Tết Trung Nguyên ‘Rằm tháng 7’ có phải là ngày lễ dân gian đáng sợ hay không?
Ngày 15 tháng 7 âm lịch, trong dân gian còn có tên gọi là “Rằm tháng 7”, trong Phật giáo gọi là “Lễ Vu Lan Bồn”, gọi tắt là Lễ Vu Lan, trong Đạo giáo gọi là “Tết Trung Nguyên”, từ thời Nam Bắc triều đến nay, đã trở thành phong tục dân gian đậm chất văn hóa.
Nguồn gốc văn hóa của “Lễ Vu Lan Bồn” ngày 15 tháng 7 âm lịch đã sớm cùng với Phật giáo du nhập vào vùng trung thổ Hoa Hạ cách đây gần 2,000 năm. Thời Tây Tấn, câu chuyện “Mục Kiền Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ” được ghi chép trong “Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh” do Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) người Tây Vực phiên dịch đã được truyền nhập vào Trung Quốc. Câu chuyện Phật giáo này tương dung với truyền thống hiếu đạo của dân tộc Trung Hoa, cũng phù hợp với tư tưởng nhân quả, thiện ác có báo ứng. Người hành thiện sau khi chết được lên Trời, người hành ác thì xuống Địa Ngục, quan niệm tư tưởng được lưu truyền rộng rãi qua các thế hệ. Chính vì vậy, “Lễ Vu Lan” đã trở thành một lễ tiết quan trọng trong Phật giáo và văn hóa dân gian Rằm tháng 7. Từ nguồn gốc này chúng ta hãy tìm hiểu xem “Rằm tháng 7 có phải là ngày lễ dân gian đáng sợ hay không” nhé!
Nguồn gốc của lễ “Vu Lan Bồn” là xuất phát từ phiên âm của tiếng Phạn “Ullambana”, có nghĩa là “Cứu đảo huyền”, tức là “Cứu nạn treo ngược”, chính là cứu những sinh linh thống khổ bị đọa nhập đạo ngạ quỷ, địa ngục. Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, người mẹ đã mất của ông khi còn sống tội nghiệt nặng nề, cho nên sau khi chết bị đọa nhập vào trong đạo ngạ quỷ của Đại Địa Ngục, không được ăn uống, thân thể chỉ còn da bọc xương. Mục Kiền Liên sau khi tu luyện xuất thần thông, lập tức muốn báo đáp ơn sinh dưỡng. Ông đã dùng thiên mục tìm kiếm, phát hiện mẹ của mình đọa nhập trong đạo ngạ quỷ, tình cảnh hết sức gian nan khốn khổ. Trong tâm ông không đành lòng, bèn dùng thần thông hóa ra một bát cơm đưa đến trước mặt mẹ. Thế nhưng, thức ăn đến bên miệng của bà thì lập tức hóa thành than lửa, không thể ăn được! Mấy lần liền đều có kết quả như vậy.
Mục Kiền Liên vô cùng thương tâm, vội vàng đến trước Phật Thích Ca Mâu Ni thỉnh cầu cách cứu mẹ. Phật Thích Ca Mâu Ni nói với ông rằng, “Con tuy hiếu thuận, làm cảm động đất trời, nhưng mẹ của con tột nghiệt nặng nề, là một người không thể cứu độ được. Thiên Thần, Địa Kỳ, tà ma ngoại đạo, Đạo sĩ Tứ Thiên Vương Thần cũng không thể làm gì được. Dùng uy thần lực của chúng tăng tu thập phương mới giải thoát được”. Mục Kiền Liên được Phật Thích Ca Mâu Ni giải thích, bèn vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, là ngày các tăng chúng xuất quan tu nghiệp, đã dùng cơm, thức ăn trăm vị, ngũ quả, thức ăn thơm ngọt trên đời và quần áo đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt… đặt vào trong bồn cung dưỡng chúng tăng đại đức thập phương, để nhận được sự hợp lực thần uy của chúng tăng giúp đỡ. Ông đã hoàn thành tâm nguyện, giúp người mẹ đã mất thoát khỏi khổ nạn của kiếp ngạ quỷ.
Từ thời Nam Bắc Triều, Lễ Vu Lan Bồn chay bắt đầu được thịnh hành ở vùng Trung Thổ
Từ những năm đầu thời Đông Hán khi Phật giáo du nhập vào Trung Thổ cho đến thời Nam Bắc triều, Phật giáo ở Trung Thổ phát triển cường thịnh. Vì thế, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, người dân tiến hành lễ “Vu Lan Bồn” cúng tế đồ chay cho các vị Tiên Phật, nhằm cầu phúc cho cha mẹ đời này, báo đáp ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong bảy đời, siêu độ vong linh, dần dần trở thành ngày lễ phong tục phổ biến. Theo “Phật Tổ Thống Kỷ” thời Nam Tống ghi chép, lễ Vu Lan Bồn chay được diễn ra sớm nhất là bắt đầu từ thời Nam Bắc triều, Lương Vũ Đế là người đầu tiên thiết Vu Lan bồn chay. Vào năm Đại Đồng thứ 4 (năm 538) tại chùa Đồng Thái (ngày nay là chùa Kê Minh ở Nam Kinh) ở kinh đô Kiến Khang, ông đã tổ chức Vu Lan Bồn chay cung dưỡng tăng tu Phật. Về sau, vào ngày 15 tháng 7 hàng năm, lễ tiết này được phổ biến rộng khắp ở các chùa chiền khác.
Trong cuốn “Kinh Sở Tuế Thời Ký” thời Nam Bắc triều có ghi, ngày 15 tháng 7, Tăng ni và Đạo sĩ đều “dâng bồn cúng tế chư Tiên”. Ngoài ra, vào cuối thời Nam Bắc triều, trong cuốn “Nhan thị gia huấn” của Nhan Chi Hồi ở Bắc Tề cũng có viết các lễ chế báo ân cha mẹ của “Vu Lan Bồn Rằm tháng 7”, để cho con cháu chuẩn bị thức ăn chay dâng cúng Vu Lan Bồn vào Rằm tháng 7. Rõ ràng, tư tưởng và phương pháp làm Vu Lan Bồn chay cúng tế tổ tiên đã phổ biến rộng rãi ở trong dân gian vào thời Nam Bắc triều, và đó không chỉ là một nghi thức tôn giáo. Vậy nên, tháng 7 âm lịch cũng được gọi là “Lan Nguyệt”, hay tháng báo hiếu.
Tết Trung Nguyên, tháng quỷ, tháng xá tội phổ độ
Còn một phong tục khác vào ngày 15 tháng 7 âm lịch là Tết Trung Nguyên, gọi là “Trung Nguyên lập đàn phổ độ” được bắt nguồn từ Đạo giáo. Trong Đạo giáo, Ngọc Đế bổ nhiệm Thiên quan, Địa quan và Thủy quan có nhiệm vụ khảo sát thiện ác trong dân gian, hàng năm báo cáo lại với Ngọc Đế. Trong cuốn “Lịch đại Thần Tiên thông giám” do Từ Đạo triều Minh biên soạn có ghi chép, bắt đầu từ thời Bắc Ngụy, truyền thuyết Tam Quan (Thiên quan, Địa quan và Thủy quan) sẽ ban phúc cho hạ giới vào ngày sinh nhật của họ.
Địa quan quản lý nhân gian, quyết định việc thiện ác và chuộc lỗi, xá tội, vào ngày 15 tháng 7 này là ngày sinh nhật của ông, ông sẽ hạ phàm “xá tội”. Truyền thuyết cho rằng Địa quan hạ thế chính là Thuấn Đế thời thượng cổ, là người chí hiếu, vào ngày sinh nhật của ông cũng là ngày lễ Trung Nguyên này nên còn có tên gọi là “Lễ Hiếu tử”. Vào ngày này, nhà nhà thờ cúng và tế bái tổ tiên, cầu khấn Địa quan xá miễn tội nghiệt cho người thân đã mất. Về sau, từ cúng tế tổ tiên lại phát triển rộng ra thành phổ độ hết thảy cô hồn dã quỷ. Phong tục dân gian lập đàn tế lễ phổ độ vào “Tết Trung Nguyên” chính là thể hiện lòng từ bi thương xót. Cách gọi “Lễ quỷ” có thể cũng có chút liên quan đến phong tục phổ độ cô hồn dã quỷ, còn trong văn hóa truyền thống Trung Hoa không có cái gọi là “Lễ quỷ”.
Rằm tháng 7, tập tục Tết Trung Nguyên
Như vậy Rằm tháng 7 – tập tục ngày 15 tháng 7 âm lịch, có những phong tục gì?
Trong cuốn “Tuế Hoa Kỷ Lệ – Trung Nguyên” của Hàn Ngạc thời Đường, có ghi: “Đạo môn bảo cái, hiến tại Trung Nguyên. Thích thị Lan bồn, thịnh vu thử nhật” (Lộng báu của Đạo giáo, dâng vào lễ Trung Nguyên. Bồn thơm Phật giáo, dâng tế ngày này). Vào thời Đường, lễ Vu Lan Bồn trở thành tập tục, trong Đạo giáo cũng có nghi điển Trung Nguyên. Trong “Thiên Kim Nguyệt Lệnh” của Tôn Tư Mạc triều Đường nói rằng: “Ngày 15 tháng 7 làm bồn dâng chùa cho hội Vu Lan”. Trong “Cựu Đường Thư – Vương Tấn truyện” ghi rằng vào ngày 15 tháng 7, Vua Đường Đại Tông dùng vàng và châu ngọc trang trí bồn Vu Lan.
Trong cuốn 62 “Pháp Uyển Châu Lâm” của Pháp sư Đạo Thế thời Đường (biên soạn xong vào năm 668) có ghi, thời đó mỗi năm Hoàng Đế đều đưa Vu Lan Bồn dâng cúng chùa Tây Minh, chùa Từ Ân… ở Trường An, có quan chuyên dâng bồn. Trong cuốn này cũng ghi lại phương pháp cụ thể làm bồn và các loại câu trả lời có liên quan lễ Vu Lan Bồn, cho thấy lễ tiết được cử hành rộng khắp và rất thịnh hành.
Đến triều Tống sau này, lễ Vu Lan Bồn và Tết Trung Nguyên đều là ngày lễ quan trọng trong năm của các Đạo quán, chùa chiền, đồng thời cũng là thời điểm cúng bái tổ tiên của người dân. Từ trong các tài liệu ghi chép về các tục lệ có thể thấy rõ sự phổ biến của tục tế điện, tế tổ trong giới quan lại và người dân thời đó.
Cuốn “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” thời Bắc Tống ghi lại tập tục lễ tiết của người dân ở kinh đô Khai Phong – Đông Kinh vào Rằm tháng 7 rất phong phú đa dạng như:
* Dùng thân cây trúc kết thành ba chân, cao 3-5 thước, bên trên kết đèn thành hình cái bồn, gọi là bồn Vu Lan, đặt áo quần, tiền Âm phủ lên rồi đốt.
* Qua đêm Thất tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch), ở các sân khấu, những người biểu diễn sẽ diễn vở “Mục Kiền Liên cứu mẹ”, cho đến ngày 15 thì ngừng, người xem rất đông đúc.
* Ngoài thành có mộ mới, thì đến cúng mộ.
* Trong cung cũng điều xe ngựa đến Đạo viện, viếng mộ.
* Các pháp quan tổ chức cúng tế mười đạo đường, mở hội lớn, đốt tiền nhang, cúng tế cho các binh lính chết trận, lập đàn tràng cho cô hồn.
Trong cuốn tuế thời ký “Vũ Lâm Cựu Sự” có ghi lại tập tục trong Tết Trung Nguyên ở đô thành Lâm An của Nam Tống, như:
Ngày 15 tháng 7, Đạo gia gọi là “Tết Trung Nguyên”, các nơi đều có lễ hội lập đàn cầu khấn. Các tăng nhân, chùa miếu thì làm bồn Vu Lan chay. Còn người dân thì thường dùng gạo mới, tương mới, hàng mã, trái cây theo mùa, lụa màu, lá cờ để cúng tế tổ tiên. Người ta ăn chay hầu như đều đến ngày 18, 19, cho nên các lò mổ đều nghỉ bán trong những ngày này.
Trên bàn thờ trong nhà người dân, được trang trí cẩn thận với các loại hoa, lá, với tâm ý muốn báo cáo với tổ tiên được mùa vụ thu, đồng thời ghi nhớ và cảm tạ ân đức của tổ tiên.
Trong cuốn tuế thời ký “Mộng Lương Lục” cuối thời Nam Tống, đã ghi chép lại các danh gia vọng tộc tế điện siêu độ cô hồn tại nhà, thể hiện tấm lòng từ bi siêu độ:
Vào ngày 15 tháng 7,… còn là ngày Địa quan cai quản Trung Nguyên xá tội, các miếu đạo quán lập đàn cầu cúng phổ độ, dâng lễ cho các bậc hiền nhân. Dòng tộc gia đình quyền quý giàu có thì lập đàn cúng tế ở nhà, mời tăng ni cúng bái tưởng niệm cho người đã chết, hoặc siêu độ cô hồn.
Tập tục Rằm tháng 7, thời khắc âm-dương hội tụ
Rằm tháng 7 âm lịch – ngày 15 tháng 7, việc tế điện, tế tổ đã rất thịnh hành từ thời Nam Bắc triều cho đến các triều đại sau này. Thể hiện tư tưởng và tấm lòng hiếu thảo cảm tạ công sinh thành nuôi dưỡng, thể hiện tình cảm và lòng thương xót muốn phổ độ các vong hồn. Trong “Bạch Hổ Thông Đức Luận – Lễ Nhạc” có viết: “Phu lễ giả, âm dương chi tế dã, bách sự chi hội dã, sở dĩ tôn thiên địa, tấn (* tiếp đãi) quỷ thần, tự thượng hạ, chính nhân đạo dã.” (Tạm dịch: Nói đến lễ, thời khắc âm dương, vạn vật hội tụ, cho nên tôn kính Trời Đất, tiếp đãi quỷ Thần, theo thứ tự trên dưới, là đạo của con người vậy). Những lễ hội và phong tục mà chúng ta thấy vào Rằm tháng 7 chính là lễ nghi cúng tế “thời khắc âm dương gặp gỡ, là nhân đạo – đạo của con người”.
Một chút cảm ngộ: Tết Trung Nguyên đầu thu, trên vùng đất Trung Nguyên rộng lớn cổ xưa, tiếng tụng kinh Vu Lan truyền khắp, nhân gian thả đèn trôi sông, chiếu sáng trên bầu trời là một vầng trăng tròn. Sông nước gió trăng mênh mông, không khí từ bi, bình an, tường hòa vô tận, ngàn năm không dứt. Rằm tháng 7 như vậy, có còn đáng sợ hay không?
Sau cùng, chúng ta hãy cảm nhận được bầu không khí của “Rằm tháng 7” trong bài thơ “Trung Nguyên tịch phóng đăng” của Hoàng Đế Càn Long:
“Yên quang lộ sắc tảo thu thiên, vọng tịch băng luân mãn ý viên.
Lệ sự vu lan truyện phạm bái, tiện khán sóc tắc phóng đăng thuyền.
Chiếu nham hà cẩm kinh miên lộc, thiếp phổ vân ba chuế bại liên.
Thiên cổ thi nhân ngâm bất tẫn, hồ sơn phong nguyệt tổng vô biên.”
Lời kết:
Trong cuốn “Tân Thư – Đạo đức thuyết” của Giả Nghị thời Tây Hán nói rằng, phàm là người muốn được phúc, đều “nghĩ rằng quỷ Thần có thể đều lợi hại”, cho nên cẩn trọng cúng tế. Nhân gian ngày nay, các loại tâm thái tế bái rất phổ biến. Nếu nói về tâm lý sợ ma quỷ, Từ Cán thời Đông Hán trong “Trung Luận – Pháp Tượng” đã nói cho con người rằng: Bậc quân tử cho dù là trước mặt người khác hay là lúc chỉ có một mình, đều có thể đường đường chính chính, thì tự nhiên quỷ Thần không có cách nào tìm được cơ hội làm hại.
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ