Tách cà phê tường
Tay này ăn mặc nhếch nhác, lệch lạc so với đẳng cấp bảnh bao của quán. Ngó mặt là biết dân khố rách áo ôm rồi. Anh ta tỉnh bơ kiếm ghế ngồi, ngó lên tường, rồi gọi “Cho tách cà phê tường”. Anh bồi, theo thói quen, đon đả phục vụ cà phê cho khách.
Tôi và người bạn ngồi nhâm nhi cà phê trong quán cà phê nổi tiếng ở một thị trấn nhỏ, sát bên thành phố Venice, kinh đô của ánh sáng và sông nước.
Một người khách vào quán, ngồi vào bàn bên cạnh và gọi: “Cho 2 cà phê, một bàn, một tường nghe”. Gọi cà phê kiểu này hơi lạ, nên để ý và thấy anh bồi chỉ mang ra một tách cà phê, nhưng lúc tính tiền lại trả hai tách. Khi khách rời quán, anh bồi dán lên tường mảnh giấy nhỏ, ghi “Một tách cà phê”.
Lát sau, hai người khách khác vào quán, gọi ba tách cà phê, hai bàn và một tường. Hai tách cà phê mang ra, nhưng khi tính tiền lại trả ba tách. Anh bồi lại dán thêm mảnh giấy nhỏ lên tường, “Một tách cà phê”.
Coi bộ uống một trả hai, uống hai trả ba lại rất bình thường ở đây thì phải. Chơi kiểu gì mà độc chiêu thế, làm tụi tôi cũng thấy khó xử (chẳng lẽ phải chơi theo?). Mà thôi, mặc kệ, chẳng mắc mớ gì nhau. Uống xong, tụi tôi tính tiền rồi đi.
Vài hôm sau quay lại quán cũ nhâm nhi cà phê, chúng tôi lại gặp một người khách bước vào quán. Tay này ăn mặc nhếch nhác, lệch lạc so với đẳng cấp bảnh bao của quán. Ngó mặt là biết dân khố rách áo ôm rồi. Anh ta kéo ghế ngồi, ngó lên tường, rồi gọi ”Cho tách cà phê tường”. Anh bồi, theo thói quen, đon đả ân cần phục vụ cà phê khách. Uống xong, anh chàng bỏ đi, chẳng tính tiền tính bạc gì cả. Còn anh bồi đến bên tường, gỡ mảnh giấy nhỏ, vứt vào sọt rác.
Thế là rõ! Cách cư xử rất trọng thị với những kẻ khố rách áo ôm của người dân thị trấn nhỏ bé này làm chúng tôi xúc động.
Cà phê đâu phải thứ gì bức thiết đối với xã hội hay con người đâu. Nếu chúng ta may mắn thưởng thức được một thứ gì đó mà mình thích, có lẽ cũng nên nghĩ tới người khác một chút, những người cũng muốn những thứ như ta thích, nhưng họ lại kẹt tiền.
Nhưng cách ứng xử của anh bồi với nụ cười mới là kiểu chơi đẹp, đó là một kết nối giữa kẻ có tiền và người kẹt tiền.
Ngẫm thử coi, tay khố rách áo ôm đó muốn uống cà phê, bước vào quán đâu cần phải hạ mình xin xỏ ai để có tách cà phê đâu, cũng chẳng cần biết người nào tặng mình tách cà phê, chỉ cần nhìn lên tường, gọi cà phê, thưởng thức, rồi đi.
Bức tường đã nói lên sự hào phóng và ân cần của người dân thị trấn nhỏ bé này.
Bài viết được đăng lại với sự cho phép của tác giả.
Ông Vũ Thế Thành chuyên về lĩnh vực Hóa học và quản trị chất lượng. Ông là tác giả của sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ” (2016), tạp bút “Những thằng già nhớ mẹ” (2013) và chủ blog https://vuthethanh.com
Vũ Thế Thành (dịch từ ”Coffee on the wall”)
Xem thêm: