Tây An: Chính quyền gây phẫn nộ vì từ chối chăm sóc bệnh nhân nguy kịch giữa phong tỏa
Vào ngày đầu năm mới ở thành phố bị phong tỏa Tây An, Trung Quốc, một người phụ nữ mang thai tám tháng đã bị sẩy thai trong khi chờ đợi trong cái lạnh đóng băng bên ngoài bệnh viện. Cô đã bị từ chối nhập viện vì kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính của cô đã không còn hợp lệ từ một vài giờ trước.
Một tay đỡ bụng khi cô dựa vào mép một chiếc ghế đẩu nhỏ màu hồng bên ngoài bệnh viện Cao Tân Tây An. Máu chảy xuống, tạo thành một vũng nhỏ màu đỏ dưới chân cô.
“Đang chờ” — là câu trả lời cộc lốc từ các quan chức bệnh viện khi được một nhân viên hỏi về người phụ nữ, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Người phụ nữ buộc phải tiếp tục ngồi chờ trong hai giờ đồng hồ, và khi bệnh viện cuối cùng đồng ý và đưa cô vào cấp cứu thì đã quá muộn. Người phụ nữ đã mất đứa con của mình.
Những gì cô ấy trải qua đã được quay lại trong một đoạn video đăng trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc. Đoạn video đã thổi bùng lên cơn tức giận và xót xa từ phía người dân Tây An, thành phố đã cô lập tất cả cư dân ở nhà của họ kể từ ngày 23/12 khi chật vật ứng phó với số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Trong hai tuần qua, các cư dân phẫn uất đã xuất hiện khắp nơi trên nguồn cấp tin tức của các mạng xã hội Trung Quốc với những lời khẩn cầu thực phẩm và đồ thiết yếu, gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và gia tăng nghi ngờ về tính bền vững của sách lược đã kéo dài hai năm của chính quyền Trung Quốc — không dung nạp bất cứ ca nhiễm nào bằng bất kể giá nào — được biết đến với tên gọi “zero COVID”.
“Ở Tây An ngày nay, bạn có thể chết đói hoặc chết bệnh, nhưng bạn không thể chết vì COVID-19,” một nhà bình luận trực tuyến viết.
Hàng chục câu chuyện tương tự như câu chuyện của thai phụ kia cũng đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Một trong số đó là [câu chuyện về] một phụ nữ có cha bị đau ngực cấp tính hôm 02/01. Cô đã gọi đến đường dây nóng khẩn cấp nhưng được thông báo rằng họ không chắc khi nào có thể thu xếp xe cấp cứu. Khi người cha 61 tuổi của cô được phép vào viện tám giờ sau đó, tình trạng của ông đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ông bị rách động mạch chủ, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; ông đã qua đời ngay sau đó.
“Tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vọng và đau đớn mà bố tôi đã phải trải qua trong vài giờ cuối cùng của cuộc đời mình,” cô viết.
Một cái chết tương tự cũng đã xảy ra khi một người đàn ông 39 tuổi bị nhồi máu cơ tim bị ba bệnh viện từ chối vì không đưa ra được một hồ sơ xét nghiệm virus âm tính. Có lúc, anh bị đau đến mức phải đập đầu vào tường. Bệnh viện thứ tư đã tiếp nhận anh sau khi anh có kết quả xét nghiệm. Một bác sĩ nói với bạn của người đàn ông, người đã ghi lại cuộc trò chuyện này trong một đoạn video, rằng anh đã không còn thở và không còn nhịp tim nữa khi anh được đưa lên giường bệnh.
Trong khi đó, một cụ ông bị huyết áp cao cho biết họ của mình là Lin nói với hãng thông tấn NTD, chi nhánh của The Epoch Times, rằng ông đã bị chặn ở trạm kiểm soát trong khu phố của mình khi cố đến bệnh viện lấy thuốc.
“Họ miễn cưỡng cho tôi ra ngoài sau khi tôi tranh cãi với họ trong 40 phút,” ông nói hôm 06/01. Các phương tiện đi lại đã bị cấm, vì vậy cụ ông gần 80 tuổi này đã phải chiến đấu với cơn chóng mặt để đi bộ trong 40 phút. Ông đến bệnh viện với kết quả đo huyết áp cho thấy ông có nguy cơ đột quỵ cao.
“Đó quả là một sự dày vò,” ông nói.
Áp lực dư luận đã buộc các quan chức phải nới lỏng một số chính sách của họ. Cha mẹ của một cậu bé 7 tuổi mắc bệnh bạch cầu, người có đợt hóa trị giai đoạn 3 bị trì hoãn trong một tuần, đã tìm cách đặt lịch hẹn nhập viện cho cậu bé sau khi lời cầu khẩn công khai của họ thu hút sự chú ý rộng rãi.
Một người dùng Weibo cho biết: “Điều kinh khủng hơn cái chết là đến trước bệnh viện và chờ đợi cái chết.”
Phản ứng của các nhà chức trách Trung Quốc dường như chỉ là việc tạo ấn tượng cho hình ảnh của họ.
Đối với trường hợp của người phụ nữ mang thai, chính quyền ở Tây An đã nhanh chóng hành động sau khi một video về cô thu hút hàng chục triệu lượt xem trên blog nhỏ Weibo của Trung Quốc. Hai trưởng khoa của bệnh viện đã bị sa thải, và một tổng giám đốc bị đình chỉ chức vụ.
Các quan chức thành phố, sau khi kết thúc một cuộc điều tra, đã nói trong một cuộc họp báo rằng vụ việc là “một tai nạn do sơ suất.”
Nhưng những hành động tiếp theo của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã khiến một số người nhận thấy rằng chính quyền này dường như quan tâm đến việc duy trì hình ảnh của mình hơn là giúp đỡ bất kỳ ai.
Tài khoản Weibo của cháu gái người phụ nữ này, người đăng video trên, đã biến mất trong vòng một ngày.
“Ghê thật,” một người dùng Weibo đã viết sau khi nhận thấy việc xóa [tài khoản]. “Họ có thể giải quyết mọi thứ bằng cách bịt miệng mọi người.”
Con gái của bệnh nhân đau tim qua đời vào ngày 02/01 nói với NTD rằng Bệnh viện Trung tâm Y tế Quốc tế Tây An, nơi điều trị cho cha cô, đã liên lạc với cô và bảo cô “không được tùy tiện đăng các thứ lên mạng.” Bệnh viện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times tính đến thời điểm phát hành bản tin này.
Sáng sớm ngày 05/01, một số cư dân địa phương đã nhận được một “thông báo quan trọng” trên WeChat, một nền tảng nhắn tin phổ biến khác của Trung Quốc, cảnh báo rằng các nhóm trò chuyện của họ đang bị tích cực theo dõi, theo ảnh chụp màn hình được chia sẻ với Đài Á Châu Tự do (RFA). Thông báo này nêu rõ, “tin đồn” và các video liên quan đến bùng phát dịch bị cấm tuyệt đối trong các cuộc trò chuyện, đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ sự lan truyền nào của “tin tức tiêu cực” sẽ dẫn đến đình chỉ tài khoản.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: