Thái Lan mắc kẹt trong thương vụ mua tàu ngầm của Trung Quốc
Chính phủ Thái Lan sẽ xem xét “các lựa chọn khác” nếu kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc thất bại vì Đức từ chối cung cấp động cơ cho tàu này, theo tham mưu trưởng hải quân Thái Lan.
Quá trình đóng tàu ngầm đã bị đình trệ sau khi Công ty China Shipbuilding and Offshore International (CSOC), một nhà phát triển tàu ngầm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã không thể mua được động cơ diesel do Đức sản xuất.
Hôm 08/04, Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan, Đô đốc Tharoengsak Sirisawat cho biết CSOC sẽ có thời hạn cho đến cuối tháng này để giải quyết vấn đề đó và Thái Lan sẽ đưa ra một quyết định sau khi các cuộc thương lượng hoàn tất.
“Hải quân sẽ xem xét bất kỳ đề nghị nào trước tiên, nhưng chúng tôi cũng đã tính đến một số phương án khác,” ông Tharoengsak nói, theo Bangkok Post.
Trong khi CSOC đề nghị thay đổi hợp đồng sử dụng động cơ do Trung Quốc sản xuất thì Thái Lan đã nhất quyết chỉ nhận tàu ngầm với động cơ do Đức sản xuất như quy định trong hợp đồng ban đầu. Ông Tharoengsak từ chối bình luận về lời đề nghị này.
Hôm 04/04, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng của nước này, cho biết rằng thỏa thuận này có thể sẽ bị chấm dứt nếu công ty Trung Quốc không đáp ứng được thỏa thuận.
“Chúng tôi có thể làm gì với một tàu ngầm không có động cơ? Tại sao chúng tôi phải mua con tàu đó? Nếu thỏa thuận này không thể được thực hiện, thì chúng tôi phải tìm cách khác để giải quyết,” ông Prayut nói, đồng thời lưu ý rằng việc hủy bỏ thỏa thuận này sẽ không làm ảnh hưởng đến mối bang giao Thái Lan–Trung Quốc.
Công ty Liên minh Động cơ và Turbine của Đức (MTU) đã từ chối cung cấp động cơ tàu ngầm này vì lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh Âu Châu đối với nhà cầm quyền ở Bắc Kinh, vốn được áp đặt sau vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Hồi tháng Hai, Đại sứ quán Đức tại Thái Lan đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã không tham khảo ý kiến của Đức trước khi ký hợp đồng với Thái Lan, vốn liệt kê động cơ MTU của Đức như một phần trong sản phẩm của họ.
“Đức không từ chối xuất cảng động cơ này vì sản phẩm này là dành cho Thái Lan với tư cách là nước thứ ba. Việc xuất cảng này đã bị từ chối vì nó được sử dụng cho một mặt hàng quân sự [hoặc] công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc,” đại sứ quán này cho biết trong một tuyên bố với tờ Bangkok Post.
Vào tháng 04/2017, Thái Lan đã từng ký một thỏa thuận mua tàu ngầm S26T lớp Nguyên của Trung Quốc với giá 13.5 tỷ baht (402 triệu USD), với các khoản thanh toán được thực hiện trong vòng bảy năm. Khoản thanh toán đầu tiên trị giá 700 triệu baht (209,000 USD) đã được thực hiện trong cùng năm đó.
Thái Lan sau đó đã đồng ý chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc về việc mua ba tàu ngầm trị giá 36 tỷ baht (1.07 tỷ USD), với các khoản thanh toán chia thành 11 đợt trả góp định kỳ hàng năm. Nhưng hai tàu ngầm mua thêm đã bị hoãn lại trong bốn năm vì đại dịch COVID-19.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: