Thần Tiên giúp đỡ người hiếu đức
Vào thời Nam Bắc Triều, ở kinh đô Lạc Dương của nhà Bắc Ngụy có một gia đình họ Dương nọ. Trong nhà họ Dương này có 6 anh em trai đều đi làm thuê cho người ta, bán sức lao động kiếm sống. Không ngờ rằng trong một gia đình nghèo như vậy, con cháu đời sau lại có rất nhiều người là Công Khanh, trở thành gia tộc bề thế.
Trong sáu anh em thì Dương Ung từ nhỏ đã có bản tính thiện lương và hiếu kính cha mẹ, xa gần đều nghe tiếng. Khi cha mẹ qua đời, Dương Ung lo liệu chu tất tang sự của cha mẹ, thời gian sau đó thì vẫn không nguôi tưởng nhớ cha mẹ, ngày ngày đau buồn rơi lệ. Vì quá đau buồn thương nhớ cha mẹ mà chẳng thể ở lại quê nhà, Dương Ung bèn bán toàn bộ tài sản và dời về phương bắc sinh sống.
Vùng đất nơi Dương Ung chuyển đến cũng khiến người ta khó hiểu, đó là một vùng khô cằn thiếu nguồn nước, nhà của anh lại dựng bên cạnh con đường lớn dưới một sườn dốc. Mỗi ngày khi trời chưa sáng Dương Ung đã thức dậy, dùng một chiếc xe đẩy đi lấy nước về. Ngày ngày, anh tiếp tế nước uống cho những người qua đường, hơn nữa còn sửa giày giúp họ, hoàn toàn không tính công thu phí. Năm này qua năm khác như vậy, Dương Ung một mực kiên trì làm việc thiện, không bao giờ lơ là, cũng không thay đổi ý nguyện ban đầu.
Một hôm, có một thư sinh đến nhà, Dương Ung nghĩ đó là người đến xin nước. Vị thư sinh có dáng dấp tiên phong đạo cốt, không hỏi xin nước mà hỏi Dương Ung rằng: “Vì sao ông không trồng hoa màu để cung cấp đồ ăn cho mình?”
Dương Ung nói: “Tôi không có hạt giống hoa màu để trồng.”
Vị thư sinh liền cho Dương Ung mấy thăng (dụng cụ đong lương thực) hạt giống hoa màu. Dương Ung vui mừng đem hạt giống gieo trồng xuống đất. Kết quả, cây mọc lên thì rễ cây và thân cây đều biến thành bạch ngọc, lá cây um tùm thì biến thành trăm vạn tiền.
Về sau người thư sinh nọ lại đến. Dương Ung nghĩ thư sinh này nhất định không phải là người bình thường!
Vị thư sinh hỏi Dương Ung: “Vì sao ông không lấy vợ?”
Dương Ung đáp rằng: “Tôi lớn tuổi rồi, không có ai chịu gả con cho.”
Thư sinh nói: “Nếu ông cầu hôn với con gái nhà danh môn [nhà có danh tiếng], nhất định có thể thành công.”
Lúc này Dương Ung rất tin tưởng lời của vị thư sinh, bèn tích cực đi tìm hiểu.
Nghe nói có một nhà họ Từ là nhà giàu ở phía tây quận Bắc Bình. Nhà họ có một cô con gái rất nổi danh trong vùng, không ít người tới cửa cầu hôn nhưng nàng ấy đều chưa ưng ý.
Dương Ung mời một bà mối đi dò xét thử xem. Mới đầu, cô con gái nhà họ Từ chỉ cười nhạt một tiếng, cho rằng Dương Ung quá ngạo mạn mà mơ tưởng hão huyền. Về sau biết được Dương Ung vẫn luôn làm việc thiện, cô bèn nói đùa với bà mối rằng: “Nếu như anh ta có thể mang tới một đôi bạch ngọc, một trăm vạn tiền, thì tôi sẽ đồng ý lấy anh ta.”
Ngày hôm sau, Dương Ung bèn mang một đôi bạch ngọc và một trăm vạn tiền trong nhà làm sính lễ đi đến nhà họ từ. Cô con gái nhà họ Từ vừa nhìn thấy thì kinh hãi, quả thực là không tin vào mắt mình, “một chàng trai nghèo tầm thường sao có được sính lễ như vậy?” Tuy nhiên, lời đã nói ra rồi, có thể nào lật lọng! Nàng đành phải đồng ý gả cho Dương Ung.
Sau khi thành hôn, tình cảm đôi vợ chồng này rất hòa hợp. Về sau, họ sinh được tất cả 10 người con trai, ai nấy đều tài đức vẹn toàn, tài năng xuất chúng. Mười người con trai đều làm tới chức Tướng Khanh, đảm nhận các chức vị Tể tướng, Công khanh quan trọng trong triều. Sau này trong vùng phía tây quận Bắc Bình có rất nhiều nhà họ Dương, đó đều là con cháu đời sau của Dương Ung.
Nguồn tư liệu: “Hiếu đức truyện”
Trọng Ông chỉnh lý
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ