Tại sao đàn ông nên theo đuổi lối sống tối giản
“Cuộc sống vất vả” là tên bài phát biểu của Teddy Roosevelt tại Chicago vào năm 1899. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình, ông cho rằng nỗ lực vất vả, vượt qua khó khăn là lý tưởng để đạt được thành công.
Roosevelt nói: “Một cuộc đời vất vả và nỗ lực, một cuộc đời lao động và cố gắng; để truyền đi sự thành công cao cả nhất đắc được, sẽ không đến với những người đàn ông mong cầu một cuộc sống yên bình và dễ dàng, mà sẽ đến với những người không chịu khuất phục trước hiểm nguy, trước những khó khăn gian khổ, hay trước những nỗi nhọc nhằn cay đắng; tất cả những người này sẽ giành chiến thắng huy hoàng cuối cùng”.
Roosevelt đại diện cho phẩm chất và mẫu hình của “người đàn ông trên đấu trường”, ông đã sống một cuộc đời cống hiến hết mình, chấp nhận rủi ro, tự lực bền bỉ và cam kết với các giá trị cốt lõi. Trong suốt quãng đời phiêu lưu mạo hiểm của mình, đỉnh cao sự nghiệp của ông là đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.
Ngày nay, quá nhiều người đàn ông sống theo phiên bản hiện đại của một “cuộc sống vất vả”, hay được gọi một cách thực tế hơn là “cuộc sống áp lực”. Thay vì phiêu lưu, họ đang sắp bị chôn vùi trong khối lượng công việc khổng lồ.
Đàn ông thường bị cột chặt vào chiếc bàn làm việc, dính chặt vào điện thoại thông minh, cần một tiếng bíp hay một hồi chuông báo để xua đi cảm giác hồi hộp, căng thẳng. Họ sử dụng hết nguồn năng lượng cho công việc mà họ không thích, chỉ để mua những thứ mà họ không cần, nhằm mục đích gây ấn tượng với những người mà họ không quan tâm (hoặc thậm chí là không biết). Và họ đang phải gánh chịu hậu quả.
Theo số liệu thống kê, hơn 6 triệu nam giới mắc chứng trầm cảm. Tình trạng tự tử ở nam giới đã gia tăng đáng kể từ năm 2000, và trong năm 2017, số lượng nam giới tử vong do tự sát nhiều hơn phụ nữ 3.5 lần. Khoảng 1/5 nam giới từng phải phụ thuộc vào rượu trong cuộc đời. Sức khỏe tâm thần ở nam giới tiếp tục có xu hướng sai lệch.
Mệt mỏi, áp lực, bất an, tìm kiếm — còn những cảm giác nào khác khi cứ mải mê trong những cuộc đua triền miên và vô tận?
Trong nhiều năm, tôi luôn phải chạy nước rút để hoàn thành công việc. Từ một trường luật hàng đầu đến một công ty luật hàng đầu, để rồi có được một ngôi nhà quá lớn và quá ít thời gian cho những việc khác, đến lúc tôi phải buông bỏ bớt.
Áp lực công việc gần như đè bẹp tôi. Tuy nhiên, tôi thấy mình vẫn còn là một trong số những người may mắn. Điều gì đã thay đổi tôi? Khi rơi xuống đáy tận cùng của áp lực, bạn có đủ khả năng để nhìn rõ số phận đang chờ đợi bạn. Khi đang rơi, trái ngược với việc để bản thân tự trôi nổi, tôi có cơ hội điều chỉnh hướng đi trước khi quá muộn.
Tấm lưới bảo hộ của tôi là gì? Tôi đã tìm thấy phong cách sống tối giản, cho phép tôi có đủ không gian và thời gian dành cho các thứ khác – “các thứ khác” ý tôi là trải nghiệm, các mối quan hệ, niềm tin và giá trị cần thiết để tu dưỡng trí tuệ và vun đắp cho một cuộc sống viên mãn.
Hành trình kiên định hướng tới lối sống tối giản
Sự thật, tôi không phải là người tìm ra lối sống tối giản. Vợ tôi mới là người đã thực hiện lối sống tối giản này, sau đó cô ấy giới thiệu với tôi … nhưng hết lần này đến lần khác, tôi đều bị mắc kẹt. Tôi đã rất bướng bỉnh chạy theo xu hướng với những đồ vật mới tinh, sáng bóng. Cái tôi và giá trị bản thân của tôi bị gói gọn trong những gì tôi có – chứ không phải tôi là ai. Vợ tôi nhận biết được điều này và coi cách sống tối giản như một lối thoát, nhưng tôi đã cưỡng lại.
Lối sống tối giản dường như là một ý tưởng kỳ quặc, được lưu truyền bởi những người Sparta cam chịu, khắc khổ. Nó như một khoảng trắng không có màu sắc, không có sự sôi động của giao thoa văn hóa quần chúng, tiếp thị mua bán sản phẩm và phương tiện truyền thông xã hội, những thứ được xem như là nhân tố thiết yếu của lối sống hiện đại tốt đẹp.
Và như phản ánh trên các trang Facebook, nhóm và bình luận liên quan đến người theo lối sống tối giản, thật lòng mà nói, tôi cho rằng phụ nữ thực hiện lối sống tối giản nhiều hơn nam giới.
Dù tôi hiểu rõ những triển vọng và yếu tố căn bản của lối sống tối giản, nhưng tôi vẫn cứng đầu không chịu chấp nhận. Do ở cương vị là một người chồng, một người cha và cách làm việc chuyên nghiệp, tôi cảm thấy bị đe dọa bởi những hệ lụy của lối sống tối giản. Tại sao phải sắp xếp mọi thứ cho ít đi trong khi xã hội cho rằng tôi nên phải nỗ lực để có nhiều hơn?
Vâng, tôi thừa nhận cảm giác này là lỗi thời, và thậm chí không thích hợp với hoàn cảnh của tôi. Vợ tôi là người bạn đời chia sẻ, gánh vác mọi trách nhiệm cùng với tôi trong cuộc sống (thậm chí nhiều hơn thế), gồm cả những khoản đóng góp tài chính cho gia đình.
Tuy nhiên, cảm giác (xem ra phi lý) này là có thật, vì vậy tôi không thấy lý do phải giả vờ khác đi. Tôi luôn tự hào về khả năng vượt qua mọi thử thách một cách dễ dàng của mình, và tôi đã tin tưởng một cách ngốc nghếch rằng theo lối sống tối giản, vị thế của tôi sẽ gặp rủi ro bởi tín hiệu gây ra những điều nhạy cảm cho thế giới. Ít nhất trong thời kỳ tiền Brené Brown, tính nhạy cảm này tôi thấy không phải là điều thoải mái khi thể hiện.
Sau nhiều thời gian nghiên cứu và suy ngẫm, cuối cùng, tôi đã vượt qua được chính mình, thu gọn lại mọi thứ và bắt đầu nhận ra những lợi ích của lối sống tối giản. Qua quá trình trải nghiệm, tôi dần trở thành một người chồng, một người cha và một người làm việc chuyên nghiệp hơn – một người đàn ông tốt hơn. Nhận thức của tôi trở nên sâu sắc hơn và tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều.
Từ sự thay đổi của chính mình, tôi tin rằng ngày càng có nhiều đấng mày râu cần đến lối sống tối giản.
Những nguy hiểm của vòng xoáy hưởng lạc
Nhiều người trong chúng ta đang mải mê theo đuổi những chiếc cầu vồng dù biết rằng chẳng thể nào chạm tới. Chúng ta luôn nỗ lực để đạt được nhiều hơn, nhưng bất kể chúng ta có nhiều đến đâu, những thứ đó cũng không thể mang lại hạnh phúc. Mỗi một cấp độ thành tích mới đều trở thành cơ sở cho những mục tiêu mới.
Đa số người tin rằng sở hữu những của cải, vật chất – như nhà lầu, xe hơi, hoặc bộ gậy đánh gôn mới – sẽ khiến ta thỏa mãn, nhưng dành dụm cho những thứ thoáng chốc như vậy đều sẽ kết thúc trong sự hối tiếc.
Có người cho rằng “chỉ khi tôi được thăng tiến …” hay “chỉ khi tôi gặp được người trong mộng của mình…” thì tôi mới hạnh phúc; nhưng hạnh phúc tương lai của chúng ta thường không như chúng ta mong đợi. Tác giả Tal Ben-Shahar gọi đây là “cảm giác thành công ngụy biện”. Hay còn gọi là niềm tin (hầu như luôn sai) rằng khi bạn tới một đích đến nhất định, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Tóm lại, dù chúng ta không ngừng chạy hết tốc lực đuổi theo “vòng xoáy hưởng lạc” thì cũng chẳng bao giờ đi đến đâu. Chúng ta chỉ đơn thuần thích nghi với hoàn cảnh mới của mình và tiếp tục truy cầu nhiều hơn. Nếu bạn đang chạy trên chiếc máy chạy bộ, bạn chỉ cần bước ra. Tuy nhiên, với “vòng xoáy” lại không đơn giản như vậy.
“Vòng xoáy hưởng lạc” được mô tả theo cách dễ hiểu hơn là bị mắc kẹt trong lối sống hiện đại, nơi mọi người cạnh tranh nhau về quyền lực và tiền bạc. Vòng xoáy như chiếc bánh đà rất nặng, cần nhiều sức lực để đẩy. Khi liên tục được đẩy, bánh đà tăng tốc và cuối cùng chuyển động mạnh mẽ. Do vậy, để dừng chuyển động của bánh đà sẽ phải cần đến rất nhiều nỗ lực.
Cuộc sống được hình thành từ sự truy cầu tiền bạc, tài sản, địa vị xã hội là một cuộc sống quay cuồng trên bánh đà. Dù bánh đà có quay liên tục, nhanh hơn và nhanh hơn, nhưng cũng không bao giờ có thể tiến gần đến niềm hạnh phúc và sự mãn nguyện.
Nhờ lối sống tối giản, tôi đã có thể dừng lại để suy nghĩ cẩn thận. Tôi nhận ra mình vẫn muốn có “nhiều hơn” – chỉ là với những thứ khác. Thời điểm đó, tôi không biết nó là gì. Nhưng một triết gia người Anh đã chỉ ra chính xác những gì tôi đang tìm kiếm từ gần 100 năm trước.
Một cuộc sống đầy ‘niềm đam mê’
Bertrand Russell là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Ông lớn lên trong một gia đình giàu có ở Vương quốc Anh, từ thời niên thiếu, ông đã bị chứng trầm cảm; thậm chí ông từng tự tử.
Dù bị chứng trầm cảm nhưng ông vẫn vạch ra con đường của mình đến tuổi trưởng thành. Khi đi khắp thế giới, những gì quan sát được khiến ông chấn động, điều này có vẻ khác lạ với ông vào thời điểm đó. Ông gặp nhiều người vô cùng giàu có nhưng xem ra họ không hề hạnh phúc. Điều này khiến ông bối rối và ông bắt đầu đi tìm câu trả lời. Năm 1930, trong cuốn sách kinh điển “Chinh phục hạnh phúc” (The Conquest of Happiness), Russell đã tiết lộ với thế giới về gốc rễ của cả hạnh phúc lẫn bất hạnh trong cuộc sống.
Đặc biệt, Russell nhận thấy rằng “niềm say mê” là dấu hiệu chung của người hạnh phúc. Theo định nghĩa, “niềm say mê” có nghĩa là “nhiệt tình, háo hức, tràn đầy năng lượng và hứng thú”. Với Russell, niềm đam mê với cuộc sống có nghĩa là sống với tinh thần nhiệt huyết, tràn đầy nội lực, quan tâm đến thế giới xung quanh, và tìm kiếm những cuộc phiêu lưu. Russell cho rằng, “cái đói liên quan đến thức ăn, còn đam mê liên quan đến cuộc sống.”
Tôi không biết phải nói thế nào về niềm đam mê vào thời điểm đó, nhưng nhìn lại, khi cuộc sống của tôi đơn điệu nhất, niềm say mê là điều thiếu vắng trong cuộc sống của tôi. Ngày cứ kéo dài trong khi năm tháng lại trôi qua như gió thoảng mây bay. Tôi dành nhiều thời gian sống qua màn hình hơn là hiểu rõ giá trị và thưởng thức những kỳ quan của thế giới thực. Tham vọng và tiêu dùng đã làm mờ tầm nhìn của tôi trước những cơ hội khác.
Bằng cách áp dụng lối sống tối giản, tôi bắt đầu nhận ra điều mình còn thiếu.
Đầu tiên là gia đình, chúng tôi giảm bớt tài sản và các nghĩa vụ tài chính. Chúng tôi thu nhỏ hoạt động kinh doanh, chuyển từ văn phòng thực sang môi trường làm việc ảo. Điều này đã tạo ra không gian và thời gian, cho phép tôi theo đuổi các hoạt động ngoài trời mà tôi yêu thích, và như vậy, tôi tìm lại được niềm đam mê cho cuộc sống. Tôi bắt đầu sống với nó và tôi thật sự thay đổi kể từ thời điểm đó.
Tôi biết mình không đơn độc trong cuộc chiến với những vấn đề này. Có vô số người đàn ông cảm thấy mình đang phải làm việc quá sức, chịu áp lực quá mức và sống những tháng ngày mất kiểm soát. Họ cảm thấy uể oải trước sức nặng của những kỳ vọng mà xã hội cố tình áp lên họ. Họ nhìn thấy lối sống tối giản là một lối thoát, nhưng lại không đủ mạnh mẽ và sự kiên định thực hiện những thay đổi cần thiết.
Tất nhiên, phụ nữ cũng phải đối mặt với những vấn đề này, và tôi hy vọng phụ nữ cũng có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm từ những sai lầm của tôi. Tuy nhiên, nếu sự cứng đầu của tôi và sự gia tăng đáng kinh ngạc về tình trạng sức khỏe tâm thần ở nam giới hiện nay là dấu hiệu nhận biết, thì cần có một thông điệp trực tiếp hơn nhắm riêng đến nam giới.
Từ kinh nghiệm của mình, tôi hiểu thay đổi không hề dễ dàng. Nhưng tôi tin chắc rằng chỉ có một con đường duy nhất để thoát khỏi “vòng xoáy hưởng lạc” là hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào lối sống tối giản. Khi đã có niềm tin vững vàng, bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ bạn từng theo đuổi không thể mang lại cho bạn hạnh phúc như mong đợi.
Và bạn sẽ hiểu ra tình yêu cuộc sống luôn đến từ những niềm vui đơn giản nhất.
Tác giả: Jay Harrington là doanh nhân xuất thân từ luật sư, điều hành một thương hiệu phong cách sống và blog có tên Life and Whim, lấy cảm hứng từ phía bắc Michigan. Ông sống cùng vợ và ba cô con gái ở phía bắc Michigan.
Jay Harrington
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: