Thần thoại thời Thượng cổ (P.5): Hữu Sào thị dựng cây làm nhà, Toại Nhân thị dùng gỗ đánh lửa
Xem thêm Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Trong suốt thời kỳ Tam Hoàng dài đằng đẵng xa xưa, đều lưu truyền rộng rãi sự tích về năm vị Thần nhân cai quản thế giới: Hữu Sào, Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông.
Hữu Sào thị dựng cây làm nhà
Người thời viễn cổ ở trong hang động nơi hoang dã, ban ngày tìm kiếm cỏ cây hoa trái mà sống, làm bạn với vạn vật, không có lòng ghét hại động vật, mà động vật cũng không có ý làm hại con người. – “Lộ Sử”
Nhân loại thời viễn cổ, ban đêm ở hang động nơi hoang dã, ban ngày tìm kiếm cỏ cây hoa trái như hạt dẻ, trái cây sồi để sống. Tâm hồn của họ thuần khiết, cho nên có thể câu thông với Thiên Thần, sống tường hòa với vạn vật. Con người không làm hại động vật, mà động vật cũng không làm hại con người, cuộc sống đơn giản mà hạnh phúc, vô ưu vô lo, tuổi thọ cũng vô cùng dài.
Thế nhưng, sau một thời gian rất dài, con người dần dần bị ô nhiễm bởi các loại dục vọng, nhân tâm trở nên khôn ngoan gian xảo, bắt đầu săn bắt động vật, ăn thịt sống, dùng da thú làm quần áo giữ ấm. Động vật và con người đã trở thành kẻ thù của nhau, đề phòng, làm tổn thương lẫn nhau.
Có vị Thánh lấy cây làm nhà giống tổ chim mà ở, dạy con người làm nhà gỗ để tránh muông thú, hiệu là Sào Thị. – “Lộ Sử”
Con người không có móng vuốt, răng nanh, sừng nhọn, chất độc như động vật. Để phòng ngừa con người bị làm hại, Thượng Thiên đã phái một vị Thánh nhân giáng thế, dạy con người dùng cây gỗ làm nhà ở để tránh mưa to gió lạnh, tránh dã thú tấn công, được người dân tôn xưng là Hữu Sào thị.
Theo truyền thuyết, Hữu Sào thị đã truyền thừa tổng cộng hơn 100 thế hệ, tương đương với hơn 3,000 năm.
Toại Nhân thị dùng gỗ đánh lửa
Mặc dù Hữu Sào đã dạy con người dùng gỗ làm nhà, nhưng con người thời đó ăn thịt cá sống nên thường mắc bệnh tật. Vì thế, Thượng Thiên lần nữa phái một vị Thần nhân giáng hạ nhân gian, nhiệm vụ của ông là dạy con người biết lấy lửa làm chín thức ăn.
Người dân biết làm nhà ở nhưng chưa biết ăn thức ăn chín, Toại Nhân thị vì thế mà giáng hạ vậy. – “Thông Chí – Tam Hoàng Chí”
Để hoàn thành nhiệm vụ mà Thượng Thiên giao phó, ông thường quan sát sự chuyển động của các vì tinh tú trên trời, tìm hiểu các thuộc tính của Ngũ hành từ Trời Đất, và biết được sự kỳ diệu của “lửa”. Đồng thời, ông bắt đầu du hành khắp các nơi trong vũ trụ, cố gắng tìm cách tạo ra lửa.
Ở Toại Minh quốc không phân chia bốn mùa và ngày đêm, có cây hỏa thụ tên gọi là Toại Mộc, cành lá của nó xòe ra che trùm hơn trăm vạn mẫu. – “Thập Di Ký”
Một ngày nọ, ông đi đến một nơi gọi là “Toại Minh quốc”. Ở đây không có sự luân chuyển của bốn mùa, không có phân chia ngày đêm, nhìn về phía trước chỉ thấy một cây đại thụ cao lớn đứng sừng sững trong lãnh thổ, cành lá đan xen vào nhau, bao trùm trăm vạn mẫu, được gọi là “Toại Mộc”.
Thánh nhân đi khắp các thời không vũ trụ rất lâu, khi cảm thấy mệt, bèn ngồi dưới tán cây đại thụ nghỉ ngơi, ngước nhìn lên cây đại thụ kỳ lạ che kín bầu trời. Không lâu sau, ông nhìn thấy mấy con chim hào (chim thuộc họ diều) bay đến đậu trên nhánh cây, chúng dùng mỏ nhọn mổ vào thân cây, cứ mổ mổ, đột nhiên liền phát ra tia lửa sáng lên như sao trời.
Vị Thánh nhân linh quang chợt lóe, lập tức hiểu ra: Chỉ cần bẻ nhánh cây, ma sát chúng với nhau thật nhanh theo cách như khoan lỗ, thì có thể sinh ra ngọn lửa. Vị Thánh nhân này cũng được xưng tụng là “Toại Nhân thị”.
Toại Nhân vừa tìm kiếm những loại cây thích hợp để tạo ra lửa, vừa đồng thời dạy con người cách nấu chín thức ăn. Thức ăn sau khi được nấu chín không có mùi tanh hôi mà có hương vị thơm ngon, từ đây con người đã chính thức thoát khỏi thời đại ăn sống uống huyết.
Tục truyền, Toại Nhân thị truyền thừa qua 8 đời, trị vì thiên hạ 530 năm.
Hệ thống thắt nút dây ghi chép sự việc
Ngoài việc dạy con người sử dụng lửa, Toại Nhân thị còn dạy con người phương pháp khắc gỗ, thắt nút dây để ghi lại các sự việc. Vào thời điểm đó, con người chưa có chữ viết, Toại Nhân đã dạy con người sử dụng các ký hiệu trừu tượng, khắc dấu lên gỗ và thắt nút dây thừng để ghi chép lại những việc lớn nhỏ xảy ra trong thiên hạ.
Thời chưa có chữ viết, Toại Nhân thị bắt đầu sáng tạo ra cách thắt nút dây thừng để ghi nhớ sự việc, lập ra nền tảng truyền giáo, làm hưng Thịnh con đường giao dịch. – “Cương Giám Dịch Tri Lục”
Làm ký hiệu, thắt nút dây thừng để ghi chép sự việc, nhìn thì có vẻ đơn giản, kỳ thực là một phương thức ghi chép vô cùng tiên tiến. Có thể nói, đây là một bộ Tiên thuật hoàn chỉnh và có hệ thống mà Thần truyền dạy cho con người, cũng giống như “Bát Quái” sau này hoặc mã vạch của thời hiện đại. Đằng sau những ký hiệu đơn giản có một hệ thống mã hóa phức tạp, vì vậy nó không hề đơn giản như cách hiểu thông thường là “việc lớn thì thắt nút lớn, việc nhỏ thì thắt nút nhỏ”.
Ví dụ, dây thừng có thể có màu sắc khác nhau để biểu thị sự phân loại, nút thắt có thể có hình dáng khác nhau để biểu thị cho sự việc khác nhau, ngoài ra còn có kích thước dây thừng, số lượng v.v… tạo thành một hệ thống mã hóa rất phức tạp, giống như 26 chữ cái trong Anh ngữ, có thể biểu đạt được hết thảy sự tình. Đối với khoa học công nghệ máy tính của hiện đại, hai số vị nguyên 0 và 1 cũng đã đủ để biểu đạt mọi sự vật. So sánh với nhau, hệ thống thắt nút dây của con người thời thượng cổ còn phức tạp hơn so với mã hóa hai vị nguyên máy tính của thời hiện đại.
Điều này cho thấy con người thời thượng cổ đã có một bộ hệ thống ghi chép chính xác, có thể ghi chép lại toàn bộ mọi thứ, kiến thức có thể được ghi lại, tích lũy và truyền thừa. Do đó, sách sử ghi chép, phương pháp thắt nút dây ghi chép sự việc của Toại Nhân thị đủ để “thiết lập một nền tảng cho truyền giáo, phát triển hưng thịnh giao dịch”. Đây quả thực là một dấu mốc quan trọng đối với nền văn hóa của nhân loại thời viễn cổ.
Tài liệu tham khảo:
Sơn Hải Thanh thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ