Tân đại sứ Trung Quốc hạ giọng điệu với Hoa Kỳ sau các cuộc hội đàm song phương gay gắt
Tân phái viên của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã thay đổi giọng điệu khi ông đến Hoa Thịnh Đốn hôm 28/07, chỉ hai ngày sau chuyến thăm của một quan chức chính phủ ông Biden tại Trung Quốc, các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Cộng đã lên án về một loạt các cáo buộc được cho là “hành động sai trái” của Hoa Kỳ.
Ông Tần Cương, một nhà ngoại giao kỳ cựu, kêu gọi tiếp tục kết nối song phương hơn nữa. Trong lời nhận xét của ông đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng ông sẽ “đưa mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ quay trở lại đúng hướng, biến thành con đường để hai quốc gia hòa hợp với nhau… biến khả năng trở thành hiện thực.”
Sự xuất hiện của ông Tần là khi Hoa Kỳ và các đồng minh tăng cường các hành động chống lại Trung Cộng về một loạt các hành vi gây hấn, bao gồm trộm cắp công nghệ ngoại quốc do nhà nước bảo trợ, những hành vi vi phạm nhân quyền và hành động cản trở đang tiếp diễn trong cuộc điều tra nguồn gốc của virus.
Lưu ý hòa giải của vị đại sứ này hoàn toàn trái ngược với giọng điệu thù địch mà các đồng nghiệp của ông đưa ra trong các cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman hồi đầu tuần này (25-26/07) tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao của nhà cầm quyền này là ông Tạ Phong (Xie Feng) đã nói với bà Sherman hôm 26/07 rằng Hoa Kỳ nên “thay đổi suy nghĩ rất sai lầm của mình” và cáo buộc chính phủ này coi Bắc Kinh như một “kẻ thù tưởng tượng.”
Các cuộc họp ở Thiên Tân phản ánh một cuộc đối đầu gay gắt vào đầu năm nay khi quan chức đối ngoại hàng đầu của Trung Cộng đã ra sức chỉ trích Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tại một cuộc hội đàm ở Alaska.
Các nhà ngoại giao của Trung Cộng đã áp dụng một phong cách hùng biện hiếu chiến, được gọi là ngoại giao “chiến lang,” nhằm bảo vệ Bắc Kinh và làm chệch hướng chú ý khỏi sự chỉ trích toàn cầu nhắm vào các hành động khác nhau của chế độ này, các nhà phân tích nói.
Ông Tần, 55 tuổi, nổi tiếng nhờ tài hùng biện sắc bén được sử dụng để phản bác lại những lời chỉ trích của phương Tây đối với chế độ này trong thời gian làm phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2010 và từ năm 2011 đến năm 2014.
Năm 2009, trước câu hỏi về lý do tại sao YouTube bị chặn ở Trung Quốc, ông Tần nói với các phóng viên rằng Internet ở Trung Quốc đã được “mở hoàn toàn.”
“Đối với việc quý vị có thể xem gì và không thể xem gì, [đó là] xem những gì quý vị có thể xem và đừng xem những gì quý vị không thể xem,” ông nói.
Kiểu hiếu chiến của ông đã làm ông được ca ngợi trong nước, với việc các hãng thông tấn nhà nước ủng hộ những bình luận của ông như một bằng chứng rằng chính quyền Trung Quốc “tràn đầy tự tin” và “không sợ những lời chỉ trích của chính phủ khác hoặc các tổ chức quốc tế.”
Hồi tháng Hai, trước câu hỏi của một nhà báo Đức về chính sách ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Tần đã có giọng điệu cứng rắn, nói rằng các quốc gia và dân tộc khác “bôi nhọ Trung Quốc một cách trắng trợn” là “những con sói độc ác.”
Trước khi tiếp quản công việc của người tiền nhiệm Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), ông Tần đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi giữ chức Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Ông Tần cũng đã tích lũy kinh nghiệm khi tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du nước ngoài từ năm 2014.
Ông Tần từng là một trong chín thứ trưởng ngoại giao của Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021. Kể từ khi làm việc ở bộ ngoại giao vào năm 1988, ông Tần đã dần thăng tiến từ trợ lý cấp dưới lên thứ trưởng chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề và giao thức của Âu Châu. Nhưng ông Tần không có kinh nghiệm làm việc ở Hoa Thịnh Đốn.
Vị tân phái này viên đang được cách ly 14 ngày tại tư dinh của đại sứ quán và sẽ “sớm trở lại với công việc,” theo bài đăng trên Twitter của ông hôm 29/07.
Do Dorothy Li thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: