Tại sao TT Trump cân nhắc trừng phạt SMIC? Một báo cáo rúng động Washington
Giữa lúc cuộc chiến khoa học và công nghệ Mỹ – Trung đang ngày càng trở nên căng thẳng, chính phủ Hoa Kỳ lại cân nhắc việc đưa SMIC, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, vào danh sách đen thương mại. Ngay sau khi tin tức này được công bố, giá cổ phiếu của SMIC đã giảm mạnh tới 23% khi mở cửa thị trường hôm 7/9 vừa qua. Giới truyền thông tiết lộ, báo cáo của một nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ có thể khiến SMIC lâm vào tình cảnh thê thảm.
Theo tin tức của The Wall Street Journal đăng tải hôm 7/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, một số cơ quan của Hoa Kỳ đang thảo luận liệu có nên đưa SMIC vào “danh sách đen” (Danh sách trừng phạt) hay không. Một khi thực thi lệnh trừng phạt, các công ty Hoa Kỳ chỉ được phép giao dịch với SMIC khi có sự cho phép đặc biệt từ phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Nhà thầu quốc phòng điều tra lý lịch quân sự của SMIC
Vì sao Hoa Kỳ bất ngờ ra tay với SMIC? Theo The Wall Street Journal, báo cáo của nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ đã chỉ ra, SMIC bị nghi ngờ tham gia hỗ trợ Trung Quốc xây dựng quân đội. Điều này đã khiến chính phủ Hoa Kỳ gióng hồi chuông cảnh tỉnh, dự định ra tay với SMIC.
Trong báo cáo nghiên cứu do nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ SOS International công bố vào tháng trước, đã đề cập đến việc SMIC đang giúp đỡ Trung Quốc kiến thiết quốc phòng. Báo cáo này đã được đông đảo quan chức Hoa Kỳ truyền nhau đọc.
Báo cáo cũng cho hay, SMIC đang hợp tác với tập đoàn doanh nghiệp quốc phòng lớn của Trung Quốc. Những nhân viên nghiên cứu có lý lịch quân đội trong các học viện của Trung Quốc đã chiểu theo yêu cầu sản phẩm của SMIC để phát triển các kỹ thuật tương ứng. Một trong những học viện này đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ liệt vào danh sách đen xuất khẩu vào năm 2015, vì bị nghi ngờ dính líu đến hoạt động thiết kế siêu chip máy tính dùng để mô phỏng các vụ thử hạt nhân.
Báo cáo cho hay, “Trong khi tiến hành nghiên cứu, các nhân viên nghiên cứu của các học viện Quân sự và các khu Công nghiệp Quốc phòng của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ và chip của SMIC. Điều này chứng tỏ họ đã căn cứ trên các thông số kỹ thuật sản xuất của SMIC để tiến hành nghiên cứu, bởi vậy, chip sẽ không thể sản xuất ở các nhà máy khác.” Báo cáo còn trích dẫn các luận văn do các trường đại học Quân sự Trung Quốc đăng tải để làm bằng chứng cho những kết luận này.
Theo thông tin từ những người biết rõ sự việc này, báo cáo của SOS đã được chia sẻ trong nhiều cơ quan khác nhau của chính quyền TT Trump, trong đó có Cục An ninh và Công nghiệp và An ninh trực thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Liệu SMIC sẽ trở thành Huawei thứ hai? Lệnh trừng phạt vẫn chưa ban bố, giá cổ phiếu đã giảm mạnh tới 23%
Theo tờ China Daily, nếu chính quyền TT Trump đưa SMIC vào danh sách đen, thì trình tự cũng giống như việc trừng phạt Huawei. Hành động Hoa Kỳ thêm Huawei Technologies vào danh sách trừng phạt, rồi bịt lại hàng loạt lỗ hổng mà Huawei có khả năng đã thâm nhập, đồng thời từng bước làm giảm nguồn cung ứng các linh kiện và phụ kiện, đe dọa sự tồn vong của Huawei.
Hôm 7/9 vừa qua, giá cổ phiếu của SMIC đã đột ngột sụt giảm 23% tại phiên đóng cửa của thị trường chứng khoán Hồng Kông. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 16/7, khiến Chỉ số Công nghệ Hang Seng giảm 4.6%. Giá cổ phiếu của khách hàng và nhà cung cấp của SMIC cũng sụt giảm, GigaDevice Semiconductor và NAURA Technology Group giảm hơn 9%, và Datang Telecom giảm 3.1%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của UMC (Đài Loan), đối thủ cạnh tranh của SMIC, lại tăng hơn 9%.
Dù Hoa Kỳ áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu nào với SMIC, cũng đều sẽ là cột mốc cho thấy sự leo thang mạnh trong việc đánh hạ các công ty công nghệ của Trung Quốc. Điều này sẽ giáng một đòn nặng vào lĩnh vực kỹ thuật quan trọng của Trung Quốc, đồng thời khiến các công ty Hoa Kỳ bán hàng tỷ USD chip cho Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Vào ngày 5/9, SMIC đã tuyên bố trên tài khoản WeChat của mình, bào chữa rằng các sản phẩm và dịch vụ của họ chỉ dùng vào mục đích dân sự và thương mại, không hề liên quan tới mục đích quân sự.
SMIC được thành lập vào năm 2000 bởi những thành viên kỳ cựu đến từ các công ty chip của Hoa Kỳ và Đài Loan, sau đó phát triển thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, và đã từng là nhà gia công chính của các công ty chip ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, giống như tất cả các nhà sản xuất chip khác, SMIC cũng phải dựa vào công nghệ sản xuất của Hoa Kỳ để chế tạo và kiểm tra chip của mình.