Tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ neo đậu ở Nam Hàn trước mối đe dọa từ Bắc Hàn
Hôm thứ Bảy (25/02), một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ đã cập cảng thành phố Busan của Nam Hàn sau khi Bắc Hàn tiến hành một cuộc tập trận hỏa tiễn hành trình “chiến lược” hồi tuần trước.
Hôm 25/02, Hải quân Hoa Kỳ tại Nam Hàn đã thông báo trong một bài đăng trên Facebook rằng tàu ngầm USS Springfield đã đến Busan để thăm cảng theo lịch trình nhưng không nói rõ về thời gian neo đậu [tại cảng này trong bao lâu].
USS Springfield là một trong năm tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles đóng ở đảo Guam. Chiếc tàu này cùng với thủy thủ đoàn thường xuyên tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải để trợ giúp các lợi ích an ninh quốc gia.
Việc khai triển tàu ngầm này tới Nam Hàn diễn ra sau khi Bắc Hàn phóng thử bốn hỏa tiễn hành trình hôm 23/02, và chính quyền này cho biết họ phản đối cuộc diễn tập sa bàn giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn ở Hoa Thịnh Đốn hồi tuần trước.
Ông Shin Jong-woo, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Nam Hàn, nói rằng việc tàu ngầm Springfield đến Busan thể hiện cam kết răn đe của Hoa Kỳ đối với đồng minh Nam Hàn trước các mối đe dọa từ chính quyền Bắc Hàn.
“Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một hệ thống vũ khí có thể bí mật tiếp cận và khuất phục bất kỳ tàu ngầm nào của Bắc Hàn, vì vậy tôi nghĩ đó có thể là một mức độ cảnh báo khác đối với Bắc Hàn,” ông Shin nói với The Korea Times.
Hoa Kỳ đã cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ với Nam Hàn và tiếp tục một loạt các nỗ lực nhằm tăng cường các nỗ lực răn đe mở rộng để đáp trả các vụ thử hỏa tiễn và phát triển vũ khí hạt nhân đang diễn ra của Bắc Hàn vốn vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hai đồng minh trên đã đưa ra một thông cáo báo chí chung sau cuộc tập trận trên sa bàn của họ hôm 22/02, khẳng định cam kết của Hoa Kỳ hợp tác với Nam Hàn bằng cách sử dụng “sự kết hợp hiệu quả giữa các năng lực, ý tưởng, khai triển, các cuộc tập trận, và các lựa chọn phù hợp” để ngăn chặn hành động gây hấn của Bắc Hàn.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục khai triển các lực lượng hạt nhân linh hoạt phù hợp để ngăn chặn xung đột hạt nhân trong khu vực, bao gồm khả năng khai triển các oạch tạc cơ chiến lược, chiến đấu cơ có khả năng kép, và các vũ khí hạt nhân tới khu vực này,” tuyên bố trên cho biết.
Theo Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã tuyên bố trong Đánh giá Tình hình Hạt nhân năm 2022 rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Bắc Hàn nhằm vào nước này và các đồng minh của nước này là không thể chấp nhận được và “sẽ dẫn đến sự kết thúc của chính quyền đó.”
Bắc Hàn trả đũa
Hôm 18/02, Bắc Hàn cũng đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong điều mà nước này gọi là “một cuộc tập phóng bất ngờ,” hỏa tiễn này đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Nhật Bản cho biết ICBM có khả năng tấn công Hoa Kỳ với tầm bắn hỏa tiễn 8,700 dặm (hơn 14,000 km).
Sau đó, Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc tập trận không quân chung với Nam Hàn và Nhật Bản hôm 19/02, Bắc Hàn đã đáp trả bằng cách bắn hai hỏa tiễn “hạt nhân chiến thuật” ra biển.
Bắc Hàn lên án các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn là “các diễn tập cho một cuộc xâm lược” nhằm thay đổi chế độ và tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ hành động quân sự nào theo nguyên tắc “hạt nhân với hạt nhân (nuke for nuke) và đối đầu toàn diện với đối đầu toàn diện (all-out confrontation for an all-out confrontation).”
Bắc Hàn cũng đã cảnh báo rằng việc mở rộng các cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn và lời hứa của Hoa Kỳ sẽ khai triển thêm các khí tài quân sự để bảo vệ Nam Hàn đã đẩy Bán đảo Triều Tiên “vào vòng xoáy căng thẳng gia tăng nghiêm trọng.”
Hôm 16/02, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết: “Nếu Hoa Kỳ lựa chọn phô trương sức mạnh và chống lại mọi thứ bằng sức mạnh, thì lựa chọn của CHDCND Bắc Hàn cũng vậy.”
Lên án khối Trung Quốc và Nga
Hoa Kỳ trước đó đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các hành động khiêu khích hỏa tiễn của Bắc Hàn và buộc nước này phải chịu trách nhiệm về các hành động gây bất ổn. Tuy nhiên, nỗ lực này đã vấp phải một sự phủ quyết của Trung Quốc và Nga — vốn cũng là các thành viên của hội đồng trên.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết việc Hội đồng Bảo an không phản ứng kịp đã tạo điều kiện cho Bắc Hàn tiến hành các vụ phóng hỏa tiễn gây bất ổn “mà không sợ hậu quả.”
“Thực tế là những người bảo vệ CHDCND Bắc Hàn khỏi hậu quả của các vụ thử hỏa tiễn leo thang của nước này đã khiến khu vực châu Á, và toàn thế giới, có nguy cơ xảy ra xung đột,” bà Thomas-Greenfield cho biết trong một cuộc họp báo của hội đồng ở New York.
Với một quan điểm khác với cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, hôm 22/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Hàn sẽ không mang lại lợi ích cho chế độ Trung Cộng vì chương trình này gây ra mối đe dọa đối với an ninh khu vực.
“Chương trình hỏa tiễn đạn đạo, chương trình hạt nhân của CHDCND Bắc Hàn không chỉ là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và người dân của chúng ta; đó không chỉ là một mối đe dọa đối với các đồng minh theo hiệp ước của chúng ta — trong trường hợp này là Nhật Bản và Nam Hàn — mà còn là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trên toàn khu vực này, và đó không phải là điều mà CHND Trung Hoa muốn chứng kiến,” ông cho hay, đồng thời đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bắc Hàn đã phóng hơn 70 hỏa tiễn vào năm ngoái, bao gồm các vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở nhiều tầm bắn khác nhau, có khả năng nhắm vào Nam Hàn và lục địa Hoa Kỳ.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times