Tại sao ông Elon Musk lại xem sự sụt giảm cổ phiếu Netflix là do ‘virus tâm lý thức tỉnh’?
Giám đốc Điều hành Tesla và SpaceX đồng thời là chủ sở hữu tiềm năng của Twitter, ông Elon Musk, đã giải thích sự sụt giảm gần đây của cổ phiếu Netflix, dường như xem sự sụt giảm này là do sự gia tăng của nội dung “thức tỉnh” trên nền tảng này.
“Virus tâm lý thức tỉnh đang khiến Netflix không thể xem nổi,” ông Musk đăng trên Twitter hôm thứ Ba (19/04) để phản hồi về một báo cáo cho thấy cổ phiếu Netflix đã giảm theo sau báo cáo thu nhập hàng quý gần đây nhất của công ty.
Những bình luận của ông Musk được đưa ra sau một đợt suy thoái lớn đối với cổ phiếu của Netflix, vốn đã trải qua một đợt sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây do tốc độ tăng trưởng người đăng ký thấp.
Báo cáo lợi nhuận mới nhất đã chứng thực điều mà nhiều nhà đầu tư tin rằng là một dấu hiệu tồi tệ cho nền tảng này. Lần đầu tiên trong hơn mười năm, Netflix đã báo cáo sự sụt giảm ròng về đăng ký trả phí cho nền tảng này, với số người dùng Netflix ít hơn khoảng 200,000 người so với báo cáo hàng quý trước đó.
Ban đầu, Netflix là một nền tảng tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi DVD qua đường bưu điện, cho phép người đăng ký truy cập vào một kho rộng lớn các tựa phim mới và cũ bằng phương tiện vật lý.
Phản ánh những thay đổi trong ngành công nghiệp phim gia đình, Netflix đã ra mắt dịch vụ phát trực tuyến của mình vào năm 2007, dịch vụ này đã nhanh chóng trở thành ưu tiên chính của công ty này (năm 2011, dịch vụ DVD được tách ra khỏi dịch vụ phát trực tuyến).
Năm 2013, Netflix bắt đầu chuyển hướng sang nội dung gốc với loạt phim nội bộ đầu tiên của công ty, “House of Cards” (“Sóng Gió Chính Trường”) vô cùng thành công, mở đường cho những bộ phim ăn khách trong tương lai như “Tiger King” (“Vua Hổ”), “Stranger Things” (“Những Điều Kỳ Lạ”) và “Bridgerton”.
Sự phát triển này đã mang lại lợi nhuận kếch xù cho nền tảng phát trực tuyến này, họ có cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong những năm 2010 với lợi nhuận 3,726.2% trong suốt thập niên. Cổ phiếu của công ty đã nhận được một đợt tăng giá thêm vào mùa xuân năm 2020 khi các đợt phong tỏa do virus Trung Cộng khiến nhu cầu tiêu thụ phim tại nhà tăng, và cổ phiếu Netflix đã đạt mức cao nhất là 691.69 USD/cổ phiếu hôm 17/11/2021.
Tuy nhiên, có vẻ như Netflix — như giá cổ phiếu của công ty trong những tháng gần đây dường như cho thấy — đã trở thành nạn nhân cho sự cường điệu của chính mình. Giá trị của cổ phiếu Netflix đã giảm 63.47% so với đầu năm, với mức giảm nghiêm trọng nhất xảy ra hôm 20/04 theo báo cáo hàng quý nói trên của công ty.
Trong những năm gần đây, Netflix đã ngày càng nhấn mạnh các thông điệp tư tưởng cấp tiến trong nội dung gốc của mình, ưu tiên cho các bộ phim và loạt phim truyền hình tập trung vào những bất bình về chủ nghĩa độc tôn bản sắc da trắng. Giữa sức nóng và sự hỗn loạn của cuộc bạo loạn George Floyd năm 2020, Netflix đã thêm phần “Black Lives Matter” vào tab thể loại của họ, được sắp xếp vừa khít trong danh sách theo thứ tự bảng chữ cái giữa “Anime” (Hoạt Hình Nhật Bản) và “British” (Phim Anh). Thể loại “Black Lives Matter” sau đó đã được đổi tên thành “Black Stories” (“Những Câu Chuyện Về Người Da Đen”).
Tuy nhiên, Netflix cũng đã hứng chịu những lời chỉ trích từ những người cấp tiến xã hội đối với một số loạt phim trong thể loại “Những Câu Chuyện Về Người Da Đen” này — cụ thể là những câu chuyện về người da đen được kể bởi diễn viên hài người Mỹ gốc Phi Châu Dave Chappelle trong chương trình độc quyền dành riêng cho Netflix gần đây của ông. Ông Chappelle đã đặc biệt bị chỉ trích vì phim “The Closer” phát hành gần đây của ông, trong đó diễn viên hài chỉ trích một số đặc điểm của hệ tư tưởng giới tính và văn hóa đồng giới LGBT.
Sau cuộc tranh cãi về “The Closer” là rất nhiều thông tin rò rỉ của công ty từ các nhân viên bất mãn và những lời kêu gọi tẩy chay nền tảng này. Cuộc tranh cãi đã khiến Jaclyn Moore — đồng đạo diễn là người chuyển giới của loạt phim tập trung vào vấn đề chủng tộc “Dear White People” (“Gửi Người Da Trắng”) — rời công ty, với lý do bề ngoài là “nội dung xuyên tạc trắng trợn và nguy hiểm” có trong “The Closer”. Tuy nhiên, cuối cùng công ty đã đứng về phía nội dung phát hành đặc biệt này, từ chối các yêu cầu xóa “The Closer” và các nội dung khác của ông Chappelle khỏi thư viện Netflix.
Tiền đề làm cơ sở cho những tuyên bố của ông Musk được tóm tắt bởi câu châm ngôn được lưu truyền rộng rãi, “Thức tỉnh, để rồi nghèo.” Cách nghĩ ở đây là tuyên truyền kiểu như vậy khiến người tiêu dùng xa lánh, vì họ có xu hướng từ chối các thương hiệu cố gắng thuyết phục họ về các vấn đề xã hội và chính trị.
Một người muốn tìm một ví dụ đối lập với nhận xét của ông Musk có thể chỉ ra sự thành công của bộ phim “Bridgerton” của Netflix, một bộ phim truyền hình về thời kỳ nhiếp chính của Anh (Regency) với dàn diễn viên quý tộc Anh đa chủng tộc vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, mặc dù chương trình “thức tỉnh” có thể thành công ở cấp độ riêng lẻ, nhưng điều này không nhất thiết dẫn đến việc hệ tư tưởng như vậy thống trị không làm cho khán giả xa lánh.
Netflix có những ý tưởng thay thế để giải thích cho tình trạng số người dùng suy giảm của mình: Công ty đổ lỗi cho việc rút khỏi Nga để phản đối cuộc xâm lược gần đây của nước này đối với Ukraine, mà họ tuyên bố là nguyên nhân dẫn đến việc mất đi 700,000 người dùng Nga.
Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người dẫn chương trình podcast “The Beautiful Toilet”.
Nhật Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: