Tàu sửa chữa cáp ngầm dưới biển của Trung Quốc có hành tung bí ẩn, bị nghi ngờ là gián điệp
Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã mở rộng đến dưới đáy biển. Vì hệ thống cáp quang dưới biển truyền tải một lượng lớn dữ liệu, nên để ngăn chặn việc Trung Quốc đánh cắp dữ liệu, Hoa Kỳ đang thực hiện chiến dịch “ngăn chặn Trung Quốc hóa” hệ thống cáp quang này. Không chỉ vậy, các quan chức Hoa Kỳ còn âm thầm gửi những cảnh báo bất thường đến các công ty điện tín rằng: hành vi gián điệp của các tàu bảo trì Trung Quốc có thể dễ dàng ảnh hưởng đến dữ liệu được truyền tải từ các tuyến cáp quang dưới biển mang lưu lượng truy cập Internet xuyên Thái Bình Dương.
Theo tin tức độc quyền của tờ The Wall Street Journal hôm 19/05, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một công ty quốc doanh Trung Quốc chuyên giúp sửa chữa cáp điện ngầm quốc tế – Công ty TNHH Hệ thống Cáp biển Trung-Anh (S. B. Submarine Systems, viết tắt SBSS), dường như đang che giấu vị trí của tàu từ các dịch vụ theo dõi bằng sóng vô tuyến điện và vệ tinh. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết điều này không thể giải thích một cách đơn giản.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết những cảnh báo này cho thấy rủi ro an ninh đối với cáp quang dưới biển đang bị xem nhẹ. Các đại công ty công nghệ ở Silicon Valley như Google và Meta Platforms sở hữu nhiều phần của các cáp quang, và đang đầu tư nhiều hơn vào các cáp quang này. Nhưng họ lại phụ thuộc vào dịch vụ của các công ty xây dựng và sửa chữa chuyên nghiệp, bao gồm cả các công ty do ngoại quốc sở hữu. Các quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng những công ty này có thể sẽ gây nguy hiểm cho an toàn dữ liệu thương mại và quân sự.
Cáp quang dưới biển là cốt lõi của mạng Internet, truyền tải 99% lưu lượng dữ liệu toàn cầu. Theo số liệu của TeleGeography, năm 2024, trên khắp toàn cầu sẽ lắp đặt khoảng 140,000 km cáp quang dưới biển, tăng gấp ba lần so với 5 năm trước.
Hoa Kỳ và các quốc gia khác liên tục hạn chế sự tham gia của Trung Quốc (ĐCSTQ) vào lĩnh vực cáp quang dưới biển. Trong bốn năm qua, ít nhất có 6 dự án cáp quang dưới biển tư nhân bị ngăn chặn. Chính phủ Hoa Kỳ đã ngăn chặn Công ty Công nghệ Truyền thông Hoa Hải (Huahai Communication – thuộc HMN Technologies Co., Ltd) đạt được hợp đồng, và cũng từ chối phê chuẩn giấy phép kết nối cáp ngầm từ Hoa Kỳ tới Hoa lục hoặc tới Hồng Kông.
The Wall Street Journal cho biết sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ đối với các tàu sửa chữa của ĐCSTQ nằm trong chiến lược đối phó với sự mở rộng hoạt động trên biển của ĐCSTQ ở Tây Thái Bình Dương. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, trong vài thập niên vừa qua, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp chống lại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. ĐCSTQ cố gắng tìm cách ngăn cản các thông tin liên lạc và ưu thế công nghệ của Ngũ Giác Đài trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột liên quan đến Đài Loan hoặc các vấn đề gay gắt khác.
Một người hiểu rõ tình hình nói với The Wall Street Journal rằng các quan chức Hoa Kỳ bày tỏ mối lo ngại với các công ty như Google và Meta về việc các công ty Trung Quốc có thể đe dọa an ninh cáp quang của Hoa Kỳ. Người này tiết lộ rằng các quan chức cấp cao của chính phủ Tổng thống Biden đã nghe các báo cáo liên quan và họ cho rằng sự tham gia của các công ty Trung Quốc như SBSS vào việc bảo trì cáp quang dưới biển có thể dẫn đến “rủi ro” cho Hoa Kỳ.
Các chủ sở hữu của Công ty Hệ thống Cáp biển Trung-Anh gồm có Tập đoàn Công ty Viễn thông Trung Quốc (chiếm 51% cổ phần) và Công ty Hàng hải Toàn cầu Anh quốc (chiếm 49% cổ phần).
Theo phân tích dữ liệu vận tải của tờ Wall Street Journal, các con tàu có tên Fu Hai, Fu Tai, và Bold Maverick đã thường xuyên biến mất khỏi dịch vụ theo dõi tàu bằng vệ tinh (đôi khi mất tung tích trong vài ngày) khi hoạt động ở vùng biển Đài Loan, Indonesia, và các khu vực ven biển khác ở châu Á. Các quan chức và chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết những khoảng trống dữ liệu như vậy là bất thường đối với các tàu của công ty thương mại cáp quang và thiếu sự giải thích rõ ràng.
Trong một tuyên bố, Ủy ban An ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc cho biết an ninh cáp quang dưới biển “dựa trên các tổ chức đáng tin cậy xây dựng, bảo trì, và sửa chữa theo cách minh bạch và an toàn.” Đồng thời, ủy ban này nhấn mạnh dịch vụ theo dõi tàu bằng vệ tinh “là một ví dụ giúp đỡ cho các biện pháp giám sát và an toàn tàu bè.”
Các quan chức Hoa Kỳ và Quốc hội đã không tiết lộ liệu mối lo ngại của họ xuất phát từ thông tin tình báo của hoạt động gián điệp bí mật trên biển, hay từ mối đe dọa tiềm ẩn đối với cơ sở thiết bị Internet. Tuy nhiên, họ cho biết khi các tàu Trung Quốc hoạt động trên biển, dữ liệu theo dõi bằng vệ tinh thương mại cho thấy xuất hiện nhiều khoảng trống dữ liệu.
Một nguồn tin biết rõ về các công ty Trung Quốc này tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng các khoảng trống dữ liệu về vị trí tàu của công ty Trung Quốc có thể là do phạm vi phủ sóng vệ tinh không đều, chứ không phải để che giấu vị trí. Người này nói thêm rằng các chủ sở hữu cáp quang thường cử đại diện có mặt trên các con tàu sửa chữa trên biển, khiến cho bất kỳ can thiệp tiềm ẩn nào vào thiết bị cáp quang đều khó mà che giấu được.
Tờ Wall Street Journal cho biết chính phủ Hoa Kỳ từ chối bình luận về SBSS. Google và Meta từ chối bình luận về mối lo ngại của chính phủ Tổng thống Biden đối với SBSS. SBSS đã không phúc đáp yêu cầu bình luận [của The Epoch Times].
Với nhu cầu băng thông mạng tăng lên do truyền phát video, điện toán đám mây, và mạng 5G, cáp ngầm dưới biển đang phát triển với tốc độ khoảng 30% mỗi năm. Chỉ tính riêng ở châu Á, TeleGeography dự đoán, từ năm 2023 đến 2025, các dự án cáp quang dưới biển sẽ đạt giá trị 2.59 tỷ USD, gấp sáu lần so với năm 2000.
Từ năm 2021 đến năm 2025, các dự án cáp quang quốc tế có sự tham gia của các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ có tổng chiều dài 220,000 km, chiếm 48% tổng số dự án mới toàn cầu, tăng 15% so với cùng thời kỳ của giai đoạn trước đó.
Nghiên cứu viên Tăng Di Thạc (Zeng Yishuo) của Viện Điều hành Mạng và An ninh Thông tin thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng cáp quang dưới biển truyền tải 97-98% thông tin toàn cầu. Làm thế nào để ngăn ngừa việc thông tin bị chặn hoặc nghe lén sau khi cáp ngầm vào đất liền là một vấn đề mà các quốc gia đã nghiên cứu và phòng ngừa từ thời Chiến Tranh Lạnh.