Tân Chủ tịch Ủy ban HELP Bernie Sanders dự trù sẽ đương đầu với Big Pharma
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) đang dự trù cho một cuộc tranh đấu với các nhà bào chế dược phẩm lớn khi trở thành tân chủ tịch của Ủy ban Y tế, Giáo dục, Nhân sự, và Lương hưu (Health, Education, Labor, and Pensions – HELP).
Ông Sanders, một trong những tiếng nói cánh tả thẳng thắn nhất trong Thượng viện ôn hòa hơn, đã được chọn làm chủ tịch phía Đảng Dân Chủ của Ủy ban HELP. Trước đây chức vụ này do Thượng nghị sĩ Patty Murray (Dân Chủ-Washington) đảm nhận.
Trong một video được đăng tải lên Twitter, trong đó ông nói qua về các kế hoạch của mình cho ủy ban này, ông Sanders cho biết: “Là tân Chủ tịch của Ủy ban Y tế, Giáo dục, Nhân sự và Lương hưu, tôi sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ nhu cầu của tầng lớp lao động đang gặp khó khăn.”
Nhận xét của ông Sanders về một số tuyên bố chỉ ra rằng giá thuốc theo toa sẽ là một trong những mục tiêu chính của Ủy ban HELP trong Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118 này.
Ông Sanders nói trong video này: “[Chúng tôi] sẽ chống lại lòng tham của ngành dược phẩm, vốn tính giá [thuốc] cho chúng ta cao nhất trên thế giới, để [họ phải] hạ giá đó xuống.”
Ông tiếp tục nói, “Chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đất nước này,” đồng thời cho biết thêm, “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người thông qua hệ thống một người trả tiền Medicare for All.”
Ông Sanders, 81 tuổi, người đã từng ra tranh cử tổng thống hồi năm 2016 và năm 2020, từ lâu đã thúc đẩy việc sửa đổi đáng kể chính sách chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ và đã nhiệt thành tán đồng các hệ thống chăm sóc sức khỏe một người trả tiền ở Canada hoặc Vương quốc Anh. Ông Sanders thường mô tả hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện tại của Hoa Kỳ về căn bản là yếu kém.
Hồi tháng 09/2022, trước khi được chọn làm chủ tịch HELP, ông Sanders đã nhắc lại lời kêu gọi áp dụng “Medicare for All.”
Ông Sanders nói trong một bài diễn văn tại Thượng viện vào thời điểm đó: “Người dân Mỹ vẫn quan tâm sâu sắc đến một vấn đề mà theo đó đều liên quan đến mỗi người chúng ta — đó là hệ thống chăm sóc sức khỏe đang sụp đổ và hoạt động sai chức năng của chúng ta.”
Nói với các phóng viên tại hành lang của Capitol Hill, ông Sanders cho biết, “Hiện tại chúng tôi đang thực hiện một chiến lược sẽ rất tích cực.”
Trong một bài xã luận đăng trên Fox News chỉ trích “sự tham lam chưa từng có của các công ty trong ngành dược phẩm,” ông Sanders đã đưa ra các kế hoạch của riêng mình cho Ủy ban HELP, chỉ ra rằng ưu tiên chính của nghị sĩ Độc Lập đến từ Vermont này là chống lại việc tăng giá thuốc theo toa.
“Về một trong những vấn đề quan trọng nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt mà người dân Mỹ — Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa, thành viên Độc Lập, phe Cấp tiến, phe Bảo tồn truyền thống — không thể nào hiệp lực hơn,” ông Sanders viết. “Và đó là sự cần thiết phải đương đầu với lòng tham chưa từng có của các công ty trong ngành dược phẩm và giảm đáng kể mức giá thuốc theo toa cao ngất ngưởng.”
“Ngày nay, hàng triệu người Mỹ rất khó lựa chọn giữa việc nuôi sống gia đình và mua thuốc men mà họ cần,” ông tiếp tục. “Những người cao niên từ Vermont đến Alaska buộc phải chia đôi số thuốc và nhiều người đã qua đời vì không đủ tiền mua thuốc theo toa.”
“Trên khắp đất nước này, người dân Mỹ đang hỏi tại sao cho đến nay họ vẫn phải trả cái giá cao nhất thế giới cho các loại thuốc theo toa?”
Ông Sanders cho rằng nguyên nhân khiến giá cả cao như vậy là do ngành dược phẩm đã chi hàng tỷ dollar để vận động hành lang Quốc hội trong vài thập niên qua.
“Làm thế nào mà ở Canada và các quốc gia lớn khác, cùng một loại thuốc do cùng một công ty bào chế và còn được bán trong cùng một chai lại có sẵn với giá chỉ bằng một phần so với giá mà chúng ta phải trả ở Hoa Kỳ?” ông Sanders đã viết. “Những đáp án có thể được tóm lược trong ba từ: Chạy theo lợi.”
Ông Sanders lưu ý rằng trong 25 năm qua, các Đại công ty Dược phẩm (Big Pharma) đã chi 8.5 tỷ USD để vận động hành lang tại Quốc hội, ngoài khoản tiền 745 triệu USD đóng góp cho chiến dịch, cứ ba nghị sĩ Quốc hội thì có ba nhà vận động hành lang dược phẩm.
Ông nói tiếp: “Trong thập niên qua, 14 đại công ty dược phẩm đã chi 747 tỷ USD không phải để làm cho các loại thuốc cứu người có giá phải chăng hơn, mà để làm cho các cổ đông giàu có của họ trở nên giàu có hơn qua việc mua lại cổ phiếu của chính họ và chia cổ tức kếch xù — tổng cộng 87 tỷ USD, nhiều hơn so với những gì họ đã chi cho nghiên cứu và phát triển.”
‘Tham lam vô độ’
Ông liệt kê ra một loạt dẫn chứng về “sự tham lam trong ngành dược phẩm,” mà ông mô tả là “vô độ.”
Mới đây, hãng dược phẩm Moderna đã công bố ý định tăng giá vaccine COVID-19 lên 130 USD khi đưa vaccine này ra thị trường thương mại. Điều này diễn ra sau khi những người nộp thuế ở Hoa Kỳ thanh toán hóa đơn 1.7 tỷ USD để chi trả cho việc nghiên cứu và phát triển loại vaccine này.
“Kết quả là Moderna đã thu về 19 tỷ USD lợi nhuận trong hai năm qua và Giám đốc điều hành hãng này [ông Stephane Bancel] đã trở thành một tỷ phú với khối tài sản hiện trị giá hơn 6 tỷ USD,” ông Sanders viết. “Moderna đang làm gì để tri ân những người đóng thuế Mỹ vì sự ủng hộ hào phóng của họ? Hãng này dự trù tăng giá vaccine COVID-19 thêm 400% tới mức 130 USD khi đưa dược phẩm này ra thị trường thương mại. Trong khi đó, chi phí để sản xuất sản phẩm này chỉ là 2.85 USD.”
Ông Sanders cũng nêu ra thuốc trị viêm gan C Sovaldi, một loại thuốc có giá sản xuất 1 USD nhưng được Gilead bán với giá 1,000 USD.
Tương tự như vậy, công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas đã tăng giá Xtandi, một loại thuốc trị ung thư tuyến tiền liệt, lên 190,000 USD, mặc dù thực tế là, giống như trường hợp của Moderna, người nộp thuế đã thanh toán chi phí nghiên cứu và phát triển.
Cuối cùng, ông Sanders nói đến các loại thuốc được nhắc đến phổ biến nhất: insulin.
Khi Ngài Frederick G. Banting phát hiện ra insulin hồi năm 1921, những quyền đối với loại thuốc này đã được bán với giá vài xu so với giá trị của thuốc. Ngài Banting đã giải thích tại sao Ngài lại đưa ra quyết định từ bỏ bằng sáng chế của mình.
Ông nói: “Insulin không phải của riêng tôi, mà thuộc về thế giới này.”
Trước khi insulin được phát hiện, bệnh tiểu đường là một bản án tử hình. Nhưng kể từ khi Ngài Banting phát hiện ra chất hóa học kỳ diệu này, giá cả của loại thuốc này đã tăng cao hơn rất nhiều so với những gì Ngài Banting tưởng tượng.
Để thực hiện hành động táo bạo này, các công ty dược phẩm đã nhận ra rằng, mặc dù bản thân loại thuốc insulin không thể được cấp bằng sáng chế, nhưng dụng cụ chích insulin (dispenser) thì có thể được cấp. Nếu không có dụng cụ chích chuyên dụng này, thì insulin phải được làm lạnh liên tục để tránh cho thuốc này bị phân hủy; những dụng cụ chích insulin cũng không còn dùng đến kim chích lớn, gây đau đớn để chích thuốc.
Dữ liệu do GoodRX biên soạn cho thấy có sự cách biệt lớn về chi phí cho bản thân thuốc insulin và những dụng cụ chích insulin: trung bình, giá insulin chưa tới 0.4 USD; tuy nhiên, một số loại dụng cụ chích có thể có giá gần 400 USD.
Điều gì diễn ra tiếp theo
Thượng viện là một cơ quan có quyền ban trát yêu cầu các cá nhân và tổ chức cung cấp tài liệu và thông tin. Hễ đảng nào chiếm khối đa số thì đều sử dụng rộng rãi quyền này.
Trong kỳ Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua, Thượng viện được phân chia đồng đều, buộc Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) phải đồng thuận với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Đảng Cộng Hòa.
Thượng viện được phân chia đồng đều cũng có nghĩa là các ủy ban, bao gồm cả Ủy ban HELP, đã được phân chia đồng đều bởi vì những người đại diện của ủy ban gần như tỷ lệ thuận với số lượng ghế mà một đảng có trong toàn bộ Thượng viện. Do đó, điều này có nghĩa là các dự luật hoặc những người được đề cử cho nhánh hành pháp cần nhận được phiếu bầu của một đa số từ toàn bộ Thượng viện trước khi các dự luật hoặc người được đề cử đó có thể được đưa ra bỏ phiếu tại phòng họp Thượng viện.
Trên thực tế, điều này thường dẫn đến các cuộc biểu quyết cho các dự luật trong ủy ban có số phiếu bằng nhau.
Giờ đây, với việc Đảng Dân Chủ mở rộng tỷ lệ nắm giữ trong Thượng viện lên 51 phiếu sau khi Thượng nghị sĩ John Fetterman (Dân Chủ-Pennsylvania) đánh bại Tiến sĩ Mehmet Oz, thì điều này sẽ không còn xảy ra nữa, vì Đảng Dân Chủ sẽ chiếm một khối đa số nhiều hơn một ghế trong các ủy ban.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các mục tiêu đầy tham vọng của ông Sanders với tư cách là chủ tịch HELP sẽ thành hiện thực.
Cũng như với hầu hết mọi dự luật, bất kỳ dự luật chăm sóc sức khỏe nào do ông Sanders đề nghị sẽ cần có sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sĩ để được Thượng viện thông qua với một cuộc bỏ phiếu đa số quá bán. Đảng Cộng Hòa rất có thể từ chối ủng hộ dự luật đó.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times