Thành Cát Tư Hãn (P.10): Chiếm lĩnh Trung Đô – Giành được một nửa giang sơn nước Kim
Cuộc tiến công của Thành Cát Tư Hãn vào nước Kim năm 1212 đã kết thúc bằng thắng lợi của đội quân Mông Cổ. Đại quân Mông Cổ đồn trú tại biên giới phía bắc của nước Kim để chỉnh đốn lực lượng. Hai tướng quân nước Kim là Lưu Bá Lâm và Giáp Cốc Trường Ca đã đến đầu hàng, họ sau này đều trở thành tướng tài dưới trướng của Thành Cát Tư Hãn.
Tướng quân Triết Biệt đánh hạ được Đông Kinh của nước Kim, khiến cho Kim Thiên Hộ Gia Luật Lưu Ca người Khiết Đan vốn một lòng muốn phục quốc đã công khai phản lại nước Kim vào đầu năm 1212, ông ta tự xưng là “Đô nguyên soái”, trong mấy tháng đã phát triển đến hơn mười vạn người. Ông gặp đội quân Mông Cổ đang tiến vào Liêu Đông, Gia Luật Lưu Ca lấy danh nghĩa quân Khiết Đan gia nhập vào nước Đại Mông Cổ, và biểu thị trung thành với Thành Cát Tư Hãn.
Xem lại:P1,P2,P3,P4,P5,P6,P7,P8,P9
Nước Kim phái binh thảo phạt Gia Luật Lưu Ca, Thành Cát Tư Hãn cử ba ngàn kỵ binh đến chi viện, quân Kim liên tục thua trận, hơn nữa tổn thất không ít binh lực. Phía Đông Bắc bị mất kiểm soát, và một cánh Hà Bắc đã mất, chỉ dựa vào Sơn Tây thì không đủ sức chèo chống. Thêm nữa Vua Kim mềm yếu vô năng, triều đình mục nát, quốc khố trống rỗng, còn có nước Tống kiềm chế ở phía nam, khiến cho nước Kim trên dưới đều không có niềm tin chiến thắng đối với đội quân Mông Cổ. Xem ra có được nước Kim với 5,000 vạn nhân khẩu, đã là người khổng lồ chân đất rồi.
Liên tục công Kim – Tái vây Trung Đô – Kim quốc nội loạn
Mùa thu năm 1212, lần thứ hai Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh tấn công nước Kim. Thành Cát Tư Hãn dẫn quân chủ lực vây đánh Tây Kinh, Nguyên soái, Tả đô giám của nước Kim là Áo Đồn Tương dẫn quân tiếp viện. Thành Cát Tư Hãn dụ họ vào vòng vây phục kích ở Mật Cốc Khẩu tại đông bắc Tây Kinh, tiêu diệt được toàn bộ. Sau đó ông tiếp tục tiến đánh thành Tây Kinh. Lúc công thành, Thành Cát Tư Hãn bị trúng tên lạc, liền hạ lệnh rút lui.
Tháng 03/1213, Gia Luật Lưu Ca tự xưng Vương tại Đông Bắc, quốc hiệu là Liêu, trong sử sách gọi là nước Đông Liêu, phụ thuộc vào nước Đại Mông Cổ. Tháng 07, Thành Cát Tư Hãn lần thứ ba nam hạ đánh Kim. Trước tiên họ đánh chiếm pháo đài bên cạnh Trường Thành mà trước kia họ đã từng vứt bỏ sau được quân Kim khôi phục lại. Tiếp theo họ đánh hạ được phủ Tuyên Đức, phủ Đức Hưng, dẫn quân chủ lực giao chiến với quân Kim ở huyện Hoài Lai thuộc đông nam Tuyên Đức (nay là phía đông Hoài Lai tỉnh Hà Bắc).
Quân Kim do tướng quân Hoàn Nhan Cương và Thuật Hổ Cao Kỳ thống soái hơn mười vạn người. Giao chiến mấy trận, quân Kim không địch lại được phải tháo chạy. Quân Mông Cổ thừa thắng truy kích thẳng đến cửa bắc Cư Dung Quan.
Cư Dung Quan là nơi hiểm yếu, phân thành hai cửa nam bắc, giữa hai cửa có hai ngọn núi kẹp lại, ở giữa có khe sâu, dễ thủ khó công. Nước Kim cho trọng binh đóng ở đây, cũng luyện sắt phong bế chặt chẽ đóng cửa chỗ hẹp, còn đặt chông sắt ở bên ngoài cách Cư Dung Quan hơn một trăm dặm, nghiêm phòng quân Mông Cổ tấn công. Thành Cát Tư Hãn cũng lường được nếu tấn công ở đó chắc chắn gặp nhiều nguy hiểm, lệnh tránh chỗ mạnh, tìm chỗ yếu, chỉ lưu một bộ phận nhỏ binh lực tại cửa bắc đánh nghi binh. Ông lại phái tướng quân Trát Bát Nhi Hỏa người đã từng đi sứ qua nước Kim dẫn đường cho Triết Biệt đi theo đường nhỏ bất ngờ đánh chiếm cửa nam. Nam bắc giáp công, giành được Cư Dung Quan. Thành Cát Tư Hãn tự mình dẫn quân chủ lực vòng xuống phía nam.
Người Kim sau khi biết được ý đồ của người Mông Cổ, vội phái Áo Đồn Tương dẫn quân đến ngăn trở. Đợi khi đội quân này kịp đi đến Tử Kinh Quan (nay là tây bắc huyện Dịch, tỉnh Hà Bắc), đại quân Mông Cổ khi đó đã qua quan ải, Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Mộc Hoa Lê chống lại quân của Áo Đồn Tương. Hai bên giao chiến tại Ngũ Hồi Lĩnh, quân Kim đại bại, quân Mông Cổ đi về hướng đông.
Lúc này nước Kim xuất hiện nội loạn. Trước tiên nói đến tướng trấn giữ Tây Kinh là Hồ Sa Hổ. Năm 1211 sau khi Hồ Sa Hổ trốn về Trung Đô, ông ta không chỉ không bị trị tội, còn được thăng làm Hữu phó nguyên soái, quyền Thượng thư Tả thừa. Ông ta càng thêm không kiêng nể ai, tự xin hai vạn quân bộ binh và kỵ binh đóng ở Tuyên Đức Châu, nhưng triều đình chỉ phát cho ba ngàn lính, lệnh cho đóng ở Quỳ Xuyên.
Tháng giêng năm 1212, Hồ Sa Hổ thỉnh cầu được chuyển nơi đóng quân, triều đình không vừa ý, bị hỏi tội, rồi bị bãi chức về quê. Năm sau, Hồ Sa Hổ lại được mời đến Trung Đô, dự bàn việc quân, nhưng nhóm người của Tể tướng Đồ Đơn Dật cho rằng không thể tin dùng Hồ Sa Hổ, nên ông ta lại bị bãi quan. Sau khi bị bãi quan, Hồ Sa Hổ tích cực kết giao với người hầu và thái giám xung quanh Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế để cầu được phục chức. Tháng Năm, ông ta lần nữa được bổ nhiệm làm Hữu phó nguyên soái, thống soái mấy ngàn lính vũ vệ quân, đóng ở bắc thành Trung Đô.
Khi đại quân Mông Cổ ngày càng tới gần, Hữu phó nguyên soái Hồ Sa Hổ không chỉ không chuẩn bị nghênh chiến, ngược lại sa vào việc săn bắn. Việc này bị Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế trách mắng, Hồ Sa Hổ rất bất mãn. Tối ngày 25/08, Hồ Sa Hổ dẫn quân tiến vào bên trong Trung Đô, giết chết quân canh, bao vây hoàng cung, giết chết Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế và thuộc hạ. Lúc đầu ông ta nghĩ mình sẽ đăng cơ làm Hoàng đế, nhưng Tể tướng Đồ Đơn Dật khuyên ông ta rằng, Hoàng đế nước Kim từ trước đến nay đều mang họ Hoàn Nhan, nay ông giết Hoàng đế, muốn thay vào đó, nếu như người trong thiên hạ phản đối, hoàng vị cũng không ngồi lâu được.
Hồ Sa Hổ cho rằng có lý, ủng hộ lập Hoàn Nhan Tuần Vi làm Hoàng đế, trong lịch sử gọi là Kim Tuyên Tông. Vì Hồ Sa Hổ có công lao, nên được phong các chức như Thái sư, Thượng thư lệnh, Đô nguyên soái, và được ban đất phong Vương, nắm giữ quyền hành lớn nhất trong triều.
Đối diện thế tiến công của binh lính Mông Cổ, Nguyên soái hữu giám quân Thuật Hổ Cao Kỳ nhiều lần thua liên tiếp. Hồ Sa Hổ uy hiếp ông ta rằng, nếu như đánh nữa mà không thắng, sẽ xử theo quân pháp. Lần này xuất trận,Thuật Hổ Cao Kỳ lại thua. Sợ bị giết nên ông ta vào ngày 15/10, dẫn quân tiến vào Trung Đô, giết chết Hồ Sa Hổ, sau đó mới đến gặp Hoàng đế để thỉnh tội. Hoàng đế Kim Tuyên Tông miễn tội cho ông, đồng thời bổ nhiệm ông làm Tả phó nguyên soái, các tướng sĩ đi cùng đều có phong thưởng không giống nhau. Sau đó, Hoàng đế Kim Tuyên Tông hạ chiếu truy phong Hoàn Nhan Vĩnh Tế là Vệ Vương, thụy là Thiệu, hậu thế gọi ông là “Vệ Thiệu Vương”.
Lúc này đại quân Mông Cổ đã công phá được Dịch Châu, Trác Châu, thẳng đến công chiếm Cư Dung Quan, hai cánh quân ép sát Trung Đô. Xem xét kỹ thì thấy Trung Đô ở thế hiểm lại kiên cố, khó mà lập tức đánh hạ, nên Thành Cát Tư Hãn chỉ giữ lại một ít quân bao vây Trung Đô, còn lại chia quân thành ba cánh, quét sạch các châu ở phía bắc Hoàng Hà.
Quét sạch các châu ở phía bắc Hoàng Hà
Ba đạo quân được phân bổ như sau: Ba hoàng tử của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích, Sát Hợp Đài, Oa Khoát Đài làm cánh hữu, theo Thái Hành đi về phía nam, lấy được các châu như Bảo, Toại, An Túc, An, Định, Hình, Minh, Từ, Tương, Vệ, Huy, Hoài, Mạnh, Lược Trạch, Lộ, Liêu, Thấm, Bình Dương, Thái Nguyên, Cát, Thấp, Bạt Phần, Thạch, Lam, Hân, Đại, Vũ rồi quay về; Các em trai của Thành Cát Tư Hãn là Cáp Tát Nhi và Oát Trần Na Nhan, Chuyết Xích, Bạc Sát làm cánh tả, theo đường bờ biển đi về phía đông, giành được các quận Kế Châu, Bình, Loan, Liêu Tây rồi quay về; Thành Cát Tư Hãn cùng với hoàng tử Đà Lôi làm cánh giữa, lấy được các quận như Hùng, Bá, Mạc, An, Hà Gian, Thương, Cảnh, Hiến, Thâm, Kỳ, Lãi, Ký, Ân, Bộc, Khai, Hoạt, Bác, Tế, Thái An, Tế Nam, Tân, Lệ, Ích Đô, Truy, Duy, Đăng, Lai, Nghi. Ông lại lệnh cho Mộc Hoa Lê tiến đánh Mật Châu.
Mùa đông tháng Mười, Thành Cát Tư Hãn thu binh về gần Trung Đô, ba đạo quân lần lượt trở về, hội sư ở Đại Khẩu phía tây Trung Đô. Trong khoảng thời gian một năm này, ngoại trừ 11 thành ở các quận huyện của Hà Bắc chưa bị đánh hạ, còn lại đều bị quân Mông Cổ chiếm giữ.
Nước Kim dời đô – Mông Cổ giành được Trung Đô
Đại quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đóng tại phía bắc ngoại ô Trung Đô cho đến tháng Ba mùa xuân năm 1214, các tướng lĩnh xin lệnh thừa thắng phá Trung Đô, Thành Cát Tư Hãn không đồng ý, mà phái sứ thần nói với Hoàng đế Kim Tuyên Tông rằng, “Các quận huyện Sơn Đông, Hà Bắc của nước Kim đã rơi vào tay ta, các ngươi chỉ còn lại thành Yên Kinh (Trung Đô) thôi. Thiên Thượng dường như đã khiến ngươi trở nên suy yếu, ta lại khiến cho ngươi rơi vào cảnh hiểm nguy, Thiên Thượng sẽ nhìn ta như thế nào đây? Cho nên ta dự định đưa quân về, nhưng (thuộc hạ của ta không đồng ý), ngươi có biện pháp gì để tiêu trừ được sự phẫn nộ của các tướng lĩnh của ta?”
Hoàng đế Kim Tuyên Tông cùng các đại thần bàn bạc, có người chủ chiến, có người chủ hòa, định đợi sau khi binh lính Mông Cổ rút quân, sẽ tính kế đánh sau. Hoàng đế Kim Tuyên Tông phái sứ thần đi cầu hòa, đưa công chúa Kỳ Quốc con gái Vệ Thiệu Vương cùng gấm vóc, năm trăm đồng nam đồng nữ, và ba ngàn con ngựa cống nạp cho Thành Cát Tư Hãn, phái Thừa tướng Hoàn Nhan Phúc Hưng tiễn Thành Cát Tư Hãn ra khỏi Cư Dung Quan. Sau khi ký hòa ước, Thành Cát Tư Hãn rút binh, quân Mông cổ quay trở về phía bắc. Nước Kim có cơ hội tạm thời nghỉ ngơi.
Tháng Năm, Hoàng đế Kim Tuyên Tông đại xá trong nước, lấy lý do nước yếu binh nhược, tài chính thiếu thốn không thể ở lại Trung Đô. Mặt khác không quan tâm đến đến phản đối của Đồ Đơn Dật và Thái Học Sinh, Hoàng đế quyết định dời đô đến Biện Kinh Nam Kinh (nay là Khai Phong), hy vọng có thể dựa vào thế hiểm yếu của Hoàng Hà để bảo vệ kinh thành, ông cũng ra lệnh cho Hoàn Nhan Phúc Hưng cùng Tham Chính Mạt Niệm tận trung phụ tá Thái tử Thủ Trung ở lại Trung Đô. Có điều, nguyên nhân chính là Kim Tuyên Tông e ngại quân Mông Cổ tái tấn công Trung Đô, khiến mình lâm vào cảnh nguy hiểm.
Khi Hoàng đế Kim Tuyên Tông đi tới thôn quê ở Tây Nam Trung Đô, ông lệnh cho quân hộ tống người Khiết Đan vốn đầu hàng nay giao lại toàn bộ áo giáp, ngựa. Do hàng quân Khiết Đan biết được nước Kim không giữ tín nghĩa, nên buông lời oán giận, thậm chí làm loạn, giết chết chủ soái người Kim, đề cử Chước Đáp người Khiết Đan làm soái, tấn công hướng Trung Đô. Chủ soái Trung Đô Hoàn Nhan Thừa Huy phái binh ngăn cản, Chước Đáp phái người xin hàng Thành Cát Tư Hãn, và cũng thỉnh cầu viện trợ.
Lúc ấy Thành Cát Tư Hãn đang nghỉ tránh nóng tại Ngư Nhi Lạc (nay là tây bắc huyện Trương Bắc tỉnh Hà Bắc, vị trí dọc đông nam cao nguyên nội Mông Cổ). Khi ông nghe nói Hoàng đế Kim quốc dời đô về Nam Kinh và cuộc binh biến của Chước Đáp, đã rất giận dữ nói: “Kim chủ đã cùng ta hòa hảo chung sống, lại lựa chọn dời đô, là bởi vì có lòng nghi ngờ, chẳng qua là lấy hòa ước để lừa gạt ta đó thôi”.
Thành Cát Tư Hãn lệnh cho tướng Tát Mộc Hợp dẫn quân Mông Cổ, tướng Thạch Mạt Minh An dẫn quân là người Kim đầu hàng đến Cổ Bắc Khẩu, cùng người Khiết Đan của Chước Đáp hội hợp, tập trung bao vây Trung Đô. Mùa thu tháng Bảy, Thái tử Thủ Trung của nước Kim về Nam Kinh trước, lòng người Trung Đô càng thêm hoang mang. Tát Mộc Hợp và các tướng áp dụng kế sách vừa vây thành đánh viện binh, vừa chiêu hàng, khiến cho Hữu phó nguyên soái Bồ Sát Kỳ nước Kim và các tướng khác phải đầu hàng, còn chặt đứt thủy vận, tiêu diệt viện binh cùng đội vận lương của nước Kim, khiến Trung Đô lương thực cạn kiệt, không còn viện binh. Ở giữa, Thành Cát Tư Hãn tiếp thu kiến nghị của thuộc cấp Om Mộc Hải, áp dụng kỹ thuật tiên tiến của Trung Nguyên, gây dựng pháo binh Mông Cổ, từ đó chú trọng dùng pháo thạch để công thành.
Tháng Mười, Thành Cát Tư Hãn lại lệnh cho Mộc Hoa Lê tiến quân chinh phạt Liêu Đông, chi viện cho Gia Luật Lưu Ca. Khi Mộc Hoa Lê đi phạt Liêu Đông, các tướng như Cao Châu Lư Tông, Kim Phác đầu hàng; Trương Kình ở Cẩm Châu giết Tiết Độ Sứ, tự lập làm Lâm Hải Vương, cũng phái sứ giả đến đầu hàng. Khi đó nước Kim phái Bồ Tiên Vạn Nô dẫn đại quân tiến công Lưu Ca. Dưới sự trợ giúp của người Mông Cổ, Lưu Ca đã đại phá quân Kim tại huyện Quy Nhân Bắc Hà (nay là nội thành Xương Đồ Liêu Ninh), đồng thời thừa thế chiếm lĩnh các châu quận của Liêu Đông, định đô Hàm Bình, gọi là Trung Kinh.
Tháng Giêng năm 1215, Mộc Hoa Lê cùng Gia Luật Lưu Ca công chiếm Đông Kinh của nước Kim, chấp nhận sự đầu hàng của Hoàng Đáp Hổ, tướng trấn thủ nơi đây, và 47 người khác, bình định được 32 thành. Thuộc hạ của Gia Luật Lưu Ca khuyên ông ta xưng đế, nhưng ông ta một mực cự tuyệt. Tháng Mười Một, Gia Luật Lưu Ca bí mật cùng con trai Tiết Đồ mang theo hậu lễ đi Mạc Bắc yết kiến Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn rất vui mừng, ban cho ông ta Hổ phù vàng, và phong ông ta làm Liêu Vương.
Tháng Ba, Hoàng đế Kim Tuyên Tông sau khi được chủ soái Hoàn Nhan Thừa Huy, thủ vệ Trung Đô, dùng phèn chua viết tấu chương cấp báo, bèn chiếu lệnh cho Nguyên soái tả giám quân Hoàn Nhan Vĩnh Tích, Nguyên soái tả đô giám Ô Cổ Luận Khánh Thọ độc lập dẫn 39,000 quân đi cứu viện Trung Đô. Hoàng đế cũng phái Ngự sử trung Thừa Lý Anh chiêu mộ dân quân chống quân Mông Cổ ở Thanh Châu, Thương Châu thuộc Hà Gian Phủ, lệnh cho ông ta xuất phát từ Thanh Châu, đốc thúc vận chuyển lương thảo đi cứu Trung Đô.
Sau khi Lý Anh đến phủ Đại Danh, chiêu được mấy vạn binh sĩ, lệnh cho mỗi người vác theo ba đấu lương thực, chính ông cũng không ngoại lệ. Trên đường, đội quân của Lý Anh không may gặp đội quân Mông Cổ tại bắc Bá Châu, Lý Anh bởi vì uống rượu say mèm, không thể thống lĩnh quân, nên quân Kim đại bại, Lý Anh chết trận, quân lính bị tiêu diệt hoàn toàn, lương thảo vận chuyển đều bị quân Mông Cổ chiếm đoạt. Tướng Ô Cổ Luận Khánh Thọ và Hoàn Nhan Vĩnh Tích dẫn quân đến Trác Châu, cũng bị quân Mông Cổ đánh tan, hai người dẫn tàn quân chạy tán loạn quay về.
Do viện trợ cho Trung Đô hoàn toàn thất bại, trong ngoài Trung Đô đều bị cắt đứt liên hệ, trong thành nạn đói nghiêm trọng, thậm chí còn xuất hiện tình huống ăn thịt người. Tháng Năm, người Mông Cổ triển khai tác chiến công thành, một lần dùng pháo liền đạt mấy trăm cửa, nhanh chóng phá thành. Do không đủ sức chống đỡ, thêm Hoàn Nhan Thừa Huy uống thuốc độc tự sát, phó soái Mạt Niệm tận trung lẩn trốn, binh lính còn lại trong thành ra đầu hàng.
Sau khi quân Mông Cổ chiếm lĩnh Trung Đô, đổi tên là Yên Kinh, Thành Cát Tư Hãn phái Thất Cát Hốt Đột Hốt, Uông Cổ Nhi cùng Cáp Tát Nhi đi khao thưởng. Ông cho kiểm tra tài vật bên trong kho của Trung Đô, vận chuyển toàn bộ về thảo nguyên Mông Cổ. Tiểu lại giữ kho của nước Kim tự cho là thông minh đem một chút tài vật đưa cho ba người, chỉ có Thất Cát Hốt Đột Hốt từ chối. Ông nói: “Những tài vật này trước đây đều của Hoàng đế nước Kim, bị chúng ta chiếm đoạt, hiện tại là tài vật của Thành Cát Tư Hãn. Mọi người không thể tự chiếm riêng một phân một hào”. Sau khi Thành Cát Tư Hãn nghe nói, rất tán thưởng Thất Cát Hốt Đột Hốt.
Tháng Bảy, Thành Cát Tư Hãn sai sứ giả đi hiểu dụ Hoàng đế Kim Tuyên Tông: “Nếu như ngươi giao hiến thành trì ở Sơn Đông Hà Bắc, từ bỏ danh hiệu Hoàng đế nước Kim, và đồng ý thay thế Kim chủ là Hà Nam Vương, Mông Cổ sẽ bãi binh”, nhưng Hoàng đế Kim Tuyên Tông từ chối.
Biết được sự tài giỏi của thợ thủ công người Hán, người Mông Cổ ngoài việc công thành chiếm đất, họ đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm thợ thủ công, có khi một thành liền có được mấy vạn thợ. Có được rất nhiều thợ thủ công như thế, Thành Cát Tư Hãn hạ lệnh thành lập đội quân thợ thủ công, xây dựng công xưởng nấu sắt chế tạo binh khí. Ngoài ra, người Mông Cổ còn sáng tạo “Tiễn tốc truyền kỵ” trong việc thông tin liên lạc, một ngày chạy nhanh mấy trăm dặm, tốc độ truyền đạt quân lệnh và điều khiển quân đội càng nhanh chóng hơn. Họ rất giỏi về phát huy sở trường của kỵ binh, nên còn được gọi là “Cơn lốc Mông Cổ”.
Giành được một nửa giang sơn nước Kim
Thế tiến công liên tục của binh lính Mông Cổ làm chính quyền nước Kim gặp nguy hiểm trùng trùng. Lúc này, người Mông Cổ đã chiếm lĩnh được 862 tòa thành bao gồm cả Trung Đô, bản đồ của nước Kim đang dần thu nhỏ lại.
Mùa xuân năm 1216, Thành Cát Tư Hãn từ Ngư Nhi Lạc trở lại hành cung Lư Cù Hà (nay là bên bờ sông Khắc Lỗ Luân miền đông Mông Cổ), vì muốn mau chóng công phá Liêu Tây cùng các châu và huyện ở Trung Nguyên, ông gia tăng thêm áp lực đối với Nam Kinh của nước Kim. Ông phái Xa Nhi Tất (tức quan thị vệ) Thoát Luân cùng Mộc Hoa Lê đi bình định một dải các địa phương còn chưa bị đánh hạ của Quan Đông. Trong vòng nửa năm, khu vực này cơ bản được bình định.
Tháng Tám mùa thu năm đó, Thành Cát Tư Hãn lại lệnh cho Tát Mộc Hợp dẫn vạn kỵ binh, đi qua Tây Hạ rồi tiến về Quan Trung, từ vùng đất Hà Tây tiến vào Thiểm Tây, tiến công Đồng Quan. Đồng Quan vững như thành đồng, quân Mông Cổ mới đầu tấn công thấy bất lợi, liền tránh Đồng Quan, tiến vào vùng núi phía nam.
Đường xá vùng núi vô cùng hiểm trở, nhưng những người Mông Cổ gan dạ không hề e ngại, bọn họ đi trên con đường hẹp quanh co, ghép từng cây giáo sắt lại với nhau, dựng lên một “nhịp cầu” ở bên trên khe núi Tuấn Cốc. Trải qua trùng trùng hiểm trở, bọn họ đã trèo tới đỉnh núi, và như từ trên trời giáng xuống, nhanh chóng tới được Nhữ Châu, rồi đột nhiên xuất hiện tại tây nam Biện Kinh Nam Kinh nước Kim, hoàn toàn vượt ra khỏi dự tính của người Kim. Quân Kim không dám trực tiếp chống lại, lập tức rối loạn.
Tiếp đó, đội quân của Tát Mộc Hợp thẳng đến Biện Kinh. Cách doanh trại Hạnh Hoa hai mươi dặm, đội quân của Tát Mộc Hợp gặp đội quân Hoa Mạo là nghĩa quân địa phương đến tiếp viện cho người Kim. Binh lính Mông Cổ không chiếm được thế thượng phong, Tát Mộc Hợp liền dẫn quân rút lui đến Thiểm Châu (nay là huyện Thiểm tỉnh Hà Nam). Lúc này nước sông Hoàng Hà vừa vặn đóng băng, binh lính Mông Cổ đã vượt sông Hoàng Hà để chỉnh đốn quân đội.
Tháng Mười Một, đội quân Mông Cổ lần nữa tiến đánh Đồng Quan, An Tây Quân Tiết Độ Sứ Nê Bàng Cổ Bồ Lỗ Hổ tử trận, Đồng Quan bị binh lính Mông Cổ đánh hạ. Tuy được phái tới cứu viện nhưng do sợ hãi mà không dám khai chiến với người Mông Cổ, chỉ ngồi nhìn Đồng Quan thất thủ nên Hoàn Nhan Vĩnh Tích bị Hoàng đế Kim quốc cắt đi tước vị, điều này khiến quân Kim trên dưới càng thêm nản lòng.
Sau khi đánh hạ Đồng Quan, trải qua một thời gian chỉnh đốn, Tát Mộc Hợp dẫn quân lấy được Hiệp Châu, v.v. rồi mới đông tiến, lần nữa tiến quân hướng Biện Kinh. Khi đến gần thành Biện Kinh, Tát Mộc Hợp điều tra phát hiện trong đồn của quân Kim có trọng binh, khó mà đánh nhanh được, ông quyết định vượt lên trên phía bắc sông Hoàng Hà, bao vây tấn công phủ Bình Dương (nay là huyện Lâm Phần tỉnh Sơn Tây).
Cảm giác bất lực tột độ khi đối kháng đại quân Mông Cổ, Hoàng đế Kim Tuyên Tông phái sứ giả đến Thành Cát Tư Hãn xin hòa. Thành Cát Tư Hãn chuẩn bị đồng ý, liền hạ chiếu để Tát Mộc Hợp thu binh. Không muốn uổng công mà rút lui, Tát Mộc Hợp liền phái người hướng đến Hoàng đế Kim quốc lại một lần nữa đưa ra điều kiện như trước: Lấy các thành trì ở Sơn Đông Hà Bắc chưa bị đánh hạ ra hiến, đồng thời từ bỏ danh hiệu Hoàng đế nước Kim, Mông Cổ sẽ bãi binh”, nhưng Hoàng đế nước Kim lần nữa từ chối, hòa đàm lại gặp trở ngại.
Từ khi Thành Cát Tư Hãn phát động chiến tranh với nước Kim vào năm 1211 đến thời điểm đó, kỵ binh Mông Cổ ở trong ngoài Trường Thành tung hoành ngang dọc, tiêu diệt lượng lớn quân chủ lực và đánh chiếm được một nửa giang sơn của nước Kim. Đội quân Mông Cổ cũng được mở rộng, nhất là sau khi có lượng lớn những người thợ thủ công ở trong quân biết chế tạo dụng cụ và vũ khí, thực lực tăng lên rất nhiều. Có điều, cũng giống như trước đây, đối với rất nhiều châu huyện, sau khi quân Mông Cổ chiếm lĩnh và cướp đoạt thì lại rút đi. Nước Kim lại tiếp tục vật lộn trong sự bất ổn định. Triều Tống ở phía nam nước Kim cũng bởi vì suy yếu đã lâu, không còn sức giao tranh với nước Kim, chỉ là bãi bỏ hòa ước Gia Định, ngừng nạp tiền cống hàng năm. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy được dấu hiệu việc Triều Tống cuối cùng cũng bị người Mông Cổ tiêu diệt.
Năm 1217, quân Mông Cổ lại công phá quân Kim tại Vũ Bình và Bá Châu. Tháng 08/1217, do có công bình định Liêu Tây và Liêu Đông, Thành Cát Tư Hãn phong cho Tướng quân Mộc Hoa Lê làm Thái Sư, Quốc Vương, và ban thưởng cuốn lời thề có ấn vàng, chiếu viết: “Tử tôn truyền quốc, thế thế bất tuyệt” (truyền cho con cháu đời đời). Thành Cát Tư Hãn lại lệnh cho ông toàn quyền chỉ huy 1.3 vạn quân Mông Cổ, một vạn quân bộ binh của Uông Cổ Nhi, đội quân người Khiết Đan đầu hàng Mông Cổ cùng toàn bộ quân người Hán tấn công nước Kim. Ông cũng lệnh cho Mộc Hoa Lê đi chiêu dụ thu nạp các hào kiệt Trung Nguyên, sắp đặt xây dựng hàng tỉnh, quản lý hoạch định Trung Nguyên, còn mình thì dẫn quân chủ lực quay về Mông Cổ, chuẩn bị chinh chiến phía Tây. Thế giới sẽ vì thế mà chấn động.
Do Zhang XianYi thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ