Sự tham nhũng trong trung tâm phóng vệ tinh của ĐCSTQ cũng đáng được lưu tâm
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử của Đài Loan, hôm 09/01, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương (XSLC) ở phía tây nam Trung Quốc. Tuy nhiên, quỹ đạo của hỏa tiễn phóng vệ tinh này có biểu hiện bất thường khi nó bay qua vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, khiến đảo quốc này phải ban hành cảnh báo phòng không cấp quốc gia. Đồng thời, với việc Trung Quốc trấn áp Lực lượng Hỏa tiễn tham nhũng, nhiều nhân vật chủ chốt bị thanh trừng đã có kinh nghiệm làm việc hoặc có liên hệ với trung tâm phóng vệ tinh này, cơ quan đảm trách vụ phóng hỏa tiễn nói trên, cụ thể là Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương.
Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương (XSLC)
Dữ liệu công khai cho thấy có bốn trung tâm phóng vệ tinh ở Trung Quốc: Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương, Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên, và Trung tâm Phóng Vệ tinh Văn Xương (trực thuộc Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương).
Các cơ sở phóng vệ tinh này, từng là một cơ quan trực thuộc Tổng cục Vũ khí, được chuyển giao lại cho Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược sau cuộc cải tổ quân đội năm 2015, khi đó Tổng cục Vũ khí cũng được cơ cấu lại và trở thành Cục Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương.
Trong cuộc thanh trừng quân sự mới nhất hôm 29/12/2023, tất cả chín sĩ quan quốc phòng đều có dính líu đến tham nhũng liên quan đến trang thiết bị, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc.
Dựa trên con đường sự nghiệp của họ, nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm làm việc trong Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương và/hoặc các bộ phận về vũ khí.
Chẳng hạn như trường hợp của ông Lý Thượng Phúc, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc phòng năm 1982, ông Lý gia nhập XSLC, sau đó được thăng chức giám đốc (chỉ huy) của trung tâm này vào tháng 12/2003.
Ông đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Tổng cục Vũ khí năm 2013, được bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Tổng cục Vũ khí năm 2014, và đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương năm 2017.
Ông Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), một trong chín sĩ quan quân đội bị thanh trừng, là một ví dụ khác. Ông đã kế nhiệm ông Lý Thượng Phúc làm giám đốc (chỉ huy) Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương hồi năm 2013. Ông được thăng chức phó tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn năm 2016 và đảm nhận vai trò phó tham mưu trưởng Ban Tham mưu Liên quân của Quân ủy Trung ương hồi tháng 03/2022.
Đánh giá thông tin từ các vụ án chống tham nhũng trước đây, những quan chức bị điều tra nhìn chung bắt đầu tham nhũng khi còn đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong những năm đầu mới nhậm chức. Liên quan đến tham nhũng trong quân đội, đặc biệt liên quan đến việc tham nhũng thiết bị trong các hệ thống vệ tinh và hỏa tiễn, vốn có tầm quan trọng đáng kể, thì nhiều tình tiết mờ ám đằng sau đó vẫn chưa được hé lộ.
Và dĩ nhiên, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã kế thừa nạn tham nhũng từ các triều đại trước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bất chấp nỗ lực thanh trừng đáng kể và những đợt cải tổ quân đội trong năm 2015, cấu trúc độc tài không thay đổi trong ĐCSTQ này chỉ khiến nạn tham nhũng trong quân đội thậm chí còn trở nên mờ ám và bí mật hơn.
Các tướng lĩnh được ông Tập bổ nhiệm làm lãnh đạo dường như cũng đều có dính líu đến tham nhũng. Từ góc độ này, dù cho ông Tập có tự nhận mình là một người có lập trường chống tham nhũng mạnh mẽ, thì ông cũng chỉ là đang mở rộng và tiếp tục tình trạng tham nhũng kế thừa từ các chính quyền trước đó mà thôi.
Ông Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị kết án tù chung thân hồi năm 2016 vì tội tham nhũng. Khi còn đương chức, ông chịu trách nhiệm giám sát cả Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Vũ khí. Gia đình ông Quách và những cá nhân có quan hệ mật thiết với ông cũng tham gia vào hoạt động buôn lậu hàng hóa quân sự và tham gia vào các hoạt động tham nhũng để kiếm tiền tích của. Việc tham nhũng trong lĩnh vực thiết bị vệ tinh và hỏa tiễn, dưới quyền quản lý của ông Quách, là không thể tránh khỏi.
Ông Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng), con trai của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người được mệnh danh là người cai trị chế độ tham nhũng nhất Trung Quốc, đã tham gia vào hoạt động phát triển vệ tinh của Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước đó của ông với tư cách là phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ông từng là phó tổng tư lệnh Chương trình Không gian có Người lái của Trung Quốc và phó tổng tư lệnh sứ mệnh Thần Châu 5. Ông có liên hệ chặt chẽ với XSLC. Theo trang web chính thức của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ngày 24/09/2011, ông Giang Miên Hằng đã đến thăm XSLC và tổ chức nhiều cuộc gặp với các quan chức của trung tâm này cũng như của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc.
Khi tình trạng quan chức tham nhũng tranh nhau nhận tội và chỉ điểm lẫn nhau tiếp tục diễn ra, có thể sẽ có thêm nhiều tướng lĩnh bị liên lụy. Tuy nhiên, ông Tập có thể chọn cách giữ kín những thông tin như vậy để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times