Thành phố Trác Châu, Trung Quốc: Nhân viên cứu hộ cho biết các nạn nhân lũ lụt phải tự lo liệu
Trong bối cảnh cơn bão Doksuri tàn phá các tỉnh ven biển đông bắc Trung Quốc, việc xả lũ ồ ạt từ Bắc Kinh được cho là nguyên nhân khiến Trác Châu, thành phố giáp thủ đô Bắc Kinh ở phía tây nam, chìm trong biển nước.
Cơ quan thời tiết địa phương đưa tin cho biết mực nước mưa 29 inch (73.7 cm) mà cơn bão để lại — tương đương với lượng nước mưa của cả năm ở tỉnh Hà Bắc — vượt kỷ lục lượng mưa ở Bắc Kinh trong 140 năm.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin cho hay, từ ngày 01/08 đến ngày 03/08, các quan chức địa phương tuyên bố sẽ bảo vệ thủ đô và Tân khu Hùng An (Xiong’an) khỏi nước lũ.
Mặc dù mưa đã giảm dần nhưng các nhà chức trách cho biết có thể mất đến một tháng để nước lũ rút xuống. Hôm 03/08, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, 300 triệu đến 400 triệu mét khối nước khác dự kiến sẽ tràn qua Trác Châu khi Bắc Kinh xả thêm nước lũ xuống hạ lưu.
Mặc dù chính quyền tuyên bố rằng khoảng 1/6 trong khối dân cư hơn 600,000 người ở Trác Châu đã được sơ tán, nhưng một nhân viên cứu hộ nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng những người dân ở lại phải tự lo liệu, hơn nữa họ không có nước, thực phẩm, và điện.
Trác Châu là lưu vực chứa nước lũ
Trác Châu, nằm trên vùng đất bằng phẳng có nhiều con sông chảy qua, đóng vai trò là một trong những lưu vực chứa lũ trong dự án kiểm soát lũ của chính quyền Trung Quốc ở lưu vực sông Hải.
Lưu vực sông Hải bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, và ít nhất bảy tỉnh khác, trong đó có Hà Bắc.
Để lượng mưa lớn ở Bắc Kinh rút bớt, chính quyền tuyên bố đã đưa bảy lưu vực chứa lũ vào hoạt động, và Trác Châu là một trong số đó.
Đề cập đến tác động của việc xả lũ từ Bắc Kinh, một cư dân mạng Trung Quốc đã viết trong một bài đăng: “Tôi không biết chúng ta đang ở vùng ngập của sông Vĩnh Định (Yongding.)”
Sông Vĩnh Định chạy dọc theo phía đông thành phố Trác Châu.
Vùng ngập lũ của sông Vĩnh Định là một trong 28 lưu vực chứa nước lũ quốc gia trong lưu vực sông Hải. Theo truyền thông Trung Quốc, vùng này nằm ở trung lưu và hạ lưu sông Vĩnh Định, với dung tích chứa lũ khoảng 400 triệu mét khối.
Theo quy định của Trung Quốc, những khu vực được hưởng lợi từ dự án nói trên phải bồi thường cho những tổn thất của lưu vực chứa lũ.
Tân khu Hùng An ở phía nam Trác Châu là một trong những khu vực được hưởng lợi từ việc xả lũ ở Trác Châu.
Theo The Economist, Hùng An, một thành phố mới đã mất sáu năm để chuyển đổi, được gọi là “dự án con cưng” của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Đô thị này được các nhà quy hoạch gọi là “thành phố quốc tế hạng nhất,” có diện tích gần gấp ba lần thành phố New York, và nằm cách Bắc Kinh khoảng 60 dặm (96.6 km) về phía nam.
Theo nhà thủy văn học Trung Quốc Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), việc xả lũ ở Trác Châu sẽ bảo vệ cho Bắc Kinh, Thiên Tân, Hùng An (thành phố này ở vùng đồng bằng thậm chí còn thấp hơn) khỏi thiệt hại lũ lụt.
Ông Vương nói với The Epoch Times rằng các khu vực xung quanh khác cũng bị thiệt hại trong đợt xả lũ do hệ thống thoát nước và kiểm soát nước không hiệu quả của chính quyền, nhưng truyền thông nhà nước đã che giấu tình trạng này.
Người dân bình thường không được ưu tiên
Ông Vương cho biết, theo hệ thống kiểm soát lũ lụt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), an nguy của người dân bình thường không phải là ưu tiên hàng đầu. “Đó là luật bất thành văn của ĐCSTQ.”
Ông cho biết việc kiểm soát lũ lụt ở lưu vực sông Hải bảo vệ Thiên Tân nhưng không bảo vệ vùng ngoại ô của thành phố.
Ông cho biết có những sân golf dọc theo sông Vĩnh Định ở Bắc Kinh, có thể hứng nhiều nước lũ, hơn nữa còn dễ dàng và có khả năng thay thế với chi phí hợp lý hơn nếu chịu thiệt hại, nhưng thay vào đó, chính quyền ưu tiên cho các khu vực đô thị của Bắc Kinh vì giới tinh hoa sống ở đó.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, rằng chính quyền Trác Châu đã cử 8,755 nhân viên cứu hộ, ngoài ra, nhiều đội cứu hộ khác đã được điều động từ hai tỉnh lân cận Hà Nam và Sơn Tây.
Tuy nhiên, do bộ máy quan liêu nên các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ đã bị trì hoãn ở một số khu vực. Để điều động các nỗ lực cứu hộ thì cần phải có dấu mộc chấp thuận .
“Con dấu chính thức của thị trấn đã trôi theo dòng nước,” một người dân địa phương nói với truyền thông Trung Quốc, nêu ra tình trạng nhiều dân làng bị mắc kẹt trong nước lũ, nhưng các đội cứu hộ đó đã yêu cầu phải có đơn đề nghị chính thức mới có thể rời khỏi tỉnh.
Người dân địa phương bị mắc kẹt ở Trác Châu đã kêu cứu trên truyền thông xã hội.
Nạn nhân lũ lụt ‘hãy tự giúp mình’
Anh Lưu (bí danh), một nhân viên cứu hộ tình nguyện đến từ ngoại ô Trác Châu, kể với The Epoch Times rằng đội cứu hộ của anh đã trải nghiệm như thế nào tại làng Niệm Đầu (Niantou) ở hạ lưu vào sáng hôm 01/08.
Theo người dân địa phương, ngôi làng này có khoảng 5,000 người.
“Mực nước tăng thêm 11 inch (27.9 cm) sau đợt xả lũ buổi sáng,” anh nói về mực nước ở một số nơi, lúc đó cao hơn 6.5 feet (2 mét).
Anh đã gia nhập một đội cứu hộ khoảng 20 người. Họ phải đối mặt với những trở ngại trong quá trình giải cứu. “Nhóm này không có người lãnh đạo. Bè cao su của chúng tôi không hoạt động vì có những nơi có dòng nước ngầm chảy xiết.”
Một số khu vực trong làng bị ngập gần 19 feet (5.8 mét). Anh Lưu nói: “Nước đã lên cao đến nóc nhà.”
Anh cho biết nhiều dân làng đang ở trên mái nhà kêu cứu, còn cột điện thì bị đổ, và điện bị cúp.
“Chúng tôi đã cứu được khoảng 20 người, nhưng chỉ cứu được nhiêu đó thôi. Chúng tôi chỉ có thể đưa hầu hết những người đó đến các tòa nhà lân cận. Chúng tôi bảo họ hãy tự giúp mình và lúc cần thiết, hãy dùng những chiếc chai rỗng như một thiết bị nổi.”
Anh Lưu đã cố gắng liên lạc với chính quyền để được giúp đỡ. Anh gọi đến ba đường dây chính thức của chính quyền Trác Châu nhưng không có ai trả lời.
Theo lời anh Lưu, anh cũng đã thử gọi cho đường dây 110 của công an địa phương, và một người trực điện thoại nói với anh: “Cảm ơn anh rất nhiều, nhưng không thể làm gì được.”
Anh nhìn thấy một chiếc thuyền của chính quyền địa phương đi ngang qua, nhưng họ không dừng lại để giúp đỡ. Anh nói: “Tôi chẳng hiểu họ đang làm gì; Tôi muốn nguyền rủa họ. Chúng tôi không có đồ ăn thức uống suốt cả ngày. Thậm chí họ không cung cấp chút xăng nào cả. Chúng tôi đến từ ngoài thị trấn. Thuyền của chúng tôi có một chiếc bị hư; giờ thì chúng tôi phải tự cứu mình. Chúng tôi không thể làm gì hơn cho những người dân làng đó.”
Buổi sáng anh đến thì có một số nơi trong làng khô ráo nhưng đến tối lại bị ngập. Anh Lưu nói: “Chúng tôi phải rời đi; trời đã tối rồi. Trong số chúng tôi có bảy người bị mắc kẹt trong làng vì một chiếc thuyền bị hỏng. Dòng nước ngầm chảy xiết khiến chúng tôi không rời đi được.”
Anh nói: “Trác Châu bị tổn thất nặng nề; Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc gọi cầu xin cứu giúp.”
Anh Lưu cho biết họ đã dốc hết sức. Anh tuyên bố: “Chúng tôi chưa thấy có nhân viên cứu trợ hay cứu hộ nào của chính phủ.”
Bản tin có sự đóng góp của Xia Song, Cố Hiểu Hoa, và Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times