Tại sao Đài Loan phát âm “Hòa” thành “Hãn”? Đây mới là phương ngữ Bắc Kinh đích thực
Người Trung Quốc đại lục thường cảm thấy kỳ lạ khi nghe người Đài Loan nói “A和B” (đọc là /A hé B/) thành “A汗B ” (đọc là /A hàn B/) và cho đó là phương ngữ Đài Loan. Thực tế, đây mới chính là phương ngữ Bắc Kinh đích thực.
Cư dân mạng tại Trung Quốc đại lục chỉ ra rằng, nhà ngôn ngữ học Triệu Nguyên Nhậm thời Trung Hoa Dân Quốc đã từng viết về cách phát âm của từ “Hòa” (和) trong cuốn sách “Các vấn đề về ngôn ngữ”. Vào thời điểm đó, trong phương ngữ Bắc Kinh, chữ “Hòa” (和) không được phát âm là /hé/. Thay vào đó, nó được phát âm là /hàn/ (đồng âm với chữ 汗, nghĩa là mồ hôi) hoặc /hài/ (đồng âm với chữ 害, nghĩa là hãm hại). Ngoài ra, trong cuốn sách “Beijing Tastes Night Talk” xuất bản năm 1999 của Mi Songyi, tác giả Mi Songyi cũng cho biết: Chữ “Hòa” (和) trong phương ngữ Bắc Kinh được phát âm là /hàn/ hoặc là /hài/. Năm 1996, trong quyển “Từ điển ngôn ngữ bản địa Bắc Kinh” của tác giả Từ Thế Vinh cũng viết rằng, chữ “Hòa” (和) phát âm giống như chữ “Hãn” (汗), đọc là /hàn/.
Vậy tại sao cách phát âm tiếng Bắc Kinh này lại đi sang Đài Loan? Hãy bắt đầu với Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập vào năm 1911, “Hội nghị thống nhất phát âm tiếng Trung Quốc” được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm sau đó. Tháng 9/1919, “Tự điển quốc âm Trung Hoa Dân Quốc” được biên tập và xuất bản, khi ấy phiên âm tiếng Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng.
Tháng 10/1945, Đài Loan quang phục, để loại bỏ ảnh hưởng của tiếng Nhật trong đời sống hàng ngày, Chính phủ Quốc dân đã thúc đẩy mạnh mẽ “chiến dịch nói tiếng quốc ngữ”. Ngày 2/4/1946, Ủy ban Xúc tiến Tiếng quốc ngữ Đài Loan chính thức thành lập. Ngoài ra, chương trình “Dạy phát thanh tiếng quốc ngữ” cũng được phát sóng trên Đài Phát thanh Đài Loan vào mỗi buổi sáng để dạy phát âm tiêu chuẩn cho giáo viên và người quảng bá tiếng quốc ngữ trong các trường học quốc dân trên khắp Đài Loan. Diễn giảng là ông Tề Thiết Hận, vốn là một “người Bắc Kinh cũ”. Ông Tề dựa theo phương ngữ Bắc Kinh lúc bấy giờ mà phát âm chữ “Hòa” (和) là /hàn/. Từ đó trở đi, người Đài Loan đều phát âm chữ “Hòa” (和) là /hàn/.
Tuy nhiên, sau năm 1949 khi ĐCSTQ lên nắm quyền, Trung Quốc đại lục đã thay đổi cách phát âm của một số từ, loại bỏ âm /hàn/ của chữ “Hòa” (和) và thay bằng âm /hé/ của chữ chữ “Hà” (何). Dần dần, người Bắc Kinh đọc âm /hàn/ ngày càng ít, chỉ riêng một số vùng miền cá biệt là vẫn lưu giữ cách đọc này. Một cư dân mạng ở đại lục cho biết: Tại quê hương của anh, một quận nhỏ ở phía nam thành phố Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông, chữ “Hòa” (和) vẫn được phát âm là /hàn/. Lần đầu tiên nghe người Đài Loan nói chuyện, anh tự hỏi vì sao hai nơi cách xa nhau như vậy, một nam một bắc, sao vẫn lưu giữ được cách phát âm giống nhau vốn rất hiếm thấy này? Đó là bởi, âm /hàn/ cũng là một phần của văn hóa truyền thống được Quốc Dân đảng mang đến cho Đài Loan.
Theo Đài truyền hình Tân Đường Nhân
Tác giả: Lin Hui
Mạnh Hải biên dịch
Xem thêm: