Sức mạnh của người Sparta
Nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân bền vững
Người Sparta: Không có cái tên nào biểu thị cho một chiến binh hung tợn, quyết tâm, và kỷ luật hơn danh hiệu này.
Tuy nhiên, cách thức mà Sparta, một thành trì nhỏ hay một thành bang ở Hy Lạp cổ đại, bắt đầu nuôi dưỡng các chiến binh này không phải bằng chiến tranh mà bằng cấu trúc xã hội. [Nhưng] mặt khác, xã hội này cũng có nhiều vấn đề sâu sắc, những vấn đề dường như đã tác động trực tiếp đến sự suy tàn cuối cùng của nó. Do đó, phần lớn quá trình đào tạo của người Sparta không nên được noi theo.
Tuy nhiên, cũng có nhiều điều để học hỏi từ người Sparta, bởi vì xét về sức mạnh, họ là những chiến binh bất khả chiến bại. Suốt hàng trăm năm, kéo dài từ thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, người Sparta đã đan kết vào nhau thành một tấm vải gồm nhiều mối quan hệ xã hội có chủ ý nhất từng được nghĩ ra.
Nền tảng của chủ ý này thật khôn ngoan và đơn giản. Đơn giản vì nó dựa trên một số trải nghiệm cơ bản trong cuộc sống của con người như: học tập, ăn uống, và chiến đấu. Khôn ngoan là nhờ khả năng khai thác những kinh nghiệm này kéo dài suốt cuộc đời của họ: những người đàn ông Sparta học ở nhóm này, ăn ở nhóm khác, chiến đấu ở nhóm khác nữa, và gắn bó với những người đàn ông cao niên đặc biệt đóng vai trò như người cố vấn.
Sparta: Chế độ toàn trị thời cổ đại?
Một số người có thể cho rằng xã hội Sparta giống với các nhà nước toàn trị thời hiện đại. Ở một khía cạnh nào đó, điều này là đúng. Đầu tiên, động lực cho tổ chức xã hội của họ là sự đàn áp khắp nơi đối với những dân tộc mà họ đã chinh phục trước đây: những người nô lệ (helots). Những người nô lệ này chiếm số lượng áp đảo, lên tới 10 trên 1 so với người Sparta, và họ đảm nhiệm phần lớn công việc trồng trọt ở thành bang cổ đại này
Vì vậy, người Sparta rất lo sợ về một cuộc nổi dậy của nô lệ; phản ứng của họ trước nỗi lo sợ này là tăng cường mối quan hệ giữa hai bên. Do đó, xã hội Sparta có nét tương đồng với các nhà nước toàn trị thời hiện đại là ở chỗ, nó được thúc đẩy để kiểm soát và hạn chế quyền tự do của người khác.
Tuy nhiên, còn nhiều điều hơn thế. Người Sparta không bao giờ nhắm mục tiêu loại bỏ các thể chế phi nhà nước như gia đình, trong khi đó nước Nga Xô Viết cộng sản đã làm điều này khi lên nắm quyền vào năm 1917. Dù người Sparta phụ thuộc các khía cạnh nhất định về gia đình vì sự tồn vong của thành bang này, nhưng họ vẫn có một ý thức chung lành mạnh và không mong muốn thay đổi bản chất con người.
Cuối cùng, khi xã hội Sparta bị thúc đẩy để duy trì quyền lực của mình, thì tổ chức xã hội của họ vẫn dựa trên việc củng cố những mối liên kết tự nhiên nhất định giữa con người với nhau. Khác xa với xu hướng của các quốc gia hiện đại là làm suy yếu các mối quan hệ giữa con người, đồng thời thay thế mối quan hệ với chính thể chế đó bằng mối quan hệ ổn định và trực tiếp duy nhất đối với các công dân của mình, mà sự kết nối giữa các cá nhân con người là rất cần thiết cho sự hội nhập xã hội của người Sparta.
Trên thực tế, người Sparta trung thành với đất nước Sparta không phải vì những tuyên bố khách quan của nhà nước hay sự tuyên truyền của trường học, mà vì họ hiểu và biết rõ những cá nhân mà họ cùng ăn, cùng học, và cùng phụng sự.
Mặc dù, người ta vẫn có thể trả lời rằng nhà nước buộc phải có những mối quan hệ xã hội này, nhưng quan điểm đó không thể vượt quá giới hạn. Chẳng hạn, không có một quốc gia hiện đại nào có số lượng công dân ít như Sparta trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Xét về nam giới trưởng thành, thì dân số này chưa từng vượt quá 10,000 người. Theo một ý nghĩa nào đó thì đất nước Sparta giống như một thị trấn nhỏ hơn — nơi mà mọi người đều quen biết nhau.
Và việc nghiên cứu người Sparta theo hướng này có thể mang lại lợi ích lớn nhất cho chúng ta. Chúng ta có thể xây dựng lòng trung thành sâu sắc hơn trong cộng đồng, nhà thờ, và các hiệp hội thiện nguyện khác bằng việc khuyến khích tình bằng hữu sâu sắc trong các nhóm nhỏ hơn.
Học tập cùng nhau
Tất cả chúng ta đều hiểu cảm giác đồng cảm đặc biệt với những người ở cùng độ tuổi. Những người mà có sự tương đồng với chúng ta về nhiều cơ hội và khó khăn, dù là từ sự phấn khích khi có được tấm bằng lái xe đầu tiên cho đến [cảm giác] quen thuộc do chứng đau nhức đầu gối mang lại. Người Sparta chỉ đơn giản là lấy cảm giác đồng cảm này và cố ý tăng cường nó.
Bắt đầu từ năm 7 tuổi, một cậu bé Sparta sẽ rời nhà cha mẹ để đến sống với những cậu bé cùng tuổi. Những cậu bé này sẽ là bạn đồng hành thường xuyên của cậu trong khoảng 22 năm tiếp theo. Họ được giáo dục cùng nhau, được dạy cách chiến đấu cùng nhau, và sống cùng nhau. Người ta có thể kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về sự thiếu thốn và kỷ luật khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng. Nhưng yếu tố then chốt ở đây là họ đã cùng nhau chịu đựng điều đó.
Khoảng năm 12 tuổi, một cậu bé Sparta sẽ được giao cho một người cố vấn (mentor), một người đàn ông Sparta lớn tuổi hơn. Khi các học giả đang tranh luận rằng, liệu mối quan hệ này có liên quan đến yếu tố tình dục không, thì có hai khía cạnh của mối quan hệ này không được thảo luận, và rõ ràng là rất cần thiết, đó là: sự hướng dẫn thực sự trong cuộc sống và đạo đức, cũng như việc làm quen với trí tuệ của những người cao niên.
Ăn cùng nhau
Một cách khác để gắn kết người Sparta lại với nhau là bữa ăn chung (syssition), hay sảnh ăn chung (common mess hall). Ở đây, trái ngược với các tầng lớp được phân công theo độ tuổi, nam giới từ 20 đến 70 tuổi sẽ tụ họp ăn uống cùng nhau. Một bữa ăn chung sẽ mang đến khoảng thời gian cười đùa, tranh luận, và kể những câu chuyện khó tin. Và dù trên thực tế không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng ý tưởng là người Sparta sẽ ở trong một sảnh ăn được chỉ định cho đến khi anh ta qua đời hoặc trở nên quá yếu để có thể tham gia.
Chiến đấu cùng nhau
Khoảng năm 20 tuổi, người Sparta đã sẵn sàng tham chiến. Ở đây có thể thấy, kế hoạch của người Sparta có tính chất lâu dài; đội gia nhập là đội mà người ta sẽ trụ lại cho đến khi cái chết hoặc tuổi già can thiệp.
Vậy tại sao người Sparta lại là những chiến binh giỏi đến vậy? Họ không đấu tranh vì đất nước hay lối sống của mình, hoặc vì một tuyên truyền bâng quơ của nhà nước. Mặc dù chúng ta có thể nói rằng, họ chiến đấu vì Sparta, nhưng Sparta không chỉ là một lý tưởng trừu tượng đơn thuần. Trải nghiệm của họ về Sparta gồm cả những mối quan hệ bền vững, lâu dài, và mãnh liệt với những người Sparta khác.
Họ chiến đấu cho đất nước này là vì họ đang chiến đấu cho những cá nhân mà họ đã cùng lớn lên, cùng học tập, cùng ăn, và cùng kề vai sát cánh chiến đấu. Không phải vì lòng căm hận kẻ thù, chính tình yêu thương huynh đệ đã thôi thúc những chiến binh can trường nhất mà thế giới từng chứng kiến.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times