Tàu do thám của Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bờ biển Úc trong 3 tuần
Một tàu do thám của Trung Quốc đã đi vòng quanh Úc trong ba tuần để thu thập thông tin tình báo ngoài khơi bờ biển nước này, làm dấy lên những mối lo ngại về an ninh khi Bộ trưởng Quốc phòng Úc cảnh báo nước này đang đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong môi trường chiến lược của mình kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Tàu Tình báo Ngọc Hành Tinh đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế dài 200 km của Úc gần Darwin trong tháng 8 và tháng 9, đi sát đường bờ biển của nước này và hướng thẳng về phía nam đến tận Sydney. Con tàu này đã đi qua một số khu vực quân sự quan trọng, trước khi đi qua Biển Tasman đến New Zealand.
Con tàu này được cho là tàu do thám lớp Đông Điều, có khả năng giám sát thông tin liên lạc, tín hiệu radar và phổ điện từ cũng như sử dụng các phương pháp giám sát khác như cảm biến quang học.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Úc nói với The Epoch Times rằng chính phủ Úc biết con tàu này đi vào các vùng biển của nước này nhưng cho biết Trung Quốc có quyền “thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không hợp pháp trong vùng biển và vùng trời quốc tế” giống như Úc.
“Họ đã ở bên ngoài phạm vi lãnh hải của chúng tôi,” Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton nói với chương trình Nine’s Today. “Họ không vi phạm bất kỳ luật nào.”
Thủ tướng Úc Scott Morrison lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc có “mọi quyền để ở đó”, không có hoạt động nào của họ là lén lút: “Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng tôi không canh chừng họ vì họ đang tìm cách theo dõi chúng tôi.”
Ông Morrison cho biết ông đã bị chỉ trích vì lập trường mạnh mẽ mà ông đã đưa ra về các vấn đề với Trung Quốc, nhưng vụ việc này cho thấy “Úc phải có khả năng đương đầu, và điều đó đòi hỏi quân lực rất lớn.”
Ông nói với các phóng viên ở Adelaide hôm thứ Sáu (26/11) rằng, “Không bao giờ được yếu đuối khi dẫn dắt một chính phủ liên bang, đặc biệt là vào một thời điểm mà chúng ta đang đối phó với những vấn đề an ninh rất quan trọng này và cả những thách thức kinh tế mà chúng ta gặp phải.”
Trước đó, Trung Quốc đã cử các tàu quân sự đến giám sát các cuộc thao diễn huấn luyện quốc phòng, như cuộc tập trận Talisman Sabre ngoài khơi bờ biển phía đông hồi tháng Bảy, và ba chiến hạm Trung Quốc đã tiến vào Cảng Sydney mà không thông báo ngay trước đêm diễn ra lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.
Nhưng hành động cử lực lượng hải quân của mình ra khơi lần này của chính quyền Trung Quốc được coi là một nước đi lạ lùng vì không có cuộc tập trận hay ý đồ chiến tranh nào diễn ra.
Các hoạt động do thám của Trung Quốc đối với ngoại quốc và sự thống trị của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được coi là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy Úc thành lập AUKUS – liên minh an ninh mới với Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Theo hiệp ước này, ba quốc gia sẽ hợp tác về “năng lực mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và các khả năng bổ sung dưới đáy biển”, trong khi Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ giúp trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
“Cũng chẳng lấy làm lạ ở đây rằng ai cũng đều muốn có cơ hội nhận được chút thông tin thêm thắt đó nếu họ có thể,” Thủ quỹ Josh Frydenberg nói với Seven Network.
“Chúng tôi đã tham gia vào liên kết đối tác chiến lược như AUKUS với hai đối tác quan trọng, đáng tin cậy, những người sẽ chia sẻ công nghệ tối tân nhất với lực lượng quốc phòng và với nhân viên an ninh của chúng tôi.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton đã cảnh báo rằng các hành động của Trung Quốc ngày càng trở nên “đáng báo động” khi chỉ trong hai thập niên mà nhà cầm quyền này đã nhân gấp ba lần quy mô lực lượng chiến đấu để trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
“Ngày nay, chúng ta đang đứng trước sự thay đổi quan trọng nhất trong môi trường chiến lược của mình kể từ sau Đệ nhị Thế chiến,” ông nói trong Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra, đồng thời lưu ý rằng mọi thành phố lớn của Úc đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc.
Trong khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố họ muốn hòa bình, hợp tác và phát triển, thì có một “sự khác biệt lớn giữa lời nói và hành động, giữa luận điệu và thực tế quen thuộc”, ông Dutton nói.
“Nếu như quý vị nhìn vào những gì đang xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào lúc này, và rồi quý vị thấy sự tăng tốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì chúng ta cần phải nhận thức thực tế về mối đe dọa ngay bây giờ và trong vài thập niên tới,” ông nói với chương trình 7.30 của Tập đoàn Phát thanh -Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corporation).
“Chẳng có lý do gì để trốn chạy hiện thực rồi vờ như điều đó không xảy ra. Chúng tôi muốn hòa bình hiện hữu trong khu vực của chúng ta.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc đã nhanh chóng đáp trả trong một tuyên bố gay gắt được đưa ra vào chiều thứ Năm (25/11), cáo buộc ông Dutton vì thuyết phục mọi người chấp nhận một “sự hiểu lầm viển vông về chính sách ngoại giao của Trung Quốc.”
Tuyên bố này khẳng định mối bang giao Trung-Úc sẽ không cải thiện nếu chính phủ Úc không thay đổi các chính sách của mình.
Cô Nina Nguyen là phóng viên người Việt Nam tại Sydney và chuyên về tin tức của Úc. Liên lạc với cô ấy tại [email protected].
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: