Tết Trùng Ngũ và Nhà thơ Khuất Nguyên
Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tiết Đoan Ngọ, được xem là một trong ba lễ hội Trung Hoa truyền thống quan trọng nhất, chỉ sau Tết Năm mới và Tết Trung thu.
Tết Đoan Ngọ luôn rơi vào mùng năm tháng Năm âm lịch, do đó người Trung Quốc cũng gọi ngày này là Tết Trùng Ngũ.
Nguồn gốc của Tết Đoan Ngọ
Theo năm tháng, ngày tết này đã từng được đặt cho rất nhiều cái tên tùy thuộc vào phong tục tập quán và cách tổ chức hội mừng của nhiều địa phương khác nhau. Tên gọi phổ biến nhất là Lễ hội Thuyền rồng, cũng được nhiều người Tây phương biết đến nhiều nhất.
Cũng như nhiều lễ hội truyền thống Trung Quốc, có rất nhiều huyền thoại đằng sau Tết Đoan Ngọ. Giữa rất nhiều câu chuyện về nguồn gốc của lễ hội này, một trong những câu chuyện bắt rễ sâu xa nhất vào văn hóa Trung Quốc chính là câu chuyện tôn vinh nhà thơ và nhà chính trị Khuất Nguyên của thời Chiến quốc (475–221 TCN).
Chuyện kể lại rằng Khuất Nguyên (khoảng 340–278 TCN) là một đại thần triều đình. Ông đã có công rất lớn trong việc tiêu diệt tham ô hủ bại trong triều Sở trong suốt thời Chiến Quốc.
Đây là khoảng thời gian mà bảy quốc gia lớn độc lập, gồm Tề, Sở, Yến, Hán, Chu, Ngụy và Tần đã tranh giành nhau để đoạt quyền thống lĩnh.
Là một triều thần uyên bác, Khuất Nguyên được Sở vương tin dùng và với những lời khuyên sáng suốt của ông, nước Sở ngày một trở nên hùng cường. Sự thành công của Khuất Nguyên, đặc biệt là khả năng diệt trừ nạn tham ô, đã khiến các quan triều thần trở nên đối lập và khiến các viên đại thần khác ganh tỵ.
Họ vu khống Khuất Nguyên và mưu cớ hãm hại con đường quan lộ của ông, từ đó họ gây sức ép đến Sở vương. Kết quả là, nhà vua đã ngày càng bỏ ngoài tai lời khuyên của Khuất Nguyên và cuối cùng [ra chiếu] đày ông [khỏi triều đình].
Tuy trong cảnh đọa đày, nhưng Khuất Nguyên rất lo lắng cho tình cảnh của nước Sở. Vào thời gian đó, nước Tần đã trở lên lớn mạnh còn nước Sở đang ở trong thế hiểm. Trước đó, Sở vương đã bỏ ngoài tai lời khuyên của Khuất Nguyên trong việc trở thành đồng minh với nhà Tần.
Một ngày, Sở vương nhận được một lá thư mời giao kết tại nước Tần. Không màng lời can gián sáng suốt của Khuất Nguyên, nhà vua đã đích thân đến buổi gặp gỡ, và ở đó, ông đã bị bắt giam ngay lập tức. Một vài năm sau, ông đã qua đời trong nhà ngục của nước Tần.
Sau khi nhà vua băng hà, thái tử lên ngôi. Mặc dù vẫn đang trong cảnh đày ải, Khuất Nguyên đã nhanh chóng trở về nước Sở khi được triệu hồi để phò tá vị vua mới.
Khuất Nguyên đã khuyên nhủ vị vua mới cần liên minh với năm nước còn lại để chống cự nước Tần, nhưng một lần nữa, các viên quan đại thần khác lại cự tuyệt và Khuất Nguyên lại lâm vào cảnh thất sủng.
Nhà vua cũng bác bỏ lời khuyên của Khuất Nguyên và đã ký hiệp ước hòa bình đáng hổ thẹn với nước Tần. Sau đó, Khuất Nguyên đã lại tiếp tục chịu cảnh đọa đày đến một nơi còn xa hơn trước.
Tuy nhiên, Khuất Nguyên không từ bỏ. Ông đã đi đến rất nhiều nơi, truyền bá và viết thành sách những tư tưởng của mình, những mong có thể khiến đức vua thức tỉnh và cứu lấy vận mệnh nước Sở.
Vào năm 278 TCN, quân Tần chiếm được kinh đô nước Sở. Nhận thấy vận mệnh quốc gia suy vong, Khuất Nguyên ủy khuất mà trầm mình xuống sông Mịch La tự vẫn.
Từ khi biết được tin về sự ra đi của Khuất Nguyên, người dân nước Sở vô cùng đau xót và cảm thán, họ đến sông Mịch La để bày tỏ lòng thành kính đối với tâm hồn trung khiết của Khuất Nguyên.
Giữ thân xác toàn vẹn là điều rất quan trọng trong văn hóa Trung Quốc truyền thống, vì vậy với mong muốn thi thể của Khuất Nguyên không bị các loài cá và tà linh xâm hại. Một số dân làng đã thả những chiếc bánh ú (một loại bánh làm từ gạo nếp gói trong lá tre) xuống sông để thu hút các loài cá, và như thế, cá có thể tránh xa thân xác của Khuất Nguyên.
Những người dân khác trong làng thì đánh trống để xua đuổi cá. Các vị thầy thuốc trung y thì đổ rượu hùng hoàng xuống sông để “chuốc độc” cho các loài quỷ quái và bảo vệ thân xác của Khuất Nguyên.
Từ đó về sau, người dân tưởng nhớ Khuất Nguyên bằng cách tổ chức lễ hội nhân ngày ông tự trầm, bằng các hoạt động như đua thuyền rồng, nổi trống, ăn bánh ú, uống rượu hùng hoàng, và các hoạt động khác nữa. Vì thế nên lễ hội này còn có được gọi bằng những cái tên khác như Lễ hội Thuyền rồng hay Lễ hội Bánh ú.
Khuất Nguyên được người đời biết đến như là một thi nhân vĩ đại đầu tiên [trong lịch sử] Trung Quốc và là cha đẻ của thi ca Trung Hoa. Lòng trung khiết và ái quốc không lay động biểu đạt trong thơ ca của ông thấm nhuần tư tưởng của Khổng Tử, và đến ngày nay, vẫn đã và đang là hình mẫu của những bậc trí sĩ Trung Quốc.
Những ảnh hưởng về văn chương và lòng ái quốc của ông đã tạo được tiếng vang trong lòng rất nhiều thế hệ người dân Trung Quốc sau này và lan xa sang cả các vùng khác trên thế giới.
Các hoạt động nhân ngày Tết Đoan Ngọ
Người Trung Quốc tuân thủ rất nhiều phong tục truyền thống và tổ chức nhiều hoạt động vào ngày này. Đua thuyền rồng, ăn bánh ú là những phong tục không thể thiếu nhân dịp Tết này.
Đua thuyền rồng
Đua thuyền rồng là một hoạt động lễ hội truyền thống, theo đó, một đội gồm 22 người ngồi trên một chiếc thuyền với họa tiết rồng và tham gia cuộc đua dài gần 1 dặm (khoảng 1.6km).
Những cuộc đua thuyền này là một phần không thể thiếu của Lễ hội Thuyền rồng. Các cuộc thi được tổ chức trên khắp Trung Quốc và cả những cộng đồng đông dân cư người Hoa sinh sống.
Ăn bánh ú
Bánh ú là một loại bánh truyền thống Trung Hoa. Bánh có hình tam giác gói với lá tre. Bánh ú thường được làm bằng gạo nếp gói cùng nhiều loại nhân khác nhau. Người ta có thể hấp hoặc luộc bánh ú. Bánh ú đã trở thành một biểu trưng đặc biệt trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Uống rượu hùng hoàng
Rượu hùng hoàng là một loại rượu Trung Quốc được thêm vị hùng hoàng, vốn là một loại thảo mộc. Người ta đã rất quen với việc uống rượu này trong Tết Đoan Ngọ, đặc biệt là sau các trận đua thuyền rồng.
Những phong tục tập quán khác
Trong nhiều vùng nhất định ở Trung Quốc, các bậc phụ huynh thường diện túi thơm như một vật trang sức cho con cái. Những túi thơm nhỏ này thường được làm bằng tay với những chất liệu màu sắc sặc sỡ. Họ cho vào đó hương thơm và các vị thuốc từ thảo mộc, và khâu lại bằng chỉ.
Túi thơm này thường được treo trên cổ hoặc được đeo phía trước thân của trẻ như một loại trang sức. Người ta nói rằng túi thơm này có thể xua đuổi tà ma.
Thêm vào đó, người ta cho rằng việc thắt năm chiếc vòng trang trí có màu sắc tươi sáng xung quanh cổ tay, mắt cá chân và cổ của trẻ trong Lễ hội Thuyền rồng là để giúp trẻ xua đuổi sâu bệnh.
Rất nhiều người cũng nhân cơ hội này để dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, treo lá ngải cứu và cây xương bồ ở đầu cửa ra vào để xua đuổi bệnh tật.
Người ta nói rằng thân và lá của những loại cây này tỏa ra một mùi hương đặc biệt khiến muỗi và ruồi không thể tới gần, lọc sạch không khí, vì thế việc cách làm này trở nên phổ biến cũng là điều dễ hiểu. Ở một vài nơi, dịp Tết này cũng là ngày để tăng cường sức đề kháng của thân thể và xua đuổi bệnh tật.
Người dân ở một số vùng còn thực hiện các công việc đặc thù để xua đuổi các loài sâu bọ độc hại và những con vật gây ra phiền toái khác, bao gồm bọ cạp, rắn, rết, thằn lằn sống trong nhà và cóc.
Trong 2,000 năm, tinh thần ái quốc của Khuất Nguyên đã có tác động đến rất nhiều người và cho đến nay ông vẫn nhận được nhiều người dân Trung Quốc trên khắp thế giới bày tỏ lòng tôn kính. Đó chắc chắn là nguồn động lực biến Tết Đoan Ngọ thành một dịp rất vui vẻ và tuyệt vời.
Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times