Tận hưởng niềm vui ở Florence
Đường phố ở Florence rất hẹp. Đặt chân trên con đường nhỏ và len lỏi giữa các con hẻm ấy lại có chút thú vị riêng. Đôi khi không mang theo bản đồ, hãy để trực giác của mình dẫn đường, tận hưởng niềm vui khi lạc lối, và những điều bất ngờ không thể đoán trước sẽ xuất hiện.
Khi vào hè, thành phố Florence nhỏ bé này sẽ tấp nập du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Thỉnh thoảng trời sẽ đổ cơn mưa vào buổi chiều, làm dịu đi cái nóng oi bức của mùa hè, thành phố cổ cũng được gột rửa sạch sẽ. Ánh nắng mặt trời sau đó liền ló dạng, chiếu sáng khiến thành phố trở nên lấp lánh rực rỡ. Những con đường ở Florence rất hẹp. Đặt chân trên con đường nhỏ và len lỏi giữa các con đường ấy lại có chút thú vị riêng. Những lúc không mang theo bản đồ, vậy hãy để trực giác của mình dẫn đường, tận hưởng niềm vui khi lạc lối, thông thường sẽ có những điều bất ngờ không thể đoán trước xuất hiện.
Leo lên mái vòm Thánh đường Santa Maria del Fiore
Một lần nọ trong lúc vô ý, tôi đã đi vào con đường Dante. Trên con đường nhỏ hẹp hẻo lánh có một bảo tàng nhỏ trưng bày tư liệu về cuộc đời và tác phẩm thơ ca của Dante. Bài thơ dài “Thần khúc” mà ông sáng tác được chia thành ba phần: Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường. Đây được xem là tác phẩm tiên phong của thời kỳ Văn nghệ Phục hưng. Ông dùng tiếng Ý phổ thông dễ hiểu để sáng tác. Chẳng hạn như phần viết về địa ngục, khi đọc bằng tiếng Ý, âm điệu cực kỳ khó nghe; nhưng phần viết về thiên đường lại được miêu tả bằng những từ ngữ hoa mỹ, âm thanh khi đọc thơ trở nên ngọt ngào, êm dịu như âm thanh của tự nhiên.
Đôi khi đi từ con đường này xuyên qua con đường kia, bạn sẽ bắt gặp hết cảnh tượng này đến cảnh tượng khác, đẹp như những bức hình trong tấm bưu thiếp. Những tác phẩm nghệ thuật tràn ngập khắp mọi ngóc ngách của thành phố, nhiều tới mức đâu đâu cũng có thể bắt gặp, dù chỉ vô tình rẽ vào góc phố cũng có thể nhìn thấy chúng. Đôi lúc Thánh đường Santa Maria del Fiore sẽ đột nhiên xuất hiện trong con đường nhỏ chật hẹp, giống như một người khổng lồ đứng ngay trước mặt, chặn đứng tầm nhìn xa xăm. Mọi tiêu điểm đều chỉ tập trung lên diện mạo của giáo đường, và thế là, bạn chẳng thể đi đâu được nữa cả, chỉ có thể đưa mắt nhìn ngắm nó và tự mình cảm thấy bản thân thật bé nhỏ.
Lần đầu tiên nhìn thấy giáo đường này, trong lòng tôi đã dấy lên sự thán phục trước vẻ đẹp của nó. Công trình kiến trúc đó được chạm khắc tinh xảo. Bức tường cửa được xây bằng đá cẩm thạch, những đường màu xanh lá cây, màu đỏ và màu trắng liên kết với nhau, khiến cho những kiến trúc xung quanh trở nên mờ nhạt. Tháp chuông do Giotto thiết kế bên cạnh được trang trí bằng các bức phù điêu. Bức tường bên ngoài cũng được lát bằng đá cẩm thạch. Nhắc đến giáo đường thì không thể không nhắc tới Filippo Brunelleschi (1377-1446). Phần thân chính của Thánh đường Santa Maria del Fiore, công trình kiến trúc tráng lệ nhất lúc bấy giờ ở Florence, đã được xây dựng xong, nhưng riêng phần mái vòm đã bị bỏ trống suốt 50 năm và mãi đình trệ không thể hoàn thành. Cuối cùng, Brunelleschi, người cống hiến hết mình để nghiên cứu kiến trúc thời kỳ cổ điển, đã xây dựng bản thiết kế và công nghệ vật liệu mới. Trong hoàn cảnh không có kĩ thuật kiến trúc hiện đại, ông đã tính toán một cách chính xác vị trí và góc độ của từng viên gạch, dùng đá và gạch xây dựng nên tòa giáo đường này.
Michelangelo cũng đã sử dụng bản thiết kế này để xây dựng nên Đại giáo đường Peter (Thánh Phêrô).
Lần theo mái vòm của Thánh đường, leo lên các bậc thang của mái vòm là một trải nghiệm mới lạ. Có thể thấy rõ cấu trúc bên trong của mái vòm, thiết kế mặt phẳng của giáo đường và những bức bích họa trên trần nhà. Cầu thang nhỏ hẹp được kẹp giữa lớp bên trong và bên ngoài mái vòm, khi leo lên cần chú ý đến những bậc đá dưới chân. Phía trên mái có một vài cửa sổ. Thông qua cửa sổ, khung cảnh đường phố sẽ được phản chiếu vào trong chiếc khung hình vuông nhỏ này. Khi lên tới đỉnh mái vòm, khung cảnh hiện ra trước mắt sẽ khiến quý vị kinh ngạc. Tất cả các kiến trúc, cảnh vật đều đang nằm ở dưới chân và tôi đã có thể tận hưởng cảm giác bao quát từ trên xuống. Nếu đứng ở thành phố miền nam nước Pháp có thể nhìn thấy biển cả, thì ở Florence chỉ nhìn thấy một “biển nhà.” Từng mái nhà đỏ thẫm đan xen vào nhau, tỉ mỉ đến nỗi tạo thành một ngôi nhà lớn. Chúng nối tiếp với nhau như những cơn sóng cho đến khi tới điểm giới hạn của tầm mắt. Có thể nói là một cảnh tượng tráng quan. Tôi không khỏi thốt ra lời cảm thán: Mảnh đất này màu mỡ thế nào mà khiến người ta tụ tập về đây và tạo nên nền văn hóa nghệ thuật phong phú này?
Đại giáo đường được thiết kế nằm ngang. Hình dáng bên ngoài của nó là hình chữ thập. Tòa nhà chính có hình bát giác. Hậu điện và các hành lang hội tụ về điểm trung tâm. Sàn nhà được làm bằng đá cẩm thạch, đồ án trang trí là hình kỷ hà, cấu trúc vô cùng hợp lý rõ ràng.
Cuộc thi tranh tài sáng tạo cửa đồng ở lễ đường rửa tội
Đối diện Đại giáo đường Santa Maria del Fiore là lễ đường rửa tội Saint John hình bát giác. Lễ đường này nổi tiếng nhất với cánh cửa bằng đồng được chạm khắc bởi nhà điêu khắc Lorenzo Ghiberti. Có một câu chuyện nhỏ về chiếc cổng bằng đồng ở phía bắc lễ đường. Vào thời điểm đó, cuộc thi tranh tài chế tác chiếc cổng đồng đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Thể lệ của cuộc thi là mỗi thí sinh sẽ được phân phát bốn miếng đồng có tổng trọng lượng khoảng 34kg để sáng tạo ra một tác phẩm. Chủ đề chung được đưa ra là câu chuyện Ngài Abraham hiến tế con trai duy nhất của mình là Isaac trong buổi hỏa tế. Câu chuyện đã được ghi chép trong cuốn “Sáng thế ký,” và bắt buộc phải thể hiện trên tác phẩm điêu khắc. Trong số rất nhiều thí sinh dự thi, sự cạnh tranh giữa tác phẩm của Brunelleschi và Ghiberti là kịch liệt nhất, mỗi bên đều có người ủng hộ. Tác phẩm của Brunelleschi thể hiện sự kịch tính hơn, tất cả vật thể dường như đang xoắn lại. Trong khi tác phẩm của Ghiberti có sức truyền tải câu chuyện mạnh mẽ, các bức chân dung trông cũng duyên dáng hơn. Kết quả cuộc thi là Ghiberti đã giành chiến thắng. Nếu có dịp ghé thăm, quý vị có thể đến bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Bargello để đánh giá xem ai là người vượt trội hơn theo cách nhìn của cá nhân.
Cánh cửa bằng đồng ở phía đông là một cánh cửa bằng đồng khác được Ghiberti xây dựng cho lễ đường rửa tội lần thứ hai vào năm 1425. Mười bức tranh khảm trên đó khắc họa những câu chuyện trong “Kinh thánh – Cựu Ước.” Các bức tranh khảm hình vuông có kích thước lớn hơn nhiều so với các bức ở phía bắc. Theo mô tả của Vasari trong “Tiểu sử các nghệ thuật gia”: “Đây là tác phẩm khó nhất, cũng là tác phẩm đẹp nhất.” Ghiberti đã sử dụng kỹ thuật rút ngắn tỷ lệ xa gần do Donatello phát minh để phân bổ các nhân vật trên bức phù điêu. Ông cũng sử dụng các kỹ thuật chạm khắc khác nhau: Từ những đường chạm khắc đến những nhân vật điêu khắc gần như không có vật chống đỡ. Tất cả đều được thể hiện trên tấm hình vuông vức này, làm nổi bật cảm giác về chiều sâu của không gian. Để chiêm ngưỡng mười bức tranh khắc họa những câu chuyện trong “Kinh thánh” này, quý vị có thể chiêm ngưỡng chúng theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới. Các nhân vật được khắc họa sống động như thật, tựa như màn biểu diễn kịch rối trong những chiếc hộp vuông nhỏ. Chúng như đang tự chuyển động và tự uốn cong. Nét chạm khắc tinh xảo đến nỗi làm người xem cảm thấy dường như các nhân vật đang sống dậy từ trong chính cánh cửa ấy. Đắm mình trong ánh nắng Florence, cánh cửa đồng trông càng nguy nga lộng lẫy hơn. Michelangelo nhìn cánh cửa này không khỏi cảm thán rằng, đây chính là cánh cửa thiên đường. Không còn hoài nghi gì nữa, cánh cửa đồng này là một trong những kiệt tác vĩ đại nhất trong các bức nghệ thuật ở Florence.
Đi bộ dưới ánh mặt trời Tuscan
Florence là một thành phố trong núi, được bao quanh bởi những ngọn núi. Địa thế bên kia sông cao hơn một chút, khu dân cư phức hợp ở đó có diện mạo hoàn toàn khác. Lúc rảnh rỗi tôi thường đi dạo ở đây. Các căn nhà nằm sát cạnh núi nên đường đi lại có chút khó khăn. Khi lên đến dãy nhà cổ, các bức tường phía bên ngoài đều được trang trí bởi những hoa văn, hình họa có chút bong tróc. Một số bức tường đã ngả màu vàng ngỗng, trên đó có những cây thân leo bám víu. Tất cả đều toát lên bầu không khí của thôn quê. Tôi bỗng nghĩ tới lời mà nhà văn Từ Chí Ma (Xu Zhimo) đã từng nói trong “Chuyện phiếm ở núi Florence” rằng: “Từ đây mà bắt đầu tản bộ, dù lên núi hay xuống núi, trong một buổi tối đẹp trời tháng Năm, thật sự giống như đang đi dự một buổi yến tiệc tuyệt đẹp.” Buổi tối tháng Bảy ở Florence, trời vẫn nắng nóng. Bầu trời là một mảng xanh thẳm, như đang nhắc nhở lần nữa rằng, tôi đang đi bộ dưới ánh mặt trời ở Tuscan (Under the Tuscan Sun).
Quảng trường Michelangelo nằm trên đỉnh đồi, là nơi tốt nhất để ngắm cảnh đẹp ở Florence. Thánh đường Santa Maria del Fiore và tháp chuông của nó cao đến mức dường như vươn tới bầu trời. Mái vòm của Thánh đường giống như vương miện của thành phố, tựa hồ muốn cho thế nhân thấy phẩm giá và uy quyền của mình. Trên quảng trường cũng có một bản sao của bức tượng David với đôi mắt hướng về phía thành phố, như thể đang canh giữ thành phố Hoa bách hợp này.
Dòng sông Arno vẫn chảy chầm chậm như thuở nào, tựa hồ đang thì thầm về những câu chuyện cổ. Trận đại hồng thủy năm 1966 đã gây ra tổn thất to lớn không thể cứu vãn cho nền nghệ thuật của nhân loại. Đây dường như là một lời cảnh báo có chủ ý từ Thiên thượng cho con người. Trong cuốn sách du lịch có một đoạn miêu tả bi thương rằng: “Khi bức ‘Chúa Jesus chịu nạn’ của Cimabue hư hại nghiêm trọng, bị cho vào một chiếc hộp và di chuyển đến Limonaia, ngay cả người đàn ông có trái tim sắt đá nhất hoặc người báng bổ thần thánh ồn ào nhất cũng sẽ dừng việc mình đang làm mà cởi mũ ra cúi chào; ngay cả người phụ nữ lãnh khốc và gian dối nhất cũng sẽ thành khẩn cầu nguyện. Tất cả đều trầm tĩnh, giống hệt như lúc Chúa Jesus nhận lấy bản án khổ nạn.” Trong thời đại tin vào Thánh Thần đó, Thượng đế đã ban cho những người thiện lương trí huệ, cho phép họ dùng đôi tay trần của mình để tạo nên một trang huy hoàng trong lịch sử nghệ thuật nhân loại mà con người ngày nay khó có thể sánh bằng.
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ