Tại sao lắng nghe là kỹ năng quan trọng?
Khi dành thời gian để lắng nghe, chúng ta có thể hiểu người khác đang thực sự muốn truyền đạt điều gì. Lắng nghe khiến cho cuộc trò chuyện trở nên thân mật hơn.
Trong nền văn hóa của chúng ta, dường như kĩ năng nói được coi trọng hơn kỹ năng nghe. Có lẽ nếu chúng ta không thật sự chú ý quá vào việc “cho người khác nghe”, và tất cả mọi người đều rèn luyện kỹ năng lắng nghe chăm chú, thì chúng ta có lẽ sẽ trải nghiệm được nhiều tương tác thân mật hơn và mọi người cũng ít nhảy vội đến việc kết luận hơn.
Có một số phong cách lắng nghe như lắng nghe tích cực, lắng nghe trị liệu, lắng nghe sâu sắc, lắng nghe hoàn chỉnh, lắng nghe phản biện, v.v. Một số trường học chú trọng dạy kỹ năng lắng nghe trong các môn kinh doanh hoặc chăm sóc sức khỏe.
Đáng chú ý, trong một bài báo năm 2017 trên Tạp chí Harvard Business Review, “Dành thời gian để lắng nghe bệnh nhân của quý vị,” Tiến sĩ Rana Awdish và tiến sĩ Leonard Berry đã kêu gọi các khóa học giao tiếp dành cho các nhân viên lâm sàng và phi lâm sàng trong các tổ chức chăm sóc sức khỏe .
“Tích cực lắng nghe bệnh nhân thể hiện sự tôn trọng đối với khả năng tự nhận thức của bệnh nhân và cũng đồng thời xây dựng lòng tin ở họ.” Những tác giả đã viết. “Chúng ta phải rộng lượng lắng nghe để vun đắp các kết nối thực sự, hai chiều mang lại cho bác sĩ và bệnh nhân cảm nhận về một mục tiêu chung.”
Hầu hết chúng ta đã từng trải qua cảm giác rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe đã không lắng nghe những nhu cầu và những mối quan tâm của chúng ta vào một thời điểm nào đó. Tôi hoàn toàn có thể hiểu rõ điều này bởi vì tôi từng đã ở cả hai vị trí đó, với tư cách là một bệnh nhân và một y tá. Và tôi đã thất bại nặng nề với vai trò là một y tá chăm sóc giảm đau cho bệnh nhân. Một phần trọng trách của tôi trong ICU bao gồm hỗ trợ tinh thần, đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Khi tôi đang rất vội vàng và biết rằng mình còn bốn hoặc năm hộ gia đình nữa phải tiếp đón, tôi sẽ chỉ quan tâm lấy bất cứ thông tin gì có thể và tiếp tục với người kế tiếp. Tôi cảm thấy hối tiếc vì điều đó.
Những nhân viên chủ động lắng nghe tâm tư của bệnh nhân và gia đình thường nhận được sự coi trọng nhất và luôn toát lên sự nhân từ trong khâu chăm sóc của họ. Mọi người đều đánh giá cao việc được lắng nghe.
Những tình huống thực tế
Làm thế nào để áp dụng kỹ năng lắng nghe này vào tình huống thực tế hoặc trong những tương tác thân mật với bạn bè chúng ta? Bạn đã bao giờ đến một buổi tụ tập và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện sau đây chưa:
Người đầu tiên nói: “Tối nay chúng tôi rất mệt. Gia đình tôi vừa trở về từ chuyến du lịch đến Hoa Thịnh Đốn.”
Người thứ hai nói: “Ồ, chúng tôi đã dắt lũ trẻ đến đó khi chúng học lớp năm và lớp sáu. Thật là một chuyến du ngoạn tuyệt vời!”
Người thứ nhất nói: “Bạn đã thăm những nơi nào vậy?”
Người thứ hai nói: “Dĩ nhiên là trung tâm mua sắm, còn có Đài tưởng niệm Washington, Đài tưởng niệm Lincoln…”
Hãy nhìn xem trọng tâm của câu chuyện đã đi lệch. Ai là người lắng nghe tốt hơn ở đây? Thay vì hỏi bất kỳ câu hỏi để làm rõ ý, người thứ hai đã ngay lập tức nhảy qua chủ đề về những trải nghiệm của riêng mình. Đây là điều xảy ra khá thường xuyên. Chúng ta có thể nói, “Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất?”. Việc này có thể tạo cơ hội cho người nói đầu tiên bày tỏ một số suy nghĩ của mình.
Muốn lắng nghe tốt đòi hỏi phải luyện tập rất nhiều lần. Có thể so sánh lắng nghe với môn quần vợt. Có vô số trường hợp trên sân bạn biết mình nên “theo bóng” hoặc “di chuyển chân”, nhưng cơ thể bạn chỉ đơn giản khựng lại không di chuyển. Bạn biết một cách hợp lý rằng bạn nên “sút vào lưới”, nhưng thay vào đó bạn bắt đầu né tránh cú sút đó.
Hầu hết chúng ta đều biết cách lắng nghe, nhưng việc áp dụng vào thực tế thì lại là một câu chuyện khác. Chúng ta có xu hướng thốt ra những lời bình luận và sau đó nhận ra rằng đáng lẽ chúng ta nên đặt một hoặc hai câu hỏi để tìm hiểu thêm về những gì người bạn của chúng ta đang cố gắng truyền đạt.
Hiện diện tại nơi cần bạn cũng là một cách lắng nghe tận tâm
Có thể sẽ đến một lúc từ ngữ trở nên vô nghĩa và một khoảng lặng suy tư sẽ chiếm ưu thế. Bạn ngồi với một người bạn có vợ hoặc chồng đang ở trong bệnh viện có thể chỉ đơn giản là ở bên cạnh và lắng nghe người ấy bày tỏ nỗi đau khổ và lo lắng về cái chết đang đến gần của vợ mình. Câu trả lời lý tưởng có thể là đưa ra một chiếc khăn giấy hoặc một cốc nước hay cà phê. Trong một số tình huống nhất định, sự hiện diện của một người có thể là cách lắng nghe hiệu quả nhất.
Nhiều năm trước, tôi đang ngồi trong bệnh viện với một người phụ nữ mà chồng của cô vừa qua đời khoảng một giờ trước đó. Là một y tá chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tôi đã ghé thăm cô vài ngày. Người chồng của cô đã bất tỉnh trong hai hoặc ba ngày trước khi qua đời vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của họ. Chúng tôi đã nắm lấy tay nhau và cô bộc bạch, “Mọi người cứ nói rằng thật buồn khi anh ấy ra đi vào kỷ niệm ngày cưới của chúng tôi, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi biết anh ấy chỉ chờ đến ngày này để nhắm mắt xuôi tay.”
Tôi rất biết ơn vì cô ấy đã bày tỏ suy nghĩ này và cảm kích những gì cô ấy đã nói. Cuộc đối thoại này sẽ không xảy ra nếu tôi đến gặp cô ấy và không lắng nghe. Tôi có thể đã hỏi “Bạn có cần một linh mục không? Chúng ta có nên gọi điện thoại đến nhà tang lễ không?” Đây là những chủ đề quan trọng cần được hỏi, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là có mặt ở đó cũng sẽ mở ra những cánh cửa mà chúng ta không ngờ đến.
Lắng nghe sâu sắc như thế nào
Ở một mức độ sâu sắc hơn, chỉ khi chúng ta để bộ não của mình tĩnh lặng, chúng ta mới có thể nghe thấy những mối quan tâm và nỗi sợ hãi của người thân yêu đang giao tiếp với chúng ta. Bằng cách tập trung vào những mong muốn của họ, chúng ta có thể tạm thời quên đi nhu cầu của chính mình, ít nhất là trong giây lát. Vợ chồng tôi mới đây đã thừa nhận cả hai đều mắc tội “nghe mà như không”. Nếu anh ấy đang nhìn chằm chằm vào tôi trong khi tôi đang nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình, thì sẽ không có sự lắng nghe nào thực sự diễn ra cả.
Tôi cần nhấn mạnh một vấn đề: Lắng nghe tốt chính là một mục tiêu. Chúng ta bước đi, vấp ngã, và mò mẫm thường xuyên hơn là không làm gì. Chúng ta thường cho rằng mình biết người kia sắp nói gì nên chúng ta thiếu kiên nhẫn để nghe hết câu của người khác hoặc chuyển sang vấn đề khác. Và chúng ta đã ngắt lời. (Thật tội lỗi).
Lắng nghe là một kỹ năng cần được chỉ dạy. Đọc và viết thường được dạy trong các trường học của chúng ta. Họ tập trung vào các bài thuyết trình bằng miệng. Truyền thông của chúng ta hiện này chỉ là nói, nói và nói. Tuy nhiên vẫn có một số người phỏng vấn rất xuất sắc, đó là những người làm rất tốt việc hỏi han và lắng nghe, và tôi vô cùng cảm kích họ.
Nhiều năm trước, có một triết lý phổ biến về việc lắng nghe là “trẻ em nên được nhìn thấy và không được nghe”, hoặc “im lặng và lắng nghe”. Rất nhiều chương trình đã được thực hiện bằng cách thay đổi mô hình trò chuyện của giáo viên / học sinh lắng nghe thành việc cho phép học sinh tham gia và tương tác. Cha mẹ và giáo viên có thể tạo điều kiện để trẻ trở thành người tích cực lắng nghe, ân cần đặt ra câu hỏi và học cách cảm thông. Ngay cả việc đóng vai chơi với trẻ cũng có thể dạy con quan tâm đến người khác.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times