Tác giả cuốn ‘Red Roulette’: Người biểu tình Hồng Kông truyền cảm hứng xuất bản cuốn hồi ký này
Tác giả cuốn ‘Red Roulette’: Người biểu tình Hồng Kông truyền cảm hứng xuất bản cuốn hồi ký này
Mary Hong
Phiên bản Hoa ngữ của cuốn sách bán chạy nhất “Red Roulette” (tạm dịch: “Canh Bạc Đỏ”) cuối cùng đã ra mắt tại Đài Loan. Với phụ đề là “Câu Chuyện của Người Trong Cuộc về Sự Giàu Có, Quyền Lực, Tham Nhũng và Báo Thù ở Trung Quốc Ngày Nay,” tác giả của cuốn sách này, ông Thẩm Đống (Desmond Shum), cho biết cuốn sách kể về “câu chuyện mà giới quyền lực rất không muốn quý vị nghe được.”
Được phong trào chống dẫn độ của Hồng Kông giúp ông có thêm can đảm để chia sẻ các tác phẩm của mình, tác giả này đã trình bày tại buổi ra mắt cuốn sách về quyết định xuất bản cuốn hồi ký bằng tiếng Anh và về việc Đài Loan nên được trân trọng như thế nào khi nơi đây là mảnh đất cuối cùng cho người dân Trung Quốc xét về các phương diện văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, và địa chính trị.
Từng là một thành viên của ban cố vấn chính trị Trung Quốc, CPPCC (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc), ông Thẩm cho biết ông đã viết cuốn hồi ký này dành cho con trai mình, một cậu bé có mẹ bị mất tích dưới bàn tay chính quyền Cộng sản khi cậu mới 8 tuổi.
Dấn thân vào thách thức
Tại sự kiện ra mắt sách hôm 12/03, ông Thẩm đã kể về hành trình tinh thần của ông khi viết cuốn sách, và chuyện người vợ của ông đã bất ngờ liên lạc với ông như thế nào khi ông xuất bản cuốn sách này, cũng như nguyên nhân tại sao ông lại chọn Đài Bắc để xuất bản ấn bản Hoa ngữ.
Ông Thẩm cho biết ban đầu cuốn hồi ký này được viết cho con trai ông, và ông đã không có ý định xuất bản. Ông nói, “Bởi vì người mẹ là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc đời của một cậu bé, nên tôi phải thành thật với cháu.”
Trong nhiều năm, hai vợ chồng ông đã qua lại với giới tinh anh quyền lực và giàu có của Trung Quốc, và họ cũng nổi tiếng nhờ hoạt động từ thiện. Nhưng khi người vợ tỷ phú Trung Quốc của ông Thẩm, bà Đoàn Vĩ Hồng (Duan Weihong), hay Whitney Đoàn, mất tung tích hồi năm 2017 vì tham gia vào cuộc đấu đá chính trị của Đảng, thì không ai dám giúp đỡ ông Thẩm cố gắng tìm ra nơi ở của vợ ông nữa.
Trong hai năm, ông không thể tìm thấy vợ mình. Ông kể rằng cuộc tìm kiếm thất vọng của mình — cùng với các cuộc biểu tình chống dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019 — đã khiến ông tỉnh ngộ. “Sự hy sinh của những thanh niên Hồng Kông đã khuyến khích tôi,” ông nói khi giải thích rằng sự kiện cảnh sát Hồng Kông đàn áp những người biểu tình trẻ tuổi của thành phố đã dẫn đến việc ông đưa ra quyết định chia sẻ cuốn hồi ký của mình với thế giới như thế nào.
Hồi ức của một người trong cuộc
Ông Thẩm Đống được sinh ra ở Thượng Hải và cùng cha mẹ chuyển đến Hồng Kông hồi năm 1978. Ông có bằng cử nhân kế toán và tài chính của Đại học Wisconsin-Madison, đồng thời tốt nghiệp một chương trình liên kết EMBA của Đại học Northwestern và Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.
Cuộc hôn nhân của ông với bà Đoàn — người rất giỏi trong việc tạo mối quan hệ với giới thượng lưu Bắc Kinh — cũng là một mối quan hệ đối tác trong làm ăn kinh doanh và giúp hai vợ chồng này thành công khi phát triển ở lĩnh vực địa ốc. Dần dần, các mối quan hệ cá nhân và kinh doanh của bà đã đưa bà Đoàn trở thành một trong những phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc. Chẳng hạn như, bà đã thân thiết với phu nhân của ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003 đến năm 2013. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng được cho là nguyên nhân khiến bà mất tích hồi năm 2017 trong các cuộc đấu đá chính trị nội bộ của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Thẩm kể lại rằng, khi sự kiểm soát của Đảng đối với các doanh nghiệp tư nhân ngày càng thắt chặt hơn kiến hai vợ chồng ông chia cắt, ông muốn rời khỏi môi trường nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp vào các quyết định kinh doanh của họ, nhưng vợ ông muốn ở lại. Họ đã ly hôn, và ông đã đến Anh quốc cùng đứa con trai của hai người.
Cuốn sách này tiết lộ làm thế nào trong thời gian bên nhau, đôi vợ chồng này đã tiến nhập được vào nhóm các cán bộ đảng cộng sản thông qua các mối quan hệ với giới tinh anh tham nhũng và đại gia tộc của họ, trong đó có cả ông Tập Cận Bình, cựu chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng của Tập là ông Vương Kỳ Sơn, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân, và những thuộc hạ của ông Giang như Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), và Bạc Hy Lai (Bo Xilai).
Cả ông Thẩm lẫn vợ mình đều đã cùng nhau tận mắt chứng kiến cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu tham nhũng ở Trung Quốc, và cách mà giới thượng lưu đó chiếm đoạt tài sản công một cách có hệ thống thông qua thông tin nội bộ và sự thuận tiện của quy định.
Đối đầu với nắm đấm sắt
Khi cuốn sách của ông Thẩm được xuất bản lần đầu hồi năm 2021, người vợ cũ của ông đã bất ngờ liên lạc với ông — sau bốn năm im lặng. Cuộc gọi mà bà gọi cho ông rõ ràng là một hành động “được chỉ dẫn”, ông cho biết, “cầu xin tôi đừng xuất bản cuốn sách.”
Ông Thẩm cho hay ông đang cân nhắc đến việc thuê một vệ sĩ, nhưng đã từ bỏ ý định đó. Tại buổi ra mắt sách nói trên, ông giải thích rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không muốn cho quý vị sống, thì không ai có thể giúp quý vị.
Ông cho biết bản thân đã trải qua nhiều khó khăn khi cố gắng xuất bản ấn bản Hoa ngữ này.
Theo ông Thẩm, lẽ ra ấn bản Hoa ngữ đã được xuất bản hồi tháng Hai năm ngoái (2022), nhưng nhà xuất bản Far East Group có trụ sở tại Đài Loan đã bỏ cuộc vì áp lực chính trị từ ĐCSTQ. Ông nói, một nhà xuất bản khác có trụ sở tại Đài Loan, Business Today, sau đó đã dũng cảm chấp nhận.
ĐCSTQ đã áp một loạt các khoản phạt tiền lớn đối với các doanh nghiệp dệt may và xi măng của Tập đoàn Viễn Đông của Đài Loan tại Trung Quốc để gây áp lực lên tập đoàn này. Theo báo cáo, hồi năm 2021, số tiền phạt đã tăng lên tới 474 triệu nhân dân tệ (68.67 triệu USD), với việc ĐCSTQ tuyên bố tập đoàn này có liên quan đến việc vi phạm luật pháp và quy định địa phương, đồng thời tài trợ cho các tổ chức “Đài Loan Độc lập.”
Về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan và các doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Loan, ông Thẩm nói rằng nhiều người sẽ không thức tỉnh cho đến khi họ “hứng quả đấm sắt của ĐCSTQ.”
Ông nhấn mạnh rằng “Đài Loan là nơi duy nhất trong khu vực nói tiếng Hoa có thể xuất bản những cuốn sách không được ĐCSTQ chấp thuận. Các thế mạnh về văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, và địa chính trị của Đài Loan đã giành được quyền phát ngôn trên thế giới.”
Ông Thẩm đã khuyến khích người dân Đài Loan đứng lên chống lại ĐCSTQ, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận nhiều nguồn tài chính cao cấp hơn từ khắp nơi trên thế giới. Ông nói rằng các chính sách của ông Tập Cận Bình đã làm cạn kiệt niềm tin của thị trường Trung Quốc và cảm thấy bi quan về nền kinh tế Trung Quốc.
Ông nói, thế giới này đang phản đối việc đầu tư của Trung Quốc, và của cải ở Trung Quốc đang bị chuyển ra khỏi đất nước này.
Bản tin có sự đóng góp của Zhong Yuan
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times