Tập đoàn Wagner trở lại châu Phi, gây nguy hại cho lợi ích của ĐCSTQ
Sự hồi sinh của Tập đoàn Wagner ở châu Phi đang đặt ra một thách thức to lớn đối với lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực, có khả năng gây căng thẳng cho “tình hữu nghị không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga. Việc Điện Kremlin mất quyền kiểm soát rành rành đối với lực lượng quân sự tư nhân Wagner đã để lộ những vết rạn nứt trong nội bộ ban lãnh đạo Moscow, báo hiệu một cuộc đấu tranh quyền lực tiềm tàng.
Trọng tâm của xung đột lợi ích này tập trung vào châu Phi, nơi mà sự trở lại của Tập đoàn Wagner có thể dẫn đến sự hồi sinh và mở rộng các hoạt động cho thuê và kinh doanh bảo mật của họ. Một diễn biến như vậy có thể gây nguy hiểm cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, đồng thời gây rủi ro cho lợi ích và nhân sự của Trung Quốc trong khu vực này. Do đó, ĐCSTQ có thể cần xem xét lại các đánh giá của họ về mối đe dọa trong khu vực và tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ các khoản đầu tư của mình.
Hôm 20/07, các bản ghi âm được BBC phân tích đã xác nhận sự tham gia của ông Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner, trong một cuộc phỏng vấn được cho là với một hãng truyền thông Phi Châu. Những tuyên bố của ông Prigozhin cho thấy rằng các hoạt động của Wagner ở châu Phi không hề suy giảm và sẽ tiếp tục không ngừng. Ông đã nhấn mạnh sự hợp tác liên tục của họ với nhiều quốc gia khác nhau trong việc thực hiện các hoạt động hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong việc chống lại các băng nhóm và những kẻ khủng bố theo các thỏa thuận hợp đồng.
Những tuyên bố này lặp lại những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người đã khẳng định rằng Tập đoàn Wagner và Nga sẽ tiếp tục hiện diện ở châu Phi bất chấp những sự kiện gần đây.
Hôm 21/07, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã tuyên bố trong Diễn đàn An ninh Aspen rằng những người lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner hiện không tham chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy lực lượng quân sự tư nhân này có thể đang tập hợp lực lượng ở châu Phi.
Tình hình này có thể có những tác động nghiêm trọng đến lợi ích của ĐCSTQ trong khu vực. Sự đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng đều đặn kể từ năm 2003, đạt 5 tỷ USD vào năm 2021 từ mức chỉ 75 triệu USD vào đầu giai đoạn này. Khi ĐCSTQ tiếp tục mở rộng dấu chân của mình ở châu Phi, họ tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Moscow để bảo vệ lợi ích của mình. Đồng thời, các công ty an ninh Trung Quốc hoạt động ở châu Phi như Tập đoàn Huawei, Tập đoàn Hoa Tín Trung An (Huaxin Zhongan), Kunlun, và Tập đoàn Dịch vụ Tiên Phong (Xianfeng) cũng phát triển nhanh chóng. Các công ty này chủ yếu hoạt động ở những khu vực tương đối an toàn như Ai Cập, Kenya, và Uganda. Tuy nhiên, một số công ty an ninh của Trung Quốc đang mạo hiểm đi vào những môi trường phức tạp và thách thức hơn. Điều đáng chú ý là các công ty an ninh Trung Quốc này không được trang bị vũ khí sát thương và phải phụ thuộc vào sự bảo vệ có vũ trang từ các tổ chức hoặc chính phủ địa phương.
Với việc ông Yevgeny Prigozhin bị đày sang Belarus, một phần đáng kể trong đội quân 25,000 người của Tập đoàn Wagner dự kiến sẽ củng cố các hoạt động ở châu Phi dưới sự lãnh đạo mới. Viễn cảnh này đặt ra một thảm họa tiềm tàng cho lợi ích của ĐCSTQ ở châu Phi. Sự hiện diện của lực lượng quân sự tư nhân Wagner có thể gây bất ổn cho môi trường an ninh và đặt ĐCSTQ vào thế bất lợi trong khu vực này. Trong bất kỳ cuộc xung đột nào với các lực lượng của Wagner, ĐCSTQ có thể phải đối mặt với những thách thức và rủi ro đáng kể.
Trong Diễn đàn An ninh Aspen, các quan chức phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với sự chỉ trích từ giới tinh hoa Nga sau cuộc binh biến vũ trang do Wagner lãnh đạo. Hôm 20/07, Giám đốc CIA William Burns tuyên bố rằng cuộc nổi dậy đó đã đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về khả năng phán đoán của ông Putin, ông ta dường như không quan tâm đến những gì đang diễn ra, và được nhận thấy là không có khả năng đưa ra quyết định. Ông nhấn mạnh rằng ông Putin nổi tiếng là người có xu hướng thù dai. Ông Burns nói: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông Prigozhin thoát khỏi sự trừng phạt tiếp theo vì điều này.”
Ngay trước cuộc binh biến vũ trang đầy tử khí kéo dài 36 giờ, ông Prigozhin đã đề cập trên kênh Telegram của mình rằng sau khi hoàn thành công việc ở Ukraine, thì ông sẽ về hưu và đến châu Phi. Hiện giờ, dường như đây có thể là kế hoạch đào thoát tốt nhất của ông, bởi vì các lực lượng của Wagner đang bảo vệ an ninh cho nhiều chế độ khác nhau ở châu Phi, chẳng hạn như Mali và Cộng hòa Trung Phi, nơi họ cảm thấy thoải mái và có được quyền kiểm soát đối với nhiều nguồn tài nguyên quý giá.
Trường hợp của Sudan minh họa cho cách mà Tập đoàn Wagner cung cấp sự trợ giúp an ninh và hậu cần cho cựu Tổng thống Omar al-Bashir hồi năm 2017 để đổi lấy việc nhượng quyền khai thác kim cương. Giờ đây, với tư cách là Lực lượng Ứng cứu Nhanh ở Sudan, lực lượng Wagner vẫn đang hiện diện ở Darfur, trong đó nhóm này dựa vào sự nhượng quyền khai thác mỏ như một nguồn thu nhập.
Tại Cộng hòa Trung Phi, các cố vấn quân sự của Nga và đội lính đánh thuê Wagner đã nắm quyền kiểm soát các mỏ vàng và mỏ kim cương quan trọng, cho phép họ duy trì các hoạt động của mình tại khu vực này. Các mô hình kinh doanh tương tự đã được áp dụng ở Mozambique và Mali, nơi Wagner trợ giúp các lực lượng địa phương để đổi lấy các quyền khai thác tài nguyên và hợp tác chống lại các nhóm cực đoan.
Không giống như vai trò của họ ở Ukraine, nơi mà về căn bản họ được xem như là ‘đồ bỏ đi’, số phận của những người lính đánh thuê của Wagner ở châu Phi dường như hoàn toàn khác. Những người lính đã về hưu trong nhóm có thể tận dụng kinh nghiệm chuyên môn của họ. Dưới sự kiểm soát của ban lãnh đạo mới, các lực lượng của Wagner có khả năng mở rộng hoạt động của họ ở châu Phi. Sự mở rộng này được tạo điều kiện bởi các yếu tố như bất ổn chính trị, tài nguyên thiên nhiên phong phú, và các cuộc xung đột vũ trang cường độ thấp phổ biến ở các khu vực khác nhau của châu Phi.
Đồng thời, cho dù ông Putin có mong muốn loại bỏ ông Prigozhin đến mức nào đi chăng nữa, thì ông cũng buộc phải đấu với ông Prigozhin nếu như ông Prigozhin vẫn duy trì quyền kiểm soát các lực lượng của Wagner ở châu Phi. Ông Putin không thể mạo hiểm đối đầu với Wagner và khiến cho sức ảnh hưởng cũng như quyền tiếp cận của Nga vào các nguồn tài nguyên quý giá của châu Phi gặp nguy hại, đặc biệt là ở Trung Đông, nổi bật nhất là Iran. Moscow phải duy trì nhận thức về lòng trung thành của Tập đoàn Wagner và bảo đảm các tuyến liên lạc thông suốt. Khu vực Phi Châu vẫn rất quan trọng đối với khả năng phóng chiếu sức mạnh của Moscow cũng như những lợi ích kinh tế mà nước này có được từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của khu vực, nên họ khó có thể từ bỏ cơ hội gây ảnh hưởng địa chính trị này.
Sự hiện diện của tập đoàn lính đánh thuê Wagner được trang bị vũ khí hạng nặng để chiếm đoạt tài nguyên ở châu Phi không phải là chưa từng có tiền lệ. Châu lục này có một lịch sử về sự tham gia của lực lượng lính đánh thuê, được thể hiện rõ nhất qua công ty quân sự tư nhân Executive Outcomes của Nam Phi, vốn đã sử dụng vũ lực để thay đổi kết quả ở Angola và Sierra Leone. Hiện tại, tình hình ở châu Phi thậm chí còn trở nên phức tạp hơn, mà Tập đoàn Wagner chỉ là một trong số nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường dịch vụ an ninh. Lục địa này đã trở thành một nơi ẩn náu cho các tổ chức bán quân sự, lính đánh thuê, và các công ty quân sự tư nhân, tất cả đều sở hữu các lực lượng với đầy đủ trang bị vũ khí.
Rõ ràng, những lợi ích của ĐCSTQ ở châu Phi đang đối mặt với những thách thức về an ninh. Việc ông Prigozhin và đội quân riêng của ông trở lại châu Phi, cùng với mối liên hệ phức tạp giữa ông Putin và Wagner càng khiến những vấn đề này thêm phần trầm trọng. Vì một số công ty quân sự tư nhân của Nga đang tìm kiếm các cơ hội trong việc cung cấp các dịch vụ vũ trang cho các tài sản của Trung Quốc ở hải ngoại, nên nhiều vấn đề cần được giải quyết. Việc bảo đảm các dịch vụ vũ trang của Wagner cho ĐCSTQ một phần phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc định hướng các mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc, Nga, và Wagner cũng như có các cơ hội đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của ông Prigozhin có thể đã cắt đứt mọi cơ hội hợp tác tiềm năng trong tương lai với các công ty Trung Quốc.
Một thập niên trước, ngành an ninh của Trung Quốc đã tìm cách sao chép mô hình của công ty quân sự tư nhân Mỹ, Blackwater Worldwide. Tuy nhiên, với sự bất hòa ngày càng tăng trong bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, mô hình Blackwater đã không còn phù hợp với ngành an ninh tư nhân của Trung Quốc. Giờ đây, vấn đề đối với các công ty an ninh phi vũ trang của Trung Quốc không chỉ là khả năng cạnh tranh mà còn là sự sống còn. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ĐCSTQ có thay đổi chiến lược của mình trong các vấn đề an ninh ở châu Phi và tham gia cạnh tranh với các nhóm vũ trang nguy hiểm hay không. Có thể ĐCSTQ sẽ cố gắng biến các công ty an ninh của mình trở thành các đội quân tư nhân giống như Tập đoàn Wagner, phù hợp với mong muốn có một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề an ninh khu vực, chẳng hạn như “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, có một trở ngại chính trị đang gây cản trở — câu hỏi đặt ra là ai sẽ nắm quyền kiểm soát.
ĐCSTQ đang sợ mất đi sự toàn quyền kiểm soát bạo lực của mình và mối đe dọa mà điều này gây ra cho chế độ của họ. Do đó, ĐCSTQ hạn chế các công ty an ninh tư nhân mua vũ khí, khiến họ phải phụ thuộc vào các tổ chức địa phương hoặc quốc tế để có được lực lượng bảo vệ có vũ trang. Về căn bản điều này sẽ cản trở năng lực của những công ty đó, và nói một cách khách quan thì, các công ty an ninh Trung Quốc cũng đang miễn cưỡng tham gia vào các hoạt động quân sự thực tế liên quan đến đạn thật.
Với tâm lý và sự thận trọng của ĐCSTQ, sự xuất hiện của một lực lượng vũ trang tư nhân theo phong cách Wagner ở Trung Quốc khó có thể xảy ra. Đặc biệt là nếu xét đến những lo ngại mà ĐCSTQ để lộ sau cuộc nổi dậy của Wagner, thì một khả năng như vậy càng trở nên hão huyền hơn.
Tuy nhiên, việc quân đội của ĐCSTQ được đổi tên thành các công ty quân sự tư nhân giả mạo để mở rộng phạm vi hoạt động ra hải ngoại không phải là không thể xảy ra. Mặc dù vậy, các công ty quân sự tư nhân giả mạo do nhà nước của ĐCSTQ sở hữu hoặc do đảng kiểm soát sẽ gặp phải những thách thức trong việc định hướng bối cảnh chính trị và ngoại giao liên quan đến ĐCSTQ, khiến hoạt động của họ trở nên phi thực tế.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times