Tảo mộ tiết Thanh Minh, hàng trăm nghìn người chen chúc đến nghĩa trang Vũ Hán, chính quyền giữ im lặng
Tiết Thanh Minh năm nay trời mưa liên miên, người đi đường như muốn mất tinh thần. Năm nay là tiết Thanh Minh đầu tiên người dân có thể tự do đi lại kể từ sau đại dịch gây ra bởi virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán). Từ tuần trước, hàng trăm nghìn thân quyến bằng hữu của các nạn nhân đã liên tục đổ về nghĩa trang thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh. Trong vài ngày nghỉ lễ Thanh Minh ngắn ngủi vừa qua, xe cộ chở người đi tảo mộ đã đổ về chật kín đường đến nghĩa trang, tuy nhiên gia quyến của những nạn nhân đòi quyền hợp pháp lại bị bịt miệng.
Tiết Thanh Minh kẹt xe lớn, 32 vạn người chen chúc đến nghĩa trang, thông tấn Trung Quốc đại lục xóa bài viết.
Vào ngày 04/04, kênh thông tấn đại lục NetEase News đã đăng một bài báo có tiêu đề “Vũ Hán mưa lớn, 32 vạn người chen chúc đến nghĩa trang: Khi đám đông tản đi, họ đã khóc,” rất nhanh sau đó, bài báo này bị xóa, trang mạng hiển thị nội dung “404,” nhưng bài báo đã kịp lan truyền rộng rãi trên Internet.
Bài báo viết: “Hỡi những người đột ngột từ giã cõi đời, đột ngột bị thần chết mang đi, thiên thượng đều đã nghe thấy nỗi buồn của các bạn, người nhà cũng kịp đến gặp các vị rồi đây, đừng lo lắng nữa. Tiết Thanh Minh đầu tiên được tự do đi lại ở Vũ Hán sau dịch bệnh, đêm đầu tiên, đường phố đông nghịt người, xe cộ nối đuôi nhau như rồng, xếp thành những hàng dài vô tận, từng cụm đèn ảm đạm ngẩn ngơ nháy sáng, nỗi buồn trên con đường này là sự bi ai của mùa xuân năm trước.”
Kết quả tìm kiếm cho thấy con số 32 vạn người có nguồn gốc từ bài báo của “Báo đô thị Sở Thiên” đăng ngày 22/03. Bài báo cho biết vào hai ngày 20/03 và 21/03, Vũ Hán đã đón nhận làn sóng tảo mộ đầu tiên trong tiết Thanh Minh. Một phóng viên của tờ báo này đã tìm hiểu thông tin từ các nghĩa trang lớn ở Vũ Hán và được biết trong hai ngày cuối tuần đã có 32 vạn người đã đến Vũ Hán tảo mộ.
Để giải quyết vấn đề bãi đậu xe cho người đi cúng mộ, nghĩa trang công cộng Hán Dương Thiên Đảm Sơn đã bổ sung thêm một bãi đậu xe miễn phí. Nhân viên của các nghĩa trang lớn ở Vũ Hán cũng cho biết, theo kinh nghiệm những năm trước, dự kiến hai dịp 27/03 – 28/03 và 03/04 – 05/04 sẽ là cao điểm tảo mộ.
Bài báo này đã bị xóa khỏi trang mạng NetEase cùng nhiều trang mạng khác. Các hãng thông tấn chính thức của Trung Cộng gần như đều nhất loạt chỉ đưa tin về việc tảo mộ các “liệt sĩ.”Số lượng người đi tảo mộ ở Vũ Hán trong hai dịp cuối tuần 27/03 – 28/03 và 03/04 – 04/04 vẫn chưa được truyền thông đưa tin, tuy nhiên, những người trong cuộc cho biết vào hai dịp cuối tuần này, đường vào nghĩa trang ùn tắc hơn thời gian trước đó.
Ngày 05/04, cư dân mạng “Haiyummy” đã viết trên Weibo: “Lần đầu tiên tôi gặp phải tắc đường đến mức này. Tiết Thanh Minh, tôi ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ sáng mà đã bắt đầu kẹt xe, đến khi quay về cũng vẫn kẹt xe y nguyên như thế, đến mức mọi người phải xuống xe để đi bộ. Nghe nói có người xuất phát sớm hơn mà vẫn bị kẹt, mãi đến khi nhìn thấy đường cao tốc đến nghĩa trang mới thoát ra được, đại khái cũng giống như cảnh không mua nổi hoa cúc trong đêm giao thừa năm rồi ở Vũ Hán vậy.”
Cư dân mạng này cũng cho biết: “Tiết Thanh Minh đầu tiên sau dịch bệnh, con số cụ thể cũng còn đan xen rắc rối, nhưng tôi nhớ bức ảnh chụp cậu bé tám tuổi một mình xếp hàng cùng người lớn để nhận tro cốt của cha mẹ. Có thể những ai chưa thật sự trải qua thì thấy viết vài dòng qua loa là xong chuyện, hơn nữa chẳng phải cũng chỉ là một trận dịch bệnh thôi sao, chẳng phải mọi người trên khắp thế giới đều đã từng trải qua rồi sao? Nhưng đối với người dân Vũ Hán, đó thực sự là một vết thương lòng.”
Trao đổi với phóng viên, một người dân địa phương ở Vũ Hán cho biết có bạn bè tuần trước đi tảo mộ đã chụp hình về, nhìn hình thấy xe cộ đông nghịt.
Không chỉ người dân địa phương mà họ hàng thân quyến nạn nhân từ những nơi khác cũng muốn tranh thủ về Vũ Hán tảo mộ, khổ nỗi không mua được vé máy bay. Ngày 31/03, một cư dân mạng ở Quảng Châu đã đăng trên Weibo: “Mấy ngày không thấy sếp đi làm, mình còn tưởng sếp đi công tác. Kết quả hỏi ra mới biết cô ấy là người Vũ Hán, muốn về Vũ Hán dịp Tết Thanh Minh, nhưng vì không mua được vé [đúng dịp] nên phải bay về trước một tuần.”
Trương Hải bị buộc rời khỏi Vũ Hán một cách phi pháp
Mặc dù đây là tiết Thanh Minh đầu tiên được đi lại tự do, nhưng khi các gia đình nạn nhân kiên trì bảo vệ quyền lợi, yêu cầu chính quyền công bố sự thật về dịch bệnh, thì vẫn phải đối mặt với việc bị cấm phát ngôn, thậm chí có người còn bị đuổi ra khỏi Vũ Hán.
Trương Hải là người gốc Vũ Hán sống ở Thâm Quyến. Năm ngoái, vào giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát, vì chính quyền che giấu tình hình thực tế khiến người dân không biết tình huống chân thực, vậy nên Trương Hải đã chở cha mình đến bệnh viện Vũ Hán chữa bệnh. Kết quả là cha anh bị nhiễm dịch và qua đời. Hơn một năm qua, Trương Hải kiên quyết đòi lại công bằng, anh dùng đủ các cách khiếu nại, tố cáo và kiện chính quyền Vũ Hán, yêu cầu công bố cho toàn thế giới biết sự thật về đại dịch, vậy nên anh bị Trung Cộng đàn áp phi pháp.
Một người trong cuộc đã cung cấp tin cho các phóng viên, tiết lộ rằng vào đêm Thanh Minh khoảng một tuần trước, khi Trương Hải đang ở Vũ Hán, anh đã bị cảnh sát địa phương cử người theo dõi sát sao để buộc anh rời khỏi Vũ Hán. Trên đường từ Vũ Hán quay về, Trương Hải nghỉ lại một đêm ở Trường Sa, và bị cảnh sát ập đến kiểm tra vào đúng đêm đó, những người bạn liên lạc với anh qua điện thoại di động cũng bị triệu tập đến làm việc.
Một người trong cuộc tiết lộ với các phóng viên: “Sắp đến lễ Thanh Minh, lại là năm đầu tiên sau dịch bệnh, chính quyền Vũ Hán sợ anh ấy sẽ ở lại Vũ Hán nên tìm cách đuổi đi.”
“Khi Trương Hải đi gặp họ hàng thân quyến ở Vũ Hán, chính quyền đã cử người gọi điện cho họ hàng của Trương Hải để bôi nhọ anh, mấy người gọi điện còn tự xưng không phải người của chính quyền.” “Nhưng chỉ có cơ quan chính quyền mới tra được chính xác số điện thoại cá nhân của người dân, vậy mà còn giả bộ là chỉ vì quan tâm đến gia đình, những người này làm việc chẳng còn giới hạn gì nữa.”
Trương Hải đã để lại lời nhắn thông qua nhóm bạn của anh: “Đây chẳng phải là chính quyền địa phương Hồ Bắc và Vũ Hán muốn cô lập tôi hay sao? Bốn phương tám hướng đều khóa cứng tôi lại phải không? Các người cứ việc tiếp tục nghe lén điện thoại, theo dõi WeChat, tôi nói rõ cho các người biết… cho dù có một mình chống lại cái ác, tôi cũng sẽ không từ bỏ, sống có gì vui, chết có gì phải sợ… Tội ác mà các người phạm phải, đã định trước là các người chạy không thoát được nữa rồi…”
Một người mẹ đòi công bằng: Không dằn được lòng mà gào khóc thảm thương, sự thật còn chưa được biết đến
Gia quyến của một nạn nhân khác là Dương Mẫn, bà có con gái cũng qua đời do nhiễm bệnh. Bà Dương Mẫn đã đến chính quyền thành phố Vũ Hán để giơ bảng tố cáo, sau đó bà bị đe dọa, bị cấm túc và cấm phát ngôn.
0h ngày 05/04, bà đăng trên Weibo: “Một tiết Thanh Minh nữa lại đến, đường xá đông đúc lấp không hết oan khuất, hương khói cầu siêu phủ không hết mồ mả mới, không dằn được lòng mà gào khóc thảm thương, sự thật còn chưa được người ta biết đến, đây rốt cuộc là dương thế hay âm phủ? Những tên đao phủ tự sát hại chính đồng bào của mình kia, các người không chỉ sát hại đồng bào, mà còn hủy hoại không biết bao nhiêu gia đình; cao giọng hô hào khẩu hiệu Vũ Hán cố lên, nhưng không đếm xỉa đến sinh mạng của người dân Vũ Hán; đứng chống mắt nhìn người dân đang vật lộn khổ sở mà không động đậy! Đầu trâu mặt ngựa khoác áo choàng ‘vì dân phục vụ,’ các người mới chính là Hán gian, phản quốc! Những kẻ tàn hại nhân dân rồi cao giọng hát những bài hát ca ngợi, mới chính là kẻ thù chung của nhân dân Trung Quốc. Lịch sử có ký ức, nhân dân có ký ức, những vong hồn phải chịu ủy khuất kia cũng sẽ không bỏ qua cho các người đâu!”
Phóng viên đã cố gắng liên lạc với gia đình của một số nạn nhân thông qua nhiều kênh nhưng không thành công. Người trong cuộc cho biết nhóm gia đình các nạn nhân trước giờ vẫn luôn bị chính quyền đàn áp, các hội nhóm trên mạng xã hội cũng bị cảnh sát theo dõi, uy hiếp, đe dọa, triệu tập làm việc và cấm phát ngôn.
Dù chính quyền địa phương đã phong tỏa những nội dung liên quan nhưng dân chúng vẫn không ngần ngại lên tiếng.
Do Gao Jing thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: