Tham vọng ‘làm lớn’ đẩy ngành địa ốc Trung Quốc vào tình trạng nợ quá mức
Trong khi Vanke, một công ty phát triển địa ốc lớn của Trung Quốc, đặt mục tiêu chiến đấu để tồn tại vào năm 2022, thì một đại công ty địa ốc khác là Evergrande đang đứng trước bờ vực khủng hoảng thanh khoản. Trong những năm qua, việc thay đổi chính sách và tham vọng “làm lớn” của ĐCSTQ đã đẩy lĩnh vực địa ốc Trung Quốc vào tình thế sinh tử vì quá tải với các khoản nợ.
Vanke thông báo rằng vào tháng Một, công ty đã đạt được hợp đồng doanh thu 35.60 tỷ nhân dân tệ (5.62 tỷ USD), giảm mạnh 50.2% so với tháng Một năm 2021 và là báo cáo doanh số một tháng thấp nhất từ trước đến nay, vượt qua tháng Ba năm 2020, khi dịch Covid làm giảm đáng kể doanh số bán hàng.
Theo dữ liệu của China Index Academy, Vanke là một trong những nhà phát triển địa ốc lớn nhất ở Trung Quốc với 130,000 nhân viên và xếp thứ 2 sau Country Garden về hiệu suất bán hàng từ tháng 01/2021 đến tháng 11/2021.
Phát biểu tại cuộc họp nội bộ vào hôm 09/02, ông Yu Liang, chủ tịch hội đồng quản trị của Vanke, cho biết năm 2022 là một năm quan trọng đối với Vanke, và họ cần chiến đấu để tồn tại.
Ông Xie Tian, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times: “Bong bóng địa ốc [của Trung Quốc] không những không lớn hơn, mà ngành công nghiệp này đang đối mặt với sự sụp đổ chung.”
Ông Xie nói, “Địa ốc là một ngành công nghiệp trụ cột ở Trung Quốc, nếu bong bóng địa ốc nổ sẽ gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.”
Viện nghiên cứu Beike ước tính sẽ là thời điểm áp lực cao đối với các công ty địa ốc của Trung Quốc khi các công ty này cố gắng trả nợ vì có gần 200 tỷ USD nợ trong và ngoài nước cần được giải quyết trong năm.
Mặc dù nguyên nhân của bong bóng địa ốc rất phức tạp, nhưng tỷ lệ đòn bẩy cao và tỷ lệ nợ cao chắc chắn là một trong những động lực quan trọng nhất của bong bóng địa ốc Trung Quốc trong hơn 20 năm qua. Đằng sau tất cả những điều này là một bàn tay vô hình — văn hóa doanh nghiệp độc đáo của Trung Quốc, giống như một con quỷ bị bỏ qua, ẩn mình trong các chi tiết và kèm theo lòng tham. Về gốc rễ, nó là một phần của văn hóa của ĐCSTQ.
Kể từ cuối thế kỷ trước, các hãng truyền thông chính thức liên tục thổi phồng “làm cho doanh nghiệp lớn hơn và mạnh hơn”. Do đó, Vanke, Evergrande và các công ty — khác đã nổi lên từ thời kỳ đó.
Cô Shi Shan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho biết: “Các công ty phương Tây hoạt động vì lợi nhuận, trong khi các công ty Trung Quốc hoạt động theo quy mô; Các công ty phương Tây phát triển lớn hơn để kiếm nhiều tiền hơn, trong khi các công ty Trung Quốc làm ngược lại: họ kiếm tiền để phát triển lớn hơn.”
Ở Trung Quốc ngày nay, các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ĐCSTQ sẵn sàng tăng quy mô doanh nghiệp của họ lớn hơn trong nhiệm kỳ của họ, ngay cả khi nó chỉ thông qua việc mở rộng bằng nợ. Kể từ khi ĐCSTQ được thành lập vào năm 1949, quy mô của các doanh nghiệp đã xác định địa vị chính trị và cấp bậc chính thức của những người lãnh đạo của nó, và tâm lý này cũng ảnh hưởng đến sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân kể từ đó.
Khi các doanh nghiệp tư nhân phát triển và hình thành quy mô lớn, các công ty này có thể nắm bắt nhiều nguồn lực hơn từ đất nước, và những người đứng đầu của các công ty này đủ tiêu chuẩn để trở thành một phần của giới chính trị, và thường chiếm một ghế trong các tổ chức “hình thức” của ĐCSTQ — Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, nơi tập hợp các giới tinh hoa chính trị và kinh doanh. Có nghĩa là, với việc các doanh nghiệp của họ đã phát triển về quy mô, họ không chỉ có của cải mà còn có địa vị chính trị, điều mà những người bình thường không thể đạt được. Ví dụ như Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin, ông chủ Tập đoàn Alibaba Ma Yun và người sáng lập Jingdong Liu Qiangdong.
Văn hóa doanh nghiệp bị nhuốm màu bởi hệ tư tưởng của ĐCSTQ đã xâm nhập vào toàn bộ xã hội Trung Quốc.
Bà Shi Shan nói, cách phổ biến nhất để các công ty Trung Quốc mở rộng là sử dụng dòng tiền gia tăng làm cơ sở để vay tiền, “đó là lý do tại sao các công ty niêm yết của Trung Quốc miễn cưỡng trả cổ tức,” nói thêm rằng các hoạt động vay nợ cao là một vấn đề phổ biến đối với các công ty Trung Quốc.
Nợ ẩn – một hình thức phái sinh của văn hoá doanh nghiệp Trung Quốc – là một phương thức cấp vốn được các công ty địa ốc Trung Quốc áp dụng rộng rãi. Một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng báo cáo nợ công không phản ánh đúng thực trạng nợ và quy mô nợ ẩn có thể gây kinh ngạc.
Nhà phân tích tài chính Hong Kong Jiang Tianming nói với The Epoch Times rằng để mở rộng các kênh tài trợ của họ, nhiều công ty địa ốc không ghi tất cả các khoản nợ trong bảng cân đối kế toán của họ. Các khoản nợ mang tên công ty liên doanh, công ty liên kết hoặc cổ đông thiểu số của họ.
Một khi tình trạng vỡ nợ xảy ra, bên ngoài sẽ thấy rằng khoản nợ trên hồ sơ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ông Jiang nói, “Việc mở rộng tín dụng của Trung Quốc đã giúp các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng kiếm được vốn hơn với chi phí tương đối thấp, và một số công ty tư nhân cũng không tiếc tiền vay một số tiền lớn để xây dựng và mở rộng ‘đế chế’ của họ trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng những năm qua.”
Ông Jiang nói thêm: “Sự kiêu ngạo, chủ nghĩa cơ hội, và vô trách nhiệm rất phổ biến ở Trung Quốc, và được phản ánh trong các hoạt động kinh doanh như là sự bành trướng man rợ, [tức là] liều lĩnh.”
Ngày nay, các công ty địa ốc Trung Quốc ế ẩm thiếu tiền hơn bao giờ hết, nhưng khả năng tài trợ của họ không như trước đây. Dữ liệu của một viện tài chính Trung Quốc cho thấy vào tháng 1/2022, lĩnh vực địa ốc Trung Quốc đã phát hành tổng cộng khoảng 7.5 tỷ USD trái phiếu, giảm mạnh 70% so với cùng thời kỳ năm 2021, trong đó phát hành ra ngoại quốc chỉ chiếm 30%, giảm 24% so với tháng Một năm 2021.
Trọng tâm của hoạt động tài trợ địa ốc đã chuyển sang phát hành trái phiếu ngắn hạn ở Trung Quốc.
Ông Xie nói, “Sự hoảng sợ đang lan tràn và lan rộng trên thị trường địa ốc Trung Quốc, với việc mọi người chứng kiến sự sụt giảm trong doanh số bán địa ốc và sự gia tăng mạnh mẽ trong các căn nhà được đấu giá tại tòa án, tình huống này có thể dẫn đến việc cắt giảm thế chấp nhiều hơn và thậm chí là phải bỏ nhà.”
Mục tiêu “chiến đấu để tồn tại” của Vanke đã trở thành một cụm từ vàng trong các ông chủ của các công ty địa ốc Trung Quốc, và văn hóa doanh nghiệp phát triển bất thường hình thành trong chế độ Trung Cộng đang khiến họ phải trả giá đắt.
Ellen Wan đã đóng góp vào báo cáo này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Justin Zhang đã phân tích và viết các bài báo về các vấn đề Trung Quốc từ năm 2012. Có thể liên hệ với ông ấy tại [email protected]
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: