Tác hại của rượu bia đối với thanh thiếu niên
Rượu bia được coi là chất kích thích gây nghiện. Với đầu não còn non nớt, trẻ vị thành niên dễ bị cám dỗ và phải trả giá đắt cho hành vi uống rượu bia của mình.
Dưới triều nhà Trần, vua Anh Tông từng suýt bị phế truất do say rượu. Dưới thời Nguyễn, các học giả phương Tây tiếp xúc với vua Gia Long cũng khẳng định ông ghét uống rượu. Theo bộ sử của triều Nguyễn Đại Nam thực lục, nhà vua còn ban lệnh cấm rượu trong quân xử trảm nếu vi phạm, cả quan lẫn lính cũng đều bị phạt nặng nếu uống rượu.
Luật ngày nay cũng cấm người chưa đủ 21 tuổi uống rượu bia và nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu bia cho người chưa đủ 21 tuổi.
Hành động thử uống rượu khiến trẻ vị thành niên dễ bị sa đà vào rượu bia mà không lường hết được hậu họa. Rượu bia dẫn lối đến những tệ nạn xã hội khác, thân thể dần dần trở nên tàn tạ.
Người ta thấy rằng não bộ người vẫn đang phát triển cho đến cả những năm 20 tuổi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra giai đoạn thanh thiếu niên cũng là lúc não bộ non yếu và dễ chịu tổn thương. Uống rượu ở độ tuổi này sẽ tác động đến sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến cả cấu trúc cũng như chức năng não.
Đối với sinh viên, nghiên cứu cho thấy 25% sinh viên Hoa Kỳ có báo cáo bỏ tiết học, tụt lại sau, kết quả kém, điểm thấp. Người ta cũng nhận thấy thanh thiếu niên uống rượu có nguy cơ teo một số bộ phận nhất định của não.
Hệ thần kinh của người chưa trưởng thành có đặc điểm là còn non yếu, dễ mất kiếm soát. Hệ quả là thanh thiếu niên khi say rượu rất dễ bị tai nạn giao thông, chết đuối, ngã, hay các hành vi bạo lực. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy uống rượu bia là một yếu tố liên quan trong cái chết của 4,358 thanh thiếu niên dưới 21 tuổi, trong đó có hơn 1,500 người chết do tai nạn giao thông, hơn 1,200 người bị giết, 245 người do ngộ độc rượu, ngã, chết cháy, chết đuối, còn lại là do tự tử.
Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nếu bắt đầu uống rượu bia từ trước tuổi 15, thì về sau một người có thể phát sinh các vấn đề về sức khỏe cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Những hậu quả đó là: khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, nguy cơ có hành vi bạo lực cao gấp 6 lần, nguy cơ gây tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần, gây chấn thương cao gấp gần 5 lần.
Rượu nhìn chung gây hại ở mọi lứa tuổi. Rượu làm tăng nguy cơ dẫn đến bảy loại ung thư: ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư miệng, ung thư gan, ung thư thực quản. Rượu gây nên các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, xơ gan, các vấn đề về tiêu hóa.
Tại Việt Nam, thống kê về thực trạng uống rượu ở thanh thiếu niên cho thấy những con số đáng báo động. Một nghiên cứu năm 2013 đối với riêng nhóm tuổi 13-17, là lứa tuổi đang đi học, cho thấy có tới 33% học sinh nam và 18% học sinh nữ đã từng uống ít nhất một đơn vị cồn (unit of alcohol) trong 30 ngày. Trong số đó có 49% học sinh nam và 38% nữ uống ly đầu tiên khi chưa đến 14 tuổi, 31% học sinh nam và 15% học sinh nữ đã từng uống đến mức say ít nhất một lần.
Các con số thống kê đang khiến người ta phải giật mình. Luật định đã được ban hành, nhưng yếu tố quan trọng hơn cả vẫn là ở bản thân thanh thiếu niên và đặc biệt là các bậc phụ huynh. Trong khi vô vàn cám dỗ đang rình rập trẻ em thì vai trò của các bậc phụ huynh càng trở nên quan trọng.
Trọng Nguyên