển là chủ đề của năm được các chuyên gia đặc biệt lưu tâm. Và các chuyên gia cho rằng nền giáo dục chân chính là nền giáo dục phải hướng người học đến việc vun bồi đức hạnh.
Trí tuệ và đức hạnh là những giá trị luôn được đề cao trong giáo dục cổ điển. Ngoài ra, giáo dục cổ điển là nền học vấn của sự thật, là nền học vấn luôn hiển dương những điều tốt đẹp và cao thượng.
Tạp chí American Essence đã phỏng vấn 5 chuyên gia giáo dục — những người đang nỗ lực trong công cuộc lan truyền nền giáo dục chân chính này – để làm rõ cho độc giả thế nào là một nền giáo dục cổ điển. Và quan trọng hơn, họ sẽ tiếp tục giải đáp một khúc mắc khác: tại sao nền giáo dục này lại quan trọng trong kỷ nguyên của chúng ta?
Chúng tôi trân trọng gửi đến quý độc giả nội dung các cuộc phỏng vấn.
Cuộc Phỏng vấn với Tiến sĩ Alyssan Barnes
Tiến sĩ Barnes làm việc cho chương trình Senior Faculty và là Giám đốc Credential Program tại viện Giáo dục Công giáo khai phóng – The Institute for Catholic Liberal Education.
American Essence: Vì sao Ngài lại quan tâm đến giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Barnes: Giống như những người khác, tôi được thụ hưởng một nền giáo dục phổ thông K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12). Mãi cho đến khi học cao học tại Đại học Dallas, nơi có lịch sử lâu đời trong việc cam kết theo đuổi những giá trị của nghệ thuật khai phóng và truyền thống phương Tây, tôi mới bắt đầu được thụ nhận nền giáo dục cổ điển.
Tôi học bằng cách nghiên cứu văn học, các phương pháp hùng biện, triết học và tiếng Latin. Tôi cảm thấy như mình vừa bừng tỉnh trong suốt quá trình theo đuổi việc học vào thời điểm đó. Vì thế, lúc đó, tôi mong muốn được tiếp tục trau dồi học vấn.
Và tôi đã đào sâu việc học bằng cách giảng dạy lại những điều đã học!
Thế nên, tôi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại một trường học truyền thống ở nội thành Dallas. Và đây cũng là lúc tôi chính thức làm việc trong lĩnh vực giáo dục cổ điển.
Tôi đã có các nghiên cứu và bài viết về giáo dục cổ điển. Và đây cũng là đề tài cho luận văn của tôi. Và với tư cách là một giáo viên trung học, tôi đã viết một vài cuốn sách dành cho khuôn khổ của lớp học, trong đó có cuốn Rhetoric Alive: Practice Persuasion và Rhetoric Alive: Senior Thesis Student Workbook.
Gần đây tôi đã rời môi trường giảng dạy tại lớp học để làm việc cho Viện giáo dục Công giáo khai phóng – Institute for Catholic Liberal Education với mục tiêu áp dụng rộng rãi các chân giá trị giáo dục cổ điển đối với những trường dòng. Tôi cảm thấy mình thật vinh hạnh khi được góp sức để hồi sinh nền giáo dục này.
American Essence: Vậy đâu là định nghĩa đúng nhất cho câu hỏi, “giáo dục cổ điển là gì”? Và giáo dục cổ điển có gì khác biệt so với giáo dục hiện nay?
Tiến sĩ Barnes: Sẽ có nhiều câu trả lời (cho câu hỏi trên) mà bạn có thể tìm thấy. Ví như, một số người tin rằng việc có mặt của môn tiếng Latin là dấu hiệu của một nền giáo dục cổ điển. Trong khi đó, lại có người cho rằng giáo dục cổ điển liên quan đến việc học Những danh tác của thế giới phương Tây. Chưa hết, một số người bị ảnh hưởng bởi tác phẩm Công cụ học tập bị mất – The Lost Tools of Learning của tiểu thuyết gia Dorothy Sayers lại hiểu rằng giáo dục cổ điển là một loại mô hình giáo dục đặt trọng tâm vào việc phát triển ngữ pháp, logic học, khả năng hùng biện tại các giai phát triển cụ thể của trẻ.
Tuy nhiên, mục tiêu của giáo dục là sự khác biệt lớn nhất giữa giáo dục cổ điển và mô hình lớp học thời hậu Dewey. Giáo dục hiện đại xoay quanh mục tiêu để có được một công việc. Vì thế, nền giáo dục hiện đại dạy học sinh những kiến thức để sau này có thể ứng dụng trong công việc. Đó là một mô hình giáo dục đặt nặng hiệu năng trong công việc.
Ngược lại, nền giáo dục cổ điển lại ưu tiên việc giáo dưỡng các em thành những con người tử tế. Vậy, đối với một con người, đâu mới là mục tiêu đúng đắn? Đó chính là trí tuệ và đức hạnh! Chính xác hơn, đó phải là trí tuệ và đức hạnh được hiểu trong phạm trù khám phá và nắm bắt những giá trị thực tế.
Để diễn giải, nhà văn C.S. Lewin chỉ ra rằng giáo dục hiện đại muốn thực tế phù hợp với ý chí, trong khi giáo dục cổ điển hướng ý chí sao cho phù hợp với thực tế. Nhìn nhận một cách khái quát về lịch sử của nhân loại, ta có thể thấy giáo dục cổ điển hướng con người, đặt định con người trên một lộ trình để phát triển nhân tính.
Một khi mục tiêu của giáo dục đã được đặt ra, bạn có thể dùng nó để tham chiếu nhằm xem xét những nguyên liệu phù hợp nhất với nền giáo dục này hoặc cân nhắc xem đâu là mô hình giáo dục ưu việt nhất.
Tôi chắc rằng, đến đây, nhiều người đều sẽ nghĩ đến Những danh tác của thế giới Tây phương, những tác phẩm được dạy cho lớp lớn. Và những tác phẩm này, ít nhất, cũng hướng đến việc giúp trẻ phát triển theo thiên hướng tự nhiên. Tuy nhiên, những tác phẩm này vẫn chưa phải giá trị cốt lõi. Xin nhấn mạnh lần nữa, giá trị cốt lõi của giáo dục chính là mục đích của việc giáo dục.
American Essence: Cuốn sách tiêu biểu nào mà ông sẽ giới thiệu khi đề cập đến những gì một nền giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Barnes: Hết thảy đều phụ thuộc vào những gì bạn đang theo đuổi.
Một tâm trí được tôi luyện – The Well-Trained Mind là tác phẩm của Susan Wise Bauer, là một nguồn tài liệu mang tính thực tiễn, là một tác phẩm tuyệt vời dành cho giáo viên và phụ huynh và những người đang thiết kế lộ trình giáo dục của riêng họ.
Tác phẩm Đại cương về giáo dục cổ điển – An Introduction to Classical Education của Chris Perrin cho độc giả một cái nhìn tổng quát, dễ hiểu, dài 45 trang về nhận thức về giáo dục cổ điển, đặc biệt là trong các trường dòng.
Đối với người Công giáo, tác phẩm Những cải cách trong trường học Công giáo – Renewing Catholic Schools là một ví dụ cho việc quay trở về những di sản của nền giáo dục khai phóng mang đậm màu sắc Công giáo.
Để có một góc nhìn chuyên sâu và học thuật hơn, tác phẩm Lịch sử giáo dục thời cổ đại – History of Education in Antiquity của H.I. Marrou là một quyển sách thật tuyệt vời. Marrou đã ghi nhận sự khởi đầu của nền giáo dục ở Hy Lạp và sự chuyển đổi từ nền giáo dục thiên về quân sự sang nền giáo dục mà ngày nay chúng ta xem là giáo dục cổ điển. Và điều này đã giúp hình thành bảy bộ môn nghệ thuật với những giá trị truyền thống mang tính khai phóng.
American Essence: Vậy đâu là lý do cho phong trào quay về với giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Barnes: Chúng ta đang ở tại một giao lộ. Sẽ là không ngoa khi nói rằng nền giáo dục cấp tiến của xã hội hiện đại khiến chúng ta mất đi nhân tính. Nó mang đến một bức tranh với nhiều thiếu sót, một bức tranh bất toàn về con người. Thêm vào đó, nền giáo dục hiện đại phủ nhận các khía cạnh quan trọng của nhân tính. Nó phủ nhận sự trí tuệ của cổ nhân, phủ nhận lòng tử tế dựa trên trí tuệ và đức hạnh. Nó thực dụng một cách trắng trợn.
Ngược lại, giáo dục cổ điển thực sự mang giáo dục đúng nghĩa đến với nhân loại. Rõ ràng, nền giáo dục cổ điển được bắt đầu với mục đích như thế. Vậy rốt cuộc nhân loại là ai? Vậy làm sao để giúp một cá nhân phát triển hết tiềm năng vốn có? Và điều gì là cốt lõi để giúp nhân loại phát triển đầy đủ tính nhân văn.
Đây là những câu hỏi quan trọng. Và dù những câu hỏi này thường bị cho qua, chúng bao hàm những vấn đề mật thiết mà chúng ta phải hàng ngày đối diện.
Điều nghịch lý là nền giáo dục hiện đại lại không dám đương đầu với những vấn đề này, những khía cạnh mà giáo dục cổ điển xem là phần trọng tâm để giải quyết một cách trực diện. Và hướng giải quyết này ứng với tất cả các môn học bao gồm lịch sử, khoa học thực chứng và giáo dục thể chất. Hết thảy đều được gói gọn trong khuôn khổ để trả lời những câu hỏi đã nêu trên.
American Essence: Làm thế nào để cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ chuẩn bị tốt nhất để đối diện với thế giới thực tại ngay cả khi chúng không được thụ hưởng nền giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Barnes: Thế giới của chúng ta sẽ như như thế nào trong tương lai? Nó sẽ tràn ngập công nghệ. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều công cụ hơn để đạt được những truy cầu của mình. Nhưng bản chất của những truy cầu kia mới là cốt lõi của vấn đề. “Giáo dục không mang đến những giá trị hữu ích vốn có, dường như nền giáo dục hiện đại khiến nhân loại trở nên lọc lõi, để họ tự do bộc phát ma tính,” C.S. Lewis.
Nhà bác học Einstein cũng nhìn ra điểm này: “Khoa học thực chứng mang đến những hy vọng và nỗi sợ nào đối với nhân loại?”
Tôi không nghĩ đó là cách hỏi đúng đắn. Vì cái kết mà công cụ này được tạo ra trong tay của con người đều hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của các mục tiêu. Khi các mục tiêu này được đặt ra, thì các phương pháp khoa học sẽ được phát triển để phục vụ việc đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, giáo dục hiện đại hoàn toàn không thể giải quyết vấn đề căn bản nhất! Theo tôi, kỷ nguyên của chúng ta mang đặc trưng về sự hoàn hảo của các phương tiện nhưng sai lầm trong việc đề ra các mục tiêu. Nói cách khác, sinh viên ngày nay cần trí tuệ và đức hạnh hơn bao giờ hết.
Mặt khác, giáo viên và phụ huynh hầu như đang muốn xoay chiều để trở thành những nhà giáo dục cổ điển. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ thực sự hoàn thành trên công cuộc cải cách này.
Chúng ta biết rằng, học tập là nỗ lực trọn đời, và lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho các bậc phụ huynh và giáo viên là hãy đồng hành cùng con trẻ trên hành trình giáo dục để giúp trẻ hun đúc niềm đam mê học tập. Thoạt đầu, việc áp dụng giáo dục cổ điển sẽ gặp những thử thách, nhưng dần dà mọi chuyện sẽ cái thiện theo chiều hướng tích cực.
Vì chúng ta đang sở hữu những quyển sách quý, những ý tưởng của tiền nhân và những yêu cầu của một nền giáo dục cổ điển đã sẵn có. Một phần, vì chúng rất dễ tiếp cận, và một phần, nền giáo dục khai phóng này sẽ sinh ra trái ngọt với những người theo đuổi. Và hãy nhớ lấy, đối với những người chưa thụ nhận được nền giáo dục cổ điển, hãy để lòng nhiệt thành bù đắp cho khoảng thời gian đã trôi đi.
Cuộc phỏng vấn với nhà giáo dục Martin Cothran
Cothran, một tác giả và nhà giáo dục đi đầu trong phong trào, là đại diện của Trường đại học Memoria, biên tập viên của Tạp chí Giáo viên Cổ điển của Memoria Press, và là giám đốc của Hiệp hội các trường học Latinh cổ điển.
American Essence: Làm cách nào mà ông trở nên quan tâm đến giáo dục cổ điển?
Cothran: Khi tôi làm trong lãnh vực chính sách công cấp tiểu bang ở Kentucky, tôi đã tham gia tích cực vào các hoạt động xoay quanh chủ đề giáo dục và triết lý giáo dục. Đó là thời điểm tôi gặp Cheryl Lowe, người sáng lập của một trường giáo dục theo xu hướng truyền thống và một nhà xuất bản. Tôi đã làm việc trong hội đồng quản trị vào năm 1998 để giúp Memoria Press phát triển thành một trong những nhà cung cấp tài liệu giáo dục cổ điển lớn nhất nước.
American Essence: Vậy định nghĩa nào là phụ hợp nhất mà ông đưa ra khi có ai đó hỏi, “Như thế nào là giáo dục cổ điển?” Giáo dục cổ điển khác với nền giáo dục hiện nay như thế nào?
Cothran: Theo tôi, tương phản với nền giáo dục cấp tiến, giáo dục cổ điển tập trung vào nghệ thuật và khoa học. Mặc dù, có thể bạn cho rằng đây là những môn học mà hầu hết các trường đều cho vào chương trình giảng dạy, nhưng giáo dục cổ điển mang đến những phương pháp mang tính khai phóng để tiếp cận kỹ năng toán học và ngôn ngữ mà bạn nên biết.
Ví dụ, khoa học truyền thống trình bày các khối tri thức có tổ chức bao gồm thần học, giáo lý và khoa học tự nhiên, cũng như khoa học đạo đức – hoặc khoa học nhân văn – bao gồm lịch sử, văn học và triết học. Những môn học nhằm đề cao trí tuệ và kỹ năng được phát triển giúp cá nhân phát triển trí tuệ và vun bồi đạo đức chiểu theo các giá trị chân, thiện, mỹ.
Giờ đây, trên bình diện văn hóa, mục đích là để truyền lại văn hóa Cơ đốc Tây phương. giáo dục cổ điển tồn tại ở Hoa Kỳ cho đến những năm 1920 cho đến khi loại hình giáo dục này được thay thế. Qua các nỗ lực chính trị cấp tiến nhằm tác động đến nền văn hóa, trọng tâm của giáo dục đã thay đổi để khiến trẻ em thích nghi với một nghề nghiệp hoặc công việc.
Ngược lại, nền giáo dục cổ điển nhằm mục đích truyền lại kiến thức và trí tuệ từ thế hệ này sang thế hệ khác thay vì theo đuổi những giá trị khiên cưỡng của chủ nghĩa cấp tiến.
American Essence: Cuốn sách tiêu biểu nào mà ông sẽ giới thiệu khi đề cập đến những gì một nền giáo dục cổ điển?
Cothran: Tôi xin giới thiệu cuốn Bảo tồn nền giáo dục cổ điển – A Defense of Classical Education của tác giả R.W. Livingstone, xuất bản năm 1916. Tại Hoa Kỳ vào thời điểm đó, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi. Và nhiều người cho rằng nền giáo dục cổ điển đang bị đe dọa. Cuốn sách của tác giả Livingstone được viết vào thời điểm những người theo chủ nghĩa cấp tiến đang giành quyền kiểm soát các cơ sở giáo dục. Vì thế, nó được viết giữa những tranh luận. Ông là một nhà giáo dục cổ điển và là nhà trí thức của đại chúng, người đã làm rõ tại sao giáo dục cổ điển nên là khuôn khổ của giáo dục.
American Essence: Đâu là lý do mà người ta tin vào xu hướng quay về giáo dục cổ điển?
Cothran: Một cuốn sách xuất bản năm 1991 của Douglas Wilson: Tìm lại những công cụ học tập đã mất – The Rediscovery of the Lost Tools of Learning, về cơ bản đã tái bản một bài luận văn của Dorothy Sayers, người đã trình bày rõ tại đại học Oxford về ba giai đoạn học tập. Thực tế, mọi người đã ngừng ghi nhớ và nghiên cứu ngữ pháp, ngừng học biện chứng và ngừng hùng biện, cũng như ngừng học logic học. Nhưng bây giờ, chúng ta nhận thấy rằng các giai đoạn này rất chính xác và rất hợp lý. Những công cụ này rất hữu ích cho việc học. Nền giáo dục cổ điển thực chất còn vượt xa hơn thế nữa. Sayers không cho rằng nền giáo dục cổ điển bao gồm việc học Những danh tác của thế giới phương Tây – Great Books và tiếng Latin. Những nỗ lực của Sayers và Douglas dẫn đến một định nghĩa đầy đủ hơn về giáo dục cổ điển vượt ra ngoài các giai đoạn học tập. Giáo dục cổ điển đã được hiện đại hóa nhờ Cheryl Lowe, người sáng lập nhà xuất bản Memoria Press, và cũng được hiện đại hóa bởi những người quan tâm đến nền giáo dục này.
American Essence: Làm thế nào để cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ chuẩn bị tốt nhất để đối diện với thế giới thực tại ngay cả khi chúng không được thụ hưởng nền giáo dục cổ điển?
Cothran: Tất cả những gì ta cần là một số nghiên cứu. Hãy xem xét các yếu tố sẵn có với tư cách là những bậc phụ huynh. Ví dụ, Tạp chí giáo viên truyền thống – Classical Teacher Magazine tiếp tục đưa ra định nghĩa của giáo dục cổ điển.
Và, có một danh sách các tác phẩm cần đọc trong Những danh tác của thế giới phương Tây, nhưng thật ra ta không thể mong chờ những kết quả tích cực nếu độc giả chỉ đơn thuần đọc các tác phẩm này. Chương trình giảng dạy đã được phát triển từ ngữ âm và số học đến văn học và tiếng Latinh. Có rất nhiều tài liệu có sẵn cho các bậc cha mẹ sử dụng để mang đến một nền giáo dục cổ điển cho con cái của họ.
Cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Daniel Scoggin
Tiến sĩ Scoggin là đồng sáng lập của Great Hearts, một mạng lưới các trường công lập do tiểu bang quản lý tại Arizona và Texas. Hệ thống trường học này cung cấp chương trình giảng dạy nghệ thuật khai phóng. Ông cũng là chủ tịch của Quỹ những tấm lòng cao cả – The Great Hearts Foundation.
American Essence: Làm thế nào Ngài tham gia hoặc quan tâm đến giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Scoggin: Tôi đã lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ Anh. Và ban đầu, thú thật, tôi dự định trở thành một giáo sư đại học. Nhưng tôi đã có cơ hội giảng dạy ở thành phố Tempe, tiểu bang Arizona tại một trường bán công truyền thống. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ và sâu sắc hơn nhiều so với việc công tác trong môi trường đại học. Với tư cách là giáo viên, người đào tạo và sau đó là hiệu trưởng, chúng tôi đã bắt đầu thành lập mô hình Quỹ những tấm lòng cao cả – The Great Hearts Foundation. Chúng tôi đã phát triển, và kết quả là gần một triệu học sinh nhận được hình thức giáo dục này!
American Essence: Vậy đâu là định nghĩa đúng nhất để trả lời cho câu hỏi, “giáo dục cổ điển là gì”? Và giáo dục cổ điển có gì khác biệt so với giáo dục hiện nay?
Tiến sĩ Daniel Scoggin: Một nền giáo dục cổ điển phải theo đuổi giá trị đạo đức cao thượng và trí tuệ xuất sắc, là sự kết nối trái tim và tâm trí theo một hệ quy chiếu dựa trên việc vun bồi đức hạnh. Như C. Lewis viết trong tác phẩm Sự bãi bỏ của nhân loại – The Abolition of Man, chỉ ra cho trẻ những gì nên học, để chúng biết yêu cái đẹp và tôn trọng sự thật thông qua những câu chuyện đạo đức. Và hết thảy là để mài giũa năng lực trí tuệ của học sinh.
Đó là nền giáo dục giúp hoàn thiện con người một cách toàn diện nhất, làm phong phú tâm hồn để mỗi cá nhân có thể có cho mình những mục tiêu cao đẹp. Những danh tác của thế giới phương Tây, toán học, khoa học và nghệ thuật đều được sử dụng để bảo tồn và truyền đạt sự kế thừa của những gì có thể cấu thành một con người tử tế.
Nền giáo dục hiện đại hay còn gọi là nền giáo dục cấp tiến nặng về tính thực dụng. Đó là một nền giáo dục sẽ cung cấp cho học sinh “một số thứ” giúp học sinh làm “một số điều” dựa trên một bộ các kỹ năng.
Ngược lại, giáo dục cổ điển không mang tính thực dụng; đó là nền tảng vững chắc cho sự hình thành nhân cách theo một vài khía cạnh mà ta không thể đo lường một cách rõ ràng. Liệu bạn có thể thực sự đem cân một nhân cách rồi đưa nhân cách này vào thực nghiệm không?
Sau tất cả, giáo dục chính là phải đi liền với cuộc sống. Một nền giáo dục cổ điển, xét trên nhiều mặt, là toàn diện hơn một nền giáo dục thực dụng.
American Essence: Cuốn sách tiêu biểu nào mà ông sẽ giới thiệu khi đề cập đến một nền giáo dục cổ điển.
Tiến sĩ Daniel Scoggin: Tôi nghĩ mọi người nên đọc Đề xuất Paideia – Paideia Proposal của tác giả Mortimer Adler. Tác phẩm này giải thích lý do tại sao tất cả học sinh, đặc biệt là những em thụ hưởng nền dục công lập, nên tiếp xúc với những cuốn sách hay, nên tiếp cận với nghệ thuật, nên gần gũi với những giá trị mang tính nhân văn, nên thụ nhận tinh hoa của khoa học khai phóng và toán học. Tất cả học sinh phải được tiếp cận với hình thức giáo dục nhân bản này.
American Essence: Vậy đâu là lý do cho phong trào quay về với giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Daniel Scoggin: Hầu hết các gia đình tin rằng nền giáo dục hiện đại đã mất khả năng phụng sự cho nhân loại, đặc biệt là nền giáo dục này không thể giúp vun bồi đức hạnh. Một thế kỷ trước,… hầu hết các trường đại học và trường dự bị đại học đều cho học sinh học tiếng Latinh và đọc những tác phẩm của hiền triết Cicero. Nhưng, ngày nay, tất cả có lẽ đã bị cuốn trôi bởi một nền giáo dục cấp tiến. Cho nên, các bậc cha mẹ muốn điều gì đó sâu sắc hơn — một hình thức giáo dục thực sự và mang lại lợi ích lâu dài.
American Essence: Làm thế nào để cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ chuẩn bị tốt nhất để đối diện với thế giới thực tại ngay cả khi chúng không được thụ hưởng nền giáo dục cổ điển?
Tiến sĩ Daniel Scoggin: Tôi cho rằng các bậc cha mẹ vẫn có thể khuyến khích con cái đọc những Những danh tác của thế giới phương Tây, đặc biệt những tác phẩm dành cho người trẻ. Họ vẫn có thể dạy trẻ về lịch sử và đưa chúng đến các viện bảo tàng. Tuy nhiên, hết thảy những điều này không chỉ là để chúng tiếp cận với vẻ đẹp tuyệt vời của truyền thống phương Tây mà còn để chúng ta luận giải về những truyền thống này. Các cuộc thảo luận mang theo tinh thần của hiền triết Socrate. Bạn có thể đạt được điều này bằng cách tái cấu trúc các cuộc nói chuyện trong bữa tối của gia đình. Hoặc bạn có thể bắt đầu một bài đọc thành tiếng giữa các thành viên trong gia đình trong 20 phút, sau đó giảm tốc độ. Sau cùng, hãy đưa ra những luận giải về những giá trị cao đẹp rút ra từ bài đọc đó.
Cuộc phỏng vấn với nhà giáo dục Jeremy Tate
Ông Tate, người sáng lập Kỳ thi CLT (Kiểm tra học vấn truyền thống), là người theo đuổi sứ mệnh khôi phục hệ đo lường mang tính chuẩn hóa về học vấn dựa trên những tác phẩm kinh điển và những kỹ năng toán học mang tính ứng dụng.
American Essence: Làm cách nào mà ông trở nên quan tâm đến giáo dục cổ điển?
Ông Tate: Khi lần tôi bắt đầu giảng dạy như một giáo viên thế hệ thứ hai, tôi đã rất ngạc nhiên bởi những gì tôi phát hiện ra khi nghiên cứu cho việc chuẩn bị cho kỳ thi SAT và ACT. Nhìn chung, những kỳ thi này thật vô nghĩa và mang đậm màu sắc chính trị. Đó là một công cụ để thao túng. Khi đào sâu vấn đề, tôi phát hiện rằng các tập đoàn giáo dục lớn nhất đang kiểm duyệt những giá trị trí tuệ mang tính truyền thống, những giá trị đã tạo nên sự đa dạng cho Hoa Kỳ thời lập quốc. Những nhà lập quốc Hoa Kỳ thấm nhuần tư tưởng của triết gia Aristotle, thấm nhuần tinh thần của các triết gia mang tư duy khai sáng, của triết học chính trị. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, có một phong trào đã đẩy lùi tiêu chuẩn sẵn có của giáo dục cổ điển. Nhìn vào các phương pháp sư phạm ngày nay, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng nền giáo dục này là để chuẩn bị cho các em có thể theo đuổi nghề nghiệp trong tương lai và học bậc đại học. Nhưng theo tôi, nền giáo dục hiện đại cũng không thực sự làm được điều này. Tôi không rõ vai trò chính xác của nền giáo dục hiện đại.
American Essence: Định nghĩa tốt nhất mà Ngài đưa ra khi ai đó hỏi, “Nền giáo dục cổ điển là gì?” Nền giáo dục cổ điển khác với nền giáo dục ngày nay như thế nào?
Ông Tate: Thật khó để định nghĩa. Nhưng một nền giáo dục cổ điển phải được sinh ra từ điều kỳ diệu. Nó bắt đầu với sự tò mò về tự nhiên về những gì con người cần chiêm nghiệm về thế giới. Về cơ bản, nền giáo dục cổ điển là để truyền lại kho tàng các công trình học vấn đại cho thế hệ mai sau. Sự khác biệt là ở chỗ giáo dục cổ điển đặt nặng vấn đề tu dưỡng đức hạnh thay vì dấn thân lập nghiệp. Ví dụ, chúng ta phải hỏi tại sao giáo dục hiện đại lại loại bỏ môn logic học. Học sinh và giáo viên ngày nay chưa bao giờ có một lớp học về logic học, vốn giả định rằng một thế giới có thể được biết đến — rằng đúng và sai đã từng tồn tại. Tác phẩm Sự bãi bỏ của nhân loại – The Abolition of Man của tác giả C.S. Lewis, được viết vào những năm 1940, đã luận giải rất đúng về khía cạnh này.
American Essence: Cuốn sách tiêu biểu nào mà ông sẽ giới thiệu khi đề cập đến những gì một nền giáo dục cổ điển?
Ông Tate: Một cuốn sách thực sự quan trọng mà tôi muốn giới thiệu là Nghệ thuật khai phóng – The Liberal Arts Tradition của Tiến sĩ Kevin Clark. Công việc xác định này giúp hiểu được lý do tại sao giáo dục cổ điển khác hoàn toàn với giáo dục K–12 hiện đại.
American Essence: Vậy đâu là lý do cho phong trào quay về với giáo dục cổ điển?
Ông Tate: Andrew Kern, Chris Perrin và Martin Cothran đều đã đóng góp vào thành công của phong trào này! Đó là một phong trào mạnh mẽ bắt nguồn từ thập niên 1970. Mỗi trường theo đuổi giáo dục cổ điển hiện nay đều có một danh sách chờ rất dài với các ứng viên đăng ký. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến các bậc cha mẹ bắt đầu đặt câu hỏi liên quan đến giá trị của việc giáo dục. Bằng cách tự hỏi “tại sao”, bạn có thể hiểu được mọi thứ đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây. Khi cha mẹ được giới thiệu phương pháp giáo dục này, lẽ tự nhiên là họ muốn con mình thích thú với việc học để phát triển đức hạnh và nhân cách.
American Essence: Làm thế nào để cha mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ chuẩn bị tốt nhất để đối diện với thế giới thực tại ngay cả khi chúng không được thụ hưởng nền giáo dục cổ điển?
Ông Tate: Chưa bao giờ là trễ để bắt đầu. Nghịch lý là nếu bạn chỉ nghiên cứu những thứ hiện diện trong kỷ nguyên mà bạn đang sống, bạn sẽ mất đi trải nghiệm được làm một nhà du hành vượt thời gian, và bạn sẽ không thể học được những giá trị trường tồn của một nền giáo dục cổ điển. Hãy đắm mình trong những câu chuyện vượt thời gian. Sự bắt đầu sẽ thật tuyệt vời khi tiếp xúc với tác phẩm thú vị như tuyển tập Truyện ngụ ngôn của Aesop – Aesop’s Fables. Đọc đi đọc lại những tác phẩm này cho con trẻ. Hãy đọc Truyện cổ Grimms, hãy đọc tác phẩm sử thi viết bằng thơ Iliad và sử thi The Odyssey của Homer — đây là những tác phẩm nền tảng của sự kế thừa từ giáo dục cổ điển xét trên khía cạnh văn học.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: