Thành lập một NATO vì thương mại để chống lại Trung Cộng
Một báo cáo của tổ chức tư vấn chính sách cho biết một tổ chức liên minh dân chủ, chẳng hạn như một NATO vì thương mại, có thể ngăn chặn sự cưỡng ép kinh tế do quyền lực nhà nước của Trung Cộng hậu thuẫn.
Theo một báo cáo được phát hành hôm 28/06, Trung Cộng đang theo đuổi mục tiêu thống trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và công nghệ tân tiến, nhưng hệ thống do Trung Cộng cầm quyền lại có những mâu thuẫn cơ bản với các nguyên tắc thương mại dựa trên thị trường.
Ông Robert Atkinson, chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin viết trong báo cáo: “Trung Cộng thường xuyên vũ khí hóa hàng loạt công cụ chính sách của mình để trừng phạt bất kỳ quốc gia nào không quỳ gối trước Bắc Kinh.”
“Không quốc gia nào muốn đơn độc chịu đựng cuộc tấn công của Trung Cộng, vì vậy hầu hết thường lặng lẽ đầu hàng.”
Ông Atkinson đề nghị thành lập Tổ chức Hiệp ước Liên minh các Nền dân chủ (DATO) như một biện pháp răn đe, trong đó các liên minh dân chủ đồng ý áp dụng biện pháp ăn miếng trả miếng cùng nhau nếu một thành viên bị Trung Cộng tấn công, như NATO vì thương mại. Tổ chức này hoan nghênh mọi nền dân chủ tham gia, nhưng một quốc gia sẽ mất tư cách thành viên nếu quốc gia đó không thực hiện được các nỗ lực chung.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh chính trị và quân sự giữa các nước Âu Châu và Bắc Mỹ. Tại hạch tâm của hiệp ước này, một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là [đang tấn công] vào cả khối. Được thành lập vào năm 1949, tổ chức này là một bức tường thành chống lại mối đe dọa cộng sản của Liên Xô.
Ông Atkinson lưu ý rằng các con tin mà Trung Cộng nắm giữ để đe dọa phương Tây, từ sinh viên Trung Quốc, khách du lịch, các sản phẩm xuất cảng và nhập cảng, như khoáng sản chủ chốt, cho đến các công ty thương mại ngoại quốc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.
Nhưng hệ thống mỗi quốc gia một phiếu bầu của WTO khiến việc hoạt động với tư cách như một trọng tài thương mại toàn cầu trở nên khó khăn trong việc chống lại các thông lệ bắt nạt của một quốc gia toàn cầu.
Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại với hàng chục sản phẩm xuất cảng, bao gồm rượu vang, thịt bò, gỗ, tôm hùm và than đá sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 và lên án hành vi vi phạm nhân quyền ở tỉnh Tân Cương và Hồng Kông.
Nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho biết việc các nước phương Tây, như Canberra, tìm cách sử dụng các phương pháp tiếp cận kinh tế để đối mặt với sự uy hiếp [của Trung Cộng] là chưa đủ.
Ông Ngô cho biết trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, “Nó phải được xem như một hành động chính trị. Và [các nền dân chủ] phải đáp trả tương ứng.”
Ông Ngô cho rằng nền kinh tế và chính trị liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng nhiều quốc gia đã không nhận ra điểm này.
Nhà kinh tế này nói rằng Trung Cộng định hướng nền kinh tế của mình theo chính trị, và các hành vi kinh tế là nhằm tăng cường ảnh hưởng của nó trong chính trường. Ông nói thêm rằng trái với hệ thống tư bản chủ nghĩa trong đó tài sản tư nhân được bảo vệ bởi quyền lực nhà nước, thì chủ nghĩa cộng sản lại loại bỏ quyền sở hữu tư nhân.
Ông Ngô nói hôm 07/07 rằng bây giờ, có vẻ như người phương Tây đã nhận ra rằng sử dụng biện pháp cạnh tranh hoặc đàm phán để kiềm chế các hành động của Trung Cộng vi phạm luật lệ là “vô ích.” Liên minh [DATO] phải cùng nhau đưa ra các [biện pháp] “ăn miếng trả miếng.” Nếu không, Bắc Kinh sẽ bóp méo các hiệp định đã ký kết đó, ngay cả với các nước dân chủ.
Sáng kiến này cũng được ông Hồ Bình (Hu Ping), một chuyên gia về Trung Quốc và nhà bình luận chính trị sinh sống tại Hoa Kỳ, ca ngợi. Ông gợi ý rằng Trung Cộng áp dụng chiến thuật “chia để trị,” chiêu dụ từng đồng minh bằng lợi ích kinh tế hoặc đầu tư để bịt miệng từng người một, nếu họ không thể sát cánh cùng nhau.
Hôm 30/6, ông Hồ cho biết trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, “Đây là bước cần thiết, thậm chí chỉ để giải quyết các vấn đề trong thương mại.”
Báo cáo với tiêu đề “NATO vì thương mại,” được sự ủy nhiệm của Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc (The China Research Group), do các chính trị gia bảo thủ của Anh Quốc thành lập và một tổ chức tư vấn chính sách nhà nước của Hoa Kỳ, Quỹ Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF).
Chủ nghĩa tư bản nhà nước
Báo cáo trên cho rằng các thương nhân tự do phải chú ý đến chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Cộng. Nếu không, công ty của họ hoặc thậm chí các quy tắc lâu đời của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Atkinson cho biết chế độ cộng sản này sử dụng các chính sách bảo hộ để buộc các công ty ngoại quốc chuyển giao tài sản trí tuệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc được trao quyền bằng sự bao cấp to lớn của nhà nước và công nghệ ngoại quốc thì xâm nhập thị trường nước ngoài. Trung Cộng “thao túng các cơ quan tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu để bảo đảm sự thống trị của các tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung Quốc.”
Cũng theo báo cáo, “quốc gia theo chủ nghĩa trọng thương đổi mới” này đã áp dụng thành công trong các tấm quang năng, ứng dụng Internet và đường sắt tốc độ cao.
Ông Atkinson cho biết trong báo cáo, “Trung Quốc không chỉ tìm kiếm khả năng tự cung tự cấp mà còn cả sự thống trị toàn cầu trong hầu hết các ngành công nghiệp và công nghệ tân tiến. Thành công của họ sẽ gây ra hậu quả tai hại với lợi thế quân sự của đồng minh.”
Ông cho biết bất kỳ hy vọng nào về việc Trung Cộng có thể thay đổi để tự mình trở thành hoặc thông qua áp lực để trở thành một nhà kinh doanh công chính, đều đang tắt dần khi chế độ này tuyên bố mục tiêu trở thành “cường quốc thế giới” về đổi mới khoa học và công nghệ vào năm 2050.
Trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 06/2021, các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo về mối đe dọa quân sự do Trung Cộng gây ra, đồng thời gọi Bắc Kinh là “thách thức hệ thống.” Nhưng hội nghị này cũng đề cập rằng họ không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc.
Do Dorothy Li thực hiện
Với sự đóng góp của Luo Ya
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: