Tâm lý cảm xúc – Một bài học cho những người làm cha
Không có ai sinh ra đã là cha, bạn cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra trước khi thực sự ẵm một đứa trẻ, vì vậy không cần suy nghĩ quá nhiều, sau khi làm cha, tự nhiên bạn sẽ tìm cách trở thành một người cha. Do đó mới có câu nói kinh điển rằng: “Sau khi làm cha, tôi mới bắt đầu học làm cha.”
Trong một gia đình, người cha thường là nói không nhiều, yêu thương con theo phương thức kín đáo, đồng thời tạo hình tượng nghiêm túc và thiết thực, dạy con đúng – sai theo các chuẩn mực đạo đức. Mặc dù có một chút lạnh nhạt, nhưng trong quá trình trưởng thành của trẻ, người cha đã cho con những gì tốt nhất.
Định kiến về vai trò giới tính
Ông La Huệ Quần (Luo Huiqun), nhà tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tư vấn của Bệnh viện Mackay, Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng, một người cha truyền thống là nghiêm khắc và trầm mặc ít nói. Trong văn hóa Trung Quốc, hình tượng của nam giới là khí khái, cương trực và dũng cảm, vì vậy rất nhiều người từ nhỏ đã được dạy phải dũng cảm, mạnh mẽ, thậm chí dù trong lòng có yếu đuối thì cũng không nên nói ra, phải nghĩ cách giải quyết chứ không phải tìm cầu sự hỗ trợ.
Ông La cho biết, trong sự dưỡng thành của văn hóa giới tính, rất nhiều nam giới sẽ che giấu cảm xúc bên trong của mình, và sử dụng “sự kìm nén” để giải quyết các vấn đề cảm xúc nội tâm. Khi đàn ông Á Châu giải tỏa cảm xúc, họ thường sử dụng các chất kích thích bên ngoài (ví như rượu) hoặc các hành vi công kích, bạo lực để thể hiện cảm xúc bên trong.
Liên quan đến việc nghiện rượu thì Nhật Bản là rõ ràng nhất. Mọi người thường có ấn tượng định kiến về đàn ông Nhật Bản, bất kể là trên phim truyền hình Nhật Bản hay trên các vở kịch, đàn ông Nhật Bản đều có địa vị tương đối cao trong nhà, hoặc là một nhân viên văn phòng ổn định, mỗi ngày từ sáng tới tối đều làm việc chăm chỉ vì gia đình.
Hình tượng người cha trong gia đình
“Hình ảnh người cha trong gia đình vô hình trung đã trở thành bài học đầu tiên về cách làm cha cho con trẻ. Ông La Huệ Quần cho biết, ông thường nghe thấy câu nói rằng: “Bạn trở thành người cha như thế nào, khả năng là đến từ việc kế thừa hình tượng của cha bạn khi bạn còn bé.” Trường học không dạy nam giới cách làm cha, cũng không có tài liệu nào dạy làm sao để làm một người cha tốt, bởi vậy chỉ có thể dựa vào hình tượng người cha trong đầu để hình thành khái niệm làm cha.
Phần lớn mọi người đều cảm thấy, khi họ còn bé, cha của họ không giỏi nói chuyện, hơn nữa còn nghiêm khắc, và rất nhiều người không thích hình ảnh người cha như vậy. Thế nhưng tại sao khi làm cha, họ vẫn đối diện với con mình bằng hình ảnh người cha ngày xưa như vậy? Ông La Huệ Quần giải thích rằng, trong gia đình là có quy tắc và quy phạm, có rất nhiều vai trò phải thực hiện, và sẽ được truyền thừa qua hệ thống gia đình. Rất nhiều người không biết cách làm cha, họ tìm lại ký ức của mình, ấn tượng về người cha chính là nghiêm khắc, mạnh mẽ và trầm mặc ít nói, đều là những khái niệm như thế.
Người làm cha có lẽ cũng sẽ suy nghĩ về câu hỏi này trong suốt cuộc đời: “Tôi có phải là người cha tốt không?”
Cảm xúc của người cha trong đại dịch
Dưới tình hình dịch bệnh, mọi tầng lớp xã hội đều chịu ảnh hưởng, có người phải nghỉ không lương, có người bị cho thôi việc v.v. Rất nhiều nam giới là trụ cột của gia đình, bị mất việc làm, áp lực như núi vậy. Đối diện với chứng trầm cảm và lo lắng gia tăng, nam giới nên đối phó như thế nào?
Ông La Huệ Quần cho biết, việc nghỉ không lương và biến động công việc sẽ dẫn đến thu nhập không ổn định, điều này có tác động mạnh mẽ đến nội tâm của bản thân nam giới. Trong xã hội ngày nay vẫn tồn tại những quan niệm rằng: “Chỉ cần một người đàn ông kiếm được nhiều tiền ở bên ngoài, có thể chu cấp cơm ăn áo mặc cho gia đình, thì đã làm tròn trách nhiệm của một người cha rồi”. Trong thời gian dịch bệnh, khi một người đàn ông không thể làm được việc này, họ sẽ cảm thấy mình kém cỏi, thất bại, thậm chí có một giọng nói vô hình nói với họ rằng: “Kỳ thực, ngươi đã không làm tốt bổn phận, ngươi không phải là một người tốt, cũng không phải là một người cha tốt… bởi vì ngươi không kiếm được tiền cho gia đình.”
Ông La Huệ Quần cho biết, đây là sự tự trách và đổ lỗi rất lớn, đối với một người đàn ông đang gặp khó khăn về tài chính, thì nó sẽ làm tăng cảm giác bất lực và kém cỏi của họ. Lúc này, giữa vợ chồng sẽ dễ xảy ra cãi vã. Nam giới không giỏi về biểu đạt, họ sẽ có rất nhiều hành vi bốc đồng, thậm chí khi kết hợp với rượu, rượu là chất gây mê, sẽ làm giảm khả năng kiểm soát “sự bốc đồng” của vỏ não trước, rất nhiều vụ việc về bạo lực gia đình đều có liên quan đến việc người chồng uống rượu lâu ngày.
Cảm xúc phẫn nộ kiểu bộc phát
Ông La Huệ Quần cho biết, cảm xúc bất ổn là điều khá phổ biến, và điều đáng lưu ý là “cảm xúc phẫn nộ kiểu bộc phát”, giống như núi lửa phun trào bất ngờ, bình thường là người tốt nhưng đôi khi lại bùng phát từng cơn từng cơn. Những trường hợp như vậy xảy ra rất nhiều, nguyên nhân là do phương thức đàn ông giải quyết tình cảm thường là kiềm chế, nếu không có cách nào để nói thì sẽ giống như một quả bom bất ngờ phát nổ.
Chứng rối loạn bùng phát gián đoạn (IED) ở nam giới vượt xa nữ giới, nam giới có xu hướng trốn tránh những cảm xúc bên trong. Mỗi khi người vợ muốn thảo luận về chủ đề này với chồng, người chồng sẽ chọn cách lảng tránh, chẳng hạn: “Anh không muốn nói về nó bây giờ”, “Không sao, em quyết định là được, anh không có ý kiến”. Việc né tránh sẽ dễ khiến tiếng nói và cảm xúc bên trong bị kìm nén lại, khiến trong tâm ngột ngạt.
Hướng dẫn cách nói ra tiếng lòng: Tránh nói về các giải pháp
Ông La Huệ Quần kiến nghị các thành viên trong gia đình nên khéo léo hướng dẫn đàn ông (chồng, cha) nói ra cảm thụ trong tâm, trong quá trình này, đừng vội vàng đưa ra giải pháp.
Nên tận dụng cơ hội để trò chuyện về cảm thụ bên trong, chẳng hạn như thảo luận về những lo lắng liên quan đến dịch bệnh, chích ngừa vaccine hoặc phong tỏa v.v. để khiến người đàn ông trong gia đình có thể nói về những ưu tư, sợ hãi trong tâm và những cảm xúc khác, “nhưng đừng nghĩ biện pháp cho họ quá nhanh”.
Ông La Huệ Quần giải thích, trong văn hóa giới tính, việc “nghĩ biện pháp” là điều mà người đàn ông phải tự mình nghĩ ra. Bởi vậy, khi bạn bảo họ nên làm thế nào, dường như bạn đã thay thế chỗ của họ vậy, ngược lại sẽ kích thích cảm giác xấu hổ của họ, khiến họ khi giao tiếp với mọi người trong gia đình sẽ thường xuyên xuất hiện ý nghĩ: “Không nói nữa, mấy người dường như đang trách móc tôi vậy, cho rằng tôi không tốt”, v.v. Lúc này, người đàn ông lại đóng cửa sổ trái tim mình lại.
Sử dụng các phương pháp lành mạnh để giảm căng thẳng
Nhờ rượu bia, chất kích thích v.v. để giải tỏa căng thẳng sẽ rất dễ sa vào nghiện ngập. Khi tập thể dục, não sẽ tiết ra một lượng lớn endorphin, đây là một loại hormone có thể khiến con người cảm thấy vui vẻ. Ông La Huệ Quần đề xuất sử dụng các phương thức giải tỏa căng thẳng lành mạnh như tập thể dục, tập yoga, leo núi, v.v. Chỉ cần đáp ứng các quy định phòng chống dịch bệnh, những cách này có thể giúp nam giới có cơ hội đổ mồ hôi.
Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp
Tỷ lệ nam giới so với nữ giới sử dụng dịch vụ tư vấn là 3:7, nghĩa là phụ nữ sẵn sàng tìm đến các hỗ trợ bên ngoài để giải quyết vấn đề tâm lý. Theo kết quả nghiên cứu của ngoại quốc, đối diện việc lựa chọn cách tư vấn tâm lý trực tiếp hay qua video, từ xa hay qua điện thoại, nam giới có xu hướng thiên về tư vấn từ xa hoặc qua điện thoại.
Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề trong hôn nhân, gia đình, quan hệ cha mẹ con cái và không biết cách điều chỉnh, thay đổi bản thân, bạn có thể gọi đến đường dây chăm sóc nam giới của Bộ Y tế và Phúc lợi để bày tỏ tâm tình và thảo luận về những rắc rối của mình.