Sự thống khổ hóa ra là để hoàn trả tội nghiệp
Vào thời Tây Hán, Viên Áng giết chết Triều Thác. Vì để báo thù, Triều Thác đã hóa thành một cái mụn độc. Ác duyên giữa hai người kéo dài đến tận triều đại nhà Đường, là ai đã giúp họ hóa giải túc oán kéo dài cả ngàn năm này? Có một vị đạo sĩ trên chân mọc một cục mụn độc, khiến ông thường xuyên đau đớn tột độ. Đằng sau những nỗi thống khổ đó đều có những câu chuyện riêng và quá khứ mà mỗi người phải đối mặt.
Viên Áng và Triều Thác bất hòa, mối hận kéo dài cả mấy trăm năm
Vào thời Tây Hán, đại thần Viên Áng và Triều Thác làm quan cùng triều, Triều Thác được Hán Cảnh Đế trọng dụng bởi tài năng chính trị, tài hoa và sự ngay thẳng chính trực; Viên Áng thì dũng cảm, lại có tri thức, ông nổi tiếng khắp triều đình bởi sự thẳng thắn dám can gián, những lời can gián của ông rất được Hán Văn Đế xem trọng, cũng chính bởi vì điều này mà qua hai triều Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế, ông có không ít kẻ đối địch ở trong triều.
Viên Áng và Triều Thác vốn luôn bất hòa, chỉ cần Triều Thác vừa tiến vào thì Viên Áng ngay lập tức đi ra; Viên Áng vừa ngồi xuống thì Triều Thác lập tức rời đi. Hai vị đại thần này chưa bao giờ cùng ngồi lại nói chuyện với nhau.
Lúc Hán Cảnh Đế mới kế vị, Triều Thác đảm nhiệm chức Ngự sử đại phu, ông điều tra ra sự việc Viên Áng nhận tài vật của Ngô Vương Lưu Tị, luận tội xử phạt, Hán Cảnh Đế do đó đã hạ lệnh giáng Viên Áng xuống làm thường dân.
Về sau Triều Thác đề xuất chính sách “tước phiên” (tức giảm quyền lực, phong điền của các nước chư hầu), Hán Cảnh Đế thông qua kiến nghị này của Triều Thác, điều này đã dấy lên cuộc nổi loạn của 7 nước. Hán Cảnh Đế vì chuyện này mà điêu đứng, lúc này Viên Áng đề xuất trảm Triều Thác, có thể khiến nước Ngô bãi binh. Kết quả Triều Thác bị trảm ngang lưng ngay tại pháp trường ở thành Trường An.
Ân oán giữa Viên Áng và Triều Thác vẫn chưa kết thúc ở đây. Trong những ghi chép khác, mấy trăm năm sau khi Triều Thác qua đời, câu chuyện này vẫn còn tiếp tục.
Tôn giả ban pháp thủy, kết thúc ân oán kéo dài cả ngàn năm.
Từ Bi Thủy Sám Pháp ghi chép lại rằng, tăng nhân Ngộ Đạt có đạo hạnh cao thâm, Đường Ý Tông do đó rất trọng đãi ông, và phong ông làm quốc sư. Một ngày nọ, trên đầu gối của quốc sư mọc lên một mụn độc hình mặt người rất kì lạ, có đầy đủ mắt mũi miệng. Mụn độc mỗi ngày đều đòi hỏi thức ăn nước uống. Ngộ Đạt quốc sư thống khổ vô cùng, bèn mời rất nhiều danh y đến chữa trị nhưng đều bất lực.
Một ngày kia, Ngộ Đạt chợt nhớ ra rằng trước đây ông có chăm sóc cho một vị tăng nhân người Ấn Độ (tôn giả Ca-nặc-ca), trước khi rời đi đã nói với Ngộ Đạt rằng, sau này nếu gặp phải tai nạn gì, thì hãy đến núi Cửu Lũng, Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên để tìm ông. Nhờ chuyến đi này, Ngộ Đạt quốc sư biết được rằng đời trước của mình thì ra chính là Viên Áng thời Tây Hán, còn cái mụn độc mặt người kia chính là Triều Thác vậy.
Hai người này vào thời Tây Hán đã kết oán duyên. Triều Thác sau khi bị giết chết, liên tiếp mấy đời đều muốn tìm Viên Áng để báo thù, tuy nhiên Viên Áng 10 kiếp đều chuyển sinh làm cao tăng, hơn nữa còn là một vị cao tăng nghiêm trì giới luật. Triều Thác đợi chờ khổ sở suốt 10 kiếp, cho đến khi Ngộ Đạt được Hoàng Đế sủng ngộ thì tâm danh lợi nổi lên, đức hạnh suy giảm, do đó mà bị báo thù. May mắn thay ông được tôn giả Ca-nặc-ca từ bi ban cho tam muội pháp thủy, mụn độc mặt người (Triều Thác) được rửa sạch tội nghiệp trong nhiều đời, siêu độ giải thoát, nhờ đó túc oán giữa hai người được hóa giải, kết thúc mối oán duyên kéo dài cả ngàn năm này.
Sự thống khổ của đạo sĩ hóa ra là để hoàn trả tội nghiệp
Một câu chuyện tương tự khác, ở Thần Lạc Quán thuộc tỉnh Kim Lăng có vị đạo sĩ họ Lục, năm 17 tuổi trong một lần cãi vã đã sẩy tay đánh chết một lão bộc, sau đó lại phóng hỏa tiêu hủy chứng cứ, vì vậy mà không một ai biết về tội lỗi này của ông ta.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau, trên chân của Lục đạo sĩ mọc lên một cục mụn độc, hình dáng của nó giống hệt một cái miệng người, mụn độc này có lưỡi, lại còn có thể nói chuyện. Mụn độc nói: “Ta chính là người nô bộc đã bị ngươi hại chết đây”.
Mụn độc yêu cầu đạo sĩ cung cấp đồ ăn thức uống. Đạo sĩ đút mỡ cho nó, nó đều có thể ăn. Chỉ cần nó vừa mở miệng thì đạo sĩ liền đau đớn khôn thấu, đau đến chết đi sống lại, sau khi được đút ăn xong thì mụn độc mới ngậm miệng lại, lúc này đạo sĩ cũng không đau nữa, nhưng máu mủ vẫn chảy không ngừng, mỗi ngày 1 hoặc 2 lần như vậy, thống khổ vô cùng, sau mỗi lần cho mục độc uống rượu thì xung quanh miệng nó đều nổi đỏ.
Cứ như vậy suốt hơn một năm, có thể là vì tội nghiệp của Lục đạo sĩ đã hoàn trả sắp xong, một ngày nọ mụn độc đột nhiên nói rằng: “Ta phải đi nơi khác rồi, mối thù với ngươi đã giải quyết xong. Ngày mai ngươi xuống núi, nếu gặp một người tiều phu thì có thể nhờ người đó giúp chữa trị” .
Lục đạo sĩ ghi nhớ lời mụn độc, trên đường xuống núi quả nhiên gặp một người tiều phu, ông khẩn cầu người này chữa trị mụn độc cho mình. Tiều phu nghiêm giọng nói: “Nghiệt súc, ngươi còn dám nhắc đến ta sao? Vào lúc nửa đêm sẽ đến trị ngươi”, lời vừa dứt thì người cũng biến mất..
Đêm hôm đó, Lục đạo sĩ nằm mộng thấy Thần Kim Giáp đến phòng ngủ của ông và nói: “Thuốc ở trên bàn, hãy sắc lấy nước uống. Chắt lấy cặn thuốc, tay trái nắm cặn thuốc ra ngoài cổng rồi đi về phía Tây, gặp một người phụ nữ đang hất nước thì nhanh chóng bỏ cặn thuốc trên đường rồi quay trở về” .
Ngày hôm sau, Lục đạo sĩ thức dậy, trông thấy trên bàn quả thật có đặt một vật, trông giống như một nắm tóc, không rõ là chuyện gì. Ông làm theo lời của Thần đã nói trong giấc mộng, ra khỏi cổng đi đến ngôi nhà thứ 20, quả nhiên trông thấy một người phụ nữ, ông liền lập tức vứt bỏ cặn thuốc rồi quay trở về nhà, không lâu sau thì mụn độc được chữa khỏi.
(Theo “Sử Ký” – quyển 101, “Từ bi đạo tràng thủy sám tự”, “Cô thặng” – quyển 2)
Do Đỗ Nhược thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: