Tại sao những truyền thống xưa và nay lại quan trọng?
Truyền thống chính là chất keo gắn kết các gia đình và văn hóa của chúng ta với nhau. Truyền thống kết nối chúng ta với quá khứ, mang lại niềm vui trong hiện tại, và đóng vai trò như sức nặng giúp con tàu của chúng ta thăng bằng khi phải đối mặt với một tương lai bất định.
Ở phần đầu của vở nhạc kịch “Fiddler On The Roof” (Kéo đàn trên mái nhà), sân khấu kịch Broadway lấy bối cảnh một ngôi làng Do Thái thời Nga Hoàng. Nhân vật chính là một người bán sữa nghèo tên Tevye, đã ví tình trạng bấp bênh của người Do Thái trong làng như một người đang kéo cây đàn vĩ cầm trên mái nhà. Anh hỏi: “Làm thế nào để chúng ta giữ thăng bằng? Tôi có thể nói với bạn chỉ trong hai từ. Truyền thống!”
Truyền thống từ thời của Tevye – như hôn nhân được sắp đặt, con trai nối gót cha, con gái lớn lên được mai mối lấy chồng rồi làm mẹ – đã qua lâu rồi. Chúng bị quét sạch bởi 150 năm giải phóng, cách mạng, chiến tranh, chủ nghĩa công nghiệp và công nghệ. Một số nền văn hóa vẫn còn gìn giữ được truyền thống của họ đến ngày nay, nhưng nếu bạn là một người phương Tây ủng hộ những cuộc hôn nhân sắp đặt (như cách một số ông bố nhìn con gái và chàng trai mà con mình đang hẹn hò, rồi mong ước chúng sẽ thành đôi), thì đừng ngạc nhiên khi mình bị đám đông cấu xé hoặc ít nhất, chịu đựng một bài giảng của mẹ về ý nghĩa của từ Neanderthal (giống người tối cổ Neanderthal).
Nhưng liệu Tevye có lý riêng của mình? Truyền thống có giúp chúng ta giữ thăng bằng không?
Những truyền thống đã mất
Một số truyền thống có rồi lại mất đi. Khi tôi còn là một đứa trẻ, có phong tục là đánh nhẹ đứa trẻ một cái vào ngày sinh nhật của chúng. “Đánh một cái để lớn lên” là nghi lễ từng chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Trong nhà thờ Công Giáo, các giám mục tát vào má trẻ vị thành niên trong buổi lễ xác nhận đức tin, một cử chỉ mang tính biểu tượng, nhắc nhở họ rằng việc thực hành đức tin của họ có thể mang lại đau khổ. Hành động này có phải cùng ý nghĩa với việc đánh nhẹ đứa trẻ vào mỗi dịp sinh nhật, để nhắc nhở chúng ta rằng lớn lên sẽ khiến chúng trải nghiệm nhiều nỗi đau hơn? Có lẽ. Dù sao đi nữa, tôi rất vui khi tục lệ này đã không bị “ném vào thùng rác”, ít nhất là trong gia đình tôi.
Nhưng còn những truyền thống đã mất khác và quan trọng hơn là gì? Chúng có giữ cho chúng ta không bị trượt khỏi mái nhà không?
Ở vùng nông thôn Hoa Kỳ, từng có phong tục là các thành viên trong gia đình từ già đến trẻ dùng chung một bữa trưa thịnh soạn vào mỗi Chủ nhật. Họ giết mổ một con gà, làm sạch và nướng. Những người phụ nữ trong nhà nấu đủ loại món ăn: khoai tây, đậu xanh, cà rốt hấp, ngô, nước sốt, bánh quy và bánh nướng làm từ trái cây nào đang vào mùa hoặc được cất trữ. Ngày nay, số lượng lớn calo trong những món ăn như thế có thể khiến chúng ta phát ớn bởi vì hầu hết chúng ta không bổ củi, cày ruộng, hoặc đi bộ năm dặm vào thành phố và rồi trở về.
Truyền thống đó tồn tại để củng cố tình cảm gia đình và bày tỏ sự trân trọng với một ngày nghỉ ngơi.
Vào những ngày nghỉ này, giải trí cũng là cách để gắn kết các gia đình lại với nhau. Chúng tôi đã kể các câu chuyện từ thời thuộc địa đến thời đầu thế kỷ 20, những gia đình tụ tập vào buổi tối cùng nhau ca hát hoặc thưởng thức âm nhạc, giống như hình ảnh Pa kéo cây đàn vĩ cầm trong cuốn “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Việc đọc sách thành tiếng cũng trở nên phổ biến, mọi người lựa chọn các tác phẩm khác nhau, từ Kinh Thánh đến tiểu thuyết của Charles Dickens. Kể chuyện cũng rất được ưa chuộng, mọi người ngồi trước hiên nhà nghe những câu chuyện về thời trẻ của chú Billy hay Mamaw hù dọa lũ trẻ bằng những câu chuyện về quái vật và “linh hồn ám ảnh”.
Những truyền thống mới
Mặc dù chúng tôi không còn quây quần bên cây đàn dương cầm và cùng nhau hát vang bài ca “Tôi làm việc trên đường sắt”, nhưng chúng tôi đã nghĩ ra những cách khác để sẻ chia như một gia đình và như một nền văn hóa.
Nhiều cha mẹ và trẻ em yêu thích những bộ phim được chiếu tại nhà vào buổi tối. Cha hoặc mẹ chuẩn bị một tô bắp rang bơ, ánh đèn mờ dần và cả nhà cùng nhau xem phim. Hình thức xem phim này có thể không thân mật như việc cùng nhau đọc to các tác phẩm hay ngồi quây quần chia sẻ những câu chuyện, nhưng dù sao thì cách này cũng giúp mọi người xích gần nhau hơn.
Ngày Black Friday, ngày mua sắm sau Lễ Tạ ơn, đã trở thành một truyền thống ở Hoa Kỳ. Vào dịp này, người mua sắm đổ xô đến các cửa hàng và trung tâm giảm giá lớn trước mùa Giáng Sinh. Mặc dù đôi khi việc mua bán lộn xộn dẫn đến ẩu đả và giẫm đạp lên nhau, nhưng nó trở thành dịp tốt đối với một số người Hoa Kỳ đang tìm mua một chiếc tivi màn hình rộng hay chiếc máy tính được bán với giá một nửa.
Môn bóng đá cũng đã cho phép người dân Hoa Kỳ sáng tạo ra một số truyền thống nhất định. Người hâm mộ mang đồ nướng và đồ uống của họ đến bãi đậu xe của sân vận động hàng giờ trước khi trận đấu bắt đầu và tổ chức tiệc ở ngay cửa sau của xe trong khi chờ đợi. Ngày Chủ nhật Siêu cúp Bóng bầu dục Hoa Kỳ (Super Bowl Sunday) quy tụ hàng triệu người trên khắp Hoa Kỳ, gồm cả những người hâm mộ bóng đá và những người không bao giờ xem thể thao. Họ ngồi bên nhau ăn cánh gà và khoai tây chiên, tận hưởng cuộc thi đấu và cả những màn quảng cáo.
Phong tục xưa
Nhiều gia đình Do Thái kỷ niệm Lễ Vượt Qua (Passover) và lễ Hanukkah bằng những lời cầu nguyện và bữa ăn đặc biệt, còn những người theo đạo hoặc không theo đạo Thiên Chúa ăn mừng Giáng Sinh bằng cách trao đổi quà tặng và trang trí cây xanh. Nhiều người Hoa Kỳ tổ chức Lễ Tạ ơn với gà tây và trang phục đẹp, tổ chức ngày Lễ Tưởng niệm với tiệc nướng ở sân sau và kỷ niệm ngày Quốc khánh 04/07 với bánh mì kẹp thịt nướng và pháo hoa.
Một số người trong chúng ta nhận ra ý nghĩa quan trọng của những ngày lễ này. Ví dụ, những người bạn Do Thái của chúng ta đều biết rằng Lễ Vượt Qua đại diện cho sự giải thoát người Do Thái khỏi ách thống trị của người Ai Cập cổ đại, những người theo đạo Thiên Chúa ăn mừng Giáng Sinh vì đây là ngày Chúa Giêsu ra đời, và những người yêu nước tạm ngưng nhịp sống thường nhật để kỷ niệm ngày Quốc khánh, tỏ lòng biết ơn với Tuyên ngôn của Thomas Jefferson và quyền con người về “cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”.
Nhưng cũng có những người ăn mừng những sự kiện này mà không hiểu rõ ý nghĩa của chúng – một sinh viên đại học không biết tại sao bầu trời ngập tràn ánh sáng và tiếng pháo hoa vào ngày 04/07; người đàn ông không mảy may tưởng nhớ đến những người lính đã hy sinh khi thưởng thức một cốc bia lạnh ở sân sau nhà mình trong ngày Lễ Tưởng niệm; những đứa trẻ chưa bao giờ đặt chân đến nhà thờ nhưng tranh giành những quả trứng nhựa chứa đầy sôcôla trong một công viên công cộng vào một ngày Chủ nhật nào đó của mùa xuân. Những truyền thống này rất quan trọng. Chúng đóng vai trò như những mắt xích kết nối thế hệ này tới thế hệ khác.
Cân bằng
Các truyền thống lớn và nhỏ đều giúp chúng ta giữ cân bằng. Truyền thống kéo chúng ta xích lại với nhau như một gia đình, như một cộng đồng và như những người Hoa Kỳ. Chúng ta có thể hiểu sai về nguồn gốc của những phong tục này, hoặc không để tâm ngay cả khi đang thực hành các nghi thức của chúng, nhưng dù sao chúng ta vẫn đang tuân theo chúng.
Chúng ta hãy lấy ngày lễ Tình nhân như một ví dụ. Ngày lễ này bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại và vẫn còn duy trì cho đến ngày nay. Thường từ lúc 5 giờ chiều của ngày 14/02, tại bất kỳ cửa hàng bán hoa hoặc cửa hàng tạp hóa nào cũng có rất đông nam giới xếp hàng mua hoa và bánh kẹo cho người phụ nữ mà họ yêu thương – và vâng, tôi cũng đã đứng xếp hàng trong số đó. Họ có thể đến mua đồ muộn, nhưng họ vẫn mong muốn bày tỏ tình cảm tới những người họ yêu thương bằng một món quà trong ngày lễ Tình nhân.
Truyền thống chính là chất keo gắn kết các gia đình và văn hóa của chúng ta với nhau. Truyền thống kết nối chúng ta với quá khứ, mang lại niềm vui trong hiện tại, và đóng vai trò như sức nặng giúp con tàu của chúng ta thăng bằng khi phải đối mặt với một tương lai bất định.
G.K. Chesterton từng viết: “Truyền thống có nghĩa là trao lá phiếu cho những nhân vật ẩn khuất nhất của mọi tầng lớp: tổ phụ của chúng ta. Truyền thống là nền dân chủ của những người đã khuất. Truyền thống không khuất phục trước kẻ đầu sỏ chính trị nhỏ nhen và kiêu ngạo – những kẻ chỉ tình cờ đi dạo loanh quanh.”
Khi chúng ta tôn vinh truyền thống của mình là chúng ta trao lá phiếu cho tổ phụ của chúng ta và giữ cân bằng trên những nóc nhà của cuộc sống.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm qua, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh qua các buổi hội thảo cho học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Hiện ông cộng tác viết bài trên Front Royal, Va. Hãy truy cập trang JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: