Sự trở lại của chính sách trợ cấp doanh nghiệp
Không ai chú ý nhiều, nhưng Hoa Thịnh Đốn đang xây dựng một tầng lớp nhận trợ cấp mới vô cùng lớn trị giá hàng ngàn tỷ USD: họ là giới doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Ẩn sâu bên trong ngân sách của Tổng thống (TT) Joe Biden là hàng trăm tỷ USD dành để cho vay, tài trợ và bảo lãnh nợ vay cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Viện trợ cho các ‘Tập đoàn Bị Lệ thuộc’ này phổ biến nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Mặc dù hơn 100 tỷ USD ĐÃ được rót cho các công ty năng lượng mặt trời và gió, trong 30 năm qua kế hoạch Biden có lẽ đã làm giàu thêm cho các nhà đầu tư rất giàu có của các nhà máy năng lượng mặt trời và nhà máy điện bằng sức gió với từ 100 đến 200 tỷ USD khác trong kế hoạch năng lượng xanh của tổng thống.
Trong hơn chục năm qua, chúng ta vẫn luôn nghe thấy rằng ngành công nghiệp [sức] gió và năng lượng mặt trời đang trở nên rẻ hơn và hiệu quả hơn như thế nào, nhưng các khoản trợ cấp thì vẫn ngày càng tốn kém và kéo dài. Vậy hãy giải thích điều đó!
Sau đó, có một khoản khác trị giá hàng chục tỷ USD từ tiền thuế được dành cho các công ty như Tesla và Ford để họ có thể sản xuất xe hơi điện. Chính phủ cũng sẽ chi hàng tỷ USD cho các trạm sạc điện đường bộ. Chờ một chút! Tôi không nhớ Chú Sam đã phải trả tiền để xây dựng các trạm xăng trên khắp đất nước.
Hầu hết đều là các sáng kiến của Đảng Dân Chủ, nhưng Đảng Cộng Hòa lại tham gia vào cuộc chơi. Vào đầu tháng Sáu, Thượng viện đã thông qua với tỷ lệ 68-32 điều mà CNBC gọi là “một trong những dự luật công nghiệp (lưỡng đảng) lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ý tưởng là tung tiền cho các nhà chế tạo, các nhà sản xuất chất bán dẫn, các công ty công nghệ và khu liên hợp công nghiệp quân sự để cho phép Mỹ cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc. Giá của dự luật này là 250 tỷ USD.
Quốc hội và Tòa Bạch Ốc thực sự tin rằng các chính trị gia và các cơ quan chính phủ có thể điều phối vốn tốt hơn so với các thị trường tài chính và các công ty đầu tư mạo hiểm có trị giá hàng ngàn tỷ USD của chúng ta.
Ông Brian Deese, nhà kinh tế trưởng tại Tòa Bạch Ốc của TT Biden, gần đây đã giải thích lý do cho việc xây dựng chính sách trợ cấp doanh nghiệp mới này: “Ý tưởng về một nền kinh tế toàn cầu mở, thị trường tự do bỏ qua thực tế rằng Trung Quốc và các quốc gia khác đang chơi theo một bộ các quy tắc khác. Đầu tư công mang tính chiến lược (trợ cấp doanh nghiệp) để nuôi dưỡng và phát triển các ngành công nghiệp hàng đầu là một thực tế của nền kinh tế thế kỷ 21.”
Đó là một điều phi lý gây nguy hiểm. Nếu quý vị tin điều này, quý vị cũng có thể tin rằng ông Al Gore đã phát minh ra Internet. Và đâu là những chỗ mà chính phủ đã “đầu tư” vào trong hơn 20 năm qua mà đem lại lợi nhuận dương? Hệ thống tàu điện ngầm ở New York chăng?
Trở lại những năm 1970, lúc đó người ta sợ hãi rằng chính sách công nghiệp của Nhật Bản, Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế, có thể để Nhật Bản vượt qua công nghệ của Hoa Kỳ. Những người theo chủ nghĩa tự do thì cho rằng chúng ta nên bắt chước các chính sách thực hành của Đất nước Mặt trời mọc. Thay vào đó, Tổng thống (TT) Ronald Reagan đắc cử đã cắt giảm thuế đầu tư và cắt giảm chi tiêu của chính phủ, và kể từ đó, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tăng nhanh gấp 3 lần so với Nhật Bản. Điều này hầu như đều do khu vực tư nhân thúc đẩy, với hàng chục ngàn tỷ USD của cải được tạo ra từ cuộc cách mạng đổi mới và sáng tạo ở những nơi như Thung lũng Silicon.
Thương vụ mạo hiểm lớn gần nhất của chính phủ “hợp tác” với ngành công nghiệp tư nhân diễn ra vào những năm thời TT Obama, kế hoạch kích thích kinh tế ngàn tỷ USD năm 2009 của ông ta đã lãng phí hàng chục tỷ USD cho hơn một chục công ty hiện đã phá sản như Solyndra.
Nhiệm vụ giữ cho nước Mỹ thống trị trong các ngành công nghiệp của thế kỷ 21 về robot, kỹ thuật sinh học, chế tạo, công nghệ 5G, hình ảnh 3D, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dầu đá phiến, nhà máy điện vi nguyên tử, v.v. là đáng trân trọng. Nhưng các phát minh và đổi mới hầu như không bao giờ đến từ phía chính phủ; và khi nó đến từ phía chính phủ, thì họ thường cử các công ty theo đuổi viển vông [những dự án] để kiếm chác tiền “miễn phí” của chính phủ thay vì bán cho các nhà tư bản tư nhân mô hình kinh doanh họ sáng tạo ra. Chiến dịch Thần tốc (Operation Warp Speed) không phải là một chương trình do chính phủ khởi xướng mà là một sự bãi bỏ quy định để có được vaccine cho mọi người trong giới hạn thời gian kỷ lục.
Nếu chúng ta muốn đầu tư nhiều hơn, thì logic trong kế hoạch của ông Biden là gì khi tăng thuế đối với vốn đầu tư tư nhân—thông qua nâng cao thêm mức thuế suất đối với thu nhập cá nhân, thu nhập từ vốn, cũng như cổ tức và thu nhập doanh nghiệp? Những điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn vốn cho các dự án tư nhân và khiến các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp Hoa Kỳ kém hấp dẫn hơn về lợi tức sau thuế so với đầu tư vào các quốc gia khác—chẳng hạn như Trung Quốc.
Điều ngốc nghếch nhất là trong khi Quốc hội rót hàng nghìn tỷ USD vào các chương trình trợ cấp doanh nghiệp mới, thì giờ đây chúng ta có các dự luật được lưỡng đảng chấp thuận để phá vỡ các đại công ty công nghệ “độc quyền,” bao gồm Amazon, Apple, Facebook và Google. Các công ty này có vốn hóa thị trường hơn 6 ngàn tỷ USD, sử dụng hàng trăm ngàn nhân công Hoa Kỳ và được cho là làm nhiều việc để thúc đẩy sự đổi mới của Hoa Kỳ hơn tất cả các chương trình của chính phủ trong lịch sử của Hoa Kỳ.
Ông Deese đã nhầm to. Trung Quốc và hệ thống kinh tế cộng sản của nước này sẽ không thể vượt qua Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 trừ khi chúng ta quá khờ khạo để đánh thuế chính các công ty thành công của mình, chia nhỏ chúng nếu chúng “quá thành công” và phá hủy ngành năng lượng nội địa của chúng ta. Nếu các chính trị gia quyết định số tiền đầu tư sẽ đi đâu, chúng ta sẽ sớm phải trả giá cho hàng trăm công ty Solyndras bị phá sản và vị trí lãnh đạo công nghệ của chúng ta thực sự sẽ lâm vào tình thế hiểm nguy. So với Trung Quốc, Hoa Thịnh Đốn hiện là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ.
Tác giả Stephen Moore là một ký giả kinh tế, tác gia và nhà bình luận. Cuốn sách mới nhất trong số nhiều cuốn sách mà ông đồng tác giả là “Trumponomics: Inside the America First Plan to Revive Our Economy.” Hiện nay, ông Moore cũng là nhà kinh tế trưởng của Viện Cơ hội và Tự do Kinh tế.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Stephen Moore thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: