Thắng cảnh trong tranh truyền thống Nhật Bản
Để hình dung một Nhật Bản có bề dày lịch sử và truyền thống, Bảo Tàng Nghệ Thuật Đại Học Princeton đã tổ chức triển lãm “Thắng cảnh trong tranh Nhật Bản” năm 2019. Đây là cơ hội “kết nối với một trong những truyền thống trọng yếu nhất trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản”, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton, James Steward cho biết trên trang web TownTopics.
Thông qua các sách minh họa, tranh in mộc bản, tranh vẽ và ảnh chụp, gần 40 tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 21 khám phá những địa điểm Nhật Bản dù trong tưởng tượng hay trên thực tế theo những cách khác nhau.
Triển lãm nghệ thuật truyền thống về các danh lam thắng cảnh ở Nhật Bản được chia thành ba chủ đề chính: “Địa danh tưởng tượng”, “Địa danh nổi tiếng” (meisho 名 所) và “Địa danh linh thiêng” (reijō 霊 場). Và kết thúc với những bức ảnh tưởng nhớ trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011.
Giám tuyển triển lãm, Andrew M. Watsky, một giáo sư về nghệ thuật và khảo cổ học Nhật Bản tại Princeton, cho biết khoảnh khắc khi nhìn thấy những hình ảnh này: “Như khi tổ chức các cuộc triển lãm khác, tôi cảm thấy bất ngờ và tuyệt vời khi chiêm ngưỡng các tác phẩm ngoài đời thực, các bức tranh lớn và nhỏ. Chẳng hạn, những bức bình phong cỡ lớn trong phòng trưng bày đầu tiên tác động rất lớn đến tôi mỗi khi tôi bước vào, chúng rộng lớn với nét vẽ mượt mà và sống động. Hết lần này đến lần khác, tôi cảm thấy rung động khi xem các tác phẩm nghệ thuật thực sự”, ông chia sẻ trong một email.
Địa danh tưởng tượng trong nghệ thuật Nhật Bản
Không nhiều các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản được tạo ra từ đời thực, mà hầu hết đến từ trí tưởng tượng của các nghệ sĩ. Những tưởng tượng này có thể được truyền cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật khác hoặc một tác phẩm hư cấu khác, nhưng đa phần là chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Trung Hoa mà người Nhật rất coi trọng.
Người Nhật coi Trung Hoa là nguồn cội của nền văn hóa chính thống, Caitlin Karyadi, đồng giám tuyển triển lãm và là một người theo học chương trình Tiến sĩ tại Đại học Princeton, cho biết trên trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Princeton. Vì không thể đến thăm Trung Hoa, “các nghệ sĩ Nhật Bản đã ấp ủ hàng thế kỷ luyện vẽ và tạo ra cách diễn dịch của riêng họ về một Trung Hoa trong trí tưởng tượng.”
Hội họa truyền thống Nhật Bản về dòng tranh “sơn thủy”, ngày nay thường gọi là tranh “phong cảnh”, vay mượn các họa tiết và thủ pháp từ tranh sơn thủy Trung Hoa có từ trước. Tranh sơn thủy Nhật Bản không chỉ giới hạn ở việc vẽ núi non sông nước mà bao gồm cả cây cối, đá, hoa, nhà cửa và con người.
Bức tranh của Tachihara Kyosho (1785-1840) cho thấy hình ảnh hiếm hoi một họa sĩ Nhật Bản đang làm việc: Người họa sĩ ở trong nhà đang vẽ tranh theo trí nhớ của mình; có lẽ ông đang vẽ một nơi đã từng ghé thăm hoặc khả năng cao là ông đang vẽ một bức tranh mà ông đã nghiên cứu hoặc từng vẽ trước đây, Karyadi cho biết.
Bàn tay, tâm trí và bút pháp
Bút pháp của một họa sĩ là cực kỳ quan trọng. Những bức tranh vẽ bằng mực đen được đánh giá cao phần lớn là vì có thể bộc lộ rõ bút pháp của người vẽ. Trái lại, cũng bức vẽ đó mà được tô nhiều màu sắc, được vẽ bằng các màu khoáng mờ, dày đặc thì ít nhiều che đi bút pháp của họa sĩ.
Cọ vẽ được làm từ lông thú, đủ bền chắc và uyển chuyển để thể hiện những chuyển động truyền thần từ bàn tay và tâm trí của họa sĩ. Mỗi nét mực trên giấy hoặc lụa mang lại một ấn tượng về tác giả; mực vẽ không chỉ đóng vai trò như một chất truyền tải cho bức tranh hoàn thiện, mà cũng biểu đạt cá tính của người họa sĩ.
Các bức tranh thể hiện bút pháp khác nhau được trưng bày trong triển lãm. Trong tranh “Thấp thoáng cảnh đẹp bốn mùa” của Kano Eitoku Tatsunobo (1814–1892), các khối đá lởm chởm và các chi tiết mặt đá tinh xảo gợi nhớ đến hội họa Trung Hoa cổ đại uyên thâm. Kano tôn trọng các quy tắc truyền thống được lưu truyền từ xưởng vẽ gia tộc lâu đời của ông, chính là trên nền tảng nghệ thuật hàn lâm Trung Hoa cổ đại. Kết quả là ông đã sáng tạo ra một bút pháp sống động đan xen các nét vẽ thanh thoát nhẹ nhàng.
Có thể thấy sự tĩnh lặng trong tranh của Tani Buncho, mặc dù bút pháp của ông tương phản với Kano. Tani (1763-1841) thường dùng nét vẽ truyền thần và mang tính cá nhân. Hiệu ứng của những chuyển động sống động này càng được tăng cường vì mực không thể xuyên qua giấy kim loại, vàng lá. Mặc dù bút pháp của ông hàm chứa sự chuyển động, nhưng không có cái động nào trong bức tranh: Những chiếc thuyền đứng yên bất động, ánh sáng vàng ấm áp, hoàn toàn không thể biết nơi đây đang ở mùa nào trong năm.
Tuy nhiên, các mùa chắc chắn chiếm một vị thế trong nghệ thuật Nhật Bản. Các bức tranh thường thể hiện tất cả các mùa trong một khung cảnh, chẳng hạn như bức tranh về núi của Kano trong “Thấp thoáng cảnh đẹp bốn mùa”.
Thơ văn và chủ đề trong nghệ thuật Nhật Bản
Truyền thống giữ vai trò chủ đạo trong nghệ thuật Nhật Bản. Các họa tiết đóng vai trò như một ngôn ngữ ẩn dụ để người xem có thể chiêm nghiệm và hiểu sâu sắc hơn về văn hóa.
Theo truyền thống, thơ văn là một hình thức nghệ thuật được đánh giá cao ở Nhật Bản, nhiều bức tranh phong cảnh có kèm theo văn xuôi hoặc thơ. Trên thực tế, thơ là hình thức nghệ thuật cao cấp ở Nhật Bản thời bấy giờ, vậy nên những chủ đề về phong cảnh thường xuất hiện đầu tiên là trong các bài thơ, rồi được thể hiện trong hội họa. Các câu chữ cũng là một phần trong bố cục và giúp diễn giải thêm về nội dung của bức tranh.
Một bài thơ trong bức “Đền thờ Tenjin” của Reigen Eto (1721–1785) kể cho chúng ta về những cây thông và hoa mận, mà một vị học giả tên Sugawara no Michizane (845–903) còn gọi là thần thơ Tenjin, rất yêu thích. Truyền thuyết nói về tình yêu của Sugawara với cây mận. Người ta nói rằng hoa mận của Sugawara có thể bay.
Trước khi rời khỏi nhà ở Kyoto, Sugawara đã viết một bài thơ gửi niềm yêu thương với loài cây này:
Nếu cơn gió đông thổi qua,
hãy nhờ gió gửi hương thơm của bạn cho tôi,
này hoa mận:
Đừng quên xuân thời
Vì chủ nhân của bạn đã đi rồi.
Bài thơ trong tiếng Nhật: kochi fukaba / nioi okose yo / ume no hana / aruji nashi tote/ haru o wasuru na
Trước sự ra đi của chủ nhân, cây mận đau buồn đến nỗi theo gió bay qua khung cảnh bao la đến tiền đồn Dazaifu xa xôi để ở bên Tenjin, đó là lý do tại sao bây giờ nó được gọi là “Tobi-ume” (Mận Bay). Dù một số người nói rằng cây mận đã được trồng lại tại Dazaifu Tenman-gu (một trong những đền thờ chính của ông), chúng ta có thể hình dung qua nét vẽ nhanh khá trừu tượng của Reigen, hình ảnh hoa mận đang bay.
Ví dụ khác thể hiện sự kết hợp giữa hội họa và thơ ca, Bức tranh “Ba thắng cảnh của Nhật Bản” do Tanomura Chokunyu (1814–1907) vẽ cho thấy ba địa điểm nổi tiếng: Ama no Hashidate, Đền Itsukushima và Matsushima. Tác phẩm có đề hai bộ thơ, một trên tranh cuộn của Tanomura và một trên tranh vẽ núi của Tomioka Tessai (1837–1924). Tất cả các bài thơ là chú thích cho các địa điểm trong tranh.
Thơ văn không chỉ được sử dụng để giải thích và thể hiện hội hàm của các bức tranh, chữ viết cũng có thể là một hình thức tranh. Tác phẩm “Núi thơ Phú Sĩ” của Yamaguchi Shido (1765–1842) dùng chính những dòng thơ khổ dọc để tạo nên đường nét cho ngọn núi: Ngọn núi thực sự được tạo nên từ thơ, mỗi dòng thơ cho chúng ta biết về ngọn núi tôn kính cũng như tạo nên hình dạng của núi.
Các họa tiết trong tranh Nhật Bản là một cách khác để thể hiện ý nghĩa của các bức tranh phong cảnh, chẳng hạn như núi Phú Sĩ nổi tiếng tượng trưng cho vận may, hoặc cây thông tượng trưng cho sự kiên trì.
Những hình tượng tốt lành nhất trong giấc mơ vào năm mới của người Nhật, hay còn gọi là Hatsuyume, là núi Phú Sĩ, một con diều hâu và cà tím. Nếu những hình ảnh này xuất hiện trong giấc mơ vào đêm đầu tiên của năm mới, theo truyền thống ở Nhật Bản là ngày 1 tháng Giêng, nó báo hiệu một năm mới tốt lành. Hakuin Ekaku (1686–1768) thể hiện cả ba hình ảnh này trong bức tranh cuộn treo khổ lớn, với nét vẽ đơn giản, mạnh mẽ lấp đầy không gian rộng lớn.
Không gian thiêng liêng
Vào thời cổ đại, người Nhật thường đi du lịch chủ yếu là để hành hương đến một ngôi đền hoặc một vùng đất thiêng. Những người hành hương được miêu tả trong bức tranh “Nachi Pilgrimage Mandala” cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về các hoạt động sôi nổi hàng ngày, bên trong và bên ngoài của một trong những ngôi đền được tôn kính nhất Nhật Bản. Những người hành hương sẽ tụ tập xung quanh bức tranh này để nghe những người kể chuyện trong đền thờ kể những câu chuyện linh thiêng về ngôi đền. Chúng ta gần như có thể mường tượng những câu từ mà người kể chuyện sẽ nói khi nhìn các hình vẽ trong bức tranh từ phải sang trái, giống như khi đọc chữ viết tiếng Nhật.
Khung cảnh trầm tư tĩnh lặng là một chủ đề khác trong tranh. Một bức tranh của Kameda Bosai (1752-1826) trong tập sách “Những ngọn núi của trái tim” thể hiện một người đàn ông đang tĩnh lặng ngắm nhìn những đỉnh núi. Và trong bản in của Katsushika Hokusai (1760-1849) về một ngôi đền nổi tiếng ở Edo (Tokyo), là hình ảnh những người đàn ông và phụ nữ đang chăm chú ngắm nhìn núi Phú Sĩ.
Qua triển lãm “Thắng cảnh trong tranh Nhật Bản” (Picturing Place in Japan), giám tuyển Watsky hy vọng rằng “chúng ta có thể thấy các nghệ sĩ Nhật Bản đã tôn vinh thế giới xung quanh họ như thế nào, núi non, sông nước, các danh lam ở Nhật Bản, những thắng cảnh Trung Hoa trong trí tưởng tượng, nhận ra được điều này, chúng ta sẽ có thể hòa hợp hơn với thế giới xung quanh, cho dù chúng ta ở đâu. ”
Triển lãm “Thắng cảnh trong tranh Nhật Bản”, diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton, bao gồm các bức tranh từ bộ sưu tập Gitter-Yelen danh giá (còn được gọi là bộ sưu tập Manyo’an) cùng với các tác phẩm từ Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton và Thư viện nghệ thuật và khảo cổ học Marquand tại Đại học Princeton. Triển lãm được giám tuyển bởi Andrew M. Watsky, giáo sư nghệ thuật và khảo cổ học Nhật Bản, và Caitlin Karyadi, nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ tại Đại học Princeton, cùng với Cary Liu, Nancy và Peter Lee Giám đốc nghệ thuật Á Châu tại Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton.
Lorraine Ferrier
Phương Du biên dịch
Xem thêm: