Tham vọng vi mạch bán dẫn của Trung Quốc tiêu tan khi tập đoàn lớn đối diện với phá sản
Chiến lược “sáp nhập và mua lại” của Tập đoàn Thanh Hoa thất bại.
Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup), một nhà sản xuất vi mạch bán dẫn do Trung Cộng hậu thuẫn, cho biết họ đã nhận được thông báo của tòa án rằng một trong những chủ nợ của họ đã bắt đầu các thủ tục phá sản đối với tập đoàn này hôm 12/07.
Tập đoàn Thanh Hoa là một chi nhánh thương mại của Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc và là một phần trọng yếu trong giấc mơ tự lực chất bán dẫn của Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Một trong những chủ nợ của công ty đã yêu cầu tòa án bắt đầu các thủ tục phá sản và tái tổ chức do Tập đoàn Thanh Hoa không trả được nợ và thực sự mất khả năng thanh toán.
Tập đoàn này là một thành viên chủ chốt của đội quốc gia về vi mạch bán dẫn của Trung Quốc.
Theo một hồ sơ Tập đoàn này đệ trình lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, chủ nợ yêu cầu tòa tiến hành các thủ tục phá sản là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngân Hàng Huy Thương (Huishang Bank Corporation Limited), một ngân hàng niêm yết tại Hồng Kông có trụ sở tại tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hôm 16/11/2020, Tập đoàn Thanh Hoa không thể trả nợ 198 triệu USD trái phiếu, dẫn đến việc xuống hạng tín dụng. Và ít nhất sáu trái phiếu khác của họ đã bị vỡ nợ vào tháng 06/2021, tập đoàn này tiết lộ.
Thanh Hoa là một tập đoàn chất bán dẫn trực thuộc Tổng công ty Thanh Hoa, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Đại học Thanh Hoa. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1988. Tổng công ty Thanh Hoa sở hữu 51% Tập đoàn Thanh Hoa và công ty quản lý của Chủ tịch Triệu Vĩ Quốc nắm 49% còn lại.
Với sự hỗ trợ của Trung Cộng, Tập đoàn Thanh Hoa bắt đầu mua lại và sáp nhập các công ty công nghệ liên quan đến chất bán dẫn vào năm 2013. Nó đã hình thành một tập đoàn bán dẫn lớn, một trong những tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, với 286 công ty con được hợp nhất chỉ trong một vài năm và tích lũy được gần 46.4 tỷ USD tài sản.
Các công ty con của nó bao gồm Thanh Hoa Unisplendour, Tập đoàn Vi điện tử Quốc Tín (Unigroup Guoxin Microelectronics Co.), UNISOC và Công ty Công nghệ Vi mạch Bộ nhớ Trường Giang (Yangtze Memory Technology Corp-YMTC).
Mặc dù được hậu thuẫn bởi Trung Cộng và Đại học Thanh Hoa danh tiếng, các công ty con của Tập đoàn Thanh Hoa đã không sử dụng khả năng công nghệ của trường đại học cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thay vào đó, họ tập trung vào việc mua lại các công ty công nghệ.
Tập đoàn Thanh Hoa sử dụng việc ‘sáp nhập và mua lại’ như một đường tắt
Năm 2013, Tập đoàn Thanh Hoa và các công ty con bắt đầu chiến lược mua bán và sáp nhập quy mô lớn. Tập đoàn này đã chi 1.78 tỷ USD và 910 triệu USD trong năm 2013 và 2014 để mua lại hai công ty thiết kế vi mạch tích hợp được niêm yết tại Hoa Kỳ, Spreadtrum Communications và RDA Microelectronics. Sau đó, tập đoàn này hợp nhất chúng thành UNISOC, một công ty thiết kế và sản xuất bộ vi mạch bán dẫn cho điện thoại di động.
“Nghiên cứu và phát triển không cho phép chúng tôi có được các tài sản trí tuệ và bằng độc quyền sáng chế công nghệ thông tin một cách nhanh chóng. Ngay cả khi quý vị làm được, quý vị cũng không thể vượt qua các bằng sáng chế. Điều tôi muốn là thay đổi luật chơi,” Chủ tịch Tập đoàn Thanh Hoa, ông Triệu Vĩ Quốc, nói trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV hồi tháng 11/2017. “Việc mua lại Spreadtrum và RDA cho phép Thanh Hoa bước vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho điện thoại di động và nhanh chóng định vị mình là [nhà sản xuất vi mạch bán dẫn] thứ ba thế giới.”
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vi mạch bán dẫn cho điện thoại di động của UNISOC từ lâu đã tập trung ở thị trường cấp thấp và được cho là phổ biến ở thị trường Phi Châu. Các bộ vi mạch bán dẫn 5G 6nm mới nhất của UNISOC vẫn do TSMC, một công ty sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan, sản xuất.
Vào năm 2015, Tập đoàn Thanh Hoa đã chi thêm 3.78 tỷ USD trong một nỗ lực mua lại cổ phần của Western Digital Corp. (WD), một nhà sản xuất ổ đĩa rời của Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng đã thất bại. Hồi tháng 07/2015, tập đoàn này lại đưa ra một cuộc đấu thầu cao ngất ngưởng trị giá 23 tỷ USD đối với nhà sản xuất vi mạch bán dẫn bộ nhớ Micron Technology Inc. của Hoa Kỳ nhưng không thành công.
Sau đó, Tập đoàn Thanh Hoa đã khởi động các cuộc đấu thầu mua lại và sáp nhập đối với một số công ty chất bán dẫn của Đài Loan. Từ tháng 10 đến tháng 12/2015, tập đoàn này đã phân phối hơn 3 tỷ USD trong một nỗ lực mua lại cổ phần của ba công ty đóng gói và thử nghiệm vi mạch tích hợp lớn của Đài Loan—Powertech Technology, Siliconware Precision Industries và ChipMOS Technologies. Những nỗ lực này đều thất bại.
Ông Triệu thậm chí còn để mắt đến công ty thiết kế vi mạch bán dẫn nổi tiếng của Đài Loan, MediaTek và công ty đúc số một thế giới, Công ty Sản xuất chất Bán dẫn Đài Loan (TSMC), còn được gọi là “ngọn núi thiêng” của Đài Loan.
Những cuộc đấu thầu quyết liệt của Tập đoàn Thanh Hoa để mua lại các công ty vi mạch tích hợp của Đài Loan đã khiến giới học thuật của Đài Loan trở nên đề phòng cao độ. Hơn 500 học giả và chuyên gia Đài Loan bắt đầu tẩy chay việc mua bán và sáp nhập các nhà máy vi mạch tích hợp của Đài Loan do Trung Quốc tài trợ.
“[Tập đoàn Thanh Hoa] mua được bao nhiêu cổ phiếu không quan trọng. Nếu quý vị để họ vào công ty của quý vị, họ sẽ tìm cách tiếp quản. Hãy nhìn vào những gì đã xảy ra khi Quốc dân Đảng Trung Quốc của Đài Loan hợp tác với Trung Cộng. Đó là một bài học lịch sử; chúng ta không nên quên điều này,” ông Lâm Tông Nam, giáo sư Kỹ thuật Điện và Viễn thông tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ yêu cầu đưa vào danh sách đen Công ty Công nghệ Vi mạch Bộ nhớ Trường Giang (Yangtze Memory Technologies Corp-YMTC)
Công ty Trường Giang có lẽ là điểm sáng duy nhất cho Tập đoàn Thanh Hoa. Trung Cộng đã đầu tư một khoản tiền lớn để thuê các chuyên gia hàng đầu từ Đài Loan để xây dựng công ty Trường Giang.
Hồi tháng 10/2015, Tập đoàn Thanh Hoa đã thuê ông Cao Khởi Toàn, được gọi là “Cha đỡ đầu của DRAM (vi mạch bán dẫn bộ nhớ) của Đài Loan.” Sau khi ông Cao chuyển đến công ty, họ đã phát triển một bộ nhớ flash tân tiến.
Theo một báo cáo hồi tháng 2/2021 của Bloomberg, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã đóng góp 49% vốn ban đầu của Trường Giang thông qua cổ phần trực tiếp và gián tiếp hồi tháng 12/2016. Nhiều ý kiến cho rằng Tập đoàn Thanh Hoa không nên là chủ sở hữu tự hào của công ty Trường Giang.
Năm ngoái (2020), việc Trường Giang phát hành bộ nhớ flash 3DNAND 128 lớp đã đưa công ty lên bản đồ.
Tuy nhiên, hôm 12/07, Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) và Thượng nghị sỹ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee) đã gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Gina Raimondo, thúc giục bà thêm công ty Trường Giang vào danh sách tổ chức kiểm soát xuất cảng của mình. Trường Giang bị cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Cộng.
Chiến lược sáp nhập và mua lại quyết liệt của công ty đã khiến tập đoàn phải trả chi phí cao, dẫn đến nợ nần chồng chất.
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Thanh Hoa cho nửa đầu năm 2020, tổng nợ của tập đoàn đạt 31 tỷ USD. Khi ông Triệu nhậm chức vào năm 2012, khoản nợ của Thanh Hoa chỉ khoảng 700 triệu USD. Khoản nợ của tập đoàn đã tăng gần 44 lần chỉ trong tám năm.
Ông Lưu Công Xương, một nhà phân tích truyền thông độc lập tại Sina Finance, cho biết Tập đoàn Thanh Hoa đã mở rộng một cách mù quáng và không tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán hiện nay.
Năm 2015, Người sáng lập Tập đoàn Công nghệ Foxconn của Đài Loan, ông Quách Đài Minh (Terry Gou), đã trả lời những tin tức nói về việc ông Triệu đang để mắt đến TSMC và tình trạng khó khăn của Tập đoàn Thanh Hoa ngày nay. Ông Quách nói rằng người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực chất bán dẫn của thế giới và là chủ tịch hãng TSMC, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), có hơn 60 năm kinh nghiệm về chất bán dẫn, điều mà ông Triệu không thể mua được bằng tiền.
Do Anne Zhang thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: