Thanh niên ở Trung Quốc thà bị trừng phạt nặng còn hơn đi lính
Các bài tin về việc thanh niên ở Trung Quốc đại lục bị trừng phạt nghiêm khắc vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự thường hay xuất hiện trên các kênh truyền thông, cũng dẫn đến một số thảo luận về hiện tượng “trốn nghĩa vụ quân sự” này. Một số người trẻ tuổi thà bị phạt nặng chứ không muốn đi lính. Rốt cuộc nguyên nhân là vì sao ?
Dưới đây là hai trường hợp phát sinh gần nhất:
Trường hợp số 1
Lưu Soái, nam, người huyện Lâm Chương, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, thi đỗ Đại học Nông nghiệp An Huy vào năm 2019. Cậu ta nhập ngũ vào năm thứ hai và được phân công đến Quân khu Tân Cương thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vì không thích ứng được với hoàn cảnh nên cậu đã xin được xuất ngũ. Vào ngày 6/11/2020, Lưu Soái bị loại khỏi quân đội, cậu ta bị xử phạt hành chính và kinh tế rất nặng nề.
Văn phòng tuyển dụng đi nghĩa vụ ở địa phương đã phạt cậu ta 46,866 nhân dân tệ (tương đương 7,264 USD). Các hình thức phạt khác bao gồm: Bộ tài chính không cấp chính sách tín dụng ưu đãi và lãi suất ưu đãi cho cậu ta trong vòng 3 năm; cậu ta không được tuyển dụng vào làm công chức, viên chức quản lý theo Luật Công chức, không được tuyển dụng vào làm nhân viên các cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước; Đại học Nông nghiệp An Huy không được làm thủ tục cho cậu ta đi học lại trong 2 năm, và thêm vĩnh viễn dòng chữ “Từ chối nghĩa vụ quân sự” vào hộ khẩu cá nhân; cậu ta không được làm thủ tục xuất ngoại trong vòng 2 năm; trong vòng 3 năm không được phép làm thủ tục kinh doanh và thành lập doanh nghiệp, v.v.
Trường hợp thứ hai
Lưu Thông, nam, năm nay 23 tuổi, người thị trấn Bạch Tháp, thành phố Sa Hà, tỉnh Hà Bắc. Vào tháng 3 năm nay, Lưu Thông được Văn phòng Tuyển dụng đi nghĩa vụ ở thành phố Sa Hà chấp nhận cho nhập ngũ, đến tháng 4, cậu ta bị gạch tên khỏi quân đội vì cự tuyệt nghĩa vụ quân sự, và bị phạt 62,550 nhân dân tệ (tương đương 9,695 USD), phải nộp tiền phạt trước ngày 1/9/2021. Nếu quá thời hạn mà không chịu nộp phạt thì họ sẽ nộp đơn yêu cầu tòa án cưỡng chế. Ngoài việc phải chịu hình phạt giống như Lưu Soái trong trường hợp 1, cậu ta còn bị phạt không được liệt vào phạm vi trợ cấp khó khăn và các đối tượng được thuê công trình nhà ở giá rẻ.
Vào tháng 2 năm nay, tờ Sina Military, kênh truyền thông chính thức của Trung Cộng cũng đăng bài nói: “Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền với tư cách là một người lính trong vòng hai năm, nhưng tại sao vẫn có những người đào ngũ?”
Lý do khiến thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự có thể có rất nhiều, nhưng tóm lại chủ yếu là 2 lý do sau đây:
1. Đãi ngộ không bình đẳng, càng nghèo đãi ngộ càng thấp
Ở Trung Quốc, chỉ cần bạn làm lính, bạn sẽ được bồi thường tài chính. Những khoản bồi thường này chủ yếu bao gồm ba loại:
- Tiền bồi thường học phí, tiền giải ngũ, v.v… cho sinh viên đại học và binh sĩ do chính quyền thống nhất quy định, vào khoảng 40,000 nhân dân tệ (tương đương 6,200 USD)
- Phụ cấp được phân bổ đồng đều cho lính nghĩa vụ, chi phí đi lại khi giải ngũ, v.v… khoảng 25,000 nhân dân tệ (tương đương 3,875 USD)
- Tiền bồi thường kinh tế một lần cho những người tự mình lập nghiệp, tiền ưu đãi gia đình, tiền khen thưởng nhập ngũ, tiền khen thưởng lập công, v.v… do chính quyền địa phương chi trả.
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này rất khác nhau do sự khác biệt về trình độ học vấn và sự khác biệt giữa các vùng miền. Ví dụ: nội trong hai năm đi nghĩa vụ, số tiền cấp cho sinh viên đại học ở Bắc Kinh vào năm 2019 không ít hơn 284,300 nhân dân tệ (tương đương 44,000 USD), số tiền cấp cho sinh viên chuyên khoa không ít hơn 276,300 nhân dân tệ (khoảng 42,800 USD) và số tiền cho học sinh trung học không ít hơn 252,300 nhân dân tệ (khoảng 39,000 USD), hơn nữa còn tăng đều hàng năm.
Còn những thanh niên nông dân ở các tỉnh xa đi nghĩa vụ quân sự chỉ có thể nhận được khoản trợ cấp hơn 20,000 nhân dân tệ (tương đương 3,100 USD).
Về mặt chính sách, chính quyền địa phương phải phát trợ cấp gia đình cho những nhà có thanh niên đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.Tuy nhiên tiền trợ cấp cho gia đình thường gắn với khả năng kinh tế của địa phương, tức là địa phương nào có thu nhập bình quân đầu người càng cao thì tiền trợ cấp càng nhiều. Do đó tạo thành các gia đình có con đi nghĩa vụ ở các vùng nông thôn nhận được trợ cấp ít hơn so với các gia đình ở thành phố; và các gia đình ở thành phố nhỏ nhận được ít hơn so với ở các thành phố lớn.
2. Quân đội hủ bại nghiêm trọng, tầng tầng bóc lột
Ông Trương, sống ở New York, có một số người thân và bạn bè từng là binh sĩ trong quân đội Trung Cộng. Ông nói với phóng viên của Epoch Times: “Cháu ngoại của tôi vừa giải ngũ được hai năm, là một quân nhân Bắc Kinh. Lý do đi nghĩa vụ quân sự là học lực không tốt, không vào được đại học, không tìm được việc làm tốt, nếu vào được quân đội làm quan thì có lẽ cũng là một lựa chọn không tồi. “
“Tuy nhiên, sự thối nát trong quân đội đã khiến nó sợ hãi.” Ông Trương tiếp tục, “Hai năm trong quân đội, nó đã nhờ mẹ gửi cho rất nhiều món đồ giá trị để tặng tiểu đội trưởng. Nó nói với tôi rằng nếu không hầu hạ tiểu đội trưởng cho tốt, một viên lính mới sẽ không có kết cục tốt đẹp. Những thanh niên nông thôn gia cảnh nghèo khó, không có tiền đút lót cho tiểu đội trưởng, kết quả thường bị tiểu đội trưởng ngược đãi. “
Ông Trương nói: “Tôi cũng học được từ người thân và bạn bè khác rằng quân đội thực ra còn tham nhũng hơn cả chính quyền địa phương, việc cống nạp cho từng cấp là một phần của thể chế hủ bại của Trung Cộng. Hơn nữa chúng lo lắng binh lính sẽ gây rắc rối, nên súng trong tay binh lính đều trống rỗng. Không một khẩu súng nào trong tay lính canh là có đạn. “
Cuối cùng ông Trương nói: “Trong một môi trường hủ bại như vậy, những người hơi có chính nghĩa là không thể tồn tại. Mà một đội quân như vậy thực sự có khả năng chiến đấu sao?”
Vạn Bình, Trần Mai Ỷ/Epoch Times tiếng Trung
Xuân Hoàng biên dịch
Xem thêm: