Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Nhật Bản kiên quyết về xả nước thải đã qua xử lý, Trung Quốc giữ lập trường ôn hòa
Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia, hôm 06/09, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tái khẳng định chính sách lâu dài của quốc gia ông về việc xả có kiểm soát nước thải phóng xạ đã qua xử lý.
Trong khi đó, cách nói chuyện của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) về vấn đề này đã nhẹ nhàng hơn, báo hiệu sự tan băng có thể xảy ra trong mối bang giao giữa hai nước.
Hôm 24/08, Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện Fukushima bị hư hỏng.
Sự thay đổi giọng điệu của Bắc Kinh về việc xả nước thải đã qua xử lý diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng lo ngại về các hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khiến các chuyên gia ủng hộ một cách tiếp cận ngoại giao theo định hướng chủ động hơn để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Kishida là nhà lãnh đạo thứ hai trình bày tại hội nghị thượng đỉnh này, sau Thủ tướng Indonesia Joko Widodo. Thảo luận về kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý ALPS của Nhật Bản, ông Kishida nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản về tính minh bạch, tính chặt chẽ về mặt khoa học, và sự hợp tác liên tục với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vẫn không thay đổi. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thông cảm và ủng hộ.
Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tân tiến (ALPS) là một quy trình nghiêm ngặt nhằm loại bỏ các chất phóng xạ khỏi nước bị ô nhiễm. Nhật Bản đã áp dụng quy trình gồm bốn giai đoạn — xử lý, đo lường, pha loãng, và xả thải — để lưu trữ và xử lý nước dự trữ của Fukushima.
Tại cuộc họp ASEAN+3 với sự góp mặt của Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn, ông Kishida đã làm rõ rằng việc xả nước đã qua xử lý ALPS ra biển phù hợp với các tiêu chuẩn và giao thức an toàn quốc tế. Ông trích dẫn một báo cáo toàn diện của IAEA công bố hồi tháng trước (08/2023), nói rằng tác động phóng xạ đối với con người và môi trường sẽ không đáng kể.
Mặc dù sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế ngày càng tăng, nhưng ông Kishida cho rằng Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập cảng thủy sản Nhật Bản. Ông kêu gọi Trung Quốc dựa vào bằng chứng khoa học và phổ biến thông tin chính xác.
Trong phần trình bày sau đó của mình, ông Lý vẫn giữ nguyên lập trường của Trung Quốc nhưng thay đổi cách dùng từ, xem nước thải là “bị ô nhiễm hạt nhân” thay vì sử dụng những cụm từ mang tính kích động hơn. Là quốc gia phê bình thẳng thắn nhất về kế hoạch xả nước hạt nhân đã qua xử lý của Nhật Bản, Trung Quốc trước đây gọi hành động này là “vô cùng ích kỷ và vô trách nhiệm” và cáo buộc Nhật Bản “đã chuyển một vết thương hở sang cho các thế hệ tương lai của nhân loại.”
Hôm 07/09, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng trình bày tại hội nghị thượng đỉnh, tán thành kế hoạch của Nhật Bản và cảnh báo không nên truyền bá thông tin sai lệch. Bình luận của bà củng cố lập trường của Hoa Thịnh Đốn chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến quan điểm giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol và các nhà lãnh đạo ASEAN khác không bình luận về vấn đề này tại cuộc họp.
Ông Kishida và ông Lý nói chuyện bên lề
Hôm 07/09, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno xác nhận trong một cuộc họp báo rằng ông Kishida đã có cuộc trao đổi ngắn gọn với thủ tướng Trung Quốc trước cuộc họp ASEAN+3. Trong cuộc gặp ngắn ngủi này, ông Kishida nhắc lại quan điểm của Nhật Bản về việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý một cách an toàn và kêu gọi Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảng thủy sản Nhật Bản.
Tuy ông Matsuno không tiết lộ chi tiết về phản ứng của ông Lý, nhưng ông nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục các chính sách giao tiếp cởi mở đã được thiết lập của nước này, đồng thời yêu cầu Trung Quốc hành động có trách nhiệm. Ông Matsuno cũng bày tỏ cam kết thúc đẩy tăng cường đối thoại về các mối quan tâm chung.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý trong một cuộc họp báo khác rằng trong quá trình trò chuyện với ông Kishida, ông Lý đã làm rõ lập trường của Trung Quốc về việc xả nước hạt nhân của Nhật Bản. Phát ngôn viên này bày tỏ hy vọng cải thiện mối bang giao Trung-Nhật, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 45 năm hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa hai nước sắp tới.
Tuy nhiên, biên bản chính thức của ông Lý không có những nhận xét này, khiến không rõ phát ngôn viên này đang bình luận một cách độc lập hay đang tóm tắt quan điểm của ông Lý. Hãng truyền thông Nhật Bản NHK suy đoán rằng đây là lời nói của ông Lý.
Trong hội nghị thượng đỉnh, ông Lý cũng nhấn mạnh vai trò của đối thoại trong việc xóa tan những hiểu lầm và xây dựng lòng tin — những bình luận này được đưa ra để nhắm vào các nước như Philippines, Việt Nam, và đặc biệt là Nhật Bản, những quốc gia ngày càng bất hòa với chế độ Trung Quốc.
Tâm lý bài Nhật dịu lại
Ở Trung Quốc, tâm lý bài Nhật đã giảm đi đáng kể. Gần đây, nhà chức trách đã can thiệp vào hai vụ việc: các thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc bị bắt giữ và cảnh cáo vì biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản, và một nhà hàng ở Đại Liên nhận được lệnh phải dỡ bỏ tấm biển cấm khách Nhật Bản.
Bình luận về những diễn biến này, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc kiêm người dẫn chương trình “Foresight,” cho biết trong chương trình hôm 07/09 rằng Nhật Bản dường như đang chuyển từ thế phòng thủ sang lập trường ngoại giao quyết đoán hơn trong khi ĐCSTQ dường như đang tiết chế cách tiếp cận của mình.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng Tokyo cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong việc đối phó với lệnh cấm của Bắc Kinh đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản.
Trong bài viết của mình cho chuyên mục trên Sankei News, ông Masahiko Hosokawa, một giáo sư tại Đại học Meisei, đã đưa ra những hiểu biết sâu sắc của mình về những nỗ lực ngoại giao của Tokyo. Mặc dù đồng ý rằng việc [Nhật Bản] cung cấp bằng chứng khoa học nhằm khiến Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm của mình cũng rất quan trọng, nhưng ông đặt câu hỏi liệu các biện pháp đó có đủ hay không. Ông Hosokawa đề nghị rằng việc hiểu rõ động cơ đằng sau hành động của ĐCSTQ là rất quan trọng trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Theo ông Hosokawa, lệnh cấm của ĐCSTQ thiên về cưỡng ép kinh tế hơn là lo ngại về môi trường. Ông chỉ ra những biện pháp hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất cảng chất bán dẫn sang Trung Quốc có thể là nguyên nhân, cho thấy vấn đề xả nước đã qua xử lý đang được vũ khí hóa như một lợi thế ngoại giao. Ông Hosokawa cảnh báo rằng phản ứng thụ động từ Tokyo có thể dẫn đến việc Bắc Kinh có thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế trong các lĩnh vực khác.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times