Tại ranh giới giữa thiên đường và địa ngục: Nơi đạo đức thăng hoa
Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Mỗi ngày trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống mà chúng ta phải lựa chọn giữa thiện và ác. Khi cái ác mang vẻ ngụy thiện, rất khó để biết liệu chúng ta có đang lựa chọn đúng hay không. Đặt chúng ta giữa thiên đường và địa ngục, những lựa chọn như vậy đòi hỏi sự suy xét cẩn trọng và sâu sắc.
Thiên đường và địa ngục
Vào thế kỷ 19, họa sĩ người Pháp Octave Tassaert đã vẽ cảnh một phụ nữ đơn độc đang lơ lửng giữa thiện và ác trong bức tranh “Thiên đường và địa ngục”. Trong trang phục trắng và xanh lá, nhân vật nữ chính – người mà chúng tôi sẽ gọi là nhân vật chính – nằm ở phần trên trung tâm của bố cục. Cô che ngực bằng cả hai tay, bắt chéo chân và nhìn về chúng ta bằng ánh mắt khắc khoải.
Từ trên cao, một thiên thần đáp xuống bắt lấy eo của nhân vật chính và kéo cô lên thiên đường. Thiên thần hướng tay chỉ lên như muốn nhắc nhân vật chính hãy luôn kiên định với chính nghĩa.
Tuy nhiên, bên dưới nhân vật chính là một con quỷ – được cho là Satan theo trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland – đang cố gắng làm hoen ố cô. Một phụ nữ xinh đẹp với những bông hoa cài trên tóc đang dựa vào chân của Satan và cầm một chiếc gương hướng vào khuôn mặt của nhân vật chính như thể để đánh lạc hướng cô khỏi thiên đường, và nhắc cô nhìn lại mình. Bên trái Satan, có hai cô gái đang kiềm chế một phụ nữ đang nhìn nhân vật chính trong cơn ghen tuông thịnh nộ.
Phía dưới góc bên trái, màu đỏ của địa ngục rực sáng như muốn nuốt chửng người phụ nữ say khướt với chiếc cốc trên tay, và phía sau cô ta, một phụ nữ có tuổi mặc áo choàng đen mang vẻ mặt u sầu. Hai nhân vật này ngồi trên lưng con quái thú ba đầu đuôi rắn quấn cuộn vào đám người bên trên.
Phía dưới bên phải, một nhóm người bị che khuất trong bóng tối, dường như đã bị hạ xuống địa ngục. Một số người đang khóc than và một số vươn tay lên trời, nhưng dường như đã quá muộn.
Tuy nhiên, trong nhóm người xuống địa ngục, một nhân vật đang chỉ tay lên trời vẫn được chiếu sáng. Hắn giao tiếp với người phụ nữ say khướt và người phụ nữ u sầu kia, nhưng thông điệp của hắn ta không rõ ràng. Một chiếc đuôi nhô ra và những ngón tay thô ráp với móng sắc nhọn đang chỉ lên trời cho thấy rằng hắn ta là một con quỷ.
Phía trên nhóm người bị hạ địa ngục là một nhóm người đang chuẩn bị chôn cất một đứa trẻ. Người đàn ông bên trái tựa vào chiếc cuốc cạnh gốc cây trong khi người phụ nữ bên cạnh đang bế thi thể vô hồn của một đứa trẻ.
Chi tiết này dẫn ánh nhìn chúng ta lên phía trên là hình ảnh cuộc hội ngộ của người phụ nữ và đứa trẻ và một thiên thần khi họ lên thiên đường. Hai thiên thần trên trời đang hạ xuống, và một vị như đang chỉ tay về phía người mẹ và đứa trẻ.
Trên thiên đường, ở bên trái của bố cục, Thánh Michael cầm một cuốn sách trong tay, tay kia cầm cân phán xét để nhận người tốt vào thiên đường.
Điều gì lôi chúng ta xuống địa ngục
Bức tranh của Tassaert mở ra một số câu hỏi liên quan đến cuộc đấu tranh về mặt đạo đức của nhân vật chính. Điều gì khiến cô ấy hạ vào địa ngục? Làm thế nào cô có thể thăng lên thiên đường? Đứa trẻ được người thân chôn cất hay một nhân vật bước ra từ địa ngục đang chỉ tay lên thiên đường có ý nghĩa gì? Và tại sao nhân vật chính lại nhìn chằm chằm vào chúng ta?
Sự hiện diện của cái ác dường như khá rõ ràng. Ví dụ, Satan dường như đưa tay lên váy của nhân vật chính – biểu hiện cho sắc dục, cho thấy dục vọng là xấu xa đến mức nào, và cho thấy rằng chính là quỷ Satan đã thực hiện hành vi này.
Người phụ nữ ở dưới chân Satan cầm chiếc gương soi cho nhân vật chính đại diện cho tội lỗi của thói hư vinh và kiêu ngạo. Người phụ nữ dù được tô vẽ xinh đẹp với những bông hoa trên tóc nhưng lại là tay sai của Satan. Chi tiết này cho thấy rằng Satan có thể biểu hiện bằng những hình thức đẹp đẽ nhằm che giấu tâm địa ác độc bên trong.
Chiếc gương soi nhằm khơi gợi tánh kiêu ngạo và tự phụ của nhân vật chính, nhưng cô đã không nhìn vào gương. Thay vào đó, cô nhìn chúng ta. Vì sao cô lại nhìn vào chúng ta? Phải chăng cô muốn tìm sự kết nối và chia sẻ với chúng ta cuộc đấu tranh chật vật của cô ấy? Phải chăng cô nhìn thấy chúng ta cũng trong tình huống chật vật như chính cô? Và phải chăng cô nhìn chúng ta để cảnh báo chúng ta về những tội lỗi đang bao vây quanh mình?
Bên trái Satan là một phụ nữ đại diện cho tội giận dữ. Cô ta nắm chặt tay, nghiến răng và mở to mắt nhìn nhân vật chính với đôi lông mày nhíu lại. Không rõ tại sao cô lại tức giận với nhân vật chính như vậy. Chúng ta có thể đoán rằng cô cũng là một phần của liên minh Satan và sự giận dữ bắt nguồn từ việc thiên thần đang cố gắng cứu lấy nhân vật chính. Hoặc cũng có thể tội lỗi của dục vọng có liên quan đến sự tức giận của cô. Nói cách khác, cô có thể tức giận vì không được thiên thần đến cứu.
Người phụ nữ cầm cốc ở phía dưới tượng trưng cho tội tham lam. Việc uống quá nhiều rượu đã khiến cô mê mờ khi đã mấp mé bên rìa địa ngục. Cái đầu rắn của con quái vật nhìn thẳng vào mặt cô như thể bằng cách này hay cách khác mà dụ dỗ cô uống rượu, ru cô ngủ và biến cô thành con mồi một cách dễ dàng.
Màu đen thường liên quan đến sự chán nản hoặc tuyệt vọng, và đây là gợi ý thú vị về người phụ nữ có tuổi với chiếc khăn choàng màu đen, cô cũng nằm trong lực lượng của Satan. Còn người phụ nữ u sầu kia? Có phải u sầu – cũng như tức giận, dục vọng, phù phiếm, tham lam – là kết quả của một trạng thái tâm thần tội lỗi không?
Tất nhiên, đây là một câu hỏi khó và tôi không đề xuất đưa ra câu trả lời tuyệt đối. Nhiều người trong chúng ta đang hoặc từng rơi vào trạng thái quá đồi sầu muộn vì vô số lý do. Nhưng tại sao người phụ nữ này có thể chán chường đến vậy?
Con quỷ có đuôi nhô lên từ địa ngục và chỉ tay lên trời có thể đang báng bổ thiên đường trước người phụ nữ, và có thể cô đã đánh mất đức tin. Cô chỉ có một mình; không có thiên đường, người phụ nữ khoanh tay cúi đầu trong sự cô đơn đầy chán nản. Ở đây, thiếu mất đức tin có thể là tội lỗi của cô ấy.
Để được lên thiên đường
Nhưng làm thế nào mà nhân vật chính có thể thăng thiên? Làm thế nào cô có thể chống lại những cám dỗ của Satan? Có lẽ có những manh mối ẩn chứa trong ngôn ngữ hình thể của những người được lên thiên đường.
Chẳng hạn đứa trẻ lên trời đang nhìn xuống cảnh chôn cất. Hai đứa trẻ này, một đứa đang được chôn cất và một đứa thăng thiên, có phải là cùng một người không? Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về việc có một người phụ nữ đã mất, và vì vậy danh tính của người phụ nữ mà đứa trẻ đi cùng vẫn chưa thật sự rõ ràng. Dù sao thì một thiên thần đã chấp nhận đứa trẻ và người phụ nữ đang chắp tay cầu nguyện lên thiên đường.
Vị Tổng lãnh thiên thần phía trên đứa trẻ và người phụ nữ chỉ vào họ như thể hai người đó có vị thế quan trọng trong ý nghĩa tổng thể của bức tranh. Người phụ nữ chắp tay cầu nguyện thể hiện rằng cô ta có đức tin. Và tất nhiên, hầu hết trẻ em chưa sống đủ lâu để trở thành nạn nhân của cám dỗ và đánh mất sự trong sáng của mình. Có phải họa sĩ Tassaert gợi ý rằng đức tin và sự trong sáng như trẻ thơ là điều kiện cần thiết để lên thiên đường không?
Những nhân vật tiến về phía Tổng lãnh thiên thần Michael để được phán xét cũng cúi đầu cầu nguyện. Một nhân vật thậm chí còn đưa tay lên không trung như thể để ca ngợi Thần. Vậy thì ngợi ca Thần có phải cũng là điều kiện khác để được lên thiên đường chăng?
Sau cùng, chúng ta hãy quay lại với nhân vật chính, người đại diện cho sự trong trắng khi cô quàng tay che thân trước hành vi đầy dục vọng của Satan. Cô cũng đại diện cho lòng khoan dung khi chịu đựng cơn giận dữ từ người phụ nữ phía bên trái. Việc cô nhìn vào chúng ta thay vì nhìn chính mình trong gương gợi ý rằng cô khiêm tốn và giàu thiện tâm.
Quá dễ dàng để trở thành nạn nhân trước những cám dỗ của quỷ Satan được mô tả ở đây như: dục vọng, kiêu ngạo, giận dữ, tham lam và thiếu đức tin. Phải chăng chúng ta có thể chống lại những cám dỗ này nếu cố gắng duy trì đức tin, giữ cho chính mình thuần khiết như trẻ thơ, giữ gìn trinh tiết, khiêm tốn, từ bi và bao dung? Phải chăng chúng ta cần gia cường những điều này nếu chúng ta muốn được thăng thượng?