Sự thông đồng giữa Wall Street và Trung Cộng có thúc đẩy giao dịch chứng khoán của Trung Quốc ở Hoa Kỳ không?
SEC cảnh báo một lần nữa rằng cổ phiếu Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết nếu họ từ chối kiểm toán
Trong khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Hoa Kỳ (SEC) tiếp tục báo hiệu về các tiêu chuẩn kiểm toán chặt chẽ hơn đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, Trung Cộng đã gặp riêng với các công ty Wall Street để lập ra các quỹ đầu tư tương hỗ do Wall Street sở hữu hoàn toàn tại thị trường vốn Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng Wall Street sẽ vẫn là bên trung gian giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khi mà tiềm năng về lợi nhuận vẫn còn đó.
Hôm 22/09, công ty đầu tư Neuberger Berman ở Wall Street đã chính thức được Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) chấp thuận để trở thành quỹ tương hỗ thứ ba thuộc sở hữu hoàn toàn của ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc cùng với BlackRock và Fidelity.
Thỏa thuận này đã được Trung Cộng hứa hẹn trong một Hội nghị Bàn tròn Tài chính – Mỹ-Trung (CUFR) được tổ chức trực tuyến với các giám đốc điều hành Wall Street hôm 16/09. Trước cuộc họp đó, Chủ tịch SEC Gary Gensler đã viết trên tờ Wall Street Journal hôm 13/09 rằng “SEC có thể cần phải cấm giao dịch (chứng khoán) của khoảng 270 công ty có liên quan đến Trung Quốc vào đầu năm 2024” nếu chính quyền Hoa Kỳ không được phép kiểm toán các công ty kiểm toán Trung Quốc.
Ông Gensler đã đưa ra các cảnh báo tương tự hôm 30/07 và 18/08, sau khi SEC triển khai Đạo luật Trách nhiệm Giải trình của các Công ty Ngoại quốc, có hiệu lực hôm 18/12/2020. Luật này cấm một công ty giao dịch cổ phiếu của mình trừ khi Hội đồng Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) được tạo điều kiện để giám sát các hoạt động kiểm toán của công ty đó. Sau 3 năm không tuân thủ, luật yêu cầu các sàn giao dịch của Hoa Kỳ hủy niêm yết cổ phiếu của công ty đó.
Ông Mike Sun, một cố vấn đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng Hội nghị Bàn tròn Tài chính Mỹ-Trung là một hành động cấu kết giữa Bắc Kinh và Wall Street. Ông nói, tiền vốn đầu tư thì luôn tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt là ở nền kinh tế tự do, và những thành viên ở Wall Street chắc chắn sẽ đóng vai trò là người trung gian vì lợi ích của chính họ.
Ông Frank Xie, một giáo sư của Trường Kinh doanh thuộc Đại học North Carolina, cũng nhận xét tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Xie cho biết hội nghị bàn tròn riêng nói trên không phải là lần đầu tiên các nhà điều hành Wall Street và các nhà quản lý Trung Cộng bị cáo buộc thông đồng với nhau. Ông nói rằng Wall Street đã hỗ trợ tài chính cho Trung Cộng trong nhiều năm và bao che cho họ ở phương Tây.
Trung Cộng mở rộng quỹ tương hỗ do ngoại quốc sở hữu
Năm nay đánh dấu sự khởi đầu của những nỗ lực của Trung Cộng nhằm đẩy nhanh việc phê duyệt các đơn đăng ký của các quỹ tương hỗ hoàn toàn thuộc sở hữu ngoại quốc. Trước thương vụ của Neuberger Berman, CSRC của Trung Quốc đã phê duyệt [đơn đăng ký] cho BlackRock hôm 18/06 và cho Fidelity hôm 06/08 ,và đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Việc mở cửa này là một phần của thỏa thuận thương mại được thực hiện với Hoa Thịnh Đốn vào đầu năm 2020. Trang web CSRC tiết lộ thêm một số công ty đầu tư của Hoa Kỳ có đơn đăng ký đang chờ xử lý. Trong số đó có VanEck, Alliance Bernstein và Schroders. JP Morgan Asset Management, một công ty con của JP Morgan, cũng được phép tăng cổ phần trong công ty liên doanh của mình để đạt được tỷ lệ sở hữu cổ phần hoàn toàn.
Ông Patrick Liu, người phụ trách thị trường Trung Quốc của Neuberger Berman, cho biết việc trở thành một trong những công ty quỹ tương hỗ nước ngoài đầu tiên bắt đầu kinh doanh tại Trung Quốc là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc của họ. Ông nói rằng bất kỳ công ty quản lý tài sản toàn cầu nào cũng không nên bỏ qua những cơ hội to lớn mà thị trường Trung Quốc mang lại.
Neuberger Berman hiện quản lý khối tài sản hơn 433 tỷ USD. Kể từ năm 2008, công ty đã tham gia vào nhiều quỹ đầu tư tư nhân hạn chế, dịch vụ tư vấn đầu tư, và kinh doanh thí điểm dưới dạng Công ty Hợp danh Hữu hạn Trong nước Đủ điều kiện ở Trung Quốc.
Hội nghị bàn tròn tài chính Mỹ- Trung
35 bên tham gia hội nghị CUFR kín lần thứ năm hôm 16/09 bao gồm các quan chức quản lý hàng đầu của Trung Quốc, chẳng hạn như ông Fang Xinghai, phó chủ tịch CSRC; ông Yi Gang, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc; ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc; và các nhà lãnh đạo của các công ty hàng đầu Wall Street như Goldman Sachs, BlackRock, Fidelity, Blackstone và Citadel, quỹ đầu cơ lớn thứ ba ở Wall Street.
Ông Mike Sun cho biết các đại gia Wall Street đã khao khát thị trường tài chính Trung Quốc hơn 30 năm qua, và Trung Cộng đã sử dụng thị trường tài chính trị giá hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc làm mồi nhử để khiến Wall Street hoạt động như một trung gian với chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Sun tin rằng Bắc Kinh không nghĩ rằng việc SEC tăng cường quy định đối với chứng khoán Trung Quốc có nghĩa là họ sẽ bị loại ra khỏi thị trường và rằng SEC chỉ hành động theo luật và quy định của Hoa Kỳ để bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Nhưng đối với các vấn đề như an ninh thông tin, mà Bắc Kinh coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ, thì Trung Cộng sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
Truyền thông Trung Quốc không đưa tin về cuộc họp CUFR kín kéo dài 3 tiếng rưỡi.
Ông Sun tin rằng thông điệp của Bắc Kinh là ủng hộ việc chứng khoán Trung Quốc được niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ nhưng nằm trong tầm kiểm soát của họ. Dựa trên sự chấp thuận của mình, Bắc Kinh sẽ quyết định niêm yết trong nước hay ở ngoại quốc, bao gồm cả ở Hồng Kông.
Ông nói rằng các đại gia ở Wall Street sẽ đóng vai trò như người trung gian vì lợi ích của chính họ và các công ty kế toán quốc tế, dẫn đầu là 4 công ty kế toán lớn (“Big Four”), cũng sẽ đóng một vai trò nào đó.
Ông Frank Xie cũng tin rằng các ngân hàng đầu tư lớn ở Wall Street đã hoạt động như những người vận động hành lang cho Trung Cộng. Ông cáo buộc rằng một số công ty kế toán lớn của phương Tây đã cố tình làm ngơ trước việc hạch toán sai và bóp méo sự thật của Trung Cộng.
Hoa Kỳ thắt chặt quy định đối với chứng khoán Trung Quốc
Hôm 14/09, ông Gensler của SEC nhấn mạnh, “Cho dù ở California, Quần đảo Cayman hay Trung Quốc, tất cả các công ty đang tìm cách huy động tiền trên các thị trường vốn với tính thanh khoản cao và chuyên sâu của Hoa Kỳ nên tuân theo các quy tắc của Hoa Kỳ.”
PCAOB đã thông qua một khuôn khổ mới hôm 22/09 theo đó sẽ yêu cầu công bố thông tin nhiều hơn đối với các công ty đã sử dụng các công ty kiểm toán không phải của Hoa Kỳ để giúp PCAOB thực hiện Đạo luật Trách nhiệm Giải trình của Công ty Ngoại quốc. Khuôn khổ này sẽ có hiệu lực sau khi SEC phê duyệt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về Trung Quốc
Với sự đóng góp của Ellen Wang
Cathy Yin-Garton và Chánh Tín biên dịch sang tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: