Tài liệu rò rỉ: Bắc Kinh đã thành lập liên minh công nghệ với Khối Liên Xô cũ
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng cường hợp tác công nghệ với các nước Đông Âu và Trung Á trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), theo các tài liệu chính phủ bị rò rỉ mà The Epoch Times có được gần đây từ một nguồn đáng tin cậy. Một nhà phân tích tin rằng đây là một nỗ lực nhằm chống lại những nỗ lực của phương Tây trong việc hạn chế chuyển giao tài sản trí tuệ cho Trung Quốc.
BRI là dự án chính sách đối ngoại của Bắc Kinh nhằm xây dựng ảnh hưởng chính trị thông qua đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các khu vực của châu Á, châu Âu, và châu Phi.
Một trong những tài liệu này cho thấy vào tháng 6/2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, Trung Cộng đã thành lập Liên minh Vành đai và Con đường về Khoa học và Công nghệ (BRAST), một cơ quan điều phối hợp tác công nghệ giữa Bắc Kinh và các nước tham gia BRI.
Vào ngày 28/11/2018, vụ hợp tác quốc tế của Bộ Khoa học và Công nghệ của Trung Cộng đã phát hành một thông báo cho biết họ đang hợp tác với các thành viên cũ của Khối Hiệp ước Vacsava (Warsaw) (còn được gọi là Tổ chức Hiệp ước Vacsava) để xây dựng một liên minh công nghệ quốc tế.
Khối Hiệp ước Vacsava được Liên Xô thành lập năm 1955 với vai trò là một đối trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đó là một liên minh quân sự giữa Liên Xô và bảy quốc gia cộng sản thuộc Khối Đông Âu: Albania (rút khỏi năm 1968), Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan, và Romania. Khối Hiệp ước này bị giải thể vào năm 1991.
Các quốc gia có tên trong tài liệu của Trung Quốc bao gồm Nga, Belarus, Ukraine, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova; và 16 quốc gia ở Trung và Đông Âu: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Slovenia, Croatia, Romania, Bulgaria, Serbia, Montenegro, Macedonia, Bosnia và Herzegovina, Albania, Estonia, Lithuania, và Latvia.
Tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia
Liên minh BRAST do Trung Quốc và Kazakhstan đồng khởi động vào năm 2018 theo thông cáo chung từ hội nghị thượng đỉnh bàn tròn BRI về hợp tác quốc tế. Điều đáng chú ý là BRAST hiếm khi được đề cập trong các báo cáo chính thức của Trung Quốc.
Điều lệ của tổ chức này quy định rằng các thành viên hội đồng được lựa chọn từ các quốc gia BRI và họ là các chuyên gia trong lĩnh vực của họ, bao gồm các nhà khoa học, viện sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp, cựu chính trị gia, và quan chức cấp cao.
Liên minh này bao gồm các bộ phận sau: (1) uỷ ban thành viên đoàn thể; (2) Hội đồng; (3) Ban Thư ký; (4) Ủy ban Chuyên môn; (5) Ủy ban Công nghiệp; (6) Vụ Tài chính; và (7) Vụ Pháp chế.
BRAST tập trung vào việc thiết lập các diễn đàn khoa học và công nghệ toàn cầu; ươm mầm tài năng và các ban cố vấn (think tank) cho các quốc gia thành viên; và thiết lập các dự án và phòng thí nghiệm quốc tế lớn, gồm cả R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các công nghệ quan trọng.
Tổ chức này đã hình thành quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp, trường đại học, và trung tâm nghiên cứu với các quốc gia nói trên.
BRAST do Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về cảnh sát nước này và Bộ Tư pháp Kazakhstan đồng quản lý. Nhóm lãnh đạo công việc BRI giám sát tổ chức này và đưa ra các quyết định cuối cùng.
Điều gì đằng sau BRAST?
Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei, ZTE, và Hikvision với lý do đe dọa an ninh quốc gia. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) vào tháng 6/2020 đã chính thức chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia, cấm các nhà cung cấp viễn thông Hoa Kỳ khai thác quỹ liên bang 8.3 tỷ USD để mua thiết bị từ các hãng này.
Cả hai công ty này đều có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Cộng và bộ máy quân sự của nó, ở chỗ họ “chịu sự điều chỉnh rộng rãi của luật pháp Trung Quốc buộc họ phải hợp tác với các cơ quan tình báo của nước này,” chủ tịch FCC Ajit Pai cho biết.
Vào tháng 10/2020, Tòa Bạch Ốc đã công bố báo cáo, “Chiến lược Quốc gia về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi,” xác định 20 lĩnh vực công nghệ là quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng, khoa học thông tin lượng tử, công nghệ truyền thông và mạng, chất bán dẫn, và công nghệ vũ trụ.
Một tháng sau, Trung Cộng đã công bố “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (cho các năm 2021–2025), trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Trung Quốc như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học thông tin lượng tử, mạch tích hợp, và công nghệ hàng không vũ trụ.
Các chương trình của hai quốc gia trùng lặp trong nhiều lĩnh vực.
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc đóng tại Hoa Kỳ, Li Linyi, lưu ý rằng các quốc gia có tên trong các tài liệu của chính phủ Trung Quốc đều là thành viên cũ của Khối Hiệp ước Vacsava. Vì hầu hết trong số họ là các nước cộng sản trước đây, nên ông tin rằng Trung Cộng đang nhắm mục tiêu vào họ để xây dựng hơn nữa các mối quan hệ chính trị và kinh tế – đặc biệt là do các hạn chế gần đây của Hoa Kỳ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.
Ông Li cho biết một “Khối Hiệp ước Vacsava” mới đã thành hình dưới danh nghĩa hợp tác công nghệ toàn cầu, qua đó Trung Cộng đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Frank Yue
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: