Sự nguy hại của tâm đố kỵ
Xưa kia, có hai anh em nọ rất sùng tín Phật môn, cả hai đều xuất gia tu Đạo. Người anh tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu thì đắc được quả vị La Hán. Người em cũng là một người có tư chất thông tuệ, học vấn uyên thâm, lại giỏi tụng đọc Kinh điển, về sau được Tể tướng thỉnh mời làm thầy dạy, người đương thời gọi ông là “Tam Tạng pháp sư”.
Tể tướng rất sùng kính Phật môn, do đó thường hay quyên tặng rất nhiều tiền tài cho Tam Tạng pháp sư, qua đó nhờ pháp sư xây dựng chùa tháp và tăng phòng. Không lâu sau đã xây dựng được một tự viện trang nghiêm đồ sộ. Tể tướng trông thấy vẻ trang nghiêm hùng vĩ của tự viện này thì càng thêm tin tưởng, tôn kính và thường xuyên cung dưỡng pháp sư, chưa bao giờ lơ là chểnh mảng. Tam Tạng thấy Tể tướng có tấm lòng rộng mở như vậy, trong lòng thầm nghĩ: “Tự viện đã xây xong, cần sắp xếp tăng chúng vào ở. Ta nên nói Tể tướng thỉnh mời anh trai của ta vào ở”, ông liền đem suy nghĩ trong lòng mình nói lại với Tể tướng.
Tể tướng nghe xong thì đáp rằng: “Pháp sư đã có lời thỉnh mời, phàm là tăng nhân thì tôi đều không dám từ chối, huống là huynh trưởng của ngài”. Nói rồi ngay lập tức phái người đi thỉnh mời. Sau khi anh trai của pháp sư đến, Tể tướng trông thấy ngài ấy tinh tấn siêng năng, dụng tâm tu hành, thì trong lòng dấy lên sự kính ngưỡng, vì vậy càng thêm cung kính cúng dường ngài ấy.
Có một lần, Tể tướng tặng anh trai của pháp sư một tấm vải thượng hạng giá trị vô cùng lớn. Người anh trai một lòng tinh tấn tu hành, nên không hề có một chút tham luyến gì đối với bất kể tài vật nào, do đó đã kiên quyết từ chối. Tể tướng trong lòng tràn đầy sự tôn kính dành cho người anh, do đó mà hết lòng khuyên ngài ấy nhận. Người anh trai của pháp sư không còn cách nào khác, lại không thể từ chối quá tuyệt tình, đành miễn cưỡng nhận lấy. Người anh nghĩ “Em trai ta đang bắt tay vào việc xây dựng, cần rất nhiều tài vật”, do đó đã chuyển giao tấm vải ấy cho em trai mình.
Không lâu sau, Tể tướng tặng cho Tam Tạng pháp sư một tấm vải thường. Mặc dù đây chỉ là một sự việc rất nhỏ, nhưng trong lòng pháp sư đã khởi lên tâm sân giận một cách sâu sắc, một ác niệm nhỏ vây lấy ông ấy. Vài ngày sau, Tể tướng lại đem một tấm vải thượng hạng giá trị vạn lượng tặng cho anh trai của pháp sư, lần này người anh lại chuyển giao tấm vải đó cho em trai mình, pháp sư thấy vậy thì trong lòng lại càng thêm đố kị không dứt.
Sau đó, pháp sư liền đem tấm vải thượng hạng kia đến nhà con gái của Tể tướng rồi nói rằng: “Phụ thân của cô là Tể tướng, lúc ban đầu rất kính trọng ta. Nhưng từ sau khi anh trai ta xuất hiện, không biết đã thi triển huyền thuật gì mê hoặc phụ thân của cô, khiến ông ấy hiện nay đối đãi với ta rất lạnh nhạt. Ta đưa tấm vải này cho cô, cô có thể đem nó đến trước mặt Tể tướng mà may y phục. Nếu Tể tướng có hỏi thì cô hãy trả lời như thế này: “Chính vị tăng nhân mà cha hằng tôn kính đã tặng cho con đó, Tể tướng nhất định sẽ nổi giận và không nói chuyện với anh trai của ta nữa” .
Con gái của tể tướng nói: “Phụ thân tôi trước nay luôn tôn kính và quý trọng tăng nhân, cớ sao lại phỉ báng ngài ấy như vậy?” Pháp sư nói: “Nếu cô không nghe theo lời ta, thì ta sẽ vĩnh viễn tuyệt giao với cô”. Con gái của Tể tướng thật lòng cảm thấy rất khó xử, không cách nào từ chối, đành đem tấm vải đó đến trước mặt phụ thân của mình mà may y phục.
Tể tướng nhìn tấm vải thì cảm thấy rất quen mắt, trong lòng nghĩ: “Tăng nhân kia (chỉ anh trai của pháp sư) quả thật là một kẻ đáng ghét, nhận đồ cúng dường của ta, lại lừa gạt mê hoặc con gái ta”. Vì thế mà lúc anh trai của pháp sư đến thăm hỏi thì Tể tướng không ra nghênh tiếp nữa, sắc mặt cũng trở nên rất khó coi.
Nhìn thấy sự thay đổi của Tể tướng, anh trai của pháp sư nghĩ thầm: “Nhất định là đã có người phỉ báng ta, khiến Tể tướng thay đổi thái độ ban đầu”. Vì vậy, ngài ấy bèn sử dụng thần thông bay lên không trung và thi triển rất nhiều phép thuật. Nhìn thấy những cảnh tượng thần kỳ này, Tể tướng vô cùng kính ngưỡng và thán phục, ngay lập tức cùng với vợ đảnh lễ sám hối với anh trai của pháp sư, so với trước đây thì càng thêm cung kính ngài ấy. Sau đó, Tể tướng biết được đầu đuôi toàn bộ sự việc, do đó đã trục xuất pháp sư cùng con gái ra khỏi đất nước.
Trong câu chuyện này, Tam Tạng pháp sư là một người học rộng tài cao, tinh thông Phật điển. Bản tính vốn lương thiện, nhưng lại bị lòng đố kỵ che mờ tâm trí, hủy hoại ân nghĩa tình thân, hủy hoại thành tựu bao năm tu hành, hủy hoại tất cả thanh danh. Động lực tu hành và thiện niệm của ông ấy cũng bởi do tâm đố kỵ này mà cũng trở nên yếu nhược.
Sự khao khát đối với danh vọng và sự tham luyến đối với tấm vải đã khiến tâm của ông ấy không cách nào dung chứa được sự kính trọng mà Tể tướng dành cho huynh trưởng của mình, lún sâu trong vọng niệm của bản thân mà không thoát ra được. Tâm đố kị có vẻ như vô hình nhưng nó có thể nuốt chửng tâm trí và thậm chí là mọi thành tựu của con người. Há chẳng đáng thận trọng sao.
(Theo Kinh Tạp Bảo Tạng, quyển 3)
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ