Tâm trí sẽ thế nào khi đối diện với giai đoạn cuối của cuộc đời?
Tâm trí sẽ như thế nào khi đến giai đoạn cuối của cuộc đời? Có phải là lùi một bước, biển rộng trời trong? Hay sau bao thăng trầm, vẫn là “Tôi không nhận thua”?
Trên con đường dài của nhân sinh, có lẽ trong lòng mỗi người đều ẩn giấu những vết thương, nhưng nỗi đau dù sâu đậm đến đâu, vẫn sẽ luôn có một lối thoát. Sau khi trải qua những đau khổ trên thế gian và hoàn thành nhiệm vụ mà ông Trời giao phó, tôi mới nhận ra rằng mọi thứ nên thuận theo tự nhiên, và cuộc sống cuối cùng sẽ có những thu hoạch.
Bố chồng tôi hiện đang bước vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời, do dịch bệnh nên ông được chuyển từ khu cách ly sang khu chăm sóc đặc biệt. Ông từng nói với các con rằng “đừng đặt nội khí quản, đừng mở khí quản”. Khi bệnh viện đưa ra thông báo bệnh hiểm nghèo, việc có nên làm theo nguyện vọng của ông và ký tên vào bản miễn cấp cứu hay không, quá trình đó đối với người nhà quả thực là một cuộc chiến! Điều nghĩ đến trong tâm chỉ là không muốn rời xa người cha già.
Tôi không thể biết ông đang nghĩ gì, không biết khi đang mắc bệnh hiểm nghèo, trong lòng ông có còn ý niệm tiếp tục mạnh mẽ hay đã lựa chọn từ bỏ? Nhưng tôi biết, ông chắc chắn là không muốn người vợ già của mình biết về tình trạng của bản thân.
Cảm ngộ của cổ nhân sau khi trải qua thăng trầm trong cuộc sống
Sống trên đời, vì để sinh tồn, con người luôn bận rộn, mỗi ngày mở cửa ra phải quanh quẩn với cơm, mắm, dấm, trà, muốn theo đuổi lý tưởng, hoài bão của bản thân, mong được sống giữa tiếng vỗ tay của mọi người… Đại văn hào thời Tống, Tô Thức (Tô Đông Pha) sau khi trải qua một đời thịnh suy đã đưa ra câu trả lời trong bài thơ cuối cùng của đời mình:
Quan triều
Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều,
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu.
Đáo đắc bản lai vô biệt sự,
Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều.
Tạm dịch nghĩa:
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó cứ mơ màng.
Đến rồi hoá ra cũng không gì lạ,
Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang.
Bài thơ cuối cùng trong đời là Tô Đông Pha viết cho con trai Tô Quá, chỉ có 28 chữ đơn giản mộc mạc, câu đầu và câu cuối dù trùng lặp nhưng lại thể hiện ra cảnh giới của nhân sinh. Bài thơ bộc lộ một tâm hồn thanh tịnh, khoáng đạt sau khi giác ngộ, thể hiện cảm ngộ sau khi trải qua những vinh hoa và sương gió của cuộc đời.
Ý tứ của bài thơ là: Cơn mưa bụi như khói trên núi Lô Sơn và sóng biếc nhấp nhô ở Tiền Đường, Chiết Giang, đều là những kỳ quan nổi tiếng. Nếu đời này không được ngắm những danh lam thắng cảnh ấy thì tất sẽ hối hận. Nhưng sau khi được nhìn thấy những danh lam thắng cảnh và kỳ quan này thì sao? Cuộc sống không hề có gì khác biệt, đó chỉ bất quá là một phong cảnh mà thôi!
Tuy nhiên, tôi lại diễn giải bài thơ này theo như thế này: Để theo đuổi lý tưởng của mình, mỗi người đều luôn nỗ lực rèn luyện. Cho đến một ngày, khi bạn nỗ lực hết mình và có được thứ mình muốn, nhìn lại mới biết, cái khung cảnh mà khiến người ta mơ mộng đó cũng “bất quá chỉ là như vậy mà thôi.”
Tô Thức là một đại thi hào nổi tiếng thời Tống, vốn không đắc ý với kiếp sống chốn quan trường, ông cũng đã nhiều lần bị hãm hại và giáng chức. Trải qua những thăng trầm như vậy, khi đi đến cuối cuộc đời, ông đã trở nên vô dục vô cầu, tất cả những cảm xúc bình yên trong nội tâm và không màng danh lợi, kỳ thực là kết quả của sự thất vọng đối với quan trường. Từ hai câu trong bài thơ “Tây giang nguyệt”: “Thế sự nhất trường đại mộng, nhân sinh kỷ độ thu lương” (Tạm dịch nghĩa: Thế sự một trường mộng lớn, đời người mấy độ buồn thu), có thể thấy cảm khái của tác giả về tuổi xuân trôi nhanh và tuổi già đang đến.
Khi Tô Thức đến tuổi xế chiều, nghe tin con trai út Tô Quá sắp được bổ nhiệm làm Thông phán phủ Trung Sơn, ông đã viết bài thơ “Quan triều” này cho con mình. Ông đang dùng kinh nghiệm sống của mình để nói với con trai rằng, dù có đi qua trăm núi ngàn sông thì “núi vẫn là núi, nước vẫn là nước”. Cho dù làm quan lớn đến đâu, thì vẫn không mong không cầu, chuyên tâm làm việc và xem nhẹ hình thức chính là tâm cảnh để sống trên thế gian này.
Cảnh sông núi là hình ảnh ẩn dụ cho quá trình tu tâm dưỡng tính
Cảnh sông núi là hình ảnh ẩn dụ cho quá trình tu tâm dưỡng tính, tại sao lại nói như vậy? Trong cuốn sách cổ “Ngũ đăng hội nguyên” có một đoạn trích dẫn chia việc nhập thiền thành ba loại cảnh giới: Khi chưa thiền thì thấy núi là núi, và nước là nước; học thiền rồi mới thấy núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước; đợi khi về già nhìn lại, núi vẫn là núi, và nước vẫn là nước. Đây chính là quá trình tu tâm dưỡng tính mà bài thơ “Quan triều” của Tô Thức ngụ ý, là quá trình dùng thời gian cả một đời mới có thể cảm ngộ ra.
“Đáo đắc bản lai vô biệt sự, Lô sơn yên tỏa Chiết Giang triều (Đến rồi hóa ra cũng không gì lạ, khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang). Với kinh nghiệm và trí tuệ của Tô Thức, có lẽ ông đang nói với con trai mình và cả các thế hệ tương lai rằng, hãy sống trong hiện tại và trân trọng hiện tại, cảnh đẹp nhất chính là ở ngay trước mắt, đừng theo đuổi những thứ hão huyền, đây mới là điều ý nghĩa của cuộc đời.
Hãy tĩnh tâm suy nghĩ, khi trái tim của bạn bị gông cùm của thế tục trói buộc, tất cả những gì bạn theo đuổi có phải đều là những thứ mà bên ngoài bảo sao hay vậy, hào nhoáng và viển vông? Chỉ sau khi trải qua những thử thách và gian khổ của cuộc đời, sau khi hiểu thấu đáo, bạn mới chợt nhìn lại và nhận ra rằng: Dù có dành cả cuộc đời để khổ sở chạy theo danh lợi, thì nó cũng chỉ là một đám mây lướt qua mà thôi! Ngược lại, sống một cách bình dị và thuận theo tự nhiên, làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi khi mặt trời lặn… lại có thể làm cho nội tâm thanh thản và yên bình.
Tác giả: Tiết Giai Nạp Lam
Tăng Trân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ