Anh sẽ sớm ra phán quyết vụ dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks về Hoa Kỳ
LONDON—Nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, sẽ biết vào hôm thứ Hai (04/01) liệu ông có bị dẫn độ từ Anh về Hoa Kỳ để đối mặt với các cáo buộc gián điệp về việc công bố các tài liệu quân sự bí mật của Hoa Kỳ hay không.
Thẩm phán quận Vanessa Baraitser sẽ đưa ra quyết định của mình tại tòa án Old Bailey ở London lúc 10 giờ sáng Thứ Hai (04/01). Nếu bà đồng ý yêu cầu dẫn độ thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh, bà Priti Patel, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên nào thua cuộc cũng được dự đoán sẽ kháng cáo và tiếp tục dẫn đến nhiều tranh cãi pháp lý hơn nữa.
Tuy nhiên, có khả năng các thế lực bên ngoài sẽ vào cuộc và có thể ngay lập tức kết thúc câu chuyện kéo dài một thập kỷ.
Bà Stella Moris, cộng sự của ông Assange và là mẹ của hai con trai ông, đã kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump qua Twitter để ân xá cho ông Assange trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/01.
Các công tố viên Hoa Kỳ đã truy tố ông Assange, 49 tuổi với 17 tội danh gián điệp và một tội danh lạm dụng máy tính với mức án tối đa là 175 năm tù.
Các luật sư đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ cho biết trong các lập luận cuối cùng của họ sau phiên điều trần kéo dài bốn tuần vào mùa thu rằng nhóm bào chữa của ông Assange đã đưa ra các vấn đề không liên quan hoặc không thể chấp nhận được.
“Một cách nhất quán, bên bào chữa yêu cầu tòa án này đưa ra kết luận hoặc hành động khi đệ trình, rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phạm tội tra tấn, tội ác chiến tranh, giết người, vi phạm luật ngoại giao và luật quốc tế và Hoa Kỳ là ‘một nhà nước vô luật pháp,’” họ nói. “Những đệ trình này không chỉ không thể bị phán xét trong các thủ tục tố tụng này mà còn không bao giờ nên được thực hiện.”
Nhóm luật sư biện hộ của ông Assange lập luận rằng ông được hưởng các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ nhất đối với việc công bố các tài liệu bị rò rỉ phơi bày hành vi sai trái của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan, và rằng yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ xuất phát từ động cơ chính trị.
Trong các lập luận kết thúc bằng văn bản của họ, nhóm pháp lý của ông Assange đã cáo buộc Hoa Kỳ về một cuộc truy tố “bất thường, chưa từng có tiền lệ và chính trị hóa”, cấu thành “sự từ chối trắng trợn quyền tự do ngôn luận của ông Assange và gây ra mối đe dọa cơ bản đối với tự do báo chí trên toàn thế giới.”
Các luật sư bào chữa cũng cho biết ông Assange đang bị các vấn đề sức khỏe tâm thần trên diện rộng, bao gồm cả xu hướng tự tử, có thể trở nên trầm trọng hơn nếu ông bị đưa vào các nhà tù khắc nghiệt ở Hoa Kỳ.
Họ cho biết sức khỏe tâm thần của ông Assange xấu đi sau khi trải qua nhiều năm tị nạn ở Đại sứ quán Ecuador tại London, và ông bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Ông Assange đã trốn tại ngoại vào năm 2012 khi xin tị nạn tại đại sứ quán, nơi ông ở trong 7 năm trước khi bị trục xuất và bị bắt. Ông đã bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London kể từ tháng 04/2019.
Nhóm pháp lý của ông lập luận rằng ông Assange, nếu bị dẫn độ, có thể sẽ phải đối mặt với biệt giam khiến ông có nguy cơ tự tử cao. Họ cho biết nếu sau đó ông bị kết án, ông có thể sẽ bị đưa đến nhà tù khét tiếng ADX Supermax ở Colorado, nơi cũng là nơi giam giữ kẻ đánh bom thư Ted Kaczynski và trùm ma túy Mexico Joaquin “El Chapo” Guzman.
Các luật sư của chính phủ Hoa Kỳ lập luận rằng trạng thái tinh thần của ông Assange “không quá nghiêm trọng để loại trừ việc dẫn độ”.
Ông Assange đã thu hút được sự ủng hộ của các nhân vật nổi tiếng, bao gồm cả nghệ sỹ người Trung Quốc bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị và nữ diễn viên Pamela Anderson.
Ông Daniel Ellsberg, người tố cáo nổi tiếng của Hoa Kỳ, cũng đứng ra ủng hộ ông Assange, nói trong phiên điều trần rằng họ có “những quan điểm chính trị rất tương đồng.”
Người đàn ông 89 tuổi, được nhiều người ghi nhận vì đã giúp chấm dứt Chiến tranh Việt Nam thông qua việc rò rỉ Hồ sơ Ngũ Giác Đài vào năm 1971, cho biết công chúng Hoa Kỳ “cần khẩn trương biết những gì đang được thực hiện thường xuyên dưới danh nghĩa của họ, và không có cách nào khác để họ tìm hiểu điều đó ngoài việc tiết lộ trái phép.”
Có nhiều điểm tương đồng rõ ràng giữa ông Assange và ông Ellsberg, người đã làm rò rỉ hơn 7,000 trang tài liệu mật cho báo chí, bao gồm The New York Times và The Washington Post. Ông Ellsberg sau đó đã bị đưa ra xét xử với 12 tội danh liên quan đến vi phạm Đạo luật gián điệp, có thể bị phạt tới 115 năm tù. Các cáo buộc đã bị bác bỏ vào năm 1973 vì hành vi sai trái của chính phủ đối với ông.
Ông Assange và nhóm pháp lý của ông hy vọng rằng những diễn biến ở Hoa Kỳ sẽ chấm dứt khó khăn cho ông nếu thẩm phán chấp thuận yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Pan Pylas
Huệ Giao biên dịch
Xem thêm: