Sức mạnh của ngôn từ
Những gì chúng ta nói hoặc viết có thể thắp sáng hoặc phá hỏng một ngày.
Cách đây đã lâu, khi tôi còn là một cậu bé, tôi có xem một quảng cáo trên truyền hình về Anacin. Nó vẫn in đậm trong tâm trí tôi suốt những năm qua. Một người mẹ và cô con gái lớn đang nấu ăn trong nhà bếp. Người mẹ tự hỏi liệu có cần thêm muối vào súp không, và cô con gái gắt lên: “Mẹ, làm ơn đi! Con thà tự mình làm việc này còn hơn.” Sau đó, một giọng nói nhẹ nhàng và trầm lắng vang lên: “Hãy kiểm soát bản thân mình. Chắc chắn bạn đang thấy đau đầu. Bạn căng thẳng. Dễ cáu bẳn. Nhưng đừng vì thế mà trút lên đầu bà ấy.”
Có lẽ, lý do khiến quảng cáo đó vẫn tồn tại trong trong đầu tôi là vì nó liên quan đến sức mạnh của ngôn từ.
Sức mạnh, cảm hứng và tình yêu
Ngôn từ có thể thắp sáng hoặc phá hỏng một ngày của chúng ta. Dù được viết hay nói ra, nó có thể giúp những người đang nản lòng phấn chấn lên, những người bị hoàn cảnh và sự thất bại đánh gục, và những người thấy lời khen ngợi hiếm hoi như một trận bão tuyết vào tháng Bảy. Nếu chúng ta bị những cảm xúc bực bội trói buộc thì những lời động viên có thể trở thành ngọn nến xua tan bóng tối, mở ra cánh cửa và dẫn lối cho chúng ta đến nơi ánh sáng mặt trời. Chỉ một câu đơn giản “Làm tốt lắm!” của một vị sếp ít nói cũng có thể khiến người trợ lý đi trên mây suốt cả ngày.
Nhiều huấn luyện viên, giáo viên, diễn giả truyền cảm hứng và những người khác sử dụng ngôn từ để thu hút người nghe, thấm nhuần trong trái tim họ niềm tự hào và lòng dũng cảm, thách thức họ và hướng họ đến những thành tựu lớn lao hơn. Cậu bé 14 tuổi được giáo viên khen ngợi về bài luận lịch sử của mình sẽ thấy bản thân cần nỗ lực để xuất sắc hơn nữa. Trong bộ phim “Henry V” của Kenneth Branagh, khi chúng ta nghe bài diễn thuyết của nhà vua trước trận chiến Agincourt, một số người trong chúng ta có thể thấy mình sẵn sàng nâng khiên lên, giương cao thanh kiếm và xông ra trận mạc như bất kỳ một hiệp sĩ Anh nào.
Lời nói cũng là khởi nguồn cho tình yêu và sự lãng mạn. Rất ít người trong chúng ta có thể viết hay như William Shakespeare hay Elizabeth Barrett Browning, nhưng niềm đam mê có thể biến ngay cả một người thợ mộc cục mịch hay một nhân viên pha cà phê nhút nhát thành những nhà thơ dân dã. Họ viết ra những câu thơ bình dị hay những bức thư tình với nhịp điệu lóng ngóng và ý tứ vụng về nhưng lại được người mình yêu trân quý.
Một nông dân chăn nuôi bò sữa ở Pennsylvania mà tôi quen biết thường dậy trước bình minh để vắt sữa bò. Trong bếp, anh ta thường để lại những nhắn nhủ nho nhỏ cho vợ. Một buổi sáng, anh viết vài dòng cho cô rằng anh yêu cô biết nhường nào. Khi anh trở về muộn từ chuồng bò, cô đi đến và thấy anh gục xuống vì một cơn đau tim. Anh ta đã không bao giờ tỉnh lại. Người phụ nữ đã mất chồng, nhưng cô ấy vẫn giữ bức thư giản dị của chồng cho đến khi qua đời 20 năm sau đó.
Vào đúng thời điểm, chỉ cần một câu nói ngắn gọn “Anh yêu em, em biết không” cũng có thể làm lóe lên trong tim ta thứ ánh sáng như tia chớp giữa bầu trời mây đen vần vũ.
Mặt trái của vấn đề
Điều gì đưa chúng ta đến mặt tối của ngôn ngữ.
Ngôn từ có thể chữa lành, nâng cao tinh thần của chúng ta, nói với chúng ta về cảm xúc và tình yêu, nhưng chúng cũng có sức mạnh chia cắt chúng ta và để lại vết thương lòng. Chúng ta có thể tha thứ cho lời phán xét tàn nhẫn của một người bạn, một người chủ hay một người thân, nhưng để quên đi những lời nói đó là một vấn đề hoàn toàn khác. Chẳng hạn: Khi tôi còn học lớp bảy ở một trường quân sự, là một thiếu sinh quân mới đến từ một vùng đất cách nơi đây 200 dặm (khoảng 322 km), tôi đã hỏi một cậu bạn học lớp tám liệu tôi có thể mượn một cây bút chì.
Cậu ấy nói: “Minick, tôi sẽ không cho một tên phiền phức như cậu mượn đồ.” Từ lâu tôi đã quên tên của thiếu sinh quân đó và cũng không hiểu tại sao cậu ta lại khinh thường tôi, nhưng sự xua đuổi và vẻ dè bỉu trên khuôn mặt cậu ta vẫn sống động trong tôi như ngày nào.
Khi một đứa trẻ mới biết đi trong giai đoạn khủng hoảng hét lên “Con ghét mẹ!” thì người mẹ có thể sẽ quên đi khoảnh khắc đó. Nhưng với người mẹ có đứa con 16 tuổi hét lên những lời tương tự, khoảnh khắc ấy có thể mãi in sâu trong ký ức của bà. Tiếng thét với ba âm tiết đơn giản đó sẽ vẫn là vết thương trong tim bà khi bà còn sống. (Một sự an ủi dành cho những bà mẹ có đứa con khó bảo trong độ tuổi này là: Kỳ lạ là đứa trẻ nào hờn trách bạn sẽ khóc trong đám tang của bạn).
Những ngôn từ giấu mặt
Ngày nay, cơ hội để làm tổn thương người khác bằng ngôn từ đã tăng lên đáng kể. Với công nghệ, chúng ta có thể làm bẽ mặt một người lạ cách xa hàng ngàn dặm khi giấu danh tính bằng một bút danh, chúng ta có thể chấm dứt một mối quan hệ với một dòng chữ ngắn ngủn và ác ý, và chúng ta có thể lăng mạ những quan điểm chính trị khác với chúng ta mà không lo sợ hậu quả.
Khi không phải gặp mặt trực tiếp, thậm chí không phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình, một số người buông lời xúc phạm và phản đối một cách tục tĩu, hoàn toàn gạt bỏ cách cư xử đàng hoàng, lịch thiệp sang một bên và say sưa bắt nạt người khác.
Và cũng chính bởi công nghệ đó, những gì chúng ta viết ra quay trở lại ám ảnh chúng ta. Cậu thanh niên mới lớn ở tuổi 15 đã viết điều gì đó ngu ngốc trên mạng về chủng tộc hoặc tình dục, một nữ diễn viên 30 tuổi đã gửi một tin nhắn riêng tư về một đạo diễn mà cô ấy xem thường 10 năm trước, một chính trị gia đã tweet một nhận xét sau đó bị những kẻ tấn công mạng bóp méo thành những suy nghĩ mà ông không hề có ý như vậy: Họ và những người khác sẽ cảm thấy bản thân mình choáng váng và xấu hổ giữa tâm bão của dư luận.
Hầu hết chúng ta đều đã nghe câu Thánh ca xưa từ thời thơ ấu:
“Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi,
Nhưng lời nói sẽ không bao giờ làm tổn thương tôi.”
Ngay từ khi tôi còn nhỏ, bài học từ sân vui chơi này không có ý nghĩa gì lắm đối với tôi. Thay vì không bao giờ làm tổn thương tôi, lời nói lại có sức mạnh của một cây thuốc nổ, và vụ nổ có thể gây sát thương cho tôi hơn nhiều so với gậy và đá. Tôi đã lãng quên từ lâu những cơn đau nhức và những vết thương thể xác thời thơ ấu, như những vết bầm tím từ sân bóng đá sau trường, những vết cắt và vết loét trong “trận chiến bùn đất”, vết trầy xước trên đầu gối khi đạp xe hay các ngón tay bị kẹt khi chơi bóng chày, nhưng những vết thương do lời nói gây ra vẫn còn tồn tại. Để nghe có lý hơn, ít nhất là đối với tôi, bài Thánh ca đó nên thay bằng:
“Gậy và đá có thể làm gãy xương tôi,
Nhưng lời nói… lời nói có thể làm tan nát trái tim tôi.”
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt. Trong 20 năm, ông giảng dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh trong các cuộc thảo luận của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Ngày nay, ông sống và viết bài cho Front Royal, Va. Truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: