Tại sao Bắc Kinh trừng phạt Apple Daily của Hồng Kông?
Apple Daily, một tờ báo khổ nhỏ độc lập ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, đã in ấn bản cuối cùng vào ngày 24/06 trước khi ngừng hoạt động. Apple Daily không còn là một tờ báo nữa nhưng sẽ trở thành một biểu tượng.
Hôm 17/06, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ năm giám đốc điều hành cao cấp nhất của hãng thông tấn này. Năm trăm cảnh sát đã lục soát tòa soạn để tìm bằng chứng về việc hãng này vi phạm luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt lên thành phố này vào năm 2020.
Trong một cuộc họp báo, cảnh sát Hồng Kông đã tuyên bố rằng kể từ năm 2019, Apple Daily đã đăng hơn 30 bài báo kêu gọi các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Hồng Kông và Trung Quốc đại lục—một hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia hà khắc này.
Giám đốc điều hành, giám đốc vận hành, tổng biên tập, phó tổng biên tập và ủy viên ban biên tập đều bị bắt. Đây là cuộc đột kích thứ hai nhắm vào Apple Daily trong vòng chưa đầy một năm.
Tháng 08/2020, cảnh sát Hồng Kông đã khám xét Apple Daily và bắt giữ người sáng lập của tờ báo là ông Lê Trí Anh, được biết đến nhiều hơn với tên Jimmy Lai, cùng hai con trai của ông. Các nhà chức trách Hồng Kông cáo buộc rằng Apple Daily và công ty mẹ là Next Media, bị nghi ngờ vi phạm Điều 29 của luật an ninh quốc gia: “có mưu đồ thông đồng với ngoại quốc hoặc thế lực ngoại quốc để gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.” Tội thông đồng có hình phạt tối đa là tù chung thân.
Ông Lai đã ngồi tù từ tháng 12/2020, với cáo buộc tham gia các cuộc mít tinh trái phép trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019 và bị buộc tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trong cuộc đột kích mới nhất, hơn một trăm cảnh sát đã tuần tra trụ sở của Apple Daily. Tất cả nhân viên và những người vào tòa nhà phải đăng ký với giấy tờ tùy thân hợp pháp và thông tin nhận diện công ty. Họ cũng được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, bao gồm số điện thoại và địa chỉ. Máy điện toán của tất cả các biên tập viên và ký giả đều bị tịch thu. Apple Daily tuyên bố rằng các ký giả được yêu cầu rời khỏi tòa soạn.
Nhà của các giám đốc điều hành đã bị cảnh sát Hồng Kông khám xét, [nhằm] tìm kiếm bằng chứng cho nghi vấn vi phạm luật an ninh quốc gia. Ngoài ra, cảnh sát Hồng Kông cũng đóng băng tài sản trị giá 18 triệu HKD (khoảng 2.3 triệu USD) của Next Media.
Đây là hành động lớn nhất chống lại giới truyền thông kể từ khi luật an ninh quốc gia được Trung Cộng thi hành ở Hồng Kông vào năm ngoái (2020), và là vụ việc đầu tiên mà cảnh sát công khai bắt giữ các ký giả.
Vào hôm 14/06, ông Lai đã được trao Giải thưởng Tự do Truman-Reagan, của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản. Ông Andrew Bremberg, chủ tịch của Quỹ đã kêu gọi thế giới tự do ủng hộ Hồng Kông như một ngọn hải đăng của tự do và ngăn chặn việc những người như ông Lai trở thành nạn nhân của chế độ cộng sản.
Lập trường chống cộng của ông Jimmy Lai
Năm 12 tuổi, ông Lai từ Quảng Châu trốn đến Hồng Kông trên một chiếc thuyền. Khi đã trưởng thành, ông tiếp tục xây dựng Giordano, một đế chế dệt may. Trong những năm đầu, ông Lai duy trì mối giao hảo tốt đẹp với các quan chức Trung Quốc đại lục. Ban đầu Giordano được thành lập dưới hình thức liên doanh với China Resources, và xưởng may của thương hiệu này được đặt tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989, ông Lai đã cắt đứt liên lạc với Trung Cộng. Ông tiếp tục thành lập Next Media và Apple Daily, là hai ấn phẩm cương quyết chống cộng. Ông Lai không chỉ điều hành các hãng thông tấn này mà còn viết các bài báo chỉ trích các lãnh đạo Trung Cộng.
Apple Daily đã làm dấy lên những lời chỉ trích và tranh cãi vì đăng tải tin đồn, nhưng tờ báo này đã trở thành tờ báo bán chạy nhất ở Hồng Kông.
Điều khiến Apple Daily khác biệt với các tờ báo khác ở Hồng Kông là lập trường chống cộng, vốn vẫn không thay đổi trong biến cố chính trị của thành phố này. Apple Daily đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin về Phong trào Ô dù vào năm 2014 và phong trào chống dự luật dẫn độ bắt đầu vào năm 2019 và kết thúc vào năm 2020.
Ngoài công ty truyền thông của mình, ông Lai vẫn tham gia sâu vào chính trường Hồng Kông và đóng góp tiền cho Đảng Dân Chủ của thành phố.
Tiền bạc và quyền lực truyền thông là điều mà hệ thống độc tài của Trung Cộng sợ hãi nhất. Do đó, ông Lai được Đảng ủy Cộng Sản của thành phố coi là một trong những nhân vật trụ cột gây nên sự hỗn loạn ở Hồng Kông. Ông Jimmy Lai, Next Media, và Apple Daily đã trở thành kẻ thù số một đối với hệ thống cai trị Hồng Kông của Trung Cộng.
Trong tám năm qua, Trung Cộng đã gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải rút quảng cáo khỏi tờ báo và đe dọa các đối tác kinh doanh của ông Lai.
Vào mùa hè năm 2019, ông Lai đã đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn và gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ để thảo luận về dự luật dẫn độ gây tranh cãi và quyền tự trị của Hồng Kông. Vào thời điểm đó, tôi đã phỏng vấn ông ấy trong một sự kiện cho một tổ chức tư vấn ở Hoa Thịnh Đốn.
Ông Lai đã bày tỏ rất rõ ràng rằng ông không ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông, nhưng ông đồng cảm với ước mơ của giới trẻ Hồng Kông về nền độc lập cho thành phố. Ông cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại đối với Hồng Kông vào thời điểm đó, để thành phố này không trở nên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng về thương mại. Mặc dù vậy, tôi rất ngạc nhiên khi Apple Daily bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia.
Chính quyền Hồng Kông cáo buộc Apple Daily đăng một bài báo kêu gọi trừng phạt kinh tế đối với Trung Cộng và Hồng Kông, từ đó cáo buộc [Apple Daily] thiết lập sự thông đồng với các thế lực ngoại quốc để gây nguy hiểm cho Trung Quốc.
Ông Lai không tán thành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Hồng Kông, nhưng tôi không biết liệu ông ấy có tán thành các biện pháp trừng phạt đối với Trung Cộng hay không. Tôi chưa bao giờ tìm thấy một tuyên bố công khai nào từ ông ấy về vấn đề này.
Kể từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua, một số người lo ngại rằng nó có thể bị áp dụng hồi tố và nhắm vào một số cá nhân nhất định vì những hành động được thực hiện trong quá khứ. Liệu những tuyên bố được đưa ra sau Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 có bị truy nguyên? Liệu có quay lại những năm 1950 khi địa chủ và các nhà tư bản cánh hữu bỏ trốn khỏi đại lục vì chống đối sự cai trị của Trung Cộng không?
Đây là thủ đoạn nham hiểm của các nhóm cộng sản. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, có những tội ác chống lại công dân Trung Quốc bị truy nguyên từ thế hệ tổ tiên thứ mười tám. Ngay cả Khổng Tử, người sống cách đây 2,500 năm về trước, cũng bị buộc tội là người chống Trung Quốc và là kẻ thù của Trung Cộng.
Ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông, cho biết tại một diễn đàn vào hôm 12/06 rằng theo quan điểm của Bắc Kinh, Trung Cộng quản lý [Hồng Kông] thông qua khuôn khổ “một quốc gia hai chế độ” và bất kỳ ai phản đối sự cai trị độc đảng của Trung Cộng là “kẻ thù của Hồng Kông, là kẻ đang tìm cách phá hoại sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kông.”
Ông Lạc nói rằng theo luật an ninh quốc gia, Hồng Kông không bị thiệt hại về kinh tế và nguồn vốn ngoại quốc vẫn ổn định. Đây chỉ là một ảo tưởng ngắn hạn. Các hội nghị thượng đỉnh quốc tế gần đây ở Âu Châu đã hình thành sự đồng thuận về Trung Cộng, và từng chiến lược một chống lại Trung Cộng sẽ được đưa ra trong những năm tới. Hiệu quả chống Trung Cộng của các đồng minh toàn cầu khó có thể hình dung được.
Tác giả Alexander Liao là một nhà bình luận và là một ký giả, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: