Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank là hậu quả trực tiếp của chính sách tiền tệ nới lỏng
Vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử gần đây sau vụ đóng cửa Lehman Brothers vào năm 2007 lẽ ra đã có thể được ngăn chặn. Giờ đây, tác động đã là quá lớn, và rủi ro lây lan rất khó để đo lường.
Vụ sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) là một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng theo kiểu kinh điển do một sự kiện thanh khoản tạo ra, nhưng bài học quan trọng cho mọi người là mức độ thua lỗ chưa thực hiện và lỗ hổng tài chính quá lớn trong các tài khoản của ngân hàng này lẽ ra đã không tồn tại nếu không phải vì chính sách tiền tệ vô cùng nới lỏng. Hãy để chúng tôi giải thích tại sao.
Theo số liệu chính thức của ngân hàng này, tính đến ngày 31/12/2022, Silicon Valley Bank có tổng tài sản khoảng 209.0 tỷ USD và tổng số tiền gửi khoảng 175.4 tỷ USD. Các cổ đông hàng đầu của ngân hàng này là Vanguard Group (11.3%), BlackRock (8.1%), StateStreet (5.2%), và quỹ hưu trí Thụy Điển Alecta (4.5%).
Sự tăng trưởng và thành công đáng kinh ngạc của SVB đã không thể xảy ra nếu không có các mức lãi suất âm, chính sách tiền tệ vô cùng nới lỏng, và bong bóng công nghệ bùng nổ trong năm 2022. Hơn nữa, sự kiện thanh khoản của ngân hàng này có lẽ đã không thể xảy ra nếu không có các chính sách tiền tệ và quy định khuyến khích tích lũy nợ quốc gia và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp.
Cơ sở tài sản của SVB giống như ví dụ rõ ràng nhất về câu thần chú cũ: “Đừng chống lại Fed.” SVB đã phạm một sai lầm lớn: Họ đã làm theo đúng các ưu đãi có được nhờ chính sách tiền tệ và quy định nới lỏng.
Điều gì đã xảy ra vào năm 2021? Sự thành công vang dội, mà thật không may, cũng là bước đầu tiên dẫn đến sự sụp đổ này. Cùng với sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ, lượng tiền gửi vào ngân hàng này đã tăng gần gấp đôi. Mọi người đều muốn là một phần của mô hình công nghệ mới không thể tránh khỏi này. Tài sản của SVB cũng đã tăng lên gần gấp đôi.
Các tài sản của ngân hàng này đã tăng về mặt giá trị. Hơn 40% lượng tài sản là công khố phiếu dài hạn và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS). Phần còn lại là các khoản đầu tư vốn mạo hiểm và công nghệ mới dường như đã chiếm lĩnh thế giới.
Hầu hết các trái phiếu và chứng khoán “rủi ro thấp” đó đều đã được giữ đến ngày đáo hạn. Họ đang tuân theo quy tắc chủ đạo: tài sản có rủi ro thấp để cân bằng rủi ro trong các khoản đầu tư vốn mạo hiểm. Khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, những người điều hành SVB hẳn đã sững sờ.
Toàn bộ cơ sở tài sản của SVB đã dựa trên một phe đặt cược duy nhất: lãi suất thấp và nới lỏng định lượng trong thời gian dài hơn. Định giá công nghệ đã tăng vọt trong thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, và cách tốt nhất để “phòng ngừa” rủi ro đó là bằng công khố phiếu và MBS. Việc gì họ lại đặt cược vào bất cứ thứ gì khác chứ? Những công cụ phòng ngừa rủi ro này của họ chính là những gì mà Fed đã mua vào hàng tỷ USD mỗi tháng, những thứ này đã là những tài sản có rủi ro thấp nhất theo mọi quy định, còn lạm phát, theo Fed và tất cả các nhà kinh tế chính thống, thì chỉ là “nhất thời”, một giai thoại ngớ ngẩn về hiệu ứng cơ sở (“base effect”, tức là khi tính lạm phát CPI bằng tỷ lệ giá tháng này trên giá tháng trước — thì khi tháng được chọn làm cơ sở tính toán vốn dĩ đã có giá cả tăng cao, thì người ta sẽ có cảm giác tỷ lệ lạm phát đã được giảm xuống, trong khi trên thực tế thì không phải như vậy). Vậy còn lo gì nữa?
Lạm phát không phải là nhất thời và tiền tệ nới lỏng không phải là mãi mãi.
Các đợt tăng lãi suất đã diễn ra. Và chúng đã khiến ngân hàng này, gánh chịu các khoản lỗ lớn ở khắp mọi nẻo. Tạm biệt với giá trái phiếu và MBS. Tạm biệt định giá theo “mô hình mới” cho công nghệ. Và xin chào sự hoảng loạn. Đã có một đợt rút tiền hàng loạt mạnh mẽ theo kiểu xưa cũ, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của cổ phiếu SVB hồi tháng Một. Khoản lỗ chưa thực hiện 15 tỷ USD theo giá thị trường chiếm gần 100% vốn hóa thị trường của ngân hàng này. Kết quả là một vụ sụp đổ.
Và theo lời thoại của một tập phim hoạt hình “South Park”: “… Vààà nó biến mất.” SVB đã cho thấy vốn của một ngân hàng có thể tan biến nhanh chóng như thế nào trước mắt chúng ta.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) sẽ vào cuộc, nhưng sự can thiệp đó sẽ là không đủ, bởi vì chỉ có 3% các khoản tiền gửi tại SVB là dưới 250,000 USD. Theo Tạp chí Time, hơn 85% các khoản tiền gửi tại Silicon Valley Bank không được bảo hiểm.
Tệ hơn nữa, theo Bloomberg, một phần ba các khoản tiền gửi của Hoa Kỳ nằm ở các ngân hàng nhỏ và khoảng một nửa là không được bảo hiểm. Những người gửi tiền tại SVB có thể sẽ mất phần lớn số tiền của họ, và điều này cũng sẽ tạo ra sự bất ổn lớn ở các tổ chức khác.
SVB là một ví dụ điển hình của việc quản trị ngân hàng theo lý thuyết. Ngân hàng này tuân theo một chính sách bảo thủ là bổ sung các tài sản an toàn nhất — tín phiếu Ngân khố kỳ hạn dài — khi tiền gửi tăng vọt.
SVB đã làm chính xác những gì mà chính những người đã quy cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009 cho “việc gỡ bỏ quy định” đã khuyến nghị. SVB là một ngân hàng nhàm chán và bảo thủ vốn đã đầu tư số tiền gửi ngày càng tăng vào trái phiếu chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, và từng tin rằng lạm phát chỉ là nhất thời như tất cả mọi người — ngoại trừ chúng ta, thiểu số điên rồ — đã nói ra rả hết lần này đến lần khác.
SVB không làm gì khác ngoài việc tuân theo các khuyến khích về chính sách tiền tệ và quy định cũng như các khuyến nghị của các nhà kinh tế tuân theo trường phái Keynes từng li từng tí. SVB là mẫu mực của lối suy nghĩ kinh tế chính thống. Và sự chính thống đã hủy hoại ngôi sao công nghệ này.
Giờ đây, nhiều người sẽ đổ lỗi cho lòng tham, cho chủ nghĩa tư bản, và tình trạng thiếu quy định — nhưng hãy đoán xem? Nhiều quy định hơn có lẽ cũng không làm được gì vì quy định và ưu đãi chính sách đang làm tăng thêm số lượng những tài sản “rủi ro thấp” này. Hơn nữa, quy định và chính sách tiền tệ trực tiếp chịu trách nhiệm cho bong bóng công nghệ. Định giá ngày càng cao của lĩnh vực công nghệ không thể sinh lời và dòng vốn được cho là không tránh khỏi để tài trợ cho đổi mới và các khoản đầu tư xanh lẽ ra sẽ không bao giờ xảy ra nếu không có lãi suất thực âm và những lần bơm thanh khoản lớn. Đối với trường hợp của SVB, mức tăng trưởng ấn tượng của ngân hàng này hồi năm 2021 là một hệ quả trực tiếp của chính sách tiền tệ thiếu thận trọng được thực hiện trong năm 2020, khi các ngân hàng trung ương lớn đã tăng các bảng cân đối kế toán của họ lên 20 ngàn tỷ USD như thể không có chuyện gì có thể xảy ra.
SVB là một nạn nhân của luận điệu cho rằng việc in tiền không gây ra lạm phát và có thể tiếp tục mãi mãi. Ngân hàng này hết lòng hùa theo, và giờ đây thì họ đã kết thúc.
SVB đã đầu tư vào toàn bộ sự ảo tưởng về mọi thứ: trái phiếu chính phủ, MBS, và công nghệ. Họ làm điều đó vì họ ngu ngốc hay liều lĩnh? Không. Họ làm như vậy vì họ nhận định rằng những tài sản đó có rủi ro rất thấp hoặc không có rủi ro. Chẳng có ngân hàng nào tích lũy rủi ro vì một loại tài sản mà họ tin là có rủi ro cao. Cách duy nhất mà một ngân hàng tích lũy rủi ro là khi ngân hàng ấy nhận thấy rằng không có rủi ro. Tại sao họ lại nhận thức như thế? Bởi vì chính phủ, các cơ quan quản lý, ngân hàng trung ương, và các chuyên gia nói với họ như vậy. Vậy ai sẽ là nạn nhân tiếp theo đây?
Nhiều người sẽ đổ lỗi cho mọi thứ ngoại trừ những động cơ sai lầm và các bong bóng do chính sách tiền tệ và quy định tạo ra, và sẽ yêu cầu cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng để giải quyết vấn đề này. Biện pháp đó sẽ chỉ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Quý vị không giải quyết các hậu quả của một bong bóng bằng nhiều bong bóng hơn.
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank nêu bật mức độ nghiêm trọng của vấn đề tích lũy rủi ro do nghị trình chính trị. SVB không sụp đổ do quản lý thiếu thận trọng mà là vì ngân hàng này đã làm đúng những gì mà những người theo chủ nghĩa Keynes và những người theo chủ nghĩa can thiệp tiền tệ đã muốn họ làm. Chúc mừng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times