Thành viên phản đối phá thai Lipinski của Đảng Dân Chủ phản ánh về sự thay đổi của đảng
Một trong những nghị sĩ Đảng Dân Chủ cuối cùng phản đối việc phá thai ở Quốc hội đã rời nhiệm sở cuối năm 2020.
Trong tám nhiệm kỳ của mình, ông Daniel Lipinski (Dân Chủ-Illinois) đã chứng kiến số dân biểu của Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai giảm từ khoảng 60 người xuống gần như không còn ai.
Nhiều lần ông cảm thấy áp lực phải đi theo số đông. Ông được yêu cầu phải chọn từ bỏ việc là thành viên Đảng Dân Chủ hoặc từ bỏ việc phản đối phá thai – và ông không thể có cả hai.
Tuy nhiên, ông không nghe theo, và ông tin rằng điều này đã làm ông bị thất cử.
Ông Lipinski nói với The Epoch Times rằng, “Tôi không coi trọng chiếc ghế của mình tại Hạ viện – cũng như việc tôi vinh dự là một dân biểu trong 16 năm – hơn việc tôi coi trọng chuyện ủng hộ những gì đúng đắn.”
Đạo đức dựa trên nền tảng Cơ đốc giáo của ông, cùng với học vấn của một nhà khoa học, đã đưa ông đến quan điểm phản đối việc phá thai.
Ông Lipinski nói: “Đức tin và lý trí đi đôi với nhau. Khoa học cho chúng ta thấy rõ rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Tôi tin tưởng theo khoa học khi khoa học là rõ ràng.”
Ông ở lại Đảng Dân Chủ vì cảm thấy một trong những nguyên tắc nền tảng của nó là giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất.
Ông Lipinski cho biết: “Là một thành viên Đảng Dân Chủ, tôi ủng hộ những người dễ bị tổn thương. Những đứa trẻ chưa chào đời là những người dễ bị tổn thương nhất. Tôi tin rằng phản đối việc phá thai thì phù hợp với việc là một thành viên Đảng Dân Chủ.”
Ông không nghĩ sẽ được biết đến với quan điểm phản đối phá thai của mình. Ông không biết rằng điều đó sẽ làm lu mờ các công việc khác của mình trong Quốc hội như nó đã xảy ra, vì ông ngày càng trở thành một mẫu người hiếm hoi trong một đảng đang dần trở nên đồng nhất.
Một số thành tựu đáng tự hào nhất trong sự nghiệp của ông là việc sử dụng các văn phòng của mình tại địa phương để giúp các cử tri giải quyết các vấn đề hàng ngày của họ, và những luật pháp mà ông đã giúp ban hành liên quan đến giao thông vận tải, khoa học và sản xuất.
Ông cho biết ông luôn là một thành viên ôn hòa của Đảng Dân Chủ, đề cao trách nhiệm tài chính và thúc đẩy sự đồng thuận lưỡng đảng. Vào cuối thời gian tại nhiệm, ông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thay đổi thành thiên tả nhiều hơn trong đảng của ông, cũng như sự bế tắc về vấn đề đảng phái trong Quốc hội.
Noi gương cha
Cha của ông, ông William Lipinski, cũng là một nghị sĩ của Đảng Dân Chủ. Trong tiểu sử của ông William Lipinski trên trang web của Hạ viện, ông được mô tả như là một người trung thành với Đảng Dân Chủ, mặc dù ông không sợ việc phá vỡ đường lối của đảng khi các giá trị đạo đức bảo ông cần làm như vậy.
Ví dụ, ông đã bỏ phiếu ủng hộ cho kế hoạch của Tổng thống Ronald Reagan thuộc Đảng Cộng Hòa nhằm giúp đỡ cuộc chiến chống lại những người theo phong trào xã hội chủ nghĩa Sandino tại Nicaragua vào những năm 1980.
“Ông Tip O’Neil [chủ tịch Hạ viện của Đảng Dân Chủ khi đó] đã đến gặp cha tôi ở phòng họp của Hạ viện và nói chuyện với ông ấy về điều đó. Tip không hài lòng. Nhưng cha tôi chỉ tin vào cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản và nghĩ rằng đó là điều đúng đắn cần làm.”
“Cha tôi đã ủng hộ những gì ông ấy tin tưởng, bất kể đó là điều gì,” ông Lipinski nói.
Ông Lipinski, hiện 54 tuổi, là người gốc Ba Lan và được nuôi dạy theo đạo Công giáo tại vùng tây nam Chicago. Đó là một phần của Quận bầu cử số 3 mà cha ông đã làm đại diện trong hơn 20 năm.
Ông Lipinski học kỹ thuật tại trường Đại học Northwestern và trường Đại học Stanford.
Khi đang học Tiến sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Duke, ông đã xem qua cuốn sách “Nền dân chủ ở Hoa Kỳ” (“De La Démocratie en Amérique”) của Alexis de Tocqueville, cuốn sách mà ông cho rằng có ảnh hưởng lớn đến sự hiểu biết chính trị của ông.
“Một trong những điều quan trọng nhất mà Tocqueville đã chỉ ra chính là đạo đức của người dân Hoa Kỳ đã làm cho quốc gia này trở nên đặc biệt và khác biệt. Tôi tin rằng điều đó rất đúng.
Chúng ta đã được hưởng rất nhiều quyền tự do ở Hoa Kỳ. Nếu tất cả mọi người thực sự sống tự do hết mức có thể, đất nước này sẽ hỗn loạn. Đạo đức của con người giúp họ kiểm soát những gì họ làm và dạy họ đối xử tốt với những người khác,” ông Lipinski nói.
Việc ông chuyển sang lĩnh vực chính trị có phần bất ngờ vào năm 2004.
Cha của ông, sau khi giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ, đột ngột nghỉ hưu và để ông Lipinski, khi đó đang là một giáo sư trẻ tại trường Đại học Tennessee, thay thế ông trong cuộc bầu cử. Đó là một hành động gây tranh cãi.
Tranh cử trong một quận theo phe Dân Chủ một cách chắc chắn, ông Lipinski dễ dàng đánh bại đối thủ của mình từ Đảng Cộng Hòa. Ngay sau đó, ông lên đường đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình với mục tiêu “chăm sóc những cử tri của tôi và làm những gì tôi có thể làm để giúp cuộc sống hàng ngày của họ tốt hơn”.
Ông không biết rằng vấn đề phá thai lại trở nên nổi bật như vậy trong sự nghiệp của mình.
Những thành viên Đảng Dân Chủ phản đối phá thai giảm dần trong Quốc hội
Những thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai đã là thiểu số trong đảng này khi ông Lipinski đến Điện Capitol, nhưng vẫn còn là một số lượng khá lớn, khoảng 60 người.
Một số người, như ông Lipinski, sẽ bỏ phiếu phản đối việc phá thai trong bất kỳ dự luật nào liên quan đến việc nạo phá thai, trong khi những người khác chỉ tập trung hạn chế việc phá thai do liên bang tài trợ. Nhiều người là đại diện cho các quận Công giáo ở khu vực Rust Belt và các quận theo khuynh hướng bảo thủ ở miền Nam.
Khi gia nhập lực lượng với những thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối việc phá thai, họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các luật chống phá thai. Sức mạnh của họ đã thể hiện rõ khi Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (thường được gọi là Obamacare) đang nỗ lực để được thông qua Hạ viện.
Ông Lipinski, cùng với các thành viên Đảng Dân Chủ phản đối phá thai khác, đã cho rằng dự luật này thiếu các hạn chế đối với việc phá thai do liên bang tài trợ và yêu cầu có một sự sửa đổi bao gồm các hạn chế đó. Như một thỏa hiệp, tổng thống Barack Obama đã đồng ý ban hành sắc lệnh cấm việc phá thai do liên bang tài trợ.
Ông Bart Stupak, người lãnh đạo các thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai tại quốc hội thời điểm đó, và hàng chục người khác trong liên minh, đã chuyển sang ủng hộ chương trình Obamacare. Nó đã được Hạ viện thông qua với số phiếu bầu sát sao 219–212.
Tuy nhiên, ông Lipinski đã bỏ phiếu chống lại nó, cùng với khoảng 30 thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai khác.
“Người ta đã hỏi tôi, ‘Nếu nó đủ tốt cho ông Stupak, tại sao nó không đủ tốt cho ông?’” Ông Lipinski nói với tờ Chicago Tribune vào thời điểm đó. “Sắc lệnh [hành pháp] không vượt qua được luật pháp.” Ông cũng cảm thấy chương trình Obamacare không bền vững về mặt tài chính.
Cuộc bỏ phiếu cho chương trình Obamacare hóa ra là một sự thay đổi cuộc chơi đối với những thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai trong Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, một số nhóm phản đối phá thai đã rút lại sự ủng hộ cho những thành viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu cho Obamacare, và chuyển sang ủng hộ những đối thủ của họ trong Đảng Cộng Hòa.
Khi Quốc hội mới được bầu họp vào tháng 1/2011, số thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai đã giảm đi một nửa.
Tổng cộng Đảng Dân Chủ đã mất hơn 60 ghế. Theo một bài báo của ông Tobin Grant, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Southern Illinois, số lượng các đảng viên Dân Chủ phản đối phá thai cứ giảm xuống nhiều hơn sau mỗi vài năm.
Năm 2012, nó giảm xuống dưới 10 người. Năm 2014, hầu hết họ đã nghỉ hưu hoặc thất cử.
Năm 2016, chỉ còn lại hai thành viên Đảng Dân Chủ kiên trì phản đối việc phá thai: ông Lipinski và ông Collin Peterson, một nghị sĩ kỳ cựu đại diện cho một quận nông thôn rộng lớn ở phía tây tiểu bang Minnesota.
Khoảng một nửa thời gian, dân biểu Henry Cuellar của Texas tham gia cùng với họ.
Chịu áp lực
Trong nhiều năm qua, ông đã chứng kiến nhiều thành viên Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai chuyển sang Đảng Cộng Hòa vì họ không thể tiếp tục chấp nhận quan điểm của đảng này về việc phá thai. Nhưng ông Lipinski tin rằng ông có thể tiếp tục và dung hòa được hai việc này.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ năm 2018, ông Lipinski đã suýt thua [phiếu bầu] bà Marie Newman, một ứng cử viên cấp tiến hơn của Đảng Dân Chủ, người ủng hộ việc phá thai. Ông đã trụ lại được qua cuộc đua với một chênh lệch nhỏ là 2% số phiếu bầu.
Công ty Planned Parenthood đã chi khoảng 100,000 USD cho các chiến dịch chống lại ông Lipinski. Đây là số tiền lớn thứ hai mà tổ chức này đã chi để chống lại một ứng cử viên trong năm đó.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân Chủ năm 2020, bà Newman lại thách thức [tranh cử với] ông Lipinski một lần nữa. Bà được tán thành bởi các thành viên nổi bật của đảng này, bao gồm ông Obama, ông Joe Biden và thị trưởng Chicago Lori Lightfoot.
Giữa lúc cuộc đua đang gay gắt, ông Lipinski đã ký một bản đệ trình yêu cầu Tòa án Tối cao duy trì luật phá thai ở Louisiana và xem xét lại vụ Roe v. Wade.
Ông và ông Peterson là hai thành viên Đảng Dân Chủ duy nhất đã ký vào bản đệ trình này, cùng với hơn 200 thành viên Đảng Cộng Hòa từ cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Ông nói: “Tôi vẫn luôn tin tưởng vào việc bảo vệ sự sống của những đứa trẻ chưa chào đời, và tôi sẽ không thay đổi điều đó, mặc dù nó ngày càng khó khăn hơn về mặt chính trị.”
Các nhóm ủng hộ phá thai đã biểu tình bên ngoài văn phòng địa phương của ông Lipinski ở Lockport, Illinois.
Tổ chức NARAL Pro-Choice America đã chi gần 220,000 USD cho các chiến dịch ủng hộ bà Newman. Đây là số tiền lớn nhất mà tổ chức này đã chi cho bất kỳ ứng cử viên nào trong vòng bầu cử này.
Ông Lipinski đã thua bà Newman trong vòng sơ bộ với chênh lệch 2.5%, tương đương khoảng 2,800 phiếu bầu. Bà Newman đã nhận xét về chiến thắng của mình trong một cuộc phỏng vấn với New York Times: “[Ông Lipinski] không chỉ lạc nhịp với quận này, mà còn thực sự lạc nhịp với nguyên tắc của Đảng Dân Chủ. Vì vậy, đó thực sự là lý do số 1 mà tôi ra tranh cử, và tại sao tôi giành chiến thắng.”
Trong bài phát biểu nhượng vị của mình, ông Lipinski nói: “Có một vấn đề xuất hiện đặc biệt lớn trong chiến dịch này: việc tôi phản đối phá thai. Tôi đã bị bêu rếu là đã nhận hàng triệu USD quảng cáo truyền hình và bưu phẩm vì điều này. Tôi đã bị nhiều đồng nghiệp và các thành viên Đảng Dân Chủ khác xa lánh.”
“Áp lực trong Đảng Dân Chủ về vấn đề sự sống chưa bao giờ lớn như lúc này. Trong những năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều chính trị gia khác không chịu nổi áp lực và thay đổi quan điểm của họ về vấn đề này.”
“Tôi không bao giờ có thể từ bỏ việc bảo vệ những con người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chỉ để đơn giản là thắng một cuộc bầu cử. Niềm tin của tôi dạy, và Đảng Dân Chủ cũng rao giảng, rằng chúng ta nên phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.”
Ông Lipinski nói rằng đêm thất bại đã thật khó khăn. Ông dành phần lớn thời gian để cầu nguyện. Ông cho biết: “Tôi cầu xin sức mạnh để chấp nhận mất mát này và đi tiếp, và để được dẫn dắt về những gì cần làm tiếp theo.”
“Ngày hôm sau, mọi người bắt đầu liên lạc với tôi, cảm ơn tôi, chúc mừng tôi đã ủng hộ những gì tôi tin tưởng. … Tôi biết mình đã làm điều đúng đắn.”
Ông Peterson, một thành viên Đảng Dân Chủ khác cũng kiên trì phản đối phá thai trong Quốc hội, đã trụ lại được sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ, nhưng sau đó đã bị đối thủ Michelle Fischbach từ Đảng Cộng Hòa đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử. Còn lại một số dân biểu Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đôi khi ủng hộ các nghị trình phản đối việc phá thai.
Vấn đề một đảng
Ông Lipinski không cho rằng số lượng dân biểu của Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai thực sự đại diện cho số lượng cử tri phản đối phá thai trên toàn quốc của đảng này.
Một cuộc khảo sát gần đây của Pew Research cho thấy khoảng 30% cử tri Đảng Dân Chủ không đồng ý với quan điểm của đảng này về vấn đề phá thai.
Ông Lipinski nói: “Hầu như không có dân biểu nào của Đảng Dân Chủ phản đối việc phá thai trong Quốc hội vì rất nhiều tiền đã được NARAL, Planned Parenthood và các tổ chức khác tung ra để đánh bại những thành viên Đảng Dân Chủ phản đối phá thai.”
Mặt khác, ông cho rằng các nhóm phản đối phá thai nên ủng hộ nhiều ứng cử viên của Đảng Dân Chủ hơn, thay vì chỉ tập trung cho các ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa. Ông nói, về lâu dài, điều này sẽ có hại cho các cử tri phản đối phá thai, một khi vấn đề này trở thành vấn đề chỉ của Đảng Cộng Hòa.
“Một khi bất kỳ vấn đề nào trở thành vấn đề của chỉ một đảng, thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho đảng đó để phớt lờ vấn đề đó,” ông Lipinski nói.
Hợp tác lưỡng đảng
Ông Lipinski nói, qua các nhiệm kỳ của ông, hai đảng trong Quốc hội nói chung ngày càng phân cực, dẫn đến tranh cãi giữa các đảng phái, chậm chạp và không giải quyết được các vấn đề quan trọng mà Hoa Kỳ phải đối mặt.
Vào tháng 02/2012, khi thượng nghị sĩ ôn hòa của Đảng Cộng Hòa Olympia Snowe tuyên bố sẽ không tái tranh cử sau 40 năm phục vụ do tình trạng kém hiệu quả của Thượng viện, nhiều người xem đó là dấu hiệu cho thấy sự bế tắc của quốc hội đã lên đến mức căng thẳng chưa từng có.
Ông Lipinski đã làm việc để thúc đẩy sự đồng thuận lưỡng đảng thông qua liên minh Blue Dog và nhóm Problem Solvers. Liên minh Blue Dog, với 18 thành viên Dân chủ ôn hòa, tự mô tả là nhóm theo đuổi các chính sách tài chính có trách nhiệm, bảo đảm một nền quốc phòng vững chắc, và vượt ra ngoài các đường lối của đảng để hoàn thành mọi việc.
Nhóm Problem Solvers, được thành lập khoảng 4 năm trước, là một liên minh lưỡng đảng bao gồm khoảng 50 thành viên được phân đều giữa Đảng Dân Chủ và Cộng hòa, với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa hai đảng trong các chính sách quan trọng.
Ông Lipinski thường gặp gỡ các đồng nghiệp của mình trong cuộc họp riêng của nhóm lúc 9 giờ tối, khi nhiều người khác tạm dừng các nhiệm vụ hàng ngày của họ. Đôi khi các cuộc thảo luận của họ diễn ra đến khuya, và ông Lipinski phải chạy đến ga Union để bắt chuyến tàu cuối cùng về căn hộ của mình.
Vào tháng 7/2017, ông Lipinski và các thành viên của nhóm đã phác thảo một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm cải thiện chương trình Obamacare, bằng cách giảm phí bảo hiểm và ổn định thị trường chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Vào tháng 1/2018, trong bối cảnh ngân sách đang bế tắc liên quan đến chính sách nhập cư và an ninh biên giới, họ đã đưa ra một thỏa thuận lưỡng đảng. Nó có thể cấp quyền công dân cho những người thuộc chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals, trong khi đưa ra các chính sách để ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp trong tương lai.
“Nhưng cuối cùng, bất chấp thỏa thuận của chúng tôi, chúng tôi đã không thể trình được hai đạo luật này ra trước quốc hội,” ông Lipinski nói trong bài diễn văn chia tay của mình tại Hạ viện vào ngày 08/12/2020.
“Chúng tôi đã có chính sách tốt cho quốc gia của chúng ta, mà có thể đã được đa số trong Hạ viện thông qua cũng như có thể được Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Chúng tôi đạt được điều đó bằng cách đưa ra các ý tưởng và mối quan tâm của các cử tri, tranh luận, cân nhắc, và tiến đến một thỏa hiệp, nhưng các quy tắc không cho chúng tôi một con đường để đưa thỏa thuận này đến Hạ viện.”
Ông Lipinski cho biết trong bài diễn văn chia tay rằng cả các quy tắc và các ứng xử cần được thay đổi để Quốc hội hoàn thành các nghĩa vụ lập pháp của mình.
“Tôi hy vọng rằng những thay đổi đó sẽ xảy ra, và nhóm Problem Solvers sẽ thành công trong vài tuần tới, và trong Quốc hội tiếp theo, bởi vì người dân Hoa Kỳ cần điều đó.”
Sau khi dành một nửa bài diễn văn chia tay của mình để nói về sự bế tắc của quốc hội và những cách khắc phục, ông đã cảm ơn các nhân viên địa phương và ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn của ông, đồng thời liệt kê một số đạo luật quan trọng mà ông đã giúp thông qua, bao gồm đạo luật American Manufacturing Competitiveness, đạo luật Small Aircraft Revitalization, và đạo luật National Science Foundation Reauthorization.
Trước khi rời nhiệm sở, ông Lipinski cũng cảnh báo về đường lối của Đảng Dân Chủ. “Đảng Dân Chủ theo truyền thống là đảng của tầng lớp lao động. Tôi lo ngại rằng đảng đã rời xa khỏi điều đó trong những năm gần đây,” ông nói với The Epoch Times.
“Tôi hy vọng ông Joe Biden sẽ có thể đưa đảng trở lại trọng tâm là những người Hoa Kỳ thuộc tầng lớp lao động, cũng như nhu cầu hợp tác với Đảng Cộng Hòa để hoàn thành một việc gì đó.”
Nhìn về phía trước
Sau Quốc hội, ông Lipinski dự định sẽ làm việc cho một tổ chức nhân quyền mà ông từ chối tiết lộ tên. Ông cũng đang nghĩ đến việc viết một cuốn sách dựa trên bài diễn văn của mình cho lễ tốt nghiệp tại một trường đại học Công giáo tư nhân ở Ave Maria, Florida.
Ông nói với các sinh viên tốt nghiệp: “Chúng ta đang sống trong một hệ thống chính trị mà chỉ có hai đảng lớn. Nếu quý vị định ứng cử cho hầu hết các vị trí, quý vị cần phải là thành viên của một trong hai đảng này. Trong hầu hết các cuộc bầu cử, nếu quý vị đi bỏ phiếu, quý vị phải chọn ứng cử viên từ một trong hai đảng này.”
“Quý vị cần phải đưa ra lựa chọn này. Tôi sẽ không nói với quý vị rằng có một câu trả lời đúng.”
“Nhưng là một người Công giáo, có một việc quan trọng hơn nhiều mà quý vị phải lựa chọn. Quý vị sẽ giữ vững những niềm tin Công giáo của mình, hay quý vị sẽ đi theo thế giới và biến một đảng chính trị thành tôn giáo của quý vị? Nếu quý vị thực sự muốn thay đổi thế giới, quý vị phải chọn là một người Công giáo, và mang Chúa Giêsu đến với công chúng.”
“Các sinh viên tốt nghiệp, khi các quý vị rời trường đại học, hãy cầu nguyện cho đức tin đó và [mang niềm tin vào Chúa] đến mọi nơi với niềm hy vọng và không sợ hãi.”
Cara Ding
Xuân Mai biên dịch
Xem thêm: