Tham vọng cộng sản hóa Hồng Kông của Chủ tịch Tập Cận Bình
Sau khi chính quyền Trung Quốc thực hiện luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, tình hình ở Hồng Kông đã xấu đi nghiêm trọng. Với việc bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và việc thường xuyên điều chuyển các quan chức thân tín của mình tới Hồng Kông, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện quyết tâm biến đặc khu tự trị này thành một nơi giống như Trung Quốc cộng sản.
Gần đây, các vụ phong tỏa đột ngột không báo trước và tình trạng xét nghiệm COVID-19 bắt buộc hàng loạt đều đã xảy ra ở Hồng Kông giống như ở Trung Quốc đại lục. Chính quyền Hồng Kông cũng thông báo yêu cầu công dân đăng ký thẻ SIM điện thoại bằng tên thật của họ. Công ty phê duyệt tên miền internet gần đây cho biết họ sẽ từ chối bất kỳ trang web nào “kích động hành vi bất hợp pháp.”
Ông Tập cũng đã bố trí các cán bộ của mình vào các vị trí chủ chốt trong các ban ngành của Đảng phụ trách các vấn đề Hồng Kông.
Biểu ngữ “những người yêu nước cai trị Hồng Kông” thực sự là một phần trong “giấc mơ đỏ” của ông Tập đối với Hồng Kông. Và đó là bước đầu tiên của ông trong việc tấn công thế giới tự do.
Phong tỏa virus, hạn chế quyền tự do
Hôm 01/02, trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của COVID-19, chính quyền Hồng Kông đã chỉ định bốn “khu vực hạn chế” cần phong tỏa và xét nghiệm bắt buộc: các khu phố Nguyên Lãng (Yuen Long), Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), Du Ma Địa (Yau Ma Tei), và Hồng Khám (Hung Hom)..
Trước đó, chính quyền Hồng Kông đã áp đặt các lệnh phong tỏa đột ngột trong khu vực ba lần trong vòng một tuần.
Hôm 23/01, chính quyền đã đóng cửa khu vực Jordan trong 44 giờ, cử 3,000 nhân viên đến kiểm tra 7,000 người và phát hiện 13 trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19.
Hôm 28 và 29/01, tại North Point, 475 cư dân đã được xét nghiệm và không có trường hợp nào dương tính. Khoảng 15 người không làm xét nghiệm và chính quyền Hồng Kông đã phạt mỗi người 5,000HKD (khoảng 645USD).
Những biện pháp này đã làm rúng động xã hội Hồng Kông. Nhiều người chỉ trích chúng là không hiệu quả và lãng phí tiền thuế của người dân. Là một hình mẫu về “cuộc chiến tuyệt vời chống lại dịch bệnh” của ông Tập, những biện pháp cứng rắn này có thể sẽ còn trở nên gay gắt hơn ở Hồng Kông.
Chính quyền thông báo hôm 01/02 rằng sẽ phong tỏa các khu vực thường xuyên hơn trong 10 ngày tới cho đến đêm giao thừa Tết Nguyên Đán. Đồng thời, chính quyền này cũng thông báo rằng miễn là có một ca nhiễm không xác định được nguồn gốc ở một tòa chung cư, hoặc nếu nước thải từ tòa nhà có kết quả dương tính, thì việc xét nghiệm cho toàn bộ tòa nhà sẽ là bắt buộc.
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết để ngăn người dân trốn tránh việc xét nghiệm bắt buộc, việc xét nghiệm sẽ được thực hiện theo “kiểu phục kích.” Qua đó có thể hình dung mức độ không tin tưởng của chính quyền vào người dân.
Kể từ tháng 1 năm nay (2021), quyền tự do thông tin của Hồng Kông cũng ngày càng bị hạn chế. Trang web Hong Kong Chronicles – chuyên cung cấp thông tin về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ – đã bị chặn. Mạng băng thông rộng Hồng Kông (HKBN) cho biết họ làm như vậy là tuân thủ luật an ninh quốc gia.
Hôm 29/01, chính quyền này đã công bố kế hoạch đăng ký bắt buộc đối với thẻ SIM điện thoại di động bằng tên đầy đủ và ID và/hoặc thông tin đăng ký công ty. Thời gian tham vấn cộng đồng của chính quyền cho đề xuất trên là một tháng — ít hơn thời gian ba tháng thông thường.
Đầu năm 2021, Bắc Kinh đang nhanh chóng thắt chặt thòng lọng với Hồng Kông.
Thay đổi nhân sự
Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) cho rằng sự kìm kẹp của Đảng ở Hồng Kông là không bao giờ đủ. Trung Cộng gần đây đã thay đổi nhân sự tại Văn phòng Liên lạc, là văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông.
Hôm 26/01, ông Thi Khắc Huy (Shi Kehui), một cấp dưới cũ của ông Tập khi họ còn làm việc ở tỉnh Chiết Giang, được bổ nhiệm làm lãnh đạo đơn vị giám sát chống tham nhũng trong văn phòng cấp cao nhất của Bắc Kinh phụ trách các vấn đề Hồng Kông, được gọi là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao (HKMAO). Ông Thi trước đây từng là giám đốc cơ quan giám sát chống tham nhũng ở tỉnh Quảng Đông, giáp ranh với Hồng Kông.
Ông Thi đã làm việc chặt chẽ với ông Tập; ông là Phó bí thư tỉnh Chiết Giang trong khi ông Tập là Bí thư Đảng. Đơn vị chống tham nhũng trong HKMAO này, cũng như các cơ quan khác của Đảng, đã trở thành công cụ của ông Tập trong việc giám sát các quan chức và thực hiện các chính sách kinh tế và phòng chống đại dịch của ông.
Sau đó, vào khoảng cuối tháng 01/2021, ông Trần Phong (Chen Feng), giám đốc sở cảnh sát ở thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, đã tiếp quản bộ phận liên lạc của cảnh sát trong Văn phòng Liên lạc của Hồng Kông. Ông Trần là cấp dưới cũ của ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), ủy viên Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đồng thời là thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Ông Vương thân với ông Tập. Khi ông Tập còn là bí thư thành ủy Phúc Châu, ông Vương là giám đốc cục cảnh sát (công an) đương thời và là giám đốc an ninh của ông Tập.
Tờ Nam Hoa Tảo Báo ngày 29/01 dẫn nguồn tin nội bộ cho biết Văn phòng Liên lạc sẽ tiến hành thay đổi lớn về nhân sự. Theo báo cáo, Bắc Kinh đã bố trí 200 cán bộ tham gia Văn phòng Liên lạc, 100 người trong số đó là những người mới được bổ sung. Các nguồn tin nói với tờ báo này rằng nhiều người trong số họ đã quen thuộc với mạng xã hội và Văn phòng Liên lạc sẽ gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, bao gồm cả việc bảo đảm rằng thành phố “được cai trị bởi những người yêu nước.”
Cộng sản hóa Hồng Kông
Hôm 27/01, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã báo cáo công việc của mình với ông Tập qua một đường dẫn video, theo Tân Hoa Xã. Ông Tập nhấn mạnh rằng “những người yêu nước nên quản lý Hồng Kông.” Người được gọi là yêu nước là người tin vào sự cai trị của Trung Cộng. Dưới chế độ cộng sản ở Trung Quốc, đất nước là Đảng, và Đảng là đất nước.
Tân Hoa Xã đưa tin: “Ông Tập nói rằng Hồng Kông chỉ có thể duy trì sự ổn định và an ninh lâu dài của mình bằng cách bảo đảm ‘những người yêu nước quản lý Hồng Kông.’”
Tóm lại, ông Tập tin rằng để giải quyết vấn đề Hồng Kông, thành phố này phải do những người yêu nước quản lý, tức là những người được Đảng tín nhiệm để điều hành Hồng Kông. Đây là lý do tại sao Hồng Kông thường xuyên có những thay đổi nhân sự trong thời gian gần đây.
Ông Tập có một giấc mơ Hồng Kông, đó là biến Hồng Kông trở nên “đỏ” hơn và ngày càng giống với đại lục. Ông Tập cũng cho biết ông hy vọng sẽ xây dựng một “cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại” toàn cầu – mang lại ảnh hưởng cộng sản cho toàn thế giới. Quản lý Hồng Kông theo mô hình Trung Cộng là bước đầu tiên của ông Tập để thâm nhập vào thế giới tự do.
Nhưng giấc mơ này là một con dao hai lưỡi. Hồng Kông từng là một phần của xã hội tự do và được biết đến như Hòn ngọc Phương Đông. Ông Tập càng kiểm soát Hồng Kông theo cách ông ta làm với Trung Quốc bao nhiêu, thì mọi người càng dễ dàng nhận ra sự uy hiếp thực sự của Trung Cộng bấy nhiêu.
Tiến sỹ Tang Qing, hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, là một nhà báo cấp cao.
Tang Qing
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: