Thần thông dự ngôn phi phàm của Dược Vương Tôn Tư Mạc
Vào giữa thời Tùy Đường, danh y Tôn Tư Mạc đã lưu lại một bộ sách nổi tiếng có tên là “Thiên Kim Phương” và một số sách dưỡng sinh truyền đời [1], rất hữu dụng để tế thế cứu người trên thế gian, người đời gọi ông là “Dược Vương”.
Tôn Tư Mạc không chỉ chuyên chú học rộng kinh sách, mà còn nghiên cứu chuyên sâu về dược phương, học thức và tu hành của ông đều cao thâm. Ông “hiểu biết chuyên sâu, đạo hạnh cao diệu, am hiểu thuật dưỡng sinh”, hiểu rõ đạo tu hành dưỡng sinh từ cổ chí kim, lại có tài năng trong việc nghiên cứu thuật số (*dùng khí cụ hoặc thuật số để dự đoán thiên tượng), đo lường càn khôn. Ông tu hành đạt đến độ cao thâm, bề ngoài nhìn rất trẻ trung, mọi người tôn kính coi ông là Thần Tiên giống như Lạc Hạ Hoành, An Kỳ tiên sinh.
Thần tiên ở các tầng thứ khác nhau có thể biết được một số thời không mà con người không nhìn thấy. Tôn Tư Mạc cũng có biểu hiện như vậy trong cuộc đời của mình, ông có công năng túc mệnh thông mà con người đã biết đến.
“Cựu Đường thư” ghi chép, thời Tuyên Đế nhà Bắc Chu (năm 578-579), vương thất rối loạn, Tôn Tư Mạc liền đến ẩn cư ở núi Thái Bạch. Sau khi Tùy Văn Đế kiến lập nhà Tùy, đã triệu ông làm chức Bác sĩ, ông cáo ốm từ chối không ra làm quan. Tôn Tư Mạc tinh thông thuật âm dương, dự đoán được tương lai, ông nói với người thân cận rằng: “Năm mươi năm sau, sẽ có bậc Thánh nhân xuất hiện, lúc ấy ta mới trợ giúp ông ấy cứu người cứu đời”.
Sau 50 năm, sau khi Thánh quân Đường Thái Tông lên ngôi (năm 627) đã triệu mời Tôn Tư Mạc, ông liền nhận lời đến kinh sư. Lúc ấy, những người nhìn thấy đều ca ngợi diện mạo rất trẻ trung của ông. Từ bản thân ông, mọi người có thể thấy được việc tu Đạo quả nhiên rất chân thực, rằng bậc Thần tiên tu Đạo, đắc Đạo trong truyền thuyết không phải là chuyện huyễn hoặc!
Ngoài việc nhìn thiên tượng đoán biết được việc ở nơi con người, Tôn Tư Mạc còn biết được chuyện trong lịch sử. Đám người Ngụy Trưng nhận chiếu biên soạn những sự kiện lịch sử từ thời ngũ đại Tề, Lương, Trần, Chu, Tùy, sợ bỏ sót sự thật nào đó bèn nhiều lần thỉnh xin ý kiến của Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc đã thuật lại một số chuyện lịch sử trong quá khứ, thao thao chẳng dứt, cứ như tận mắt mình chứng kiến vậy.
Tôn Tư Mạc còn có thể nhìn thấy được cuộc đời và tiền đồ trong tương lai của một số người. Có thể lấy một ví dụ chân thực liên quan đến tương lai một người cháu của ông. Lúc cháu của Tôn Tư Mạc là Tôn Bạc còn chưa ra đời, ông đã biết được cháu của mình tương lai sẽ làm quan ở đâu và đảm nhận chức vụ gì. “Cựu Đường thư” ghi chép một chuyện như thế này: Thái tử Chiêm sự Lư Tề Khanh lúc còn trẻ, từng thỉnh hỏi Tôn Tư Mạc về chuyện tương lai của bản thân. Tôn Tư Mạc nói với anh ta rằng: “Cậu sau 50 năm nữa sẽ lên làm Phương bá (*tức Thích sử), cháu của ta sẽ là quan dưới trướng của cậu”. Về sau, lúc Tề Khanh nhận chức Thích sử Từ Châu, cháu của Tôn Tư Mạc là Tôn Bạc quả nhiên nhậm chức Huyện thừa huyện Tiêu ở Từ Châu, cũng là thuộc hạ của Lư Tề Khanh.
Còn có một chuyện về Tôn Tư Mạc nhìn tướng người dự đoán chuyện tương lai. Lúc đó, Đông Đài Tự Lang Tôn Xử Ước (về sau nhậm chức Tể tướng thời Đường Cao Tông, biên soạn “Thái Tông thực lục”) có năm người con là Tôn Đình, Tôn Cảnh , Tôn Tuấn, Tôn Hựu và Tôn Thuyên. Ông gọi các con đến nhất tề bái kiến nhờ Tôn Tư Mạc xem tướng mạo. Tôn Tư Mạc nói với họ: “Tuấn thành đạt sớm; Hựu thành đạt muộn; Thuyên thành danh nhất, gặp họa trong binh đao”. Về sau, Tôn Thuyên vào thời Đường Duệ Tông đã làm đến chức Tả Dực Lâm Đại Tướng quân, chết trận trong giao tranh với Khiết Đan. Những người con khác sau này cũng đều như lời ông nói.
Sử sách ghi chép Tôn Tư Mạc mất vào năm Vĩnh Thuần thứ nhất. Trước khi mất, ông dặn dò con cháu an táng đơn giản, không được chôn hiện vật, không được lấy súc vật để tế tự. Sau khi tắt thở hơn một tháng, dung mạo của ông dường như không hề thay đổi, vẫn y như lúc còn sống. Lúc nâng quan tài để hạ táng, quan tài nhẹ như không có gì, lúc ấy mọi người đều nói ông chưa chết, mà là di thể đã thi giải rồi.
Đến thời Bắc Tống, Tô Thức có thơ “Đề Tôn Tư Mạc chân”, câu thơ viết “Tiên sinh nhất khứ ngũ bách tái, do tại Nga Mi Tây Yêm trung” (Diễn nghĩa: Tiên sinh đã mất năm trăm năm rồi, nhưng dường như vẫn còn ở Tây Yêm, núi Nga Mi). Dân gian lưu truyền rằng Tôn Tư Mạc vẫn chưa chết, ông đã thành Tiên du ngoạn ở trong núi ở Tứ Xuyên.
Chú thích:
[1] Tôn Tư Mạc soạn 30 quyển “Thiên Kim Phương”, lại soạn ba quyển “Phúc Lộc Luận”, còn có “Nhiếp Sinh Chân Lục”, “Chẩm Trung Tố Thư”, “Hội Tam Giáo Luận”. Ông còn tự chú giải “Lão Tử” và “Trang Tử”.
Nguồn tư liệu: Đàm Tân Lục, Cựu Đường Thư – Quyển 201 , Thái Bình Quảng Ký.
Tác giả: Doãn Gia Nhược
Lý Mai biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: